Ngô Nhân Dụng - 04.08.2015
Hội nghị an ninh ASEAN khai mạc tại Kuala Lumpur,
thủ đô Malaysia ngày hôm qua. Một ngày trước, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị
(Wang Yi, 王毅) đã lên tiếng khuyên các nước không nên bàn những
tranh chấp cá biệt song phương trong cuộc họp này. Ông còn đe dọa rằng nếu họ
bàn về các vấn đề đó thì “tình hình sẽ căng thẳng
hơn.”
Tình trạng đã đủ căng thẳng từ
mấy năm nay rồi, khi tầu chiến Trung Quốc đâm tầu đánh cá của dân Việt Nam và
Phi Luật Tân (Philippines), tàu chiến các nước đã “bắn súng nước” với nhau. Căng
thẳng hơn nghĩa là hải quân hai bên có thể sẽ nổ súng. Ông Vương Nghị đe dọa
thật.
Ngoại trưởng Philippines, ông Albert
Del Rosario, phản pháo ngay trong ngày hội nghị ASEAN bắt đầu. Ông cực lực lên
án các hành động “đơn phương gây hấn” của Trung Cộng trong vùng Biển Ðông. Ông
nêu ra các chứng cớ cụ thể là việc xây dựng những đảo nhân tạo trên các bãi đá
ngầm nằm đang tranh chấp để biến thành các phi trường và căn cứ quân sự.
Sau khi bày tỏ thái độ cương quyết,
ông Del Rosario vẫn chứng tỏ một thái độ ôn hòa, tuyên bố Philippines ủng hộ đề
nghị “Ba Ngưng” của chính phủ Mỹ để giảm bớt xung đột gia tăng: Ngưng xây đắp
các đảo nhân tạo; ngưng xây dựng các căn cứ, và ngưng các hành động gây hấn.”
Nhưng ông Del Rosario cẩn thận nói thêm: “Chúng tôi cần nhấn mạnh rằng chấp nhận
đề nghị ‘Ba Ngưng’ không có nghĩa là Philippines công nhận việc xây đắp bảy hòn
đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã thực hiện trong năm qua.”
Nói những lời công khai, rành mạch
đó, Del Rosario xứng đáng là đại diện ngoại giao của một quốc gia đáng kính
trọng. Trong khi đó, báo chí quốc tế không thuật lại một lời tuyên bố nào của
phái đoàn chính phủ Hà Nội để thấy họ dám phản đối những lời đe dọa của Ngoại
Trưởng Vương Nghị. Cộng Sản Việt Nam vẫn giữ đường lối tránh đối đầu với Cộng
Sản Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế. Việt Cộng vẫn nhắc đi nhắc lại họ chỉ
thảo luận song phương về những tranh chấp lãnh thổ và biển, đảo với Trung Cộng,
trên chủ trương “16 chữ vàng” và “bốn tốt.”
Cho tới nay, Trung Cộng luôn luôn bắt
buộc Việt Cộng chỉ được nêu các vấn đề tranh chấp giữa hai quốc gia trong các
cuộc gặp gỡ riêng hai nước với nhau. Lời tuyên bố của ông Vương Nghị trong ngày
Thứ Hai xác định lại rằng các hành động gây hấn mới của Trung Cộng đều là các
vấn đề “song phương,” nghĩa là mỗi các tranh chấp chỉ xảy ra giữa hai quốc gia,
không liên quan đến một nước thứ ba nào. Ðó là chủ trương “Bẻ Ðũa,” không bẻ cả
một nắm đũa mà bẻ từng chiếc đũa một. Còn gọi là chiến lược “chia để trị” các đế
quốc vẫn dùng khi họ muốn thôn tính các nước nhỏ.
Trước các hành động xâm lấn của Trung
Cộng đối với nước Việt Nam từ năm 1956 đến nay, con đường duy nhất để dân tộc
Việt Nam giữ được chủ quyền là phải thoát ra ngoài chiến lược“Bẻ Ðũa” của Trung
Cộng.
Hội nghị an ninh ASEAN tại Kuala
Lumpur đang diễn ra là một cơ hội bằng vàng để chính quyền Việt Nam bắt đầu chui
ra khỏi vòng cương tỏa của chiến lược “Bẻ Ðũa” này. Ðây là cơ hội để dân tộc
Việt Nam thoát khỏi cái tròng “bốn tốt” với “16 chữ vàng” do Trung Cộng cột vào
đầu vào cổ.
Ðây là một cơ hội mới, vì các chính
phủ ASEAN đều nói ngược lại ý kiến của ông Vương Nghị. Ngoại trưởng Singapore,
ông K. Shanmugam nói thẳng: “Vùng Nam Hải (tức Biển Ðông nước ta) là một vấn đề.
Không thể giả bộ coi như nó không có vấn đề nào.” Ông Anifah Aman, ngoại trưởng
Malaysia nhân danh quốc gia tổ chức hội nghị đã khẳng định rằng không có một vấn
đề nào được coi là không thể đem ra thảo luận. Ông nói rằng ngay trong ngày đầu
tiên, Thứ Ba, mùng 4 Tháng Tám, các tranh chấp vùng Biển Ðông đã được nêu lên
rất nhiều lần. Một nhà ngoại giao khác nói, “Nước này không phải là nước
Cambodia hay nước Lào! Câu nói này nhắc tới hành động của chính phủ Cambodia,
nước chủ nhà tổ chức hội nghị ASEAN năm 2012, họ đã gạt vấn đề các tranh chấp
trong vùng Biển Ðông không để cho bàn luận, vì bị Trung Cộng gây áp lực và mua
chuộc.
Gió đang xoay chiều trong vùng Ðông
Nam Á. Các nước ASEAN đã tỏ ý chấp nhận giải pháp “Ba Ngưng” tạm thời của chính
phủ Mỹ; việc đầu tiên là ngưng không xây đắp thêm các hòn đảo nhân tạo. Các nước
Ðông Nam Á có lý do trước mắt thúc đẩy. Trước ngày hội nghị khai mạc, giới quân
sự Mỹ xác nhận tin chính quyền Bắc Kinh đang xây phi trường mới trên một hòn đảo
nhân tạo khác, dài ba cây số, trong vùng Subi Reef đang tranh chấp với
Philippines. Phụ tá ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã ví việc làm của Trung
Cộng ở vùng biển Ðông Nam Á giống như cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraine; để nhắc
nhở rằng chính phủ Mỹ và các nước đồng minh chống lại các hành động như vậy. Nhà
bình luận Carl Thayer ở Úc nhận xét: “Trung Quốc đang cắt giữa trái tim cả vùng
hàng hải của Ðông Nam Á.”
Trong vùng Ðông Nam Á gió quả thật đã
xoay chiều. Thái độ cứng rắn của chính phủ Mỹ đã khuyến khích các nước từ
Philippines tới Singapore, Malaysia tỏ ra cứng rắn một cách công khai và quyết
liệt hơn đối với Trung Cộng. Ðây là một cơ hội cho dân tộc Việt Nam để thoát
khỏi ách kiềm tỏa của đế quốc đỏ Trung Hoa. Nếu đảng Cộng Sản bỏ lỡ cơ hội này
thì lịch sử sẽ kết tội mãi mãi.
Một hội nghị tiếp theo, Diễn Ðàn
ASEAN Vùng (ASEAN Regional Forum - ARF) hàng năm sẽ mở rộng thêm với dại diện
các nước Nam Hàn, Nhật Bản, Nga; các ngoại trưởng Vương Nghị và John Kerry cũng
có mặt ở trong Kuala Lumpur trong phiên họp khai mạc ngày Thứ Năm. Ðây là một
dịp để phái đoàn đại diện ngoại giao của Việt Nam có cơ hội chứng tỏ họ cũng đủ
can đảm như ngoại trưởng Philippines. Trước mặt cả thế giới, phải xác định lại
chủ quyền của nước Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bất khả
xâm phạm, như ông Del Rosario đã nhấn mạnh phần nước ông. Việt Nam có thể chấp
nhận chủ trương “Ba Ngưng” của Mỹ như một giải pháp tạm thời tránh gây chiến
tranh, nhưng cương quyết không bao giờ chấp nhận các hòn đảo nhân tạo của Trung
Cộng. Hơn nữa, phải tố cáo trước thế giới rằng các phi trường quân sự và các căn
cứ mới của Trung Cộng là những con dao đang kề cổ, những mũi nhọn đang chuẩn bị
đâm sâu vào yết hầu nước Việt Nam.
Muốn cho thế giới nhìn thấy âm mưu
của Trung Cộng rõ hơn nữa, phái đoàn Việt Nam có thể công bố nội dung gần đây
được tuyền bá trên mạng báo điện tử “Binh Khí Ðại Toàn” của Trung Quốc. Họ mới
kêu gọi tấn công chiếm hết quần đảo Trường Sa với những lời lẽ khát máu: “Phải
đánh cho Việt Nam không kịp trở tay. Hãy giết chết bọn giặc Việt Nam để làm vật
tế cờ cho trận chiến Nam Sa.” (Họ gọi Trường Sa là Nam Sa). Bài trên báo Binh
Khí Ðại Toàn công khai đề nghị Trung Cộng đánh Việt Nam để làm một cuộc diễn tập
trước khi “giải phóng Ðài Loan!” Cả thế giới biết rằng các mạng điện tử ở Trung
Quốc đều do đảng Cộng Sản kiểm soát và điều khiển.
Liệu đảng Cộng Sản Việt Nam có dám
bày tỏ một thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Cộng hay không? Ít có triển vọng
Việt Cộng sẽ đổi chiều 180 độ, nhưng ít nhất cũng hy vọng họ dám quay ít nhất
một góc vuông!
Ðiều tối thiểu phải làm trong hội
nghị ASEAN này là Việt Nam công khai yêu cầu Trung Cộng ngưng tất cả các hoạt
động gây hấn: Ngưng quấy phá các tàu đánh cá Việt Nam. Ngưng đem các giàn khoan
thăm dò dầu khí vào vùng Biển Ðông. Ngưng củng cố các phi trường và căn cứ quân
sự. Ngưng xây đắp các đảo nhân tạo mới. Ngưng phổ biến các luận điệu hiếu chiến
đe dọa các lân bang. Các yêu cầu trên bao gồm cả chủ trương của chính phủ Mỹ
nhưng nhiều hơn. Ðiều này ai cũng hiểu được.
Trong cuộc gặp gỡ giữa ông Nguyễn Phú
Trọng và ông Obama gần đây, tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam và tổng thống Mỹ
đã công bố nhiều chính sách chung về ngoại giao. Trong đó hai nước sẽ hợp tác
bảo vệ an ninh hàng hải trong vùng Biển Ðông trong khuôn khổ các hội nghị đa
phương. Hai bên cũng đồng ý phải giải quyết các tranh chấp trên Biển Ðông bằng
các biện pháp dùng luật lệ quốc tế. Cuộc họp khối ASEAN lần này là một cơ hội để
Việt Nam thi hành những chủ trương trên. Không thể nói một đằng, làm một nẻo, để
chính quyền Trung Cộng càng thêm kinh mạn, khiến họ càng hung hăng gây hấn
hơn.
Trong hội nghị ARF ngày Thứ Năm này,
phái đoàn Việt Nam hãy đánh dấu một bước ngoặt bằng lời tuyên bố chấm dứt chính
sách đàm phán song phương với Trung Quốc về vùng Biển Ðông. Lý do vì đây là một
vấn đề an ninh quốc tế. Từ nay Việt Nam sẽ thảo luận với nhiều quốc gia, gồm các
nước Ðông Nam Á, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Mỹ, Nam Hàn, vân vân. Cương quyết hơn nữa, dân
tộc Việt Nam phải ấn định một lằn ranh giới rõ ràng, nếu Trung Cộng bước qua thì
người dân Việt sẵn sàng hy sinh để bảo vệ danh dự, chủ quyền và đất đai, biển
đảo của tổ tiên.
Một trăm năm trước, chí sĩ Phan Châu
Trinh viết bài “Mười điều bi thương của dân tộc Việt Nam;” điều số một là:
“Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích
nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đọa đày.”
Lời dạy của cụ Tây Hồ ngày nay vẫn cần được nhắc nhở.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen