Sonntag, 23. August 2015

Quán “chè ma” hấp dẫn nhất Sài Gòn lưu truyền qua 4 thế hệ

Quán chè nằm khiêm tốn gần khu chợ vải Soái Kình Lâm (Q.5, TP. HCM) hoạt động nhộn nhịp nhất vào lúc 21h đến 0h trong căn nhà cổ kính với tuổi đời hơn 70 năm, lưu truyền qua 4 thế hệ nên người xung quanh đặt tên quán là “chè ma”.
Tên đúng của quán “chè ma” là chè Châu Giang, quán do cụ Phùng Hạnh Phan gầy dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước. Hiện nay, chị Lý Thanh Hà là cháu đời thứ 4 của cụ Phan tiếp quản. Theo chị Hà, cụ Phan không có con cái nên nhận bà ngoại chị làm con nuôi và đặt tên là Lý Ái Quỳnh. Từ Hà Nội đến Hải Phòng, không nơi đâu là không có dấu chân hai mẹ con cụ Phan, ở đâu cụ làm đủ nghề để kiếm sống, thế nhưng nghề nào cụ cũng không trụ được lâu.
15-164af-3b4ed
Quán “chè ma” là một căn nhà cổ kính, cũ kỹ, chỉ để vừa chiếc xe đẩy, bên ngoài đặt khiêm tốn 4 bộ bàn ghế nhưng khách vào ra rất nhộn nhịp. Quán hoạt động “hết công suất” từ lúc 21h đến 0h nên người Sài Gòn hiện nay gọi vui là quán “chè ma”.

Đến năm 1938, cụ Phan đến Sài Gòn khi vốn liếng, tiền bạc gần như đã cạn kiệt. Không còn cách nào khác để tăng thêm thu nhập, cụ bèn nấu thử một nồi chè rồi ngồi ở góc đường Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm) – Nguyễn Trãi (Q.5, TP. HCM) bán cho người dân quanh khu vực này.Thời đó, được ăn chè đã là một hạnh phúc, chỉ những người thượng lưu mới dám bỏ tiền ăn chè đậu xanh (một món chè “sang chảnh” thời đó). Tuy nhiên, khi cụ Phan nấu món chè theo phong cách riêng của mình, vừa ngọt thanh, vừa thơm vừa lạ khiến dân Sài Gòn mê mẩn, quán chè của cụ dần nổi tiếng. Được thời, cụ Phan sắm một chiếc xe bán hàng và đặt tên là chè Châu Giang. Cụ Phan chỉ bán vài món chè ăn mát mùa hè, xe chè đặt khiêm tốn trong khoảng sân nhỏ trước trạm biến áp nên người dân thời xưa vẫn quen gọi là “chè nhà đèn”.
Khi bà Phan qua đời, con gái nuôi của cụ nối nghiệp, cũng bán chè tại nơi đây. Thấm thoát hơn 70 năm, quán chè bây giờ đã truyền đến thế hệ thứ 4, mỗi lần truyền qua một thế hệ thì thực đơn tăng lên vài món mới. Đến đời của chị em chị Lý Thanh Hà tiếp quản thì số lượng chè đã lên đến gần 20 món.
Cũng ở đời chị Hà, thói quen của thực khách thay đổi, họ thích dạo phố đêm, ngồi ăn khi con đường đã dần đi vào yên tĩnh nên thời gian bán chè được nâng lên đến nửa đêm. Cứ đến thời điểm 21h đến 0h thì quán chè của chị mới nhộn nhịp khách ra vào, thấy quán chị gần như hoạt động vào lúc khuya nên mọi người xung quanh gọi đùa là quán “chè ma”.
11-164af-3b4ed
Chị Lý Thanh Hà là người thứ tư tiếp quản nghề tổ của gia đình, chị luôn tâm huyết với nghề và phục vụ khách rất chu đáo.
Chị Hà tâm huyết: “Trải qua bao thăng trầm từ đời cụ cố, chúng tôi luôn tâm niệm phải giữ được nghề để cụ vui lòng. Từ khi mẹ tôi mất, ba chị em tôi thay phiên nhau bán tại đây, và cố gắng động viên con cháu tiếp tục. Chè đối với chúng tôi như là cuộc sống và một truyền thống của gia đình. Tôi tự hào và những vì mà các cụ đã gầy dựng”.
1-164af-3b4ed
Những món chè tại đây với tên món như: quy linh cao, hoài sơn hay sự kết hợp của bạch quả, bo bo, tàu hũ ky và trứng cút có thể sẽ làm khách hàng bỡ ngỡ khi đến lần đầu tiên. Món độc đáo nhất của quán “chè ma” có lẽ là chè bột củ năng hột gà. Với thành phần đơn giản là bột củ năng và hột gà sống hòa quyện cùng nhau là đã có thể tạo nên một chén chè “bát bổ, thanh nhiệt”.Cái thú vị của món chè này nằm ở chỗ phải ước lượng bột sao cho thật chuẩn, và người bán phải khuấy thật đều tay, nếu không trứng gà sẽ chín mà lòng đỏ không kịp hòa lẫn với bột củ năng, và phải ăn ngay khi chè còn nóng.
9-164af-3b4ed
Món bột củ năng hột gà là món ăn bổ dưỡng, tuy nhiên những thực khách không quen món lạ thì không nên thử vì hơi khó ăn với độ sệt của bột năng và mùi hơi nồng từ trứng gà sống.
10-164af-3b4ed
Ngoài ra thực khách đến đây nên thử món trà hột gà, hầm nước trà chung trứng gà luộc, hầm đến khi trà thấm vào trứng gà thì người ăn không thấy mùi tanh của trứng mà thay vào đó là vị béo béo của lòng trắng, thơm của trà, ăn lúc trưa nắng rất đã khát.
Đối với những thực khách lần đầu tới đây, chị Hà sẵn sàng tư vấn món chè hợp với khẩu vị của họ. “Không phải ai cũng thích những vị chè lạ, nếu họ ăn vì tò mò, tôi sẽ nói trước với họ về mùi vị và thành phần để họ không chỉ ăn vài miếng nhỏ rồi bỏ đi, như vậy họ vừa tốn tiền mà tôi cũng tiếc những chén chè của mình”, chị Hà cho biết.
13-164af-3b4ed
Bạn Đinh Tấn Trường (SN 1994, SV năm 3 trường ĐH Hồng Bàng) cho biết: “Trước khi đến đây tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đu đủ có thể nấu chè, đặc biệt là tiềm trong thố. Ban đầu tôi ăn vì tò mò nhưng hiện tại dường như tôi “bị nghiện”, lần nào đến tôi cũng gọi món này”
4-164af
Ngoài các bạn trẻ đến đây thưởng thức, thì những người lớn tuổi cũng thường xuyên ghé quán.
Quán của chị Hà cũng có nhiều khách ruột là Việt kiều, họ về thăm lại quê hương, đã ăn chè ở đây và rất thích, ngỏ ý xin được truyền lại bí quyết nấu các món chè để bán ở Mỹ, Pháp… Nhưng vì đây là nghề gia truyền, dù cho khách có trả giá cao đến mấy gia đình cũng kiên quyết giữ gìn bí quyết gia truyền, chỉ truyền lại cho người trong dòng họ.Ngoài ra, trước đây quán của chị Hà cũng mở nhiều chi nhánh, nhưng khách quen chỉ muốn đến ăn tại chỗ cũ, cô Lưu Thị Xuyến (SN 1953, khách quen) cho biết: “Tôi ăn ở đây từ thời bé, lúc đó chúng tôi gọi nơi đây là chè “cột đèn” vì nó được đặt ngay trạm biến áp. Lúc trước cách đây vài căn nhà, cô chủ mới có mở thêm một quán nhưng tôi vẫn thích cái không gian này hơn, đối với tôi góc nhỏ này là cả kỷ niệm nên tôi không thích đi nơi khác”.
Chính vì người chủ tâm huyết với nghề và luôn quan tâm đến cảm nhận của khách mà giờ đây quán “chè ma” đã trở thành một địa điểm ăn uống được nhiều người biết đến tại khu Chợ Lớn nói riêng và một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân Sài Gòn nói chung.
@Trithuctre


Sent from my iPad

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen