Mittwoch, 3. Dezember 2014

Bên trong đường dây hôn nhân giả cho người Việt ở Mỹ

Đường dây từng tuyển mộ đến 1000 người tại bang Utah, phần lớn là người gốc Việt. Họ được thanh toán tiền công từ 15.000 đến 30.000 USD, được du hí về Việt Nam một chuyến hoặc đi chơi trên đất Mỹ, sẽ được "cặp" với những người mà đường dây gom từ Việt Nam
Cảnh sát Mỹ mới đây bắt giữ và truy tố hơn 20 người thuộc một đường dây đưa người bất hợp pháp vào Mỹ ở Salt Lake City, thủ phủ bang Utah. Vụ việc đã gây chấn động trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.
Thành phố Salt Lake City chỉ hơn 700.000 dân và khá yên tĩnh. Cộng đồng người Việt ở đây chỉ là một thiểu số nhỏ nhoi, chưa tới 1% dân số. Dù đi đến đâu, kể cả nơi chỉ có lác đác người Việt thì khi hỏi, họ thường nói là có khoảng vài chục nghìn, dù không hề có một thống kê nào cả. Và câu chuyện về vụ án "hôn nhân giả" đang gây sự chú ý cho tất cả người gốc Việt tại đây.
Một ngày bình thường năm 2004, bỗng dưng thượng nghị sĩ bang Utah, ông Orrin Hatch nhận được một lá thư của một cử tri. Nội dung bức thư không được công bố nhưng các cơ quan an ninh và tư pháp Mỹ bắt đầu nhập cuộc, âm thầm tiến hành theo dõi, điều tra trong 18 tháng qua chiến dịch mang tên Operation Morning Glory và ngày 7/8/2006, họ bắt giữ 21 nhân vật trong số 24 người bị truy tố trong đường dây này (còn 3 người đang lẩn trốn, mà theo cảnh sát họ có thể đang ở Việt Nam). Theo danh sách công bố, chỉ có hai người là "Mỹ hoàn toàn", còn lại là người Mỹ gốc Việt. Đặc biệt, 5 người chủ mưu - đều là người Mỹ gốc Việt, trong độ tuổi từ 33 đến 45 - hầu hết đã tốt nghiệp đại học ở Mỹ.
Họ bị cáo buộc các tội danh như tổ chức đám cưới giả, đưa người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, giả mạo chứng thư mà mức án có thể lên đến 32 năm cho một người. 21 người này lập tức bị đưa vào nhà giam của Salt Lake City và không được quyền nộp tiền để được hưởng quyền tại ngoại.
Di dân dạng fiance (hôn thê, hôn phu) là con đường nhập cư vào Mỹ an toàn, dễ dàng và nhanh chóng. An toàn vì được đi đến nước Mỹ bằng máy bay, đi chính thức, công khai. Dễ dàng vì chỉ cần có tiền là coi như xong. Và đặc biệt là nhanh chóng, vì chỉ cần 3 năm sau là đã có thể nhập quốc tịch Mỹ. Điều kiện "dễ dàng" như thế nên đã hình thành nhiều đường dây đưa người vào nước Mỹ theo con đường "hôn nhân giả tạo".
Hôn nhân hay phạm pháp?
Theo tờ Salt Lake Tribune thì đường dây này từng tuyển mộ từ 80 đến 100 người tại tiểu bang Utah, phần lớn là người gốc Việt. Những người này được "thanh toán" tiền công từ 500 đến 10.000 USD tùy theo đối tượng, được đi du hí về Việt Nam một chuyến hoặc đi chơi trên đất Mỹ, sẽ được "cặp" với những người được đường dây "tuyển mộ" tại Việt Nam.
Mỗi người muốn nhập cư Mỹ phải chi khoảng 30.000 USD để kết hôn với một công dân của Utah. Đặc biệt, có người chỉ trả một phần khoản tiền này thôi, số còn lại cam kết trả khi qua Mỹ đi "cày". Với những người này, họ chỉ cần ráng "cày" một năm và đừng ăn xài theo "kiểu Mỹ" thì dễ dàng thanh toán công nợ.
Hơn nữa, đường dây còn nắm đằng cán khi họ dọa sẽ báo cho cảnh sát biết để trục xuất về Việt Nam. Bởi thế sẽ không thấy lạ khi có thêm nhiều tiệm nail mọc lên ở Salt Lake City mà số nam thanh niên hành nghề "sắc đẹp" này chẳng hề ít hơn con số nữ.
Trả lời nhân viên điều tra, những người trong đường dây này đã thuyết phục những người được "tuyển mộ" rằng, các cuộc hôn nhân như thế là hợp pháp và lại giúp đỡ cho những người "có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam". Nhân viên điều tra đã xem xét rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như là "các cặp" đó có thật sự chung sống với nhau ở Utah hay không, có cùng trả hóa đơn điện thoại, tiền nhà, đặc biệt là có con chung với nhau hay không? Tuy nhiên, những công việc này khó phát hiện được điều gì mới mẻ, bởi chính những người tổ chức đã rất rành để chuẩn bị đối phó rồi.
Theo các cơ quan an ninh Mỹ, những kế hoạch đưa người vào Mỹ bằng con đường hôn nhân giả mạo như trường hợp ở Utah đã đe dọa đến nền an ninh Mỹ bởi vì có thể những người trong các đường dây như thế đâu biết được mục đích thực sự của những người muốn nhập cư bằng con đường an toàn này.
Trước đây thì sự việc không đến nỗi nghiêm trọng lắm, nhưng kể từ sau vụ khủng bố 11/9 thì cơ quan an ninh lo ngại các tổ chức khủng bố quốc tế cũng có thể gài người vào Mỹ bằng con đường hôn nhân bất hợp pháp như thế. Diễn biến này dẫn đến việc chính quyền liên bang có thể xem xét đến việc điều chỉnh các chính sách liên quan đến thủ tục cùng tiêu chuẩn nhập cảnh vào Mỹ.

Bi kịch từ hôn nhân giả để nhập cư


alt
Isaac Baichu đã "gạ tình" một người phỏng vấn xin thẻ xanh - Ảnh: Slate
Rất nhiều người đã làm hôn nhân giả để được nhập cư vào Mỹ nhưng những gì đón chờ ở nước Mỹ đôi khi không như những điều họ hằng mơ tưởng.
Những vụ xử án gần đây liên quan đến các vụ kết hôn giả để có điều kiện nhập cư vào Mỹ đã gióng lên lời cảnh báo đến những người vi phạm pháp luật, trong đó có một số vụ án liên quan đến người gốc Việt. Bên cạnh đó, những người nhập cư theo con đường hôn nhân giả còn bị các nhân viên phụ trách di trú "hành". Câu chuyện dưới đây được Báo The New York Times đăng tải cuối tháng 3.2008 cho thấy thực trạng "đổi tình" hoặc "tiền" để lấy thẻ xanh cùng sự lạm dụng quyền hành của một số nhân viên di trú.
Ép đổi tình lấy thẻ xanh
Người chồng là một công dân Mỹ dẫn vợ là một phụ nữ Colombia 22 tuổi đến phỏng vấn để xin thẻ xanh (Green Card), tức thẻ thường trú nhân. Nhân viên phỏng vấn tại văn phòng ở New York xem xét hồ sơ, ghép tấm ảnh đám cưới của họ vào đơn xin. Mọi thủ tục xem như ổn cả và ông ta hỏi thêm câu cuối cùng: "Xin bà cho biết số điện thoại di động?".
Ba ngày sau, viên chức phỏng vấn bắt đầu gọi điện cho cô gái. Trên điện thoại, ông ta nói bóng gió cho cô biết là với thẩm quyền của mình, ông ta có thể lật tẩy hồ sơ của cô, đồng thời trục xuất cả cô lẫn thân nhân do những vi phạm pháp luật trước khi lấy chồng. Ông ta yêu cầu cô đến gặp riêng ông ta. Rồi đúng trưa ngày 21.12.2007, tại một bãi đậu xe, ông ta ra giá mà không biết là cô gái đã mở phần ghi âm trên máy điện thoại di động để trong túi xách: "Tôi muốn ái ân với cô. Một hoặc hai lần. Tất cả chỉ có thế. Rồi cô sẽ có thẻ xanh và chẳng cần gặp tôi nữa". Cô miễn cưỡng đồng ý sẽ gặp lại trong một buổi hẹn khác, nhưng khi cô chuẩn bị bước ra khỏi xe, ông ta đã đòi cô cho thỏa mãn theo kiểu "quan hệ bằng miệng" ngay lập tức. Và mặc dù cô chống đối, nhưng cuối cùng thì ông ta cũng đạt được mục đích.
Cô gái giấu nhẹm chuyện đó, không nói cho người chồng biết. Nhưng hai tuần sau cuộc gặp với nhân viên di trú nọ ở bãi đậu xe, cô đã cùng 2 thân nhân mang đoạn ghi âm đến Báo The New York Times vì cô không còn tin tưởng để tố cáo với cơ quan di trú hay cảnh sát nữa. Khi mang đoạn ghi âm trên đến tòa soạn, cô còn lo sợ nhân viên di trú đó trả thù. Cô cũng xin một cuộc gặp với phòng công tố khu vực vào ngày hôm sau. Và viên trợ lý công tố đã cho theo dõi cuộc điện đàm và cuộc hẹn gặp giữa nhân viên di trú với cô gái tại một nhà hàng. Phần ghi âm cuộc nói chuyện trong nhà hàng cho thấy ông ta yêu cầu cô gái "làm như lần trước" và đòi đưa cô đến ga-ra hoặc phòng tắm của một người bạn để cô được "thoải mái hơn". Ông ta đã bị bắt khi ra khỏi nhà hàng và chuẩn bị bước lên xe mà theo mô tả của các nhân viên điều tra là "hắn mang trên người đầy vàng và hột xoàn".
Các chứng cứ đã đủ để bắt giữ nhân viên di trú Isaac Baichu, 46 tuổi. Bản thân Baichu trước đây cũng là dân nhập cư đến từ Guyana, nhập tịch Mỹ năm 1991, có mức lương một năm là 50.000 USD. Trong thời gian 3 năm đảm nhiệm chức vụ nhân viên phỏng vấn (adjudicator), có quyền quyết định "yes" hay "no", Baichu đã giải quyết khoảng 8.000 đơn xin thẻ xanh ở Garden City, New York - một văn phòng của Cơ quan Di trú và Nhập tịch trực thuộc Bộ An ninh nội địa. Baichu không nhận tội đã ép buộc cô gái thực hiện "khẩu dâm" (vì đoạn băng khúc này bỏ trống), nhưng với việc hứa hẹn bảo đảm hoàn chỉnh giấy tờ để "đổi tình", ông ta có thể nhận mức án đến 7 năm tù giam trong phiên tòa sắp tới.
Về phần cô gái, khi người chồng biết chuyện đã tức giận bỏ đi và cô không biết đến bao giờ ông ta mới trở lại, trong khi thẻ xanh thì chưa được giải quyết.
Thực trạng đáng lo ngại
Chưa có thống kê để biết được có bao nhiêu vụ "tống tình" kiểu như Baichu, nhưng kiểu phân quyền rộng rãi và "toàn quyền" trong khi phỏng vấn như thế đã tạo điều kiện cho nhiều vụ lợi dụng quyền hạn để đòi tình và tiền. Nhân viên di trú cũng biết tình trạng "hôn nhân giả" khá phổ biến nên họ càng dễ dàng khai thác. Những người xin thẻ xanh qua hôn nhân giả thường gặp nhiều thảm cảnh, đôi khi tiền mất tật mang.
Có thể nói, người muốn nhập cư vào Mỹ qua đường hôn nhân giả phải lệ thuộc hoàn toàn vào người phối ngẫu giả. Mới đầu, họ bị người phối ngẫu giả "hành" đủ điều để xin cho được thẻ xanh 2 năm (quy chế cư trú có điều kiện), chịu khổ ải trong 2 năm mới xin phỏng vấn để nhận thẻ xanh 10 năm (quy chế thường trú nhân), rồi lại có thể rơi vào trường hợp bị nhân viên di trú lạm dụng quyền hành như trên.
Sở dĩ cô gái nói trên sợ hãi nhân viên di trú vì cô ta đến Mỹ bằng visa du lịch năm 2004 rồi ở lại quá hạn. Đến khi cô lấy được một người chồng có quốc tịch Mỹ hồi năm ngoái thì theo luật định, cô có quyền xin chuyển đổi từ tình trạng cư trú bất hợp pháp sang quy chế thường trú nhân. Tuy nhiên, cho đến khi nhận được thẻ xanh, cô mới có thể yên tâm. Còn nếu bị từ chối thẻ xanh khi phỏng vấn, cô sẽ bị trục xuất. Một lý do nữa mà cô gái lo sợ là cách đó 15 tháng, một người quen đã thuê cô cùng 2 thân nhân mang khoản tiền mặt 12.000 USD đến ngân hàng. Cả ba đều cư trú bất hợp pháp và họ bị nhân viên thuế bắt giữ liên quan đến một cuộc điều tra về hành động rửa tiền. Sau đó, họ được trả tự do, nhưng hồ sơ thì còn lưu lại trên hệ thống lưu trữ thông tin cá nhân và đây là nguồn thông tin mà Baichu dùng để "bắt chẹt" cô.
Vào thời điểm mà nước Mỹ có đến hơn 10 triệu người nhập cư bất hợp pháp như hiện nay thì câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tránh việc "lộng hành" của các nhân viên di trú. Trong một cuộc điều trần tại Quốc hội năm 2006, ông Michael Maxwell, cựu Giám đốc Cơ quan điều tra của Sở Di trú, cho biết có hơn 3.000 đơn thưa về những hành động sai trái của nhân viên di trú đã không được điều tra vì thiếu nhân viên, trong đó có 528 vụ liên quan đến trọng tội. Đến nay thì cơ quan di trú đã tăng cường gấp ba số nhân viên điều tra nên chỉ còn 165 vụ nghiêm trọng đang được giải quyết.
Tuyết Linh (từ California)

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen