Mittwoch, 11. Juni 2014

Công đoàn độc lập là tuyệt đối cần


TPP
Công Đoàn phải thực sự bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 11 tháng 6, 2014
Mấy ngày gần đây ở trong nước có nhiều tiếng nói về nhu cầu thành lập công đoàn tự do và độc lập. Đây là thời điểm thuận lợi hơn trước vì quyền thành lập hay tham gia công đoàn tự do và độc lập đang là điều kiện tiên quyết để Việt Nam được gia nhập Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả, những người hoạt động công đoàn độc lập trong tương lai cần:
(1)    Đặt quyền và lợi ích của công nhân là trọng tâm duy nhất;
(2)    Chứng minh khả năng tổ chức công nhân;
(3)    Bảo vệ được thành viên;
(4)    Có đủ chuyên môn để đối tác với các công đoàn kỳ cựu và có ảnh hưởng trên thế giới.

Quyền và lợi ích của công nhân là trọng tâm duy nhất
Trở ngại lớn nhất của các tổ chức của người Việt trong lãnh vực công đoàn là bị quốc tế dị nghị về thực chất: công đoàn chỉ là bình phong cho chủ đích chính trị ngầm ẩn. Chính bởi vậy Solidarity Center, bộ phận quốc tế của tổ chức công đoàn lớn nhất Hoa Kỳ là AFL-CIO, trong bao năm đỡ đầu cho liên đoàn lao động độc lập của Miến Điện, nhưng tuyệt nhiên tránh né mọi quan hệ với các tổ chức lao động của người Việt. Đây cũng là thái độ của nhiều công đoàn quốc tế mà tôi tiếp xúc trong nhiều năm qua.
Sự dị nghị này có căn cứ vì đã từng có tổ chức mang danh nghĩa bảo vệ quyền lao động nhưng lại đứng tên chung với một số đảng chính trị trên các tờ bích chương về Hoàng Sa và Trường Sa dán lén ở đôi ba chỗ trong nước; hay kết hợp với các tổ chức chính trị để thực hiện chương trình “giao lưu trong ngoài” với người ở trong nước qua ngả Thái Lan; hay tuyên bố lấy công đoàn làm xúc tác cho sự thay đổi chế độ theo mô hình Ba Lan.


Khả năng tổ chức công nhân
Trong con mắt của các tổ chức công đoàn Hoa Kỳ, chưa một tổ chức nào của người Việt chứng minh được khả năng tổ chức công nhân trong hay ngoài nước. Thậm chí, có tổ chức đã đến Mã Lai để tập hợp người Việt lao động “xuất khẩu” nhưng chính thành viên của tổ chức đã bị chính quyền sở tại câu lưu và trục xuất. Nếu chưa đủ sức để hoạt động ở môi trường mở như Mã Lai, thì khó có thể hiệu quả ở môi trường đóng như Việt Nam. Những tổ chức công đoàn quốc tế rất tinh tường và bén nhậy trong nhận định và rất cẩn thận khi chọn đối tượng hợp tác.
Bảo vệ thành viên hoạt động
Một công đoàn phải chủ trương và chứng minh được khả năng bảo vệ thành viên hoạt động, một điều vừa thể hiện đạo đức vừa thể hiện nội lực. Nếu không bảo vệ được chính thành viên của mình thì chắc chắn không đủ sức để bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân nói chung. Cho đến nay chưa một tổ chức của người Việt hoạt động cho người lao động nào chứng minh được khả năng bảo vệ thành viên của mình.
Không những vậy, có tổ chức đã giao phó công tác nguy hiểm cho thành viên mà không hề chuẩn bị các biện pháp bảo vệ hay giải cứu. Năm 2009, đích thân tôi lập hồ sơ tị nạn cho một thành viên của một tổ chức hoạt động công đoàn. Hoạt động trong nước đã bại lộ nên người ấy phải lánh nạn ở Thái Lan. Nhưng chỉ ít lâu sau, người ấy xin rút hồ sơ tị nạn với lý do tổ chức chỉ thị phải quay về Việt Nam cho công tác thành lập phong trào lao động. Chẳng bao lâu người này bị bắt cùng với số nhân sự hợp tác. Tất cả đều đang ở tù.
Các tổ chức nhân quyền và công đoàn quốc tế luôn đặt nặng vấn đề đạo đức và khả năng bảo vệ thành viên. Tuy có thể không biết rõ nội tình như vừa kể, nhưng họ chỉ cần nhìn sự kiện là suy ra được bản chất.
Trình độ chuyên môn
Hoạt động công đoàn là một trong số các hoạt động xã hội dân sự lâu đời nhất cho nên cũng phát triển nhất về tính chuyên nghiệp. Người hoạt động công đoàn phải được đào tạo, không chỉ qua sách vở mà phải qua sự trầm mình trong phong trào công đoàn thế giới. Qua đó họ hiểu được các nguyên tắc về hoạt động công đoàn, nắm được các phương thức tổ chức và bảo vệ công nhân, và nối kết được với giới hoạt động công đoàn trên thế giới.
Một dấu hiệu rất rõ của tính thiếu chuyên môn là khi thành viên của tổ chức đội rất nhiều nón, nghĩa là cùng một người mà lại hoạt động trong nhiều lãnh vực qua nhiều tổ chức với nhiều mục tiêu khác nhau. Hoạt động trải rộng nên mong manh, tản mác và hời hợt. Nếu không may một trong các mục tiêu lại mang tính cách chính trị, thì lời nói hay việc làm dù của chỉ một người lại làm tăng sự dị nghị sẵn có đối với thực tâm và thực chất của toàn thể tổ chức mang danh nghĩa bảo vệ người lao động.
Trong tình trạng bị lánh xa bởi các công đoàn có uy tín thì thật khó cho thành viên của tổ chức tìm được cơ hội và môi trường để nâng cấp trình độ chuyên môn. Đây là vòng lẩn quẩn khó thoát ra.
Muốn thoát thì phải khởi sự từ đầu với một tổ chức không tì vết và thực sự vì quyền và lợi ích của người lao động. Tổ chức ấy phải tập trung phát triển khả năng tập hợp và tổ chức công nhân, chủ trương bảo vệ thành viên bằng mọi giá, và đào tạo nhân sự chuyên môn để đối tác với các công đoàn trong thế giới tự do. Tuy “vạn sự khởi đầu nan” nhưng như vậy mới tránh được những dị nghị hầu như vĩnh viễn không thể xoá bỏ.    
Sự dị nghị ấy chúng tôi đã trải qua khi vận động để các công đoàn lao động ở Hoa Kỳ cùng lên tiếng cho Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương. Họ đều tránh né vì quan ngại về những tổ chức tự nhận là đứng đằng sau những nhân sự này. Biết rằng cố gắng thêm cũng vô ích, đầu năm nay chúng tôi chuyển hướng: tập trung vào khía cạnh tù nhân lương tâm và tìm sự yểm trợ của Quốc Hội Hoa Kỳ. Đó là lý do mẹ của Đỗ Thị Minh Hạnh được sắp xếp điều trần ngày 16 tháng 1 vừa qua trước Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos của Hạ Viện Hoa Kỳ. Qua buổi điều trần ấy chúng tôi nối kết mật thiết hồ sơ Hạnh - Hùng – Chương với vấn đề TPP cho Việt Nam.
Do cùng mục đích đẩy lùi TPP cho Việt Nam và nhờ uy tín của một số dân biểu Hoa Kỳ ủng hộ Hạnh – Hùng – Chương, một số tổ chức công đoàn Hoa Kỳ bắt đầu nhìn nhận rằng ba nhân sự này thực tâm tranh đấu cho công nhân nên bị tù đày, mặc dù vẫn giữ nguyên thái độ dị nghị đối với các tổ chức người Việt liên đới. Kết quả là ngày càng thêm công đoàn Hoa Kỳ nêu hồ sơ của bộ ba này trong các cuộc vận động hậu trường về TPP. Sự nhập cuộc của các công đoàn này đang tạo một chuyển hướng trong chính giới Hoa Kỳ đối với Việt Nam: rõ ràng hơn, cứng rắn hơn, và dứt khoát hơn.
Chúng tôi không hoạt động công đoàn nhưng nghĩ rằng công đoàn độc lập là tuyệt đối cần thiết cho Việt Nam. Qua những chia sẻ kinh nghiệm, tôi cầu mong rằng các người lao động khốn khó ở Việt Nam sẽ thực sự được đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích bởi những công đoàn tự do và độc lập đúng nghĩa và thực sự của chính họ.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen