TP - Biên tập viên Chu Phương của Tân Hoa xã thẳng thắn bày tỏ quan
điểm cực lực phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông, đòi xóa bỏ cái
gọi là “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc.
|
Biên tập viên Chu Phương của Tân Hoa xã. |
Gần đây, khi tình hình Biển Đông căng thẳng, nhất là sau khi Trung Quốc
có những bước đi ngang ngược, bất chấp lẽ phải và sự thật như khẳng định yêu
sách về “Đường Lưỡi bò”, lập ra cái gọi là “thành phố Tam Sa”, biên tập viên
Chu Phương của
Tân Hoa xã đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm cực lực
phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông, đòi xóa bỏ cái gọi là “thành
phố Tam Sa”...
Nhà báo Chu Phương sinh năm 1960, Cử nhân Anh văn (1982), Thạc sỹ Báo
chí truyền thông (1989), từ 1989 đến nay là biên tập viên công tác tại Ban
biên tập đối ngoại của Tân Hoa xã.
Ông là nhân vật nổi tiếng có quan điểm thẳng thắn trong làng báo Trung
Quốc, hồi tháng 3 năm nay, từng gây chấn động dư luận bởi là người viết
những bài đầu tiên đăng trên
Blog Sina.com phê phán Bạc Hy Lai và “mô hình
Trùng Khánh” ngay từ khi nhân vật này còn đang trên đỉnh cao danh vọng và
quyền lực.
Ngày 17-7, ông cho đăng bài viết “Hiện trạng Nam Hải (Biển Đông) có
lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc”.
Trong đó ông viết: “Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra “thành phố Tam Sa”
là chường cho bàn dân thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc; đồng thời cũng
sẽ buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc phải giở bài ngửa với các quốc gia
xung quanh và quốc tế... Chúng ta từ nhỏ đã được nhìn thấy tấm bản đồ Nam
Hải (Biển Đông).
Một đường biên giới đứt đoạn rất thô màu hồng đưa toàn bộ Nam Hải vào
trong bản đồ Trung Quốc. Cho đến ngày nay chúng ta mới biết sự thực không
phải như vậy. Cái đường biên giới quốc gia ấy không những các nước láng
giềng và cả quốc tế không công nhận, mà ngay chính phủ và các học giả nước
ta (Trung Quốc) cũng không giải thích rõ được”.
Trước đó, ngày 29-6, Chu Phương viết bài: “Thiết lập “thành phố Tam
Sa” là trò cười quốc tế, mạnh mẽ yêu cầu hủy bỏ ngay!”. Bài này đã được
nhiều diễn đàn mạng đăng lại.
Chu Phương viết: “Nhiều người dân nước ta đến giờ vẫn không hiểu Nga
tại sao lại lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập quân sự lớn Thái Bình Dương
do Mỹ chủ đạo. Kỳ thực, đó chính là sự phản ứng mạnh mẽ của quốc tế trước
hành động thiết lập “thành phố Tam Sa” đi ngược lại luật quốc tế và vô trách
nhiệm của Trung Quốc.
Nếu giai tầng lãnh đạo Trung Quốc đến giờ vẫn không đọc hiểu được thứ
ngôn ngữ quốc tế chung đó thì sẽ kéo nhân dân Trung Quốc sa vào một cuộc
chiến tranh không thể thoát ra.
Việc thiết lập “thành phố Tam Sa” là một trò cười quốc tế điển hình.
Chính phủ Trung Quốc cần sớm nhận sõ sai lầm to lớn của mình, sớm có hành
động sửa chữa sai sót.
Bản thân tôi mạnh mẽ kêu gọi: hãy lập tức hủy bỏ “thành phố Tam Sa”,
triển khai sớm nhất có thể được việc đối thoại mang tính xây dựng với các
nước xung quanh Nam Hải (Biển Đông), dốc sức cho việc làm dịu tình
hình căng thẳng ở Nam Hải, loại bỏ nguy cơ chiến tranh, đưa Trung Quốc quay
trở lại với đại gia đình quốc tế”.
Chu Phương viết: “Trung Quốc đã trải qua kiểu hành động tùy tiện thời
“Cách mạng văn hóa”, đã tự mình nếm trải thời kỳ “chính trị thống soái”, cần
phải nhận thức được mình là thành viên của đại gia đình quốc tế, cần phải
tuân thủ các chuẩn tắc và quy phạm mà cả cộng đồng quốc tế tuân theo.
Trong xử lý công việc quốc tế, nhất là xử lý các vấn đề phức tạp, tồn
tại tranh chấp nghiêm trọng giữa các quốc gia, tuyệt đối không được tự mình
hành động một mình theo quan niệm giá trị, quan niệm lịch sử và lập trường
của mình, chỉ nói điều mình nghĩ; như thế không những không giúp gì cho việc
giải quyết tranh chấp quốc tế, mà còn làm tình hình xấu thêm, gia tăng thêm
quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước xung quanh.
Đồng thời cũng làm tổn hại đến hình ảnh và địa vị quốc tế của Trung
Quốc, làm suy yếu tiếng nói của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Trong vấn đề ngoại giao, trong xử lý công việc quan hệ quốc tế, chúng
ta cần phải có thêm nhiều nhà ngoại giao, nhà chiến lược quốc tế và những
chính trị gia thực sự có tầm để tham gia vào việc quyết sách; quyết không
nghe theo tiếng gào thét của những “cuồng nhân chiến tranh” hay để cho quân
sự chỉ huy chính trị. Kinh nghiệm lịch sử của tất cả các quốc gia cho thấy
rõ: quân nhân can dự chính trị chỉ đem lại tai họa cho đất nước”.
Về việc chính phủ Trung Quốc vội vàng tuyên bố lập ra cái gọi là “thành
phố Tam Sa” bao gồm toàn bộ vùng biển trong “Đường biên giới 9 đoạn” mà họ
tự vạch ra một cách vô căn cứ, Chu Phương thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Việc
thiết lập “thành phố Tam Sa” là bước đi sai lầm nhất và không sáng suốt nhất
của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Nam Hải (Biển Đông),
khiến cả quốc tế chê cười những nhà quyết sách Trung Quốc thiếu kiến thức về
luật quốc tế muốn thông qua việc thiết lập “thành phố”, ngang nhiên đưa công
hải (vùng biển quốc tế) vào lãnh hải của nước mình.
Cách làm sai trái ấy không chỉ tạo ra tiền lệ quốc tế, mà còn trở thành
trò cười quốc tế, tất sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh quốc tế của
Trung Quốc. Quá trình thiết lập “thành phố Tam Sa” thể hiện sự nóng vội và
cẩu thả, rõ ràng là quyết định được đưa ra thiếu luận chứng khoa học và
không sáng suốt.
Hành động này không chỉ đi ngược lại luật pháp và tập quán quốc tế, mà
cũng trái với những quy định pháp luật của chính Trung Quốc về việc thành
lập thành phố, càng đi ngược lại quốc sách và chiến lược phát triển hòa bình
phù hợp mà Trung Quốc cần có”.
Việc thiết lập “thành phố Tam Sa” là bước đi
sai lầm nhất và không sáng suốt nhất của Trung Quốc trong việc giải
quyết vấn đề Nam Hải (Biển Đông). Cách làm sai trái ấy không chỉ tạo
ra tiền lệ quốc tế, mà còn trở thành trò cười quốc tế, tất sẽ gây tổn
hại nghiêm trọng đến hình ảnh quốc tế của Trung Quốc
|
Ông phân tích: “Hành động sai lầm
nguy hiểm vô trách nhiệm của một số người trong việc thiết lập “thành phố
Tam Sa” đang đẩy nhân dân Trung Quốc sa vào miệng hố chiến tranh. Nhân dân
Trung Quốc cần hòa bình, không cần chiến tranh. Trong việc xử lý vấn đề quốc
tế và xử lý vấn đề quan hệ với các nước, Trung Quốc cần phải tỉnh táo, không
được cuồng nhiệt. Trung Quốc cần làm một dân tộc có trách nhiệm, đứng thẳng
giữa khu rừng các dân tộc thế giới; quyết không thể làm một “cô nhi thế
giới” hành động ngang bướng. Trong việc giải quyết công việc quốc tế, Trung
Quốc cần phải học cách tuân theo quy tắc trò chơi đã được cả quốc tế công
nhận, tránh một mình một kiểu, mình khen mình hay, đừng để trở thành Triều
Tiên thứ hai”.
Chu Phương thẳng thắn đề xuất ý kiến cá nhân: “Đối với vấn đề “thành
phố Tam Sa”, chính phủ Trung Quốc cần sớm nhận ra sai lầm lớn lao của mình,
xin đừng ngại mất thể diện mà bỏ lỡ thời cơ. Trung Quốc cần sớm hành động,
sửa chữa sai sót...
Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta thấy, một Trung Quốc cô lập sẽ không
có tiền đồ. Việc Nga tham gia cuộc diễn tập quân sự Thái Bình Dương vẫn chưa
khiến một số chính khách và quân nhân của ta tỉnh ra.
Trong thế giới ngày nay, sự phát triển của một quốc gia càng cần có sự
quan tâm, tham dự và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Đừng nói gì Trung Quốc
đang tự coi mình là “quốc gia đang phát triển”, mà ngay cả Mỹ, “Siêu cường
quốc duy nhất thế giới” hiện cũng đang ngày càng biết cách lợi dụng và dựa
vào cộng đồng quốc tế để đạt được mục đích của mình”.
Ông kết luận: “Thiết lập “thành phố Tam Sa” là hành động tự cô lập mình
của Trung Quốc, là một sai lầm chiến lược to lớn cần phải nhanh chóng sửa
chữa!”.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen