Montag, 9. März 2015

Đảng viên nghĩ gì về chuyện liên minh ?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-03-05

Họa mất nước nhãn tiền
Chấp nhận liên minh người cộng sản phải chấp nhận một tình thế mới, họ có thể mất quyền lợi cá nhân lẫn vị trí trong chiếc ghế quyền lực nhưng bù lại đất nước sẽ thoát ra khỏi vòng kềm tỏa nặng nề của Trung Quốc với họa mất nước nhãn tiền.

Trước việc Trung Quốc xây dựng một loạt các căn cứ quân sự trên các dãy đão tại Trường Sa mặc dù nhà nước chưa có một tuyên bố gì khác hơn so với trước đây nhưng trên báo chí chính thống nhiều ý kiến của các đảng viên cao cấp cho thấy sự uất ức lẫn lo ngại cho tình hình an ninh đất nước đang là mối lo hàng đầu hiện nay.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, đại biểu Quốc hội liên tiếp nhiều nhiệm kỳ đã tuyên bố rằng hành động xây dựng của Trung Quốc còn nguy hiểm hơn dàn khoan HD-981 trước đây. Nó cho thấy TQ quyết tâm dùng sức mạnh quân sự để khống chế Việt Nam, khẳng định đường lưỡi bò phi pháp của họ. Trước nguy cơ này, trí thức, đảng viên không thể im lặng theo nhà nước mà không ít người trong đảng cho rằng liên minh với các nước, đặc biệt là Mỹ, sẽ kéo Việt Nam ra khỏi tầm tay Trung Quốc và đây là cơ hội khó kiếm lần thứ hai.

    *TS Nguyễn Thanh Giang
 TS Nguyễn Thanh Giang, một nhà bất đồng chính kiến kiên trì trong hàng chục năm qua cho biết nhận xét của ông:
“Trong giai đoạn này, tôi thấy Hoa Kỳ họ sẵn sàng chìa tay ra để nắm lấy bàn tay Việt Nam để cùng với Việt Nam giữ lấy Biển Đông. Việc giữ Biển Đông không chỉ vì quyền lợi của Việt Nam mà còn vì quyền lợi Hoa kỳ. Việc ngăn chặn âm mưu bành trướng Đại Hán cũng là quyền lợi không chỉ là của toàn nhân loại mà là quyền lợi cũng sát sườn của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ phải ngăn chặn cho được sức vươn lên cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc.
Với một điều kiện thuận lợi như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam cần và phải xúc tiến nhanh việc liên minh liên kết với Hoa Kỳ. Liên minh với Hoa Kỳ hay bất cứ nước nào trên thế giới không phải để chống Trung Quốc mà để giữ gìn lãnh hải lãnh thổ của mình. Đấy là liên minh chính đáng cần phải tuyên bố và thực hiện. Tiếc rằng cho đến bây giờ cái chủ trương đúng đó không được thực thi và Việt Nam vẫn giữ một khoảng cách khá xa đối với Hoa Kỳ, đồng thời lại vẫn hô những khẩu hiệu hoàn toàn vô nghĩa lý là 16 chữ vàng 4 tốt. Điều này lệ thuộc vào ý thức hệ đã trở nên lạc hậu phi thực tế.”

Vai trò của Đảng sẽ ra sao ?
Trở ngại quan trọng nhất là yếu tố ý thức hệ mà đảng cộng sản hai nước liên quan quá chặt chẽ với nhau đã khiến cho Ban chấp hành Đảng cộng sản Việt Nam không đủ quyết tâm tách rời ra khỏi quỹ đạo của nó mặc dù cả hai bên đều biết rằng chủ nghĩa xã hội nay chỉ còn là cái vỏ bọc đã lỗi thời, lạc hậu. Trung Quốc chạy theo mục tiêu bá quyền nước lớn và Việt Nam nằm trên con đường xâm lấn của Bắc Kinh. Chỉ có hai cách tránh họa xâm lăng của Trung Quốc, một là thỏa hiệp nhắm mắt chờ đợi một biến cố nào đó xảy ra, cam chịu mọi sự ép bức trong đó mất dần chủ quyền Biển đảo, một phần xương thịt quan trọng của đất nước.
  Pano tuyên truyền cho ngày thành lập ĐCSVN tại Hà Nội được chụp hôm 27/2/2013

Thứ hai, từ bỏ chủ nghĩa xã hội, dứt khoát chặt đứt 16 chữ 4 tốt quay hẳn về phía khác và chấp nhận liên minh với các nước để tạo ra vòng đai bảo vệ lấy mình bằng sức mạnh liên minh. Để từ đó yên tâm xây dựng thể chế chính trị nào phù hợp với ý nguyện toàn dân vì một đất nước thật sự phú cường thịnh vượng.

Rào cản lớn nhất cho vấn đề liên minh vẫn từ cấp cao nhất trong Bộ chính trị. Quyết sách liên minh mặc dù là lợi ích to lớn cho đất nước nhưng khi quyết định chọn lựa phương cách này thì Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ ngay lập tức đối diện với thử thách là liệu vai trò của Đảng sẽ ra sao khi liên minh hình thành với hàng tá điều mà Đảng phải từ bỏ.

Ông Lê Công Giàu, một đảng viên kỳ cựu, nguyên Phó Bí thư thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhận định của ông trong tình hình hiện nay:
“Hiện nay tình hình Việt Nam đang đòi hỏi sự đổi mới, một sự đổi mới cơ bản chứ không phải từng chút hay từng phần, tất nhiên là phải có thời gian. Bây giớ số trí thức trong đảng suy nghĩ của họ là không phải bám vào những học thuyết, những lý thuyết không còn phù hợp. Người ta căn cứ trên thực tế những việc gì làm có lợi cho đất nước thì người ta sẵn sàng chấp nhận. Không như cách đây vài chục năm tình hình nó khác, suy nghĩ nó khác còn bây giờ người ta sẵn sàng từ bỏ những cái cũ để đi theo cái mới. Tất nhiên hợp tác phải thật sự đem lại lợi ích cho đất nước vì chúng ta biết rằng bất cứ nước nào thì họ cũng sẽ tính tới quyền lợi của họ trước do đó những cái hợp tác, quan hệ nào mà thật sự đem lại lợi ích cho đất nước thì tôi nghĩ họ sẵn sàng, ngay bản thân tôi cũng sẵn sàng.”

Ông Lê Công Giàu xác định một số lớn nhân sĩ trí thức, ngay cả đảng viên cũng đều muốn thay đổi theo hướng liên minh, vì vậy họ chấp nhận không cần quyền lợi vì sự an nguy của dân tộc là trên hết, ông Giàu cho biết:
“Đối với người dân, đối với những anh em trí thức qua nói chuyện thì tôi hiểu anh em rằng tình hình bây giờ nó đã thay đổi nhiều lắm rồi, thế giới bây giờ nó khác với cách đây vài chục năm cho nên bây giờ mọi suy nghĩ, mọi hành động người ta căn cứ vào trong những tình hình mới. Đối với anh em trí thức ở Việt Nam họ nghĩ rằng là trong tình hình hiện nay cái gì có lợi cho đất nước thì đều nên làm.
Trong xu thế hiện nay Trung Quốc đang gây khó khăn như thế không thể nào hợp tác hay nghiêng về phía Trung Quốc được mà phải đi với những nước cùng có hướng không để cho Trung Quốc chi phối, có những hành động có hại cho tình hình chung của từng nước cũng như cả thế giới. Hiện nay những suy nghĩ như vậy đang rất phổ biến, người ta căn cứ vào những hành động có lợi cho đất nước thì người ta sẵn sàng ủng hộ.”

Theo tôi nghĩ thì chắc là thế nào cũng có sự biến động phải thay đổi chứ không thể cứ y như cũ được là vì tôi nói thật người cộng sản cũng hết sức cơ hội chứ không phải là cái anh trung thành.

-Ông Trần Đĩnh

TS Nguyễn Thanh Giang cho rằng quyết định tham gia vào một liên minh để giữ gìn bờ cõi là tất yếu và không thể từ khước dù bất cứ lý do gì:
“Tiếng gọi thiên liêng của tổ quốc, tiếng gọi thiêng liêng của dân tộc là phải nhanh chóng thiết lập mối liên minh liên kết với những lực lượng tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ để giữ lấy chủ quyền, giữ lấy lãnh hải lãnh thổ của dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam phải làm cho được nếu không thì Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải có tội lớn đối với đất nước và dân tộc này. Cho nên nếu mà vì liên minh liên kết với Hoa Kỳ mà đảng có thiệt thòi quyền lợi này quyền lợi khác thì tôi khuyên đảng và dặc biệt là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải biết hy sinh một phần quyền lợi của mình để giữ lấy giang sơn tổ quốc. Giữ lấy quyền lợi của đất nước của dân tộc.”

Ông Trần Đĩnh, một đảng viên lâu đời và là người chấp bút cho việc viết tiểu sử chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả của quyển Đèn Cù mô tả những câu chuyện thâm cung bí sử của Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng người cộng sản không phải lúc nào cũng trung thành với ý tưởng hay chủ thuyết mà họ đưa ra. Sau bao nhiêu năm sống chung, nhà văn Trần Đĩnh cho rằng người cộng sản sẽ chấp nhận một trào lưu khác mà theo ông đó là chủ nghĩa cơ hội:
“Theo tôi nghĩ thì chắc là thế nào cũng có sự biến động phải thay đổi chứ không thể cứ y như cũ được là vì tôi nói thật người cộng sản cũng hết sức cơ hội chứ không phải là cái anh trung thành. Ta cứ xem lịch sử đảng thì thấy nay theo người này mai theo người kia là bình thường. Theo tôi đến chỗ bế tắc thì người ta rất dễ đi đến chỗ phải tính lại chứ không phải cứ tập trung bảo thủ đến cùng.
Lịch sử đã chứng tỏ rằng cộng sản lúc cần đến thì rất dễ thay đổi. Đang là đầu tàu cách mạng người ta có thể đánh đầu tàu cách mạng được tho^i, bây giờ đi với Mỹ với phương Tây, theo tôi không có gì ghê gớm cả ! Tại vì thế này, đảng không còn nguyên vẹn một khối nữa, nó có những biến hóa làm cho họ phải suy nghĩ lại, họ không còn là một khối thống nhất, chưa bao giờ có chuyện nội bộ mâu thuẫn đánh nhau như vậy”.

Biến cố chính trị lớn nhất trong năm có lẽ là chuyến đi Hoa Kỳ sắp tới của Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Mặc dù chuyến đi này chỉ là hình thức ngoại giao nhưng qua nó giới quan sát dễ dàng suy luận rằng ông Trọng dù sao cũng đang chấp nhận một vai trò khác trong cuộc chiến âm thầm với Trung Quốc mà ông luôn được xem là tiên phong trong việc giữ gìn mối hữu nghị.

Khi được hỏi, liệu ông TBT có nhân cơ hội này mà xoay trục về hướng khác hay không, ông Trần Đĩnh người nhiều năm sống và nghiên cứu về Trung Quốc cho biết cảm nghĩ của ông:
“Theo tôi nghĩ rất có khả năng là vì Trung Quốc đang rất căng với Hoa kỳ mà lại đồng ý đi thì theo tôi, đấy là tín hiệu ông ấy muốn tỏ rằng ông ấy không phải như ngưới ta nói chỉ kiên trì muôn' đi với Trung Quốc, còn ông ấy thật tình như thế nào thì không biết !
Trung Quốc nó có cái chữ “hình thế bức nhân” trong chính trị. Hình thế là cái situation, cái tình hình. Bức nhân là nó bắt buộc con người không thể không làm”.

Nhân sĩ trí thức cho rằng cái “không thể không làm” đó sẽ là khởi điểm cho một quyết định có tính cách xoay đổi cả một chính sách. Đây là cơ hội vô cùng to lớn nếu TBT Nguyễn Phú Trọng nắm lấy và khai thác. Nó cũng sẽ thay đổi tất cả mọi ác cảm dành cho ông qua thành kiến cho rằng ông quá thân với Trung Quốc đến nỗi vuột cả cơ hội lớn của dân tộc./.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen