Donnerstag, 17. September 2015

Làn sóng di cư chưa từng có ở châu Âu: Hỗn loạn và bế tắc

XEM VIDEO CUỐI TRANG
tka23 post

Thời gian gần đây,  71 người nhập cư chết trong xe chở gà ở Áo chưa lắng xuống thì bức ảnh chụp thi thể bé trai Syria trôi dạt vào bờ biển lại khiến thế giới thêm bàng hoàng về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu. 

Liên minh châu Âu (EU) hiện rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi những giá trị và lợi ích châu Âu đặt ra cách đây hơn 60 năm đang bị thách thức bởi làn sóng di cư có quy mô chưa từng thấy từ trước tới nay. Một cuộc khủng hoảng đang tạo ra khó khăn  thực sự, lớn hơn cả khủng hoảng tài chính vừa mới diễn ra ở xứ sở thần thoại Hy Lạp.
                                  
                                                                  Bùng nổ di dân 
Cuộc khủng hoảng chưa từng có và nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II là cách dư luận nói về vấn đề di dân ở châu Âu hiện nay. Khi mà các cuộc xung đột và tình hình bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi vẫn không ngừng tiếp diễn, hàng trăm nghìn người tị nạn vẫn cố tìm cách để tới được “miền đất hứa” châu Âu. 
     Hình ảnh người tị nạn chen chúc nhau ở cảng Calais (miền Bắc nước Pháp) để tới đường hầm vượt qua biển Manche sang Anh, hay người tị nạn chui hàng rào từ Serbia để vào Hungary… giờ đây đã quá quen thuộc và trở thành nỗi ám ảnh của người dân EU khi nói về cuộc khủng hoảng này.
Theo ghi nhận của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), có hơn 350 nghìn người di cư tại biên giới các nước EU trong 8 tháng vừa qua, tăng hơn 100 nghìn người so với cả năm 2014. Phần lớn họ đến từ Syria, Afghanistan, Ethiopia, Sudan và Somali,  qua cửa ngõ phía nam của Liên minh châu Âu để hướng tới các nước như Đức, Áo hay Thụy Điển, những nơi mà họ nghĩ có thể hưởng một cuộc sống sung túc hơn.
Con số người thiệt mạng trong đất liền, dù đủ gây kinh hoàng, vẫn nhỏ hơn nhiều so với số người lênh đênh trên biển.

Ngày 3/9 vừa qua, các tàu của Tổ chức Bác sĩ không biên giới và Cơ quan Kiểm soát biên giới thuộc EU (Frontex) giải cứu gần 3 nghìn người di cư đang trôi dạt trên biển. Đây là đợt giải cứu số người di cư lớn nhất trong một ngày từ trước đến nay. IOM mô tả những ngày qua là quãng thời gian bận rộn nhất cho công việc tìm kiếm và cứu hộ tại Địa Trung Hải - được mệnh danh là “mồ chôn”  người dân di cư.
Hy Lạp đang trở thành điểm đến mới trên hành trình đi tìm “miền đất hứa”. Hàng ngàn người di cư đến Hy Lạp trong bối cảnh Athens đang chật vật lo giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công từng đẩy nước này đến bờ vực phá sản. Riêng trong đêm 1/9, hai tàu chở hơn 4.200 người di cư cập cảng Piraeus. Trong khi đó, tại Hungary, khoảng 2 nghìn  từ Trung Đông, bị kẹt bên ngoài một nhà ga khi họ không được phép lên tàu đến Áo và Đức.
Những người di cư, cầm vé tàu trên tay, giận dữ biểu tình bên ngoài nhà ga buộc cảnh sát phải can thiệp. Hungary hôm 31/8 cho phép số lượng lớn người di cư lên tàu tại ga Keleti ở phía đông Budapest đến Vienna và miền Nam nước Đức. 
  
Nhưng một ngày sau đó, các nhà chức trách Hungary bất ngờ quyết định phong tỏa nhà ga, tuyên bố, cần phải kiểm soát kỹ và chỉ cho phép người có giấy tờ hợp lệ lên tàu.
Chia rẽ và bất đồng
Trong khi phải gồng mình đối phó với gánh nặng nợ công và tỷ lệ thất nghiệp cao, cuộc khủng hoảng di cư đặt EU vào nguy cơ bất ổn an ninh khi những thông tin tình báo gửi về cho thấy nhiều chiến binh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã trà trộn trong dòng người nhập cư, và có thể phát động những cuộc tấn công khủng bố ngay trong lòng châu Âu. Một lo ngại rất lớn nữa là xung đột về văn hóa và tôn giáo. Phần lớn những người tị nạn là người Hồi giáo đến từ Syria và châu Phi, trong khi người dân và chính phủ các nước châu Âu vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận một cộng đồng Hồi giáo lớn như vậy ngay trong lòng xã hội của mình.
Các quốc gia Đông Âu không muốn nhận người di cư bởi điều đó phần nào tác động tới ngân sách của họ, gây ra gánh nặng rất lớn cho chi tiêu công của chính phủ. Phần lớn những quốc gia phản đối tiếp nhận người nhập cư là những nước đang gặp khó khăn về kinh tế và xã hội.Khó khăn  đang hiện rõ qua những hình ảnh hỗn loạn ở nhà ga trung tâm Budapest hay những tử thi được tìm thấy dọc bờ biển châu Âu.
“Bế tắc” đã trở thành biểu tượng mới nhất của cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua khi chính phủ các nước EU vẫn bất đồng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư và liên tục đổ lỗi cho nhau. Một số nước chặn người di cư trong khi số khác lại muốn có sự đoàn kết trong việc xây dựng  trung tâm tiếp nhận người di cư.

Lãnh đạo nhiều nước EU nhóm họp để tìm lời giải cho bài toán người nhập cư.
Đức đang trở thành điểm đến “thiên đường” sau khi Berlin tuyên bố mở cửa vô điều kiện cho người tị nạn Syria. Nước này dự tính  sẽ giải quyết 800 nghìn đơn xin tị nạn trong năm nay - nhiều hơn 4 lần so với năm 2014 và hơn phần còn lại của EU kết hợp lại. Điều này khiến các nước láng giềng khó chịu. Áo và Hungary chỉ trích  hành động này của Berlin, cho rằng quyết sách của Đức làm gia tăng tình trạng hỗn loạn tại các nhà ga xe lửa, đường sá và các tuyến biên giới của hai quốc gia này. 
Thậm chí, Hungary còn dựng hàng rào thép gai dài 175km dọc biên giới với Serbia để ngăn chặn dòng người nhập cư, khiến nhiều quốc gia khác cũng lên kế hoạch dựng hàng rào tương tự. Chưa bao giờ kể từ sau Chiến tranh Lạnh, các quốc gia châu Âu lại trở nên khép kín như hiện nay. Tuy nhiên, việc dựng hàng rào thép gai đã bị cáo buộc là hành động “không tôn trọng các giá trị chung của EU”. 
Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc dựng các hàng rào thép gai, ra các chính sách kỳ thị người tị nạn không khác gì “các pháo đài châu Âu thời Trung cổ”, phá vỡ hình ảnh “miền đất hứa” mà các quốc gia thành viên EU cố gắng xây dựng bấy lâu nay.
Thách thức giá trị châu Âu
Sự chia rẽ giữa các nước thành viên ở Tây Âu và các nước Đông Âu đang làm phức tạp nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ngày càng trầm trọng. Cho đến nay, các nhà lãnh đạo châu Âu đã tổ chức nhiều cuộc họp thượng đỉnh để tìm lời giải cho bài toán người nhập cư. Tuy nhiên, EU chưa thể đưa ra một giải pháp chung để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất khu vực do sự mâu thuẫn quá lớn. Vướng mắc lớn nhất hiện nay giữa các nước là kế hoạch phân bổ tiếp nhận người nhập cư nhằm thể hiện tình đoàn kết và chia sẻ gánh nặng với các nước tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi áp dụng chính sách hạn ngạch mới để phân bổ người tị nạn một cách đồng đều trên 28 quốc gia thành viên EU. Các quan chức ngoại giao EU nói rằng kế hoạch hạn ngạch này có thể giúp phân bổ ít nhất 160 nghìn người nhập cư trên toàn khối, trong đó các quốc gia lớn hơn, giàu có hơn sẽ tiếp nhận nhiều người nhập cư hơn.
Tinh thần đoàn kết và chia sẻ mà các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra nhận được sự đồng thuận về mặt chủ trương, thế nhưng khi đưa vào thực hiện lại chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc. Một số nước phản đối hạn ngạch bắt buộc, từ chối tiếp nhận thêm người tị nạn do kinh tế trong nước còn trì trệ. Ngoài ra, các nước châu Âu cũng không thống nhất về cách tiếp cận vấn đề, giữa một bên là tạo điều kiện cho người nhập cư theo tinh thần nhân đạo, một bên là siết chặt các quy định với dòng người nhập cư.
Người tị nạn biểu tình đòi tự do ở một nhà ga của Hungary, hay vượt qua các hàng rào thép gai để đi tìm “miền đất hứa”.
Nếu như Đức sẵn sàng nới lỏng các quy định với người nhập cư, thì Anh lại thực hiện theo hướng ngược lại khi đưa ra hàng loạt chính sách mạnh tay với lao động nhập cư trái phép. Bất chấp những chỉ trích từ nhiều nước Đông Âu, Đức vẫn cho rằng vấn đề tị nạn không phải là vấn đề riêng của từng quốc gia mà là vấn đề chung của cả châu Âu. Berlin đang cố gắng thuyết phục những thành viên còn lại trong EU “chia sẻ gánh nặng” cùng Đức và tham gia vào một hệ thống phân bổ dòng người tị nạn “công bằng hơn” trên toàn bộ lãnh thổ EU.
Ngoài ra, Berlin cũng đề nghị thiết lập những trung tâm tiếp nhận ở châu Phi và Trung Đông để các quốc gia châu Âu có thể đánh giá các yêu cầu tị nạn tại đây, góp phần ngăn chặn người tị nạn tham gia vào những chuyến di cư mạo hiểm.
Cuộc khủng hoảng di cư đang dần phá vỡ những giá trị và lợi ích của châu Âu khi các nước trong khu vực bất đồng xung quanh vấn đề giải pháp. Và thật sựkhó khăn  đầu tiên đặt ra là làm thế nào để EU tìm được tiếng nói chung. Không một cá nhân hay quốc gia nào có thể tự giải quyết  được khủng hoảng di cư này nếu thiếu sự thống  nhất  thực hiện các luật chung của châu Âu về việc tiếp nhận và tạo công ăn việc làm cho người tị nạn.
   Các nhà lãnh đạo châu Âu nên giải quyết cuộc khủng hoảng từ “phần gốc” chứ không chỉ loay hoay trên “phần ngọn”. Tìm được lời giải cho bài toán khó này cũng là lúc châu Âu tìm ra được các giá trị thực sự của mình, và chứng minh được tính thống nhất của toàn khối…
XEM VIDEO


Lâm Anh

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen