Uwe Siemon-Netto | Trà Mi lược dịch
Tôi tin rằng tất cả chúng ta có nhiệm vụ phải làm chứng nhân cho lịch sử… Vì lợi ích của những thế hệ đi sau, chúng ta phải giữ cho ký ức của sự thật lịch sử sống mãi.
Tôi hãnh diện đã được yêu cầu nói chuyện
với các bạn hôm nay, gần nửa thế kỷ sau lần đầu tiên tôi đến Việt Nam
như một phóng viên chiến trường Tây Đức. Lúc đó các lực lượng chiến đấu
Mỹ đầu tiên chưa đổ bộ vào Đà Nẵng. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu biết yêu
nồng nàn con người và đất nước của các bạn, những người đã nể trọng và
gọi dân tộc chúng tôi là “Đức”, cũng có nghĩa là đạo đức.
Một ngày nọ, một chú nhỏ trong đám trẻ bán báo không nhà sống trên đường Tự Do ở Sài Gòn, đến gần tôi và nói:
“Ông là Đức, tôi tên là Đức, vì vậy cả hai chúng ta là Đức, và tôi có một đề nghị với ông. Nếu ông cho phép bạn bè của tôi và tôi ngủ trong xe của ông, chúng tôi sẽ canh giữ và lau chùi nó sạch sẽ cho ông.”
Tôi đã thuê bán thường xuyên một chiếc
Citroen 15 mã lực, [còn gọi là] một chiếc trắc xông [traction]. Đây là
một chiếc xe rất lớn và rất tốn xăng của Pháp chế tạo vào năm tôi ra
đời. Ổ khóa cửa của nó đã mất. Vì vậy, có ai đó coi chừng giùm cũng là
điều tốt. Đôi khi có bảy hay tám đứa trẻ ngủ trong chiếc xe này, giữ gìn
nó thật sạch từ bên trong đến bên ngoài.
Tôi luôn luôn đậu trên đường Tự Do đối
diện với Continental Palace, bên cạnh quán Café Givral, nếu bạn còn nhớ.
Nó, chiếc xe, không chỉ là phương tiện đi lại của tôi; quan trọng hơn,
nó đã trở thành một phương tiện hữu nghị giữa Đức, các nhà báo, và một
đám trẻ tuyệt vời, do Đức dẫn đầu, đi bán dạo các tờ báo như Nhật báo
Sài Gòn, Saigon Post và nhiều tờ báo khác.
Tình bạn này kéo dài cho đến khi chiếc
traction của tôi trở thành một nạn nhân trong cuộc tấn công Tết năm Mậu
Thân 1968 và những đứa trẻ bụi đời đã biến mất khỏi đường Tự Do một thời
gian.
Tôi tự hỏi chuyện gì đã xảy ra cho Đức
kể từ ngày đó. Có thể anh ấy hiện đang sống tại Hoa Kỳ, có lẽ anh ấy
đang ngồi ngay trong phòng này. Sẽ thật là kỳ diệu nếu tôi được nói
chuyện và cười với anh ta một lần nữa; anh ấy đã là một đứa trẻ tuyệt
vời.
Không phải là tôi đã ở Sài Gòn nhiều;
tôi thường tháp tùng các đoàn quân của các bạn ra mặt trận. Và ở đó tôi
quan sát thấy các bác sĩ QLVNCH và nhân viên y tế đã dũng cảm cố gắng
cứu sống nhiều thương binh. Có lẽ một số bạn ở đây và tôi đã gặp nhau –
gần Quảng Trị, Huế, Pleiku hay Pleime, Nha Trang, hay ở đồng bằng sông
Cửu Long, hoặc tại các trại tù binh trên đảo Phú Quốc.
Lúc ấy là vào đầu năm 1965.
Cuối năm đó tôi bị chấn cột sống khi đi
theo một chiếc trực thăng tải thương của Mỹ và chúng tôi bị bắn rơi ở
phía tây An Khê, và vì vậy các bác sĩ người Mỹ đã chăm sóc cho tôi.
Nhưng dẹp qua cái quốc tịch của bác sĩ và nhân viên quân y: Trong năm
năm tôi ở Việt Nam, tôi rất trân trọng sự hy sinh, lòng dũng cảm và tính
chuyên nghiệp của tất cả các bạn, những người Mỹ, người Việt Nam, người
Đại Hàn và người Úc.
Vì vậy, các bạn và tôi có thể đã gặp
nhau. Thật khó mà không thấy khi tôi đến thăm đơn vị của các bạn, ở
trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, tôi là phóng viên Tây Đức duy nhất
tại Nam Việt Nam, và huy hiệu của tôi xác định tôi là một người Đức.
Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi thậm chí đã trở thành đồng đội của các bạn vì tôi đã bắt một cán binh Việt Cộng.
Đây là một sự kiện khá thú vị. Và đây là những gì đã xảy ra.
Vào tháng Hai năm 1965 tôi đi theo một
toán A-Team của Lực lượng Đặc biệt Mỹ và tham gia vào cuộc tập nhảy dù
phía tây của Mỹ Tho. Tôi rơi xuống đất. Tôi cuộn dù và nhận thấy đất lún
dưới chân tôi. Tôi lùi lại. Mặt đất lại trồi lên lại. Tôi nhảy, với cả
hai chân, mạnh xuống chỗ đó. Mặt đất lõm xuống. Tôi nghe thấy có tiếng
rên. Một lần nữa tôi lùi lại, dỡ bỏ lớp cỏ và thấy chiếc nón cối ngụy
trang của một cán binh VC và nòng khẩu súng trường loại cũ M-1 của hắn.
Trước hết tôi lấy khẩu súng, rồi nâng
anh VC ra khỏi hố. Hắn là một anh chàng nhỏ bé gầy guộc trong bộ bà ba
đen, và anh ta đang run rẩy. Tôi nói với hắn: “Hãy can đảm, đồng chí, với anh thì cuộc chiến đã chấm dứt.”
[“Courage, camarade, pour toi la guerre est fini.”] Tôi không biết anh
ta có nói tiếng Pháp hay không, nhưng chắc chắn hắn hiểu những gì tôi
nói: “Hãy can đảm, anh bạn, với bạn chiến tranh đã chấm dứt.” Bấy giờ
hắn mới mỉm cười.
Tôi giao anh VC và khẩu súng trường lại
cho toán lính Mỹ nhưng vẫn giữ cái nón cối của hắn làm chiến tích. Suốt
46 năm sau đó nó nằm trong thư viện của tôi đến khi vợ chồng bạn tôi anh
Dr. Lý Văn Quý và chị Châu đến nhà tôi ở Pháp hồi cuối tháng Mười. Tôi
đã tặng cái nón cối VC lại cho họ như một món quà lưu niệm. Không phải
vì tôi đã thực hiện một hành động anh hùng vĩ đại.
Tuy nhiên, tôi đã vui vẻ để giúp bạn. Vì
vậy, đây – cái nón cối. Đây là chiến tích của tôi. Bây giờ nó là của
hai bạn. Nó sẽ vào bảo tàng chiến tranh của bạn ở đây, tại Little
Saigon.
Đó là một sự kiện lành mà tôi nâng niu
làm kỷ niệm. Một vài tuần sau đó, tôi có một kinh nghiệm đau buồn ở phía
tây thành phố Nha Trang. Nhưng nó có nghĩa để tôi hiểu được nhiệm vụ
của mình. Vì nó đã cho tôi thấy bộ mặt thật của chiến tranh Việt Nam. Lý
do tại sao bây giờ tôi nói đến sự kiện này vì nó cho thấy nguyên cớ tại
sao rất nhiều người Mỹ chưa bao giờ hiểu rõ về cuộc xung đột ở Việt
Nam.
Tổng thống Richard M. Nixon sau đó đã
trích dẫn bài báo của tôi về vụ này trong cuốn sách của ông, The Real
War. Vì vậy, xin thứ lỗi cho sự phù phiếm của tôi nếu tôi trích dẫn một
Tổng thống Hoa Kỳ đã trích dẫn tôi: Nixon đã viết,
“… nhà báo Đức Uwe Siemon-Netto đã vẽ nên một minh họa sinh động về cách các toán du kích cộng sản sử dụng khủng bố để đạt mục đích của họ. Siemon-Netto, người đi cùng một tiểu đoàn của Việt Nam đến một ngôi làng lớn mà Việt Cộng đã đột kích năm 1965, đưa tin: ‘lủng lẳng trên cây và trên nhiều cột trong sân làng là ông xã trưởng, vợ ông, và mười hai người con của họ, những cậu con trai, kể cả một em bé …”
Bọn Việt Cộng đã ra lệnh cho tất cả mọi
người trong làng phải chứng kiến cảnh gia đình này bị tra tấn trước, và
sau đó bị treo cổ.
“Họ bắt đầu bằng em bé và sau đó từ từ tra tấn đến các em lớn hơn, rồi tới người vợ, và cuối cùng đến ông xã trưởng. … Họ ta tay rất lạnh lùng, giống như một hành động trong chiến tranh, như bắn súng phòng không …”
Tất cả trích dẫn phía trên là trích đoạn
của Nixon từ một câu chuyện của tôi. Nixon giải thích rằng đây là cách
người Cộng sản giành được trái tim và khối óc của người dân nông thôn.
Họ đã không giành được con tim và tâm trí [người dân] bằng tình thương
nhưng bằng những hình thức đe dọa và tàn nhẫn nhất. Dân làng nói với tôi
rằng cán bộ Việt Cộng đã vào làng nhiều lần trước và cảnh cáo ông xã
trưởng rằng nếu không ngừng hợp tác với chính phủ Việt Nam [Cộng hòa]
thì ông sẽ nhận lãnh những hậu quả nghiêm trọng.
Nhưng ông vẫn trung thành, do đó, vào
giữa đêm họ quay lại và đánh thức tất cả mọi người trong làng để chứng
kiến vụ thảm sát, đồng thời một cán bộ tuyên truyền đã nói với mọi
người: “Đây là những gì sẽ xảy ra với quý vị nếu không theo chúng tôi; nhớ đó!”
Tôi xấu hổ nhìn nhận rằng tôi không còn
nhớ tên của ngôi làng đó. Nhưng điều đó không thực sự quan trọng vì
những việc này hồi đó đã xẩy ra trên khắp miền Nam Việt Nam mỗi đêm.
Tuy nhiên, công chúng Mỹ phần lớn không
biết đến những sự kiện này vì giới truyền thông của họ đã không nói cho
họ biết. Trong những cuộc họp báo hàng ngày ở Sài Gòn – cuộc họp khét
tiếng lúc 5 giờ – chỉ thuần là những phiên họp để đưa số thống kê. Người
tóm tắt thông tin thường xuyên báo cho phóng viên con số lớn các “sự
kiện” xảy ra trong 24 giờ trước đó.
Bản tường trình nghe như một bản báo cáo
bán hàng: “Quân Đoàn I, 184 lần chạm địch; Quân đoàn II, 360 lần; Quân
đoàn III, 225; Quân Đoàn IV, 480.” Tất cả chỉ có thế. Không có thêm chi
tiết nào khác. Vì gần như không thể có được do số lượng quá nhiều của
những cuộc đụng độ trong vòng 24 giờ.
Ký giả chúng tôi đã không thể nghiên cứu
những sự kiện này trừ khi chúng tôi có mặt ở đó như trường hợp của tôi
khi đi cùng với một tiểu đoàn thuộc sư đoàn 22 quân lực VNCH. Tuy nhiên,
những gì tôi thấy gần Nha Trang đã thực sự vô cùng quan trọng vì nó
tiêu biểu cho bản chất của giai đoạn đặc biệt này của cuộc chiến Việt
Nam.
Hành vi khủng bố để đe dọa dân chúng là
đặc trưng của giai đoạn thứ hai trong chiến lược chiến tranh du kích của
Tướng Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng quốc phòng của Bắc Việt Nam.
Tôi thật sự nghi ngờ rằng nhiều người Mỹ
có thể quay lưng lại với cuộc chiến tranh Việt Nam, nếu giới truyền
thông của họ liên tục miêu tả những hành động vô nhân đạo đã xảy ra ở
khắp mọi nơi ở miền Nam Việt Nam. Họ đã không làm, một phần vì các nhà
báo không có phương tiện để làm như vậy, một phần cũng vì nhiều phóng
viên và biên tập viên của họ đã có chương trình khác. Tôi nói “nhiều”
chứ không phải “tất cả”.
Ba năm sau, Tết Mậu Thân ở Huế, tôi đang
đứng cùng đồng nghiệp Peter Braestrup của Washington Post ở vành của
một ngôi mộ tập thể và đã vô tình nghe Peter hỏi một người quay phim cho
một đài truyền hình Mỹ: “Tại sao bạn không quay cảnh này?” Người quay
phim trả lời: “Chúng tôi không đến đây để tuyên truyền chống Cộng.” Điều
này cho thấy một tư duy đáng xấu hổ của nhiều đồng nghiệp của tôi; tôi
tin cách suy nghĩ đó là yếu tố quan trọng đã tạo thành ước vọng chấm dứt
chiến tranh với bất cứ giá nào [của công chúng Mỹ].
Tướng Giáp biết điều này sẽ xảy ra. Ông
biết rằng các cử tri Mỹ sẽ mệt mỏi với cuộc chiến này. Vì ông biết rất
rõ những điểm yếu của một xã hội tự do, đặc biệt là khả năng chú ý ngắn
của nó. Sáu mươi năm trước, ông đã viết: “Kẻ thù” – thực tế là tất cả
các nền dân chủ phương Tây – “không có vũ khí tâm lý và chính trị để
chống lại một cuộc chiến kéo lâu dài.”
Ông tiên đoán sự mệt mỏi chiến tranh,
phong trào hòa bình, khuynh hướng đạo đức giả của ý thức hệ đã bỏ qua
bản chất ghê tởm của một phong trào cách mạng độc tài; sự thiên vị để
nhấn mạnh đến những thiếu sót của phe mình; xã hội dân chủ đang hy sinh
lớp thanh niên, tuổi trẻ của họ cho “đồng minh” bị cáo buộc là tham
nhũng; và cuối cùng mong muốn “tìm một lối thoát danh dự,” và “hòa bình
trong danh dự,” rồi đi đến một thỏa hiệp công bằng.
Điểm rất đáng chú ý về vai trò của giới
truyền thông tại Việt Nam là có một số phóng viên người Mỹ, những người
sau này trở thành những nhân vật phản chiến hăng hái, đã biết rất rõ về
sự nguy hiểm này. Ngày 13 Tháng Giêng 1965, Một columnist cũng là sử gia
Mỹ nổi tiếng Stanley Karnow trích dẫn tuyên bố của tướng Giáp về sự bất
lực của các quốc gia tự do để chống lại cuộc chiến tranh kéo dài và
cảnh cáo người đọc về những hậu quả của nhược điểm này trong cấu tạo của
bất kỳ hệ thống dân chủ nào.
Và chẳng bao lâu sau, Karnow đứng đầu
giới cầm bút kích động cho cái gọi là “hòa bình trong danh dự,” và biết
quá rõ rằng một cuộc hòa giải thật sự là danh dự thực sự không thể có
được.
Hôm nay chúng ta nghe tiếng vọng của
việc này về vấn đề ở Afghanistan. Một lần nữa chúng ta lại nghe những
lời kêu gọi cho một cuộc thương thuyết hòa giải. Chúng ta nghe đến những
cuộc đàm phán bí mật giữa Mỹ và Taliban. Không ai nghĩ đến việc phong
trào độc tài toàn trị này có thể nhượng bộ những gì khi thương thuyết.
Thỏa hiệp loại đó có thể có những điểm:
Thay vì bị cấm không được học đọc và viết, phụ nữ sẽ được phép học nửa
bảng chữ cái? Trong năm năm đầu sau khi Taliban tiếp quản chỉ có một nửa
số phụ nữ bị cáo buộc là ngoại tình sẽ bị ném đá đến chết thôi giống
như chế độ đã sử dụng trước khi Taliban bị mất quyền lực? Và phụ nữ sẽ
chỉ bị quất một nửa số roi nếu mặc áo trùm mà để hở mắt cá chân?
Một chục năm trước đây, một nhóm nữ
quyền hàng đầu của Mỹ, Tổ chức Phụ nữ Quốc gia, công bố những vi phạm
nhân quyền khủng khiếp của Taliban đối với phụ nữ trên trang web của họ.
Hôm nay không cần mất thời giờ suy nghĩ, có khả năng rất cao là những
vi phạm này sẽ được lặp lại một khi NATO rút lực lượng [ra khỏi
Afghanistan] vì những lạm dụng đó là một phần trong ý thức hệ Hồi giáo
cực đoan cũng như những trại cải tạo lao động [tù khổ sai] trong ý thức
hệ cộng sản. Những ai trong các bạn ở đây đã có kinh nghiệm với trại tù
Việt Cộng hẳn biết những gì tôi đang nói.
Tôi tin rằng tất cả chúng ta có nhiệm vụ
phải làm chứng nhân cho lịch sử – các bạn, các cựu chiến binh của cuộc
chiến này, và chúng tôi, những ký giả đã đưa tin về nó. Vì lợi ích của
những thế hệ đi sau, chúng ta phải giữ cho ký ức của sự thật lịch sử
sống mãi. Chúng ta phải tiếp tục nhắc nhở giới truyền thông ở nước sở
tại của chúng ta về vai trò then chốt của họ trong việc bảo vệ tự do.
Chúng ta phải cảnh báo những người đi sau chúng ta về những hậu quả
khủng khiếp của một nền báo chí xấu, hàn lâm đạo đức giả và một khối cử
tri chán nản không kiên quyết. Các bạn đang ở vị trí tốt nhất để làm
điều này. Các bạn đã thấy và đã phải gánh chịu rất nhiều.
Hãy cho tôi nói thêm một điều: Tôi là
một Kitô hữu, và một người viết sử nghiệp dư. Là một Kitô hữu tôi biết
ai là Chủ tể sau cùng của lịch sử. Và là một người viết sử nghiệp dư tôi
biết rằng lịch sử luôn luôn mở cửa cho tương lai. Gộp hai yếu tố này
lại với nhau cho chúng ta niềm hy vọng – hy vọng cho Việt Nam, hy vọng
cho Afghanistan, hy vọng cho nhân loại. Chúng ta không phải là những chủ
nhân của tương lai. Nhưng chúng ta có tiếng gọi của lương tâm để giúp
làm cho tương lai được tốt đẹp hơn.
Do đó, chúng ta đã không nhìn thấy những
điều ác một cách vô ích, và chúng ta cũng đã không đau khổ vô cớ. Tất
cả đều có lý do của chúng, và lý do đó là để chúng ta có thể nói lại với
thế hệ tương lai những gì thực sự đã xảy ra, bất kể nhiều điều dối trá
vẫn đang được nói đi nói lại về Việt Nam.
Trên đây là bài
phát biểu của tác giả tại Hội nghị Quốc tế của Cựu chiến binh Quân y
Việt Nam Cộng Hòa tại thành phố Westminster, Cal., ngày 15 tháng 4 năm
2012. Uwe Siemon-Netto, cựu biên tập viên tôn giáo vụ của United Press
International, là một nhà báo quốc tế trong 55 năm hoạt động ở Bắc Mỹ,
Việt Nam, Trung Đông và châu Âu cho các tạp chí của Đức. Tiến sĩ [Thần
học] Siemon-Netto hiện quản trị League of Faithful Masks và Trung tâm
Thần học Lutheran & Public Life do ông sáng lập tại Capistrano
Beach, Calif.
© 2015 DCVOnline
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen