Donnerstag, 24. September 2015

Thượng nghị sĩ Mỹ gửi thư cho một tù nhân tại Việt Nam

Bà Bùi Thị Minh Hằng trước và sau 5 tháng tù đầu tiên. Thượng nghị sĩ Bill Cassidy đã gửi thư thẳng vào trại giam cho bà Minh Hằng vào ngày 9/9/2015.
11.09.2015
 
Một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ gửi thư cho một nữ tù nhân lương tâm Việt Nam được nhiều người biết tiếng, chia sẻ cảm thông và bày tỏ ủng hộ đối với những gì bà đang gánh chịu vì hoạt động nhân quyền.
 
Thư của Thượng nghị sĩ Bill Cassidy gửi thẳng vào trại giam cho nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, người thọ án 3 năm tù từ năm ngoái với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ sau loạt các hoạt động cổ súy cho tự do tôn giáo và dân chủ trong nước.

Lá thư đề ngày 9/9 của nhà lập pháp Mỹ mở đầu với dòng chữ "Tôi viết thư cho bà với trái tim trĩu nặng lo lắng về tình cảnh bà bị lâm vào hiện nay".
Thượng nghị sĩ Cassidy nhấn mạnh: "Dù bị tước quyền tự do và bị buộc phải sống trong điều kiện giam cầm tệ hại, bà vẫn tìm cách gìn giữ động lực cho những người cùng hoạt động xã hội với mình. Vì vậy, tôi xin hoan nghênh tinh thần can đảm và mạnh mẽ của bà".
 
Ông nói bà Hằng dù bị giam cầm, nhưng thanh danh, câu chuyện, cùng những đóng góp không mệt mỏi của bà cho người dân Việt Nam không hề bị quên lãng.
 
Ông Bill Cassidy cho hay giới lập pháp Hoa Kỳ đang nỗ lực thúc đẩy Hà Nội phóng thích cho nhà hoạt động Minh Hằng để tiếp tục nhắc nhở các chính phủ như Việt Nam rằng "sẽ bất lợi cho chính họ khi họ bịt miệng những tiếng nói như tiếng nói của bà".
 
Thượng nghị sĩ Mỹ Bill Cassidy nói chuyện điện thoại với gia đình bà Bùi Thị Minh Hằng.Thượng nghị sĩ Mỹ Bill Cassidy nói chuyện điện thoại với gia đình bà Bùi Thị Minh Hằng.
Kết thư, Thượng nghị sĩ Cassidy viết: "Tôi nghĩ tới bà và cầu nguyện cho bà trong lúc bà đang tranh đấu để đòi hỏi các quyền cơ bản mà mọi con người đều phải được hưởng".
 
Con gái bà Minh Hằng cho biết gia đình cô hết lòng cảm kích trước sự quan tâm của chính giới Hoa Kỳ dành cho các nhà hoạt động đang bị áp bức tại Việt Nam.
 
Cô Phạm Thị Quỳnh Anh:
“Đây là sự động viên rất lớn đối với mẹ em và gia đình em. Nếu may mắn bức thư tới được tay mẹ em thì nó sẽ là nguồn động lực lớn lao cho bà trong trại. Gia đình em cảm thấy rất vui. Không riêng với vị Thượng nghị sĩ này, bọn em còn phải cảm ơn rất nhiều người khác nữa đã tích cực vận động cho mẹ em”.
 
Cô Quỳnh Anh nói lẽ ra sự chia sẻ, động viên này phải đến từ các dân biểu của Việt Nam, những người được xem là tiếng nói đại diện cho nhân dân, thay vì là từ một nhà lập pháp của Mỹ:
“Đấy là sự khác nhau giữa thiên đường xã hội chủ nghĩa và tư bản, và mẹ em là người đang đi đòi những cái đó cho dân Việt Nam. Bởi vị sự độc đảng, tất cả các vị đại diện cho nhân dân dù mang tiếng là đại biểu nhân dân thay cho tiếng nói nhân dân, nhưng trên thực tế họ là những đảng viên cần giữ thẻ đảng. Đương nhiên nhân dân như bọn em là không có đảng, tiếng nói khác, nên họ không thể nói tiếng nói trung thực với tiếng nói của người dân khi mà họ còn lăng xăng vướng vào cái thẻ đảng”.
 
Dù bị tước quyền tự do và bị buộc phải sống trong điều kiện giam cầm tệ hại, bà vẫn tìm cách gìn giữ động lực cho những người cùng hoạt động xã hội với mình. Vì vậy, tôi xin hoan nghênh tinh thần can đảm và mạnh mẽ của bà.
Thượng nghị sĩ Bill Cassidy.
 
Cô Quỳnh Anh khẳng định mẹ cô, tiếng nói bênh vực cho công lý và người nghèo, không phải là thành phần ‘phạm pháp’ như định nghĩa của chính phủ Việt Nam. Theo cô, cái án hình sự bà Hằng đang phải nhận lãnh chỉ là cái cớ của Hà Nội để ghép tội và trả đũa cho các hoạt động nhân quyền của bà.
 
“Mẹ em lẽ ra không phải chịu cái án đó. Thế nhưng vì họ đã từng tuyên bố là ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm, không có tù nhân chính trị, cho nên họ đã không bắt những người như mẹ em, luật sư Lê Quốc Quân, hay chú Điếu Cày bằng những cái án chính trị bao giờ cả. Sự quan tâm của thế giới nói chung và của nước Mỹ nói riêng dành cho mẹ em, đối với bọn em, là quá sức lớn lao. Thế nhưng quan trọng nhất là phía chính phủ Việt Nam có biết lắng nghe hay không. Nguồn gốc nằm ở chỗ chính phủ Việt Nam vẫn chưa chịu hiểu điều đó”.
 
Con gái bà Minh Hằng cho hay hiện giờ tình trạng sức khỏe của bà trong trại giam không được tốt, nhưng ngoài việc được trạm y tế của trại khám bệnh, các nhu cầu về thuốc men của bà không được đáp ứng:
“Từ lúc chuyển trại từ Đồng Tháp qua Gia Lai, mẹ em đã có hiện tưởng thỉnh thoảng bị tê liệt nửa người. Gia đình có nhu cầu đưa bà đi khám nhưng trại Đồng Tháp một, hai hôm sau lập tức chuyển trại đưa mẹ em về Gia Trung. Sang đến trại Gia Trung, mẹ em vẫn tiếp tục bị đau nửa đầu và gần đây nhất là hay có hiện tượng bị hạ đường huyết. Bên trại họ chỉ thăm khám thôi chứ chưa thấy đưa ra được đơn thuốc về cho gia đình. Mẹ em có yêu cầu đưa đơn thuốc và kết quả khám bệnh về cho gia đình, nhưng chưa được đáp ứng”.
 
Bà Bùi Thị Minh Hằng trong phiên tòa phúc thẩm.Bà Bùi Thị Minh Hằng trong phiên tòa phúc thẩm.
Bà Bùi Thị Minh Hằng là nhà hoạt động được nhiều người biết đến từ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa - Trường Sa. Kể từ đó, bà trở thành mục tiêu thường xuyên bị hành hung, bắt bớ và giam cầm.
Tháng 9 này, bà cùng với nhà hoạt động đang bị giam cầm Tạ Phong Tần được Liên Hiệp Quốc vinh danh trong chiến dịch kêu gọi phóng thích 20 nhà hoạt động nữ nổi bật của nhiều nước từ châu Á tới châu Phi, những người đã can đảm dấn thân vì nhân quyền nhưng bị tù tội một cách bất công. Chiến dịch nhằm gửi thông điệp tới các chính phủ độc tài rằng nếu muốn tăng cường sức mạnh cho nữ giới như những gì cam kết với quốc tế, hãy thôi giam cầm những phụ nữ đi đầu cho nhân quyền.
 
Bà Minh Hằng từng tuyệt thực nhiều lần trong trại giam để phản đối các điều kiện đối xử khắc nghiệt và ngược đãi.
Con gái bà Hằng nói với tư cách là con của một tù nhân lương tâm, cô chỉ hy vọng một điều là Việt Nam không còn tù nhân lương tâm nữa vì họ là những người đáng ra phải được biết ơn, những người đi đầu cho tự do - dân chủ trong nước.
 
Hà Nội phủ nhận giam cầm tù nhân lương tâm và gọi đó là những người ‘phạm pháp’ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam, khơi dậy những lời kêu gọi yêu cầu Việt Nam phải cải thiện luật nội địa phù hợp với các chuẩn mực nhân quyền căn bản chung của quốc tế.
 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen