Larung Gar tức Lạc Nhược Hương, khu vực tu viện nổi tiếng của Tây Tạng đang bị chính quyền Bắc Kinh âm thầm giải tỏa.wikipedia
Trong bài phóng sự « Chính sách xe ủi đất tại Larung Gar », Le Monde cuối tuần cho biết từ đầu thập niên 80, các ni sư và người hành
hương đổ xô đi viếng tu viện Phật giáo Tây Tạng nổi tiếng trên vùng
núi cao ở Tứ Xuyên. Hiện tượng này khiến chính quyền Trung Quốc
không hài lòng. Từ một năm qua, Bắc Kinh âm thầm cho trục xuất cư
dân và cưỡng chế phá dỡ nhà cửa vùng này, nhân danh « các giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội ».
Larung Gar tức Lạc Nhược Hương trong chữ Hán, là hàng ngàn ngôi nhà
nhỏ bé làm bằng những thân gỗ tròn và xi-măng, sơn màu đỏ tía, gắn
chi chít vào sườn núi như những hàng ghế của rạp xiếc. Những khung
cửa sổ lớn chiếm lĩnh mặt tiền nhà, như những đôi mắt mở to quan
sát.
Khu vực tu viện Tây Tạng Lạc Nhược Hương nằm ở độ cao 4.200 mét,
nhìn xuống thung lũng Sertar, tỉnh Tứ Xuyên, sẽ không còn mang bộ
mặt xinh đẹp này bao lâu nữa. Sau nhiều năm tương đối nương tay,
nay chính quyền Trung Quốc muốn siết lại cộng đồng Phật giáo đông
đảo có 10.000 đến 20.000 thành viên. Và họ muốn hành động lặng lẽ
không nhân chứng, đặc biệt là người ngoại quốc.
Lệnh trục xuất đã được đưa ra, để giảm số cư dân xuống còn 5.000,
và quy hoạch lại toàn bộ khu tu viện hầu hết là người Tây Tạng.
Những cơ sở du lịch đang được xây dựng ở đồng bằng phía dưới. Việc
cưỡng chế cư dân và phá dỡ các ngôi nhà đã bắt đầu từ giữa năm
2016, một cách bí mật. Tổ chức phi chính phủ Free Tibet ước lượng
có khoảng 6.700 người đã bị cưỡng bức di dời, 1.500 căn nhà bị ủi
sập.
Sự hung hãn này nhắc nhở rằng các tôn giáo, chứ không chỉ Phật giáo
Tây Tạng, đã trở thành đáng ngờ dưới mắt ông Tập Cận Bình, vốn muốn
áp đặt « lòng ái quốc » và trung thành với « các giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội » - có nghĩa là với Đảng. Nhất là Lạc Nhược Hương có vẻ gây phiền
phức khi có ảnh hưởng đạo đức ngày càng rộng lớn tại vùng đất người
Tây Tạng đã từng xảy ra làn sóng phản kháng năm 2008, rồi 146 vụ tự
thiêu từ 2009 đến nay – mới nhất là một vụ ngày 18/03/2017.
Các đạo sư ở đây tuy vậy vẫn cố gắng giữ khoảng cách với Đạt Lai
Lạt Ma. Tu viện Lạc Nhược Hương nổi tiếng thuộc Ninh Mã phái
(Nyingma), một trong năm phái cổ xưa nhất của Phật giáo Tây Tạng,
và có nhiều học giả lỗi lạc.
Phóng viên Le Monde cho biết người ngoại quốc hầu như không thể lọt vào được khu vực
Lạc Nhược Hương : một trạm gác kiểm soát ngày đêm tất cả xe cộ đi
vào Sertar. Hoặc phải đợi lúc lính gác lơ đễnh, hoặc đi đường bộ
lên núi. Trong cuộc thâm nhập hồi tháng Hai, một bãi đất trống cho
thấy năm, sáu ngôi nhà mới bị phá dỡ ; xung quanh con đường dẫn lên
trung tâm, nhiều nhà bị ủi sập.
Nhà bị ủi sập, tăng ni phải đi học tập cải tạo
Theo Human Rights Watch, việc cưỡng chế ở Lạc Nhược Hương hết sức
độc đoán. Các tài liệu bị rò rỉ trình bày việc di dời là nhiệm vụ « uốn nắn ý thức hệ ». Trong một video của Free Tibet có cảnh các ni cô Tây Tạng bị đưa
lên những chiếc xe buýt theo từng địa phương khác nhau, trước những
đồng đạo đang khóc lóc. Mỗi người bị cưỡng chế đều bị buộc phải
viết ra giấy là « ủng hộ chủ trương của chính quyền đối với tu viện ». Họ còn phải cam kết « không có bất cứ hành động nào chống chính phủ, không lan truyền
tin đồn », « tự nguyện về quê và không bao giờ quay lại Lạc Nhược
Hương ».
Chưa hết : các tăng ni bị cưỡng chế còn phải theo học các lớp « giáo dục ái quốc » khi về đến nguyên quán, có nghĩa là bị tẩy não. Cuối 2016, một
video trên Twitter cho thấy một nhóm ni cô bị tại Khu tự trị Tây
Tạng mặc quân phục, buộc phải hát « Người Hán và người Tây Tạng đều là con của Mẹ tổ quốc Trung Hoa ». Trại cải tạo này tập trung khoảng 800 ni cô, được công an canh
gác.
Trước đây tu viện Lạc Nhược Hương được nương tay nhờ Ninh Mã phái
được chính quyền coi là phi chính trị - không thuộc Đạt Lai Lạt Ma,
mà theo Cách Lỗ phái (Gelug). Nhưng đến năm 2001, thời Giang Trạch
Dân một quan chức đảng ở Tây Tạng cảm thấy sốc vì số lượng người
Hán theo học ở đây, đã báo cáo lên trung ương. Tất cả các tỉnh được
lệnh phải gởi các nhóm công tác đến buộc người của địa phương mình
trở về, và đã có một số vụ tự tử. Sau đợt cưỡng chế đầu tiên, Lạc
Nhược Hương dần dần mở rộng trở lại.
Trú ẩn trong Phật giáo cũng là một hình thức phản kháng của người
Tây Tạng. Lạc Nhược Hương còn khuyến khích bảo vệ ngôn ngữ Tây
Tạng, soạn ra tự điển thích ứng với thời hiện đại để tránh vay mượn
từ tiếng Hoa, chống đô hộ văn hóa của Bắc Kinh.
Cuộc chiến ý thức hệ có thể thấy rõ trên cao nguyên Garze. Những
panô to đùng dựng bên đường kêu gọi phải « Biết ơn Đảng, yêu thương Mẹ Tổ quốc », những chữ Hán khổng lồ chiếu lên vách núi câu khẩu hiệu của Tập
Cận Bình « Cùng kiến tạo giấc mơ Trung Hoa ». Bên cạnh đó, một thông điệp tiếng Tây Tạng kêu gọi người sáng lập
Lạc Nhược Hương : « Hỡi đạo sư Jigme Phuntsok, hãy phù hộ cho chúng con ». Câu nói như một lời kêu cứu. Những con đường rộng rãi và những
vòng xoay vừa mới vạch ra, đang chờ đợi một thành phố được xây dựng
lên.
Trung Quốc hớn hở vì được ứng viên cực tả Pháp ca ngợi
Cũng liên quan đến Trung Quốc, tuần báo L’Obs trong bài « Mélenchon, người Pháp đã vinh danh tư tưởng Mao » cho biết theo ứng cử viên tổng thống cực tả Pháp Jean-Luc Mélenchon, Trung Quốc lại là hình mẫu mà nước Pháp phải noi gương. Bài trả
lời phỏng vấn này của chủ tịch đảng « Nước Pháp Bất Khuất » đã được
báo chí nhà nước Trung Quốc hớn hở đăng lại, và lan tràn trên hàng
ngàn trang mạng ở Hoa lục.
Tác giả Ursula Gauthier mỉa mai nhận định, ông Mélanchon yêu thích
những người chống đối lại đàn áp, với điều kiện kẻ « đàn áp » là Mỹ và đồng minh. Ngược lại, những ai phản đối Nga và Trung Quốc
đều bị ông coi là tay sai của đế quốc Mỹ.
Chẳng hạn như Tây Tạng. Năm 2008, khi thế giới nổi lên phong trào
tẩy chay rước đuốc Thế vận hội Bắc Kinh, Jean-Luc Mélanchon lại lớn
tiếng đả kích Đạt Lai Lạt Ma là « thủ lãnh tôn giáo phản đối khai hóa », « người bảo vệ charia
(luật Hồi giáo) của đạo Phật », « người chủ trương độc lập sắc tộc
muốn trục xuất 100 triệu người Hoa khỏi Tây Tạng ».
Cuộc bầu cử tổng thống lần này mang lại cho ứng viên cực tả cơ hội
mới để làm vui lòng Bắc Kinh. Trong video ngày 13 tháng Giêng, khi
bình luận về cuộc điện đàm giữa Donald Trump và bà Thái Anh Văn,
ông so sánh thần tượng dân chủ Đài Loan với chính khách cực hữu
Pháp Marine Le Pen. Nhưng bài trả lời phỏng vấn dài đăng trên tờ Nouvelles d’Europe (tờ báo do Bắc Kinh kiểm soát) hồi tháng 9 năm ngoái mới làm Trung
Quốc hởi lòng hởi dạ nhất. Ông Mélanchon gọi Đạt Lai Lạt Ma là
người muốn « cắt mất của Trung Quốc một phần tư lãnh thổ », « gây ra một cuộc
chiến vĩ đại vô nghĩa ».
Ông tuyên bố : « Nền văn minh Trung Quốc xứng đáng được cả hành tinh chọn lựa.
Trung Quốc phải là đối tác ưu tiên của Pháp, vì kỹ nghệ, công nghệ,
khoa học và phát triển văn hóa của Trung Quốc đã đạt đến mức siêu
việt », cho biết ông rất chờ đợi Bắc Kinh lãnh đạo thế giới.
Đúng là khúc hát thiên cung dành cho các quan lại đỏ ! Bài phỏng
vấn được tất cả các trang mạng của chính phủ Trung Quốc đăng lại.
Hình ứng viên cực tả Pháp được đặt trên nền đỏ, phía sau Mao Trạch
Đông, Stalin, Lênin, Mác, Ănghen. Khẩu hiệu tranh cử « Nắm lấy quyền lực » của ông được bổ sung bằng câu « Chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Mao Trạch Đông bách chiến bách thắng
muôn năm ! ». Nhiều cư dân mạng ở Hoa lục hoan hỉ gọi ông Mélenchon là « Người Pháp đã làm rạng danh tư tưởng Mao chủ tịch ». Được tuần báo L’Obs liên lạc, Jean-Luc Mélenchon từ chối đưa ra lời bình luận.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen