Trần Trung Đạo
- Trong lịch sử nhân loại, không có một chủ nghĩa nào tàn bạo hơn chủ nghĩa Cộng Sản. Từ khi Tuyên ngôn đảng cộng sản
ra đời năm 1848 cho đến khi bức tường Bá Linh bị đập đổ vào 1989,
khoảng gần 100 triệu người từ nhiều quốc gia đã bị giết. Hơn hai mươi
năm qua, mặc dù ngọn lửa vô thần đã tắt trên phần lớn quả địa cầu, một
góc trời phương đông lửa vẫn còn đỏ rực, nhà tù vẫn còn giam giữ nhiều
người bất đồng với chế độ độc tài toàn trị và tự do vẫn là một bóng mây
xa.
Người
đời có thói quen kết án Stalin đã gây ra tội ác tày trời đối với nhân
dân Liên Xô, Mao Trạch Đông đã giết trên 30 triệu nhân dân Trung Quốc và
Pol Pot tiêu diệt một phần tư dân tộc Khmer bằng súng và cả bằng dao
phay, cán cuốc. Những chuyện đó ngày nay nhân loại đều biết và tội ác
của chúng không còn là vấn đề tranh cãi nữa. Tuy nhiên, làm thế nào một
nông dân có gốc gác bình thường, nếu không muốn nói là hiền lành như Mao
lại có thể trở thành sát nhân của mấy chục triệu dân Trung Quốc? Làm
thế nào Pol Pot, con của một điền chủ giàu có, được gởi sang Pháp ăn
học, được bạn bè nhớ lại như một người nhã nhặn, lịch sự và được gọi là
trí thức trong xã hội Khmer còn chậm tiến lúc bấy giờ, nhưng sau khi nắm
chính quyền đã giết hai triệu dân Khmer bằng búa, dao và những cách
giết người tàn bạo hơn cả trong thời Trung Cổ?
Bởi
vì chủ nghĩa Cộng Sản trang bị cho chúng một quyền lực tuyệt đối, một
niềm tin cuối cùng, một lối thoát tinh thần, một chỗ dựa lý luận để giải
thích cho hành động bất nhân của chúng. Nuon Chea, người đứng hàng thứ
hai của chế độ Khờ Me Đỏ chỉ sau Pol Pot, lạnh lùng trả lời báo chí,
những kẻ bị giết chỉ vì “họ là kẻ thù của nhân dân”. Đơn giản vậy thôi.
Chúng ăn rất ngon và ngủ rất yên dù sau một ngày ký hàng loạt bản án tử
hình.
Giết
một vài đối thủ thì không sao nhưng để loại bỏ hàng triệu người là
chuyện khác. Stalin không thể lên tận các trại lao động khổ sai ở
Siberia để bỏ đói những người chống đối y. Mao Trạch Đông không thể
xuống từng trường học để tra tấn các thầy cô trong Cách Mạng Văn Hóa, Hồ
Chí Minh không thể đích thân xử bắn bà Nguyễn Thị Năm trong Cải Cách
Ruộng Đất. Nhưng họ có khả năng huấn luyện, đầu độc một thế hệ đao phủ
thủ trẻ tuổi hăng say và cuồng tín để làm thay. Quyền lực đặt vào tay
đám đao thủ phủ trẻ này chẳng khác gì con dao bén để chúng thanh toán
những mối thù riêng và lập công dâng Đảng.
Tháng 10 năm 2002, nhà báo Mỹ Amanda Pike
đến Campuchia để tìm hiểu nguyên nhân tội ác diệt chủng của Pol Pot đã
không được làm sáng tỏ. Amanda Pike phỏng vấn bà Samrith Phum, người có
chồng bị Khờ Me Đỏ giết. Theo lời kể của bà Samrith Phum, vào nửa đêm
năm 1977 chồng bà bị một Khờ Me Đỏ địa phương bắt đi và giết chết vì bị
cho là “gián điệp CIA”. Hung thủ chẳng ai xa lạ mà là người cùng làng
với bà Samrith. Hiện nay, kẻ giết người vẫn còn sống nhởn nhơ chung một
làng với bà cách thủ đô Nam Vang vài dặm nhưng không một tòa án nào truy
tố hay kết án.
Với
chủ trương “Dân tộc Khờ Me cần đào hố để chôn đi quá khứ” Hun Sen đã
cản trở Liên Hiệp Quốc rất nhiều trong việc điều tra tội diệt chủng của
chế độ Pol Pot. Hun Sen cản trở vì bản thân y cũng từng là một sĩ quan
Khờ Me Đỏ. Hun Sen nhiệt tình với lý tưởng CS đến mức bỏ học theo Pol
Pot khi còn trong tuổi thiếu niên. Nhiều chi tiết trong quảng thời gian
từ 1975 đến 1979 của cuộc đời y vẫn còn trong vòng bí mật. Khi chôn quá
khứ của Campuchia, Hun Sen muốn chôn đi quá khứ tội lỗi của mình.
Tình
trạng kẻ sát nhân và gia đình những người bị sát hại vẫn còn sống chung
làng, chung xóm, chung thành phố không chỉ phổ biến tại Campuchia nhưng
cũng rất phổ biến tại Huế sau vụ Thảm sát Tết Mậu Thân 1968.
Số
người bị giết trong vụ Thảm sát Tết Mậu Thân khác nhau tùy theo nguồn
điều tra nhưng phần lớn công nhận số người bị giết lên đến nhiều ngàn
người và “kẻ thù nhân dân” không chỉ là công chức chính quyền VNCH mà
còn rất đông sinh viên, học sinh, phụ nữ, trẻ em và ngay cả một số giáo
sư ngoại quốc. Ông Võ Văn Bằng, Nghị viên tỉnh Thừa Thiên và cũng là
Trưởng Ban Truy Tìm và Cải Táng Nạn Nhân Cộng Sản Tết Mậu Thân, kể lại: “Các
hố cách khoảng nhau. Một hố vào khoảng 10 đến 20 người. Trong các hố,
người thì đứng, nào là nằm, nào là ngồi, lộn xộn. Các thi hài khi đào
lên, thịt xương đã rã ra. Trên thi hài còn thấy những dây lạt trói lại,
cả dây điện thoại nữa, trói thành chùm với nhau. Có lẽ, họ bị xô vào hố
thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ
là do cuốc xẻng.”
Tài
liệu liên quan đến Thảm sát Tết Mậu Thân rất nhiều, từ điều tra của các
nhà nghiên cứu nước ngoài cho đến các nhân chứng sống Việt Nam. Đến
nay, thành phần được nghĩ đã gây ra biến cố đầy tang thương cho dân tộc
Việt Nam này là những người Huế “nhảy núi”. Họ là những người bỏ trường,
bỏ làng xóm, bỏ cố đô lên rừng theo CS và Tết Mậu Thân đã trở lại tàn
sát chính đồng bào ruột thịt của mình. Họ là những kẻ vừa được giải
thoát khỏi nhà giam Thừa Phủ đưa lên núi huấn luyện vài ngày rồi trở lại
giết chết những kẻ bị nghi ngờ đã bỏ tù họ. Không giống quân đội chính
quy tấn công Huế, những du kích nằm vùng, những thanh niên, sinh viên,
học sinh là những người sinh ra và lớn lên ở Huế, thuộc từng tên phố tên
đường, biết tên biết tuổi từng người. Họ lập danh sách và đến từng nhà
lừa gạt người dân bằng cách “mời đi trình diện” rồi sẽ trả về nhà ăn
Tết. Những người nhẹ dạ đi theo. Mà cho dù không nhẹ dạ cũng chẳng ai
nghĩ mình sắp bị chôn sống chỉ vì làm chức liên gia trưởng của năm bảy
gia đình, ấp trưởng một ngôi làng nhỏ, xã trưởng của vài trăm dân. Kết
quả, từng nhóm, từng đoàn người lần lượt bị đem ra “tòa án nhân dân” và
kết án tử hình.
Người “nhảy núi” nổi tiếng nhất là Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Ngày 12 tháng 7 năm 1997, Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời câu hỏi của nhà văn Thụy Khuê về sự liên quan của ông đối với vụ Thảm sát Tết Mậu Thân: “Sự
thực là tôi đã từ giã Huế lên rừng tham gia kháng chiến vào mùa hè năm
1966, và chỉ trở lại Huế sau ngày 26 tháng 3 năm 1975. Như thế nghĩa là
trong thời điểm Mậu Thân 1968, tôi không có mặt ở Huế” và ông cũng thừa nhận Thảm sát Tết Mậu Thân là có thật chứ chẳng phải “Mỹ Ngụy” nào dàn dựng
“Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa
con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi
khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã
phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế
năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ
lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng”.
Khi được hỏi ai là những người phải chịu trách nhiệm, Hoàng Phủ Ngọc Tường phát biểu “Nhưng tôi tin rằng đây là một sai lầm có tính cục bộ, từ phía những người lãnh đạo cuộc tấn công Mậu Thân ở Huế” và tiếp tục nêu thêm chi tiết chính Đại tá Lê Minh, tư lệnh chiến dịch Huế Mậu Thân thừa nhận trong tạp chí Sông Hương
“Dù bởi lý do nào đi nữa, thì trách nhiệm vẫn thuộc về những người lãnh
đạo mặt trận Mậu Thân, trước hết là trách nhiệm của tôi.”
Tóm
lại, Hoàng Phủ Ngọc Tường trong buổi phỏng vấn dành cho nhà văn Thụy
Khuê xác nhận ông ta không có mặt ở Huế trong suốt thời gian Huế bị CS
chiếm đóng và những kẻ sát hại thường dân vô tội là do các “lãnh đạo
cuộc tấn công Mậu Thân ở Huế” chủ trương.
Tuy nhiên 15 năm trước đó, ngày 29 tháng 2 năm 1982, trong buổi phỏng vấn truyền hình
dài 15 phút dành cho hệ thống WGBH, Hoàng Phủ Ngọc Tường thừa nhận việc
dư luận đang tố cáo ông là đúng, nghĩa là chính ông đã có mặt tại Huế: “Tôi
đã đi trên những đường hẻm mà ban đêm tưởng là bùn, tôi mở ra bấm đèn
lên thì toàn là máu... Nhất là những ngày cuối cùng khi chúng tôi rút
ra...” và ông cho rằng một số người dân Huế chết thảm thương là do sự trả thù của chính người Huế với người Huế “chính
nhân dân đã căm thù quá lâu, đó là những người đã bị chính nó tra tấn,
chính nó đã làm cho tất cả gia đình phải bị đi ở tù ra ngoài đảo v.v...
và đến khi cách mạng bùng lên họ được như là lấy lại cái thế của người
mạnh thì họ đi tìm những kẻ đó để trừ như là trừ những con rắn độc mà từ
lâu nay nếu còn sống thì nó sẽ tiếp tục nó gây tội ác trong chiến
tranh.”
Nếu
phân tích theo thời gian và diễn biến chính trị thế giới, đặc biệt sự
sụp đổ của phong trào CS quốc tế, câu trả lời của Hoàng Phủ Ngọc Tường
vào năm 1982 là thành thật và sát với thực tế Mậu Thân nhất. Trong giai
đoạn chuyên chính vô sản vài năm sau 1975, không chỉ ông ta mà cả các
lãnh đạo CSVN vẫn nghĩ “con đường tất yếu” là con đường “tiến nhanh,
tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Không có một thế lực
nào cản trở sức chảy của “ba dòng thác cách mạng”. Vào thời điểm 1982,
Hoàng Phủ Ngọc Tường chẳng những không sợ gì phải che giấu mà còn xem đó
như một thành tích cần được nêu ra. Xem đoạn phim, khuôn mặt Hoàng Phủ
Ngọc Tường đằng đằng sát khí khi diễn tả việc giết một viên chức VNCH: “chỉ lấy lại mạng sống của một người, giá đó rất nhẹ và công bằng”.
Thái độ đó hoàn toàn khác với giọng ôn tồn khi ông ta nhắc lại lời của Đại tá CS Lê Minh như thay cho chính mình 15 năm sau “bây
giờ, là những người lãnh đạo kế nhiệm ở Huế, phải thi hành chính sách
minh oan cho những gia đình nạn nhân Mậu Thân, trả lại công bằng trong
sáng và những quyền công dân chính đáng cho thân nhân của họ”. Thời
gian đổi thay, lịch sử đổi thay và con người cũng thay đổi. Không phải
chỉ Hoàng Phủ Ngọc Tường mà cả những cựu lãnh đạo CS Đông Âu, một thời
giết người không chút xót thương, sau 1990 cũng trả lời báo chí với
giọng ngọt ngào như thế.
Nhiều bạn hữu của Hoàng Phủ Ngọc Tường như tác giả Ngô Minh viết trên talawas 2008, cho rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường “trong
suốt những năm lên “xanh” ở A Lưới, Hoàng Phủ Ngọc Tường không được
phân công về thành phố hay đồng bằng một chuyến nào cả” mà không
biết hay cố tình bỏ qua sự kiện 26 năm trước chính Hoàng Phủ Ngọc Tường
đã xác nhận mình ở Huế với những tình tiết mắt thấy tai nghe của một
người trong cuộc.
Hai
buổi trả lời phỏng vấn hoàn toàn trái ngược chứng tỏ Hoàng Phủ Ngọc
Tường phải có một khó khăn để giải thích sự liên hệ của mình đến vụ Thảm
sát Mậu Thân. Lời phát biểu của ông cho thấy một điều, ngoại trừ trẻ em
quá nhỏ, những người bị giết chắc chắn biết người giết mình là ai.
Không
giống Hoàng Phủ Ngọc Tường mâu thuẫn, hai ông Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng
Phủ Ngọc Phan từ trên núi theo đoàn quân CS đánh vào Huế. Hai ông không
từ chối điều này nhưng đều phủ nhận đã có liên hệ gì với Thảm sát Mậu
Thân. Trong bài viết Nhân đọc bài "Trịnh Công Sơn - Những hoạt động nằm
vùng” Hoàng Phủ Ngọc Phan khẳng định: “Còn tôi thì có theo chiến dịch về
hoạt động ở Thành nội Huế nhưng tôi không hề giết ai cả, suốt gần 10
năm đi kháng chiến cũng không hề làm thiệt mạng một con thú trên rừng
chứ đừng nói là con người.”
Nhà văn Nhã Ca kết án ông Nguyễn Đắc Xuân trong Giải Khăn Sô Cho Huế vì đã “đích tay đào một cái hố, bắt một bạn học cũ có xích mích từ trước ra đứng bên hố để xử tử” và ông Nguyễn Đắc Xuân đáp lại trong bài Hậu Quả Của “Cái Chết” của tôi: “Còn
tôi, một sinh viên Phật tử mới thoát ly chưa đầy một năm rưởi, không có
quyền hành gì, nếu tôi muốn làm những việc như Nhã Ca viết thì cũng
không thể làm được. Không ai cho tôi làm. Nếu tôi tự ý làm, làm sao tôi
có thể thoát được sự phê phán của đồng chí đồng sự của tôi, đặc biệt là
những người sau nầy không còn đứng trong hàng ngũ kháng chiến nữa...”
Chuyện
“thoát ly chưa đầy một năm rưỡi” không chứng minh được ông ta không có
quyền giết người, trái lại cũng có thể giải thích ngược, càng tham gia
trễ càng phải chứng tỏ nhiệt tình cách mạng cao độ, càng phải giết nhiều
người, càng phải lập nhiều công. Nói thế không phải để đánh bồi thêm
một người đã ngã nhưng cho thấy lời biện bạch của ông không thuyết phục.
Trong
tinh thần “Lợi ích của sự ngờ” (Benefit of the doubt), tạm cho những
lời người khác kể về các ông chưa đủ bằng chứng kết tội, tuy nhiên, các
ông Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Đắc Xuân, những thành viên tích cực
của phong trào đấu tranh đô thị, hoạt động 26 ngày trong lòng thành phố
Huế bị rơi vào tay các ông với nhiều ngàn người dân vô tội bị giết bằng
những cách dã man hơn cả bọn diệt chủng Pol Pot mà các ông nói rằng
không biết gì, không thấy gì thì trẻ con ngây thơ cũng không tin được.
Và
không chỉ ba ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc
Phan mà cả thế hệ “nhảy núi” ở Huế trong đó rất nhiều nhà nghiên cứu văn
hóa, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ cho đến nay vẫn không biết gì,
không thấy gì, không viết gì về Thảm sát Tết Mậu Thân thì quả là chuyện
lạ. Hãy thử đặt mình trong vị trí của gia đình các nạn nhân vụ Thảm sát
Huế, các ông có nghĩ rằng chính Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc
Phan, Nguyễn Đắc Xuân đã giết hoặc biết chắc ai đã giết thân nhân các
ông các không? Chắc chắn là có, không thể có lời giải thích thứ ba.
Lẽ
ra Thảm sát Tết Mậu Thân phải là nguồn thôi thúc cho nhiều tác phẩm văn
học lớn nói lên sự đau khổ, sự chịu đựng tận cùng của đồng bào Huế nói
riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Lẽ ra những người đang bị dư luận
kết án, nếu thật sự không tham dự vào cuộc tàn sát, thay vì than mây
khóc gió trong văn chương hay lao đầu vào cơm áo, nên dành phần còn lại
của đời mình đi tìm cho ra cội nguồn gốc rễ để vừa giải oan cho đồng bào
mà cũng minh oan cho chính mình. Gia đình nạn nhân còn đó, nhân chứng
còn đó, hầm hố còn đó, bạn bè còn đó, chứng tích còn đó, chế độ còn đó.
Có thể người đọc vì sự công phẫn chưa nguôi, sẽ không tin hết các điều
các ông các bà viết nhưng nếu đúng rồi lịch sử sẽ tin. Nếu không làm
thế, cơ chế độc tài này chắc chắn sẽ tàn lụi nhưng tên tuổi Hoàng Phủ
Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Thị Đoan Trinh
v.v... mãi mãi vẫn là những dấu đen ngàn đời không phai.
Dư
luận khắt khe nhưng không bất công. Suốt 42 năm, các ông các bà có rất
nhiều cơ hội để làm sáng tỏ một sự kiện lịch sử mà các ông các bà từng
tham dự, nhưng ngoại trừ việc phải trả lời vài buổi phỏng vấn rải rác đó
đây, các ông các bà im lặng. Kết án lại những người kết án không phải
là cách trả lời mà nhân dân Việt Nam đang muốn biết. Ông Nguyễn Đắc Xuân
được gọi là “nhà Huế học” nhưng Huế không chỉ có sông Hương, núi Ngự,
lăng tẩm, đền đài mà còn có Bãi Dâu, Khe Đá Mài, khu Gia Hội và hàng
chục ngôi mồ tập thể khác. Đời sống của một dân tộc không chỉ gồm những
thời đẹp đẽ, vinh quang mà còn cả những giai đoạn đau buồn, tủi nhục.
Tại sao các ông các bà không viết? Phải chăng những người “nhảy núi” ở
Huế cũng giống như Hun Sen hay tên Khờ Me Đỏ giết chồng bà Samrith Phum
năm 1977, đang cố chôn đi quá khứ? Sự im lặng của các ông các bà không
phải là một công án thiền mà là lời tự tố cáo lớn tiếng nhất.
Dân
tộc Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ suy vi và phân hóa nhưng sự kiện
một số người dã tâm tàn sát nhiều ngàn người Việt khác trong chỉ vài
tuần bằng các phương tiện phi nhân chưa từng có như ở Huế là lần đầu.
Vết thương Mậu Thân sẽ không bao giờ lành một khi tội ác chưa được đưa
ra ánh sáng. Nền tảng của hòa giải là công lý và sự thật chứ không phải
che đậy và lãng quên.
Nhiều
tác giả đã viết về Thảm sát Mậu Thân. Những dữ kiện trong bài viết này
không có gì mới mà đã được nhắc đi nhắc lại. Dụng ý của kẻ viết bài này
chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng, nhiều trong số những người “nhảy núi”
còn sống ở Huế hay trong và cả ngoài nước, nhưng chắc không sống bao lâu
nữa. Tuổi tác của các ông các bà đều trên dưới bảy mươi. Thời gian còn
lại như tiếng chuông ngân đã quá dài. Tất cả sẽ là không. Các ông các bà
ra đi không mang theo gì cả nhưng sẽ để lại rất nhiều. Vẫn biết con
người khó tự kết án chính mình nhưng các ông, các bà vẫn còn nợ dân tộc
Việt Nam, nhất là các thế hệ mai sau, câu trả lời cho cái chết của nhiều
ngàn dân Huế vô tội.
Ngọn nến trước khi tắt thường bật sáng, vì tương lai dân tộc, các ông các bà hãy sáng lên sự thật một lần trước ngày chết.
Trần Trung Đạo
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen