Donnerstag, 18. Juni 2015

Những ông nghị gật lo bò trắng răng

Vi Đức Hồi

alt

      Cùng tác giả:

Sau 70 năm kể từ ngày nhà nước cộng sản Việt Nam ra đời, luật trưng cầu dân ý được đưa ra quốc hội bàn thảo. Trong phiên họp toàn thể quốc hội ngày 3/6/2015 thảo luận về dự luật trên, ông nghị gật, phó chủ tịch hội nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ đã sửng sốt lo sợ động chạm đến sự tồn vong của chế độ, ông ta ầm ĩ la lên rằng: “dân chủ của ta có hạn, dân trí còn thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu dân ý có khi gây hại, không thể tùy tiện”. Tuyên bố của ông ta đã gây sốc trong dư luận xã hội bởi thái độ miệt thị, xúc phạm đến cử tri cả nước. Ngay lập tức ông ta bị xã hội lên án, các cư dân mạng ném gạch, đá tới tấp vào mặt.
Thực tế thì không riêng gì ông nghị gật Huệ nghĩ như vậy, mà còn rất nhiều nghị gật cùng chung quan điểm trên, nghị gật Hà Minh Huệ chỉ là một đại diện mang tính điển hình, bởi ông ta và những người như ông ta đích thực là sản phẩm của chế độ cộng sản được đúc cùng một khuôn mẫu và cho ra lò đồng loạt của cơ chế đào tạo bầy đàn, nó hao hao giống nhau, ngơ ngác trước xu thế của thời đại. Việc ông ta mạt sát dân trên diễn đàn nhạy cảm nhất của một quốc gia để lấy lòng cấp trên, để thể hiện lòng trung thành với chế độ cho thấy ông ta là một kẻ ngu nhất trong những kẻ ngu ở đất nước này. Những ông nghị gật như ông và cá nhân ông phải biết rằng, giới lãnh đạo chóp bu của ông khi đưa ra dự luật này đã trù tính đầy đủ trong mọi tình huống, chắc chắn sẽ không và không bao giờ động chạm đến chân lông, sợi tóc của thể chế chính trị độc tài đảng trị. Dự luật nếu được thông qua thì những nội dung đưa ra trưng cầu dân ý sẽ không bao giờ đả động đến những vấn đề nhạy cảm về chính trị như: thể chế chính trị; vấn đề quan hệ Việt- Trung; vấn đề biển Đông; vấn đề phổ thông đầu phiếu; vấn đề tam quyền phân lập.. và ngay cả những nội dung như: tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình cũng chẳng bao giờ trở thành nghị sự để đưa ra cho dân bàn.
Cộng sản Việt nam có hệ thống tổ chức đảng từ làng bản, thôn xóm đến TW, với cơ chế đảng lãnh đạo tuyệt đối nên từ việc triển khai thực hiện cho đến việc tổng hợp kết quả, công bố kết quả, quyết định công nhận kết quả đều do đảng lãnh đạo. Và nếu có những áp lực mạnh mẽ nào đó buộc phải đưa ra trưng cầu dân ý thì cũng chẳng bao giờ thay đổi được ý chí của giới cầm quyền, nó cũng hệt như việc bầu cử quốc hội, chưa bầu thì đã biết ai trúng cử, ai bị rớt. Vậy nên không bao giờ có việc ảnh hưởng và làm suy yếu đối với thể chế chính trị ở Việt nam. Tại kỳ họp này quốc hội bàn luận về dự luật trưng cầu ý dân là một thủ thuật mới của giới cầm quyền Hà nội nhằm che mắt thiên hạ, đánh bóng hình ảnh của người cộng sản, tạo ra một lớp vỏ bọc bên ngoài để trình diện với dân, với dư luận, làm vợi đi sự lên án của cộng đồng quốc tế đối với chế độ độc tài. Đây là một trong những vô vàn trò hề mà nhà nước cộng sản Việt nam vẫn diễn trong suốt quá trình cai trị đất nước mà đảng vẫn tự hào cho đó là nghệ thuật tài tình của đảng.
Với thể chế của một quốc gia độc tôn cai trị thì bất cứ một cuộc thăm dò, hoặc trưng cầu dân ý nào mà không có một tổ chức độc lập để cùng tham gia, không có sự giám sát của các tổ chức quốc tế thì việc làm đó chỉ là một trò hề không hơn, không kém. Nó chỉ làm phí tổn tiền bạc của dân và cũng không thể che mắt được thế gian trong thời đại ngày nay, cùng lắm thì chỉ qua mắt được những người như nghị gật Hà Minh Huệ. Lo lắng của những ông nghị gật trong dân gian người ta ví là “lo bò trắng răng”.
Vi Đức Hồi

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen