Với hình ảnh phấn kích giơ hai cánh tay lên và IM LẶNG không tiết
lộ nội dung xét xử sau khi rời khỏi Tòa Trọng Tài Quốc tế tại
Paris, dường như cho thấy sẽ có một chiến thắng cho ông Trịnh Vĩnh
Bình sẽ được tuyên vào ngày 31/8 tới.
Sự im lặng không tiết lộ nội dung vụ việc như là một phần nghĩa vụ
theo thông lệ dành cho bên thắng kiện khi xử ở Tòa Trọng Tài để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến uy tín của bên
thua kiện. Thủ tục xét xử của Tòa Trọng Tài rất khác với Tòa án
truyền thống, nó luôn đảm bảo được yếu tố bí mật vụ việc, những
người không liên quan vụ việc sẽ không được phép tham dự, trong
suốt thời gian xét xử bên nguyên lẫn bên bị không được phép tiết
lộ, cung cấp thông tin vụ việc cho báo chí. Thậm chí là phải giữ bí
mật về bản án thi hành sau đó. Đó là lý do suốt một tuần qua khi vụ
kiện bắt đầu, cộng đồng rất quan tâm đến vụ kiện nhưng báo chí cũng
không thể có được một thông tin về diễn biến phiên tòa.Trước khi đi vào đánh giá vụ án của ông Bình, tôi xin cung cấp
thông tin 2 vụ kiện trước đây liên quan đến các cơ quan Chính Phủ
Việt Nam, đó là vụ HLV trưởng đội bóng đá Việt Nam Letard kiện Liên
đoàn Bóng đá Việt Nam, và vụ ông Liberati kiện Hãng Hàng Không
Vietnam Arlines (VNA). Cả 2 vụ này phía Việt Nam đều thua kiện vì
những “nhận định ngây ngô” từ phía lãnh đạo, và đến vụ ông Trịnh
Vĩnh Bình, Chính Phủ cũng không rút ra kinh nghiệm mà còn tiếp tục
đi vào vết xe đổ của Liên đoàn bóng đá và VNA.
Vụ Liên Đoàn Bóng đá VN thua vì “thiếu hiểu biết” luật quốc tế:
Vụ việc bắt đầu khi Liên Đoàn Bóng đá VN sa thải ông Letard vào năm
2002. Ban đầu ông Letard đã khiếu nại vụ việc lên Liên Đoàn Bóng Đá
Thế Giới (FIFA) để yêu cầu Việt Nam bồi thường vì đã vi phạm hợp
đồng. FIFA ra quyết định giải quyết khiếu nại với kết luận nghiêng
về phía Việt Nam, xử thua ông Letard.
Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của FIFA, ông Letard
đã khởi kiện ra Tòa Trọng tài Thể thao ở Thụy sĩ. Tòa Trọng tài Thể
thao thụ lý vụ việc và thông báo cho Liên Đoàn Bóng Đá VN biết và
yêu cầu Liên đoàn bóng đá VN cung cấp thông tin vụ việc, cũng như
phản hồi các cáo buộc của ông Letard. Nhưng Liên đoàn bóng đá Việt
Nam không chịu cung cấp thông tin theo yêu cầu của tòa. Thậm chí
khi được triệu tập đến phiên tòa để xét xử nhưng Liên Đoàn Bóng đá
Việt Nam cũng chẳng thèm tham dự.
Lý do của việc “không quan tâm đến vụ kiện” là do các quan chức
lãnh đạo của Liên đoàn Bóng đá VN khi đó cho rằng đã có kết quả
giải quyết cuối cùng của FIFA, kiện ra Tòa Trọng tài Thể Thao ở
Thụy sĩ không phải là phương phức để giải quyết tranh chấp theo như
hợp đồng ký kết, nên nó không có giá trị. Với lại kiện ra tòa Thụy
Sỹ, nếu thua “mà ở Việt Nam ta không chấp hành thì làm gì được
nhau”.
Phiên tòa vụ này được mở ra mà không có bị đơn là Liên Đoàn Bóng đá
VN. Thế là nguyên đơn đươc dịp tha hồ vạch tội. Kết quả là Tòa
trọng tài Thể thao xử ông Letard thắng kiện, yêu cầu Liên Đoàn Bóng
đá VN bồi thường hợp đồng cho ông Letard với số tiền gần 200 ngàn
đô ( 3 tỷ đồng Việt Nam thời đó). Áp dụng hình thức chế tài nếu
không thi hành án thì Liên Đoàn Bóng đá VN sẽ bị cấm tham gia tất
cả các giải đấu bóng đá theo hệ thống FIFA trong 2 năm.
Lúc này các quan chức Liên đoàn bóng đá VN mới “té ngửa” ra, là
phán quyết của tòa này lại có hiệu lực pháp lý cao hơn phán quyết
của FIFA, mà FIFA cũng phải thi hành bản án của Tòa Trọng tài Thể
thao.
Thật ra việc khởi kiện cũng rất đơn giản, khi trong Quy chế giải
quyết khiếu nại của FIFA nêu rõ, khi tranh chấp xảy ra nếu không
đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của FIFA thì các bên có thể
khởi kiện vụ việc ra Tòa Trọng tài Thể thao ở Thụy Sỹ, và các phán
xử của Tòa án này là có hiệu lực cuối cùng mà FIFA cũng phải đảm
bảo thi hành.
Thế là Liên đoàn Bóng đá VN mới chịu báo cáo lên chính phủ và cầu
cứu. Ngân sách nhà nước cấp cho Liên đoàn bóng đá VN vào năm đó
được 3,7 tỷ, đã bị ông Letard “xơi” mất 3 tỉ. Quá đau! Vụ này thua
vì ra cuộc chơi quốc tế mà thiếu hiểu biết luật quốc tế.
Đến vụ thứ 2, Vietnam Arlines (VNA) thua vì xem thường tòa án nước
ngoài
Vụ việc bắt đầu với một ông người Ý mang tên Liberati kiện Vietnam
Arlines (VNA) ra Tòa án Roma ở Ý, yêu cầu VNA trả tiền chi phí cho
ổng vì VNA đã Ủy quyền cho một Đại lý VNA thuê ổng làm việc. Đại lý
này bị phá sản, ổng đành nắm đầu VNA đòi tiền. Phiên tòa mở ra, tòa
triệu tập nhưng Vietnam Arlines cũng không cử người tham dự, theo
kiểu “ta chả liên quan”. Sự vắng mặt của bị đơn làm Tòa án Ý nhanh
chóng tuyên Liberati thắng kiện, buộc Vietnam Arlines phải thanh
toán cho bên nguyên đơn 1,3 triệu euro.
Đứng trước phán quyết này lãnh đạo Vietnam Arlines đánh giá phán
quyết ở Tòa án nước Ý dễ gì thi hành được ở Việt Nam khi Vietnam
Arlines là “con cưng” của nhà nước, Vietnam Arlines cũng chẳng có
tài sản ở Ý thì… “làm gì được nhau”.
Đúng là suốt gần 7 năm sau đó án này không thi hành được, vì ở Ý
không có gì để chế tài được VNA. Rồi bỗng một ngày của năm 2002,
luật sư Liberati phát hiện VNA đang có một tài khoản triệu đô ở
nước Pháp, đây là cơ hội ngàn vàng, đảm bảo cho việc thi hành án
của VNA. Thi hành ở Ý không được thì nhờ Pháp “thi hành hộ”, đó là
cách làm của luật sư đại diện cho ông Liberati.
Giữa Ý và Pháp đều thuộc khối Liên minh Châu âu. Đây là một Liên
minh gần như nhất thể hóa về chính trị, ngoại giao và tương trợ tư
pháp rất chặt chẽ với nhau. Thế là tòa án ở Pháp nhanh chóng ra
quyết định phong tỏa tài khoản triệu đô của VNA tại Pháp để đảm bảo
thi hành án.
Điều buồn cười trong vụ này, lúc đầu VNA chỉ bị yêu cầu thanh toán
là 1,3 triệu euro, nhưng không chịu thi hành ngay, mà đi thuê mấy
luật sư để “gỡ” vụ phong tỏa tài sản ở Pháp. Kết quả cuối sau một
thời gian kiện cáo của VNA, gỡ đâu không thấy mà cuối cùng cũng
thành “gỡ ghẻ”. Kết quả cuối cùng là VNA phải thanh toán bồi thường
cho ông Liberati 5,2 triệu euro, vì phải thanh toán cho bên nguyên
đơn thêm tiền lãi suất của nhiều năm và thanh toán luôn chi phí
luật sư cho bên họ, vì VNA là bên thua kiện.
Vụ này VNA thua đau vì đã xem thường thẩm quyền và khả năng thi
hành bản án của Tòa án quốc gia Ý.
Hai bài học trên đã có, đến vụ thứ 3, trở lại vụ án Trịnh Vĩnh
Bình, Chính phủ đã đi vào vết xe đổ của Liên Đoàn Bóng đá và VNA dù
hiểu biết luật chơi của quốc tế nhiều hơn, nhưng vẫn còn mang tư
duy thiếu tôn trọng luật chơi quốc tế.
Có thể kể ra một số lỗi của Chính Phủ trong vụ này như sau:
Thứ nhất, Chính phủ đã không thi hành đầy đủ các cam kết với ông Bình
theo như Thỏa thuận tại Tòa trọng tài Singapore vào năm 2006, đó là
việc trả lại tài sản đất đai và nhà xưởng đã tịch thu của ông Bình.
Nếu vào thời điểm này Chính Phủ quyết tâm thực hiện thỏa thuận tại
Tòa trọng tài Singapore thì có thể chỉ phải bỏ ra khoảng 20-30
triệu đô thu hồi đất đai để trả lại hoặc có thể tìm kiếm sự thỏa
thuận riêng với ông Bình nhận tiền thay cho nhận đất đai. Tuy
nhiên, chính phủ đã làm ngơ, không tiến hành thực hiện cam kết này,
để rồi sau mười năm dẫn đến việc ông Bình tái khởi kiện, yêu cầu
đòi bồi thường đến ít nhất 1,25 tỷ đô.
Ông Bình đòi đến ít nhất 1,25 tỷ đô nghe có vẻ như là bất hợp lý.
Nhưng vào tay các luật sư quốc tế là đều có cở sở. Luật sư cũng
chẳng khó khăn gì để chứng minh cho việc giá thành đất đai tại Việt
Nam của ông Bình từ lúc bị tịch thu đến nay đã tăng lên hàng trăm
lần. Hay đòi những thứ mà trong Thỏa thuận ở Singapore trước đây
không có như: đòi tiền bồi thường thiệt hại khi bị giam giữ bất hợp
pháp theo án lệ quốc tế, và các tài sản có thể đem lại lợi nhuận
sau 20 năm của ông Bình, bồi thường tổn thất về tinh thần sau hàng
chục năm, chi phí thuê luật sư v.v..
Cái này gọi là “không chịu đền 1 theo cam kết ban đầu, cuối cùng
tòa xử phải đi đền 10”.
Lỗi thứ hai, Chính phủ đã thúc đẩy ông Bình đi kiện.
Lưu ý rằng việc Chính phủ cam kết trả lại tài sản “hợp lý” cho ông
Bình theo như Thoả thuận tại Tòa trọng tài Singapore vào năm 2006
không phải là một bản án được phán quyết của Tòa Trọng tài
Singapore, mà nó chỉ là sự thỏa thuận riêng tư giữa ông Bình với
Chính phủ Việt Nam dưới sự hòa giải của Tòa trọng tài. Nói dễ hiểu
sự thỏa thuận này được thiết lập ở giai đoạn “tiền tố tụng” – tức
tòa trọng tài chuẩn bị xử, 2 bên đã đồng ý thỏa thuận tự cam kết
giải quyết với nhau thì Tòa sẽ ngưng xử. Vì vậy, thỏa thuận này sẽ
không được xem là một bản án của Tòa trọng tài để được áp dụng hình
thức chế tài được hỗ trợ thực hiện bởi bên thứ ba. Có lẽ không có
chế tài bởi bên thứ ba là lý do để Chính phủ “lơ là” không thực
hiện đầy đủ cam kết của mình đối với ông Bình, và nó giải thích cho
vìệc ông Bình sau này nói rằng mình đã bị lừa là vậy. Thực tế là
ông Bình không thể nhờ một bên thứ ba chế tài Chính Phủ VN để thi
hành cái Thỏa thuận đã ký ở Singapore. Vì vậy không còn cách nào
khác ông Bình phải đi kiện lại ra Tòa trọng tài nhằm có một bản án
chính thức để đảm bảo cho sự chế tài được hỗ trợ bởi bên thứ ba.
Rõ ràng việc ông Bình là một công dân Hà Lan khởi kiện chính phủ VN
ra tòa, tòa thụ lý xét xử theo thủ tục tố tụng là một bất lợi rất
lớn cho chính phủ VN vì Chính phủ hầu như không có cửa thắng kiện
trong vụ việc này.
Thắng sao được khi Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Thương mại Đầu
tư giữa Việt Nam-Hà Lan, tại điều 6 nêu rõ: “không một Bên ký kết nào được thực hiện bất kỳ biện pháp nào để
tước đoạt trực tiếp hoặc gián tiếp những đầu tư của các công dân
bên kia“. Gỡ sao được khi có sự vi phạm lộ liễu và quá rõ ràng như vậy.
Lẽ ra, nếu Chính phủ nhận định sáng suốt hơn thì thấy rõ cửa thắng
duy nhất cho Chính phủ trong vụ này là nằm ở giai đoạn Hòa giải với
ông Bình, để qua hình thức này thể có thương lượng hạn chế thấp
nhất số tiền phải bồi thường. Nhưng việc không thực hiện đầy đủ các
cam kết ở giai đoạn Hòa giải với ông Bình trước đây, đã làm cho cửa
thắng của Chính Phủ tự khép lại, khi ông BÌnh yêu cầu mở phiên tòa
và xử theo tố tụng.
Khi bản án được xét xử theo thủ tục tố tụng được Tòa Trọng tài ở
Paris đưa ra, nó sẽ có giá trị thi hành ở hơn 150 quốc gia đã tham
gia ký kết Công ước New York 1958 công nhận và thi hành phán quyết
của Tòa trọng tài. Khi thua kiện, mà Chính phủ không tự nguyện thi
hành bản án trả tiền bồi thường theo phán quyết của Tòa, thì luật
sư của ông Bình sẽ canh me tiền và tài sản của Chính phủ VN nằm
trên lãnh thổ của 150 quốc gia này, là họ có quyền yêu cầu Tòa án ở
quốc gia ấy phong tỏa tài sản và nhờ thi hành bản án của Tòa trọng
tài.
Luật sư của ông Bình không dại gì nhờ mấy tòa án quốc gia đã tham
gia Công ước như Trung Quốc, Lào hay Cambodia thi hành án mà chắc
chắn họ sẽ chọn các quốc gia có nền pháp quyền, tòa án hoàn toàn
độc lập với thể chế chính trị như tòa án ở các quốc gia thuộc EU,
Mỹ, Úc, hay Canada… Tòa án ở các quốc gia này họ sẽ “đè ra vặt”
không thiếu một xu.
Hết cứu!
Thử hỏi một quốc gia đang trên đường hội nhập quốc tế, mà để xảy ra
những vụ việc như vậy có đáng trách và đáng xấu hổ không? Nếu ông
bà lãnh đạo nào đã làm ẩu trong vụ này tự bỏ tiền túi ra đền thì
cũng chẳng có gì đáng trách, đằng này họ cứ moi tiền từ ngân sách
nhà nước – là tiền do người dân đóng góp để bồi thường. Thế mới
đau!
Phạm Lê Vương Các (FB)
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen