Donnerstag, 12. November 2015

Tình hình thế giới cuối năm 2015

LỜI GIỚI THIỆU
Cuộc phỏng vấn được thực hiện ngày 3 tháng 11, 2015.
Kính thưa qúi vị,
Gần hết năm 2015, tình hình thế giới trở nên sôi động, làm cho chúng ta không khỏi quan ngại:
-      Hoa Kỳ, sau 54 năm cấm vận Cuba đã không khuất phục được Fildel Castro, và cuối cùng đã phải thay đổi thái độ bằng con đường “hoà giải” ngoại giao.
-      Ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong lần viếng thăm thủ đô tỵ nạn của người Việt tại Nam California gần đây đã gửi những “thông điệp” bất thân thiện với chúng ta.
-      Đầu tháng Giêng 2016, Đại Hội Đảng CSVN mới nhóm họp mà hôm nay đã có dư luận thả bong bóng thăm dò: “Sau đại hội, Đảng CSVN sẽ giải tán…”
-      Tình hình Biển Đông ngày càng trở nên bất ổn trước thái độ hung hăng của Trung cộng. Thế nhưng, Hoa Kỳ đã biểu diễn một đường ngoạn mục: cho chiến hạm chạy vào vùng 12 hải lý, trước lời thách thức của Trung cộng. Hành động này tuy có muộn màng, nhưng cũng là một cái tát tréo cho Tập Cận Bình, trước ngày ông ta đến Việt Nam.

-      Vấn đề “Di Dân Tỵ Nạn” tại Âu châu cũng là một vấn nạn cho lương tâm nhân loại. Và, ngay trong cộng đồng tỵ nạn cộng sản người Việt, cũng đang có những ý kiến không đồng thuận với nhau.
-      Và câu hỏi to lớn nhất đối với chúng ta, là: Làm sao có thể giải thể chế độ CSVN mà không tốn hao xương máu của đồng bào ruột thịt chúng ta?
Kính thưa qúi vị,
Trước những biến động ngổn ngang trăm mối, chúng tôi đã tìm đến Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương Lực Lượng Cứu Quốc, xin Ông dành cho một cuộc phỏng vấn về những đề tài trên. Và đã được Ông hoan hỷ nhận lời.
Ông Trần Quốc Bảo tên thật là Trần Trọng Ngà, tốt nghiệp Thủ khoa Khóa 12 Sĩ Quan Hải Quân, và phục vụ trong Quân Chủng Hải Quân VNCH từ năm 1962 đến 1975.
Ông theo học và tốt nghiệp Cao Học Kinh Tế, Đại Học Luật Khoa Saigòn năm 1972 và Cao Học Quản Trị tại Viện Hậu Đại Học Hải Quân Hoa Kỳ - US Naval Post Graduate School, Monterey, California, năm 1974.
Tỵ nạn tại Hoa Kỳ năm 75, Ông tham gia các hoạt động tranh đấu cho tự do và dân chủ ngay từ những ngày đầu ở hải ngoại. Năm 1978, ông tham gia thành lập Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam, và giữ nhiệm vụ Chủ Tịch Tổ Chức trong hơn 20 năm, từ năm 1989 đến năm 2012.
Khi Tổ chức Phục Hưng Việt Nam tham gia thành lập Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc tháng 2 năm 2010, Ông Trần Quốc Bảo được ủy thác giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương từ ngày thành lập đến nay.
Trong sinh hoạt của tập thể cựu Quân Nhân Hải Quân, Ông là Chủ tịch Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa. Sau 5 năm làm việc, Ủy Ban đã hoàn tất tác phẩm "Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974" vào cuối năm 2010, và vừa được tái bản năm 2014.
Và bây giờ, xin mời qúi vị cùng theo dõi cuộc phỏng vấn Ông Trần Quốc Bảo của Hồng Phúc.
 *
*      *
 1.  NGÀY NAY:  Thưa Ông, gần đây mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Cuba đã cởi mở làm cho nhiều người tỵ nạn Việt Nam phải suy nghĩ.
Cuba là một quốc gia nhỏ bé, dân số chưa tới 12 triệu người, diện tích thì chỉ có 110 ngàn cây số vuông, nằm sát nách bờ Đông Nam của Hoa Kỳ. Năm 1961, Cuba tuyên bố theo “xã hội chủ nghĩa”, nghĩa là cộng sản, nên đã bị Hoa Kỳ cấm vận hơn nửa thế kỷ, chính xác là 54 năm, nhưng đã không khuất phục được Fidel Catro của Cuba. Và bây giờ thì Hoa Kỳ đã phải thay đổi chính sách ngoại giao đối với Cuba bằng con đường hoà giải.
Thưa Ông, sự chuyển hướng trong mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Cuba có ảnh hưởng gì đến đường lối đấu tranh của cộng đồng người Việt hải ngoại trong công cuộc giải trừ chế độ CSVN không?
2. Ô. TRẦN QUỐC BẢO:  Kính chào ký giả Hồng Phúc, kính chào quý thính giả chương trình Thế Giới Ngày Nay.
     Chúng ta đều biết chính sách ngoại giao của một quốc gia luôn luôn nhắm đến mục tiêu là phục vụ quyền lợi của quốc gia này. Đối với một cường quốc mà ảnh hưởng bao trùm toàn thế giới như Hoa Kỳ thì quyền lợi bị nhiều yếu tố chi phối và các yếu tố này không phải cố định mà luôn biến đổi. Vì vậy chính sách đối ngoại không thể cứng nhắc, bất biến mà phải uyển chuyển thay đổi, để thích ứng với tình hình. Cho nên Hoa Kỳ đã có những vụ gọi là “chuyển trục” là vì vậy.
     Áp dụng nguyên tắc này đối với trường hợp Cuba thì trước đây, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, vì Cuba theo Nga Sô, nên là một cái gai trong mắt HK, HK rất muốn nhổ đi nhưng chưa nhổ được, như biến cố Vịnh Con Heo tháng 4 năm 1961. Vì vậy HK chỉ có thể trừng phạt Cuba bằng chính sách phong tỏa, cấm vận.
     Khi khối Cộng sụp đổ vào những năm 1990, Cuba vẫn ngắc ngoải theo chế độ CS nhưng HK xem Cuba không còn gây nguy hiểm nên chẳng đếm xỉa, chỉ tiếp tục duy trì chính sách cấm vận.
     Nhưng nay thì khác. Trung Cộng đã trỗi dậy và có khả năng trở thành một đối thủ đáng gờm của HK, và Cuba có thể ngả theo Tàu Cộng vì cùng theo ý thức hệ CS. Vì vậy HK thay đổi chính sách bằng cách mở cửa đón nhận Cuba. Đây là một cách mà HK vừa để trừ hậu hoạ, vừa để thỏa mãn đòi hỏi của giới tư bản cũng như các nhà sản xuất nông phẩm muốn khai thác thị trường Cuba.
     Để trả lời câu hỏi là sự chuyển hướng này của HK có ảnh hưởng gì đến đường lối đấu tranh của chúng ta không, tôi nghĩ trước hết cần xác định cái căn bản của đường lối đấu tranh của chúng ta là gì? Nếu cái căn bản đó là dựa trên nội lực của dân tộc, còn yếu tố quốc tế -- trong đó gồm cả sự can thiệp của Hoa Kỳ, nếu có chỉ là phụ mà thôi, thì tôi nghĩ việc HK chấp nhận bang giao, làm hòa với Cuba sẽ không có ảnh hưởng gì đến công cuộc đấu tranh của chúng ta!
    
     2. NN:  Thưa Ông, qua những biểu thị của ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, khi ông ta đến thăm thủ đô tỵ nạn của người Việt tại Cali vừa qua, người ta cho rằng đó là những thông điệp của chính phủ Hoa Kỳ gửi cho chúng ta biết rằng, một lần nữa, chúng ta - những người VNCH – có thể lại sắp bị người Đồng Minh cũ bỏ rơi trong công cuộc đấu tranh giải thể chế độ CSVN.
Thưa Ông, Ông nghĩ sao về mối ưu tư này của người Việt hải ngoại?
2. TQB:  Trước hết, tôi phải xin lỗi ký giả Hồng Phúc để được thẳng thắn nêu ý kiến là cái quan niệm “bị đồng minh Hoa Kỳ bỏ rơi” theo tôi là một quan niệm sai lầm và nguy hiểm.
Sai lầm vì cho rằng chúng ta thua vì đồng minh bỏ rơi mà không nhận ra rằng thua vì chúng ta dở, bị CS lừa bịp, phỉnh gạt. Và cũng sai lầm vì không nhìn rõ được tính cách thực dụng trong chính sách ngoại giao của HK là nó trước tiên phục vụ quyền lợi của HK, khi bối cảnh thay đổi thì chính sách phải thay đổi. Và nguy hiểm vì quan niệm này thể hiện tinh thần ỷ lại, dựa vào ngoại bang! Cho nên khi ngoại bang “bỏ rơi” thì mình chết! Đó là bài học 1975 mà chúng ta phải nhận thức thật rõ.
Trở về trường hợp đại sứ Ted Osius sợ chụp hình với Cờ Vàng như ông Hồng Phúc vừa nêu, thì chúng ta cần nhìn rõ thực tế là, để tìm cách ngăn chận đà bành trướng của TC, HK cần “con tốt” VN. Vì vậy HK sẵn sàng chấp nhận thể chế CS độc đảng, thể hiện qua việc đón tiếp TBT Đảng CSVN, như chúng ta đã thấy rõ qua chuyến thăm Hoa Thịnh Đốn của Nguyễn Phú Trọng vừa qua.
Vì vậy, như tôi trình bày trong câu trả lời vừa qua, công cuộc đấu tranh giải thể chế độ CS độc tài toàn trị trên quê hương chúng ta phải đặt căn bản trên nội lực dân tộc, không thể dựa vào ngoại bang! Bởi vì quyền lợi của ngoại bang không phải lúc nào cũng thuận hợp với quyền lợi tối thượng của dân tộc Việt.
Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, mặc dù HK chấp thuận cho CSVN được tham gia Hiệp ước Đối tác Mậu dịch Xuyên Thái bình dương gọi tắt là TPP, nhưng ngược lại CSVN phải chấp nhận một số nhượng bộ như phải để công đoàn độc lập ra đời. Đó là những điểm lợi mà chúng ta cần khai thác!
3. NN:  Thưa Ông, như Ông đã biết, đầu năm 2016 sắp tới,  Đại hội Đảng CSVN sẽ diễn ra. Ts. Cù Huy Hà Vũ, một “nhà dân chủ” lưu vong tại Hoa Kỳ, mới đây có đưa ra một “dự đoán” là ông Nguyễn Tấn Dũng đang chay đua với các đối thủ để chiếm cho bằng được chức Tổng Bí Thư Đảng CSVN. Sau đó, ông Dũng sẽ “giải tán Đảng CSVN”, rập theo khuôn mẫu của Liên Xô (Nga), để trở thành một nhà độc tài “một mình một chợ” tha hồ vơ vét!
Thưa Ông, đây là “quả bong bóng” để thăm dò cái gì? Hay nó “có thể” trở thành sự thực?
3. TQB:  Tôi nghĩ đây không phải là “quả bóng thăm dò” của đảng CSVN hay của một thế lực nào đó tung ra, mà chỉ là sự dự đoán dựa trên một số các biến chuyển trong nội bộ đảng CSVN trong thời gian qua, trong đó phe của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có vẻ như đang thắng thế! Và cũng không phải chỉ có ông Cù Huy Hà Vũ dự đoán mà còn nhiều người khác, nhiều nguồn tin khác cũng đã đồn đãi cả năm trước là Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm “Tổng thống”!
     Chúng ta đều biết tranh chấp quyền lực trong nội bộ đảng CSVN thì lúc nào cũng có, ngay từ những năm 50, 60 chứ không phải bây giờ. Nhưng cái cơ chế tổ chức và sự vận hành của Đảng CS đã giúp cho nó duy trì được truyền thống “tập thể lãnh đạo” cá nhân phụ trách, với mục tiêu tối hậu là bảo vệ sự độc tôn lãnh đạo của Đảng.
     Vì vậy, tôi không nghĩ là Nguyễn Tấn Dũng sẽ trở thành một loại tổng thống nắm trọn quyền để rồi sau đó sẽ thay đổi đảng CS theo hướng này, hay hướng nọ.
     Nói cách khác, tôi cho rằng đảng CS nếu chia phe, chia phái thì cũng chỉ để giành dật quyền lực và bổng lộc, nhưng phe nào thì cũng chủ trương phải duy trì quyền lãnh đạo độc tôn của Đảng.
     Tương tự, CSVN có ngả theo Tàu hay theo Mỹ thì đây cũng chỉ là thế đi giây cố hữu mà mục tiêu cuối cùng vẫn là làm sao cho Đảng tiếp tục “trụ” được trong vi trí chủ nhân ông đất nước vĩnh viễn mà thôi.
     4. NN:  Thưa Ông, Ông nghĩ gì về hành động ngoạn mục của Hoa Kỳ khi cho chiến hạm chạy vào trong vùng lãnh hải 12 hải lý của đảo nhân tạo Si-Bi của Trung cộng vừa qua, và Ông ghi nhận phản ứng của CSVN ra sao trước sự kiện này?
4. TQB:  Việc HK ngày 27 tháng 10 vừa qua cho chiến hạm chạy trong vòng 12 hải lý của mỏm đá Su-bi mà Trung cộng đã bồi đắp thành một hòn đảo, là một hành động ngoạn mục như Ông nói nhưng khá trễ! Đáng lẽ ra nó phải được diễn ra từ lâu, tức là từ năm 2014, khi TC khởi công bồi đắp các mỏm đá để biến chúng thành đảo, hầu đòi chủ quyền lãnh hải là 12 hải lý. Cần biết là nếu chỉ là một mỏm đá, nghĩa là khi thủy triều lên cao che lấp thì theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý này.
Sự trì hoãn, chậm chạp này của Hoa Kỳ rõ ràng đã cho thấy chính quyền Obama rất dè dặt, nếu không muốn nói là phần nào sợ sệt, không giám khiêu khích Trung Cộng, mặc dù rất muốn chứng tỏ với các quốc gia đang đối đầu với Trung Cộng tại Biển Đông là Hoa Kỳ cương quyết chống lại sự bành trướng của Trung cộng.
Về phía Trung Cộng mặc dù phản ứng khá mạnh mẽ như triệu Đại Sứ Mỹ đến bộ ngoại giao để phản đối, và mới đây lại cho chiếu hình máy bay chiến đấu cất cánh ở phi đạo trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, nhưng có lẽ cũng chưa đủ sức để đối đầu với lực lượng quân sự hùng mạnh của Hoa Kỳ.  
Nhìn chung thì cả Hoa Kỳ và Trung cộng đều sẽ cố gắng tự chế để tránh xảy ra đụng độ bằng võ lực mà hậu quả cả 2 bên đều chưa lường được.
Về phản ứng của nhà cầm quyền CSVN trước sự kiện này thì rõ ràng là rất “yếu”! Trong khi các nước như Phi Luật Tân, Nhật Bản tức tốc lên tiếng hoan nghênh hành động của HK ngay khi sự việc diễn ra, thì VN phải 2 ngày sau, tức vào ngày 29/10 mới có cuộc họp báo trong đó phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao kêu gọi các bên cố gắng duy trì hòa bình và ổn định trong vùng!
CSVN không dám ra mặt ủng hộ Hoa Kỳ, vì chỉ còn vài ngày nữa là Tập Cận Bình đến Hà Nội. Rõ ràng là đàn em không dám làm phật lòng đàn anh!

5. NN: Thưa Ông, Cộng Đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Hoa Kỳ đang phải đối diện với một tình trạng phân hóa thật đáng quan ngại. Có những cơ sở cùng nhân danh chống cộng lại đưa nhau đến chốn tụng đình vì chuyện chống cộng; có những tôn giáo đã không ngại ngùng phơi bầy những bất đồng nội bộ làm mất niềm tin nơi quần chúng; có những người ngày hôm qua ở trong nước là anh hùng chống cộng, ngày hôm sau vừa đặt chân đến bến bờ tự do thì bị gán ghép cho là Việt gian, cộng sản “trá hàng”…
Theo Ông, chúng ta có thể làm gì để hóa giải sự phân hóa trầm trọng này cho đại cuộc?

5. TQB:  Theo tôi thì đây là hậu quả của sự sinh hoạt trong một xã hội dân chủ, trong đó mọi ý kiến khác biệt được tự do phát biểu. Và ngày nay với các phương tiện liên lạc, thông tin rất nhanh chóng lại không mất tiền, như email, websites, facebook,… thì việc quảng bá các ý kiến này lại quá dễ dàng, khiến cho tình trạng thêm rối mù.
     Đây là mặt yếu của thể chế dân chủ mà chúng ta phải chấp nhận.
     Nhưng chúng ta cũng không nên quá bi quan vì ngay tại xã hội Hoa Kỳ này, vẫn có những tờ báo lá cải đăng các tin tức nhảm nhí, mà vẫn sống hùng, sống mạnh rất nhiều năm, bán đày trong các siêu thị. Thậm chí cho đến bây giờ vẫn có những bản tin, những websites loan tin ông Barack Obama không phải sinh ra tại Mỹ.
     Còn biện pháp hóa giải, tôi nghĩ là việc nhờ tòa án can thiệp là một phương thức hiệu quả để ngăn chận các hành động tung tin xuyên tạc, bôi lọ.
     Đồng thời tôi cũng tin rằng trình độ nhận thức của số đông đồng hương đủ để phân định được đâu là đúng, đâu là sai. Chẳng hạn như sự kiện ông vừa nói là có những luận điệu gán ghép cho các tù nhân lương tâm nguyên là cựu  đảng viên CS là “Việt gian” là “CS trá hàng” thì chắc chắn đa số người Việt hải ngoại đã đánh giá được tư cách của tác giả những luận điệu này là như thế nào rồi!
6. NN:  Thưa Ông, vấn đề “di dân và tỵ nạn” Hồi giáo đang là những vấn nạn cho Âu châu và lương tâm nhân loại. “Di dân và tỵ nạn” là hậu quả trực tiếp của chiến tranh và nghèo đói. Trên mặt đất này, có những quốc gia giầu có và hùng mạnh, hàng trăm năm họ không phải nếm mùi súng đạn chiến tranh. Trong khi những quốc gia chậm tiến thì nghèo đói, thất học và khói lửa triền miên.
Thưa Ông, câu hỏi đặt ra là nguyên nhân và trách nhiệm về ai?
6. TQB:  Để phân định được nguyên nhân và trách nhiệm, tôi nghĩ có lẽ phải xem xét lại bản chất vụ “khủng hoảng tỵ nạn” đang diễn ra ở Âu Châu.
     Có 2 nguồn xuất xứ dân tỵ nạn và mỗi nguồn do một nguyên nhân riêng. Nguồn thứ nhất là từ các nước Bắc phi, đặc biệt là Sudan và Libya, mà đa số là vì lý do kinh tế. Nguồn thứ hai là từ Syria ở Trung Đông, nguyên do là vì chiến tranh.
     Nhưng dù vì kinh tế hay vì chiến tranh thì nguyên nhân căn bản vẫn là do những thể chế chính trị độc tài dẫn đến sự bất ổn về chính trị, kinh tế suy sụp, dân trí thấp kém, phân phối lợi tức quá chênh lệch, .
     Nhưng để công bằng cũng phải kể đến trách nhiệm của một số cường quốc vì muốn tranh giành hay củng cố ảnh hưởng trong khu vực nên đã có những hành động “đổ thêm dầu vào lửa”.
     Tuy nhiên theo tôi, một yếu tố quan trọng nữa là tình trạng chênh lệch về mức sống, và về sự an toàn giữa các quốc gia. Anh sống ở địa phương A mà vừa nghèo đói, vừa nguy hiểm, trong khi tại địa phương B, dân chúng vừa no đủ, vừa an toàn thì đương nhiên là anh phải tìm mọi cách rời bỏ địa phương A để đến B. Ngày nay, với các tiến bộ vượt bực về truyền thông và các phương tiện di chuyển, thế giới đã thu nhỏ rất nhiều.  
     Cho nên, để giải quyết tận gốc rễ khủng hoảng “tỵ nạn”, các nước giầu có phải hợp lực để giúp các nước chậm tiến phát triển cả về kinh tế lẫn hệ thống chính trị, cũng như về mặt dân trí nữa.

7.   NN: Và hiện nay, trên thế giới, có những quốc gia ngoảnh mặt làm ngơ, từ chối tiếp nhận người tỵ nạn. Song song với bình diện quốc tế, thì trong cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản, gần đây cũng dấy lên một vài ý kiến chống đối việc tiếp nhận người tỵ nạn Hồi giáo với lý do là tín lý của Hồi giáo có những điểm không thích hợp với sinh hoạt hoặc phong tục tập quán của nơi nhập cư.
Thưa Ông, câu hỏi lại được đặt ra đây là một thách thức với lương tâm nhân loại, đặc biệt là những người Việt tỵ nạn cộng sản vào thời điểm sau 30 tháng Tư 1975, đã quên những ngày đợi chờ trong các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á rồi chăng?
    
     7. TQB:  Thưa ký giả Hồng Phúc, phải nói là cũng có những quốc gia rất rộng lượng, chẳng hạn như chính phủ Đức đã đồng ý nhận đến 800,000 người tỵ nạn từ Syria, mặc dù một số dân chúng Đức phản đối khá mạnh mẽ.
     Dĩ nhiên, tôi rất đồng ý là, hơn ai hết, người Việt gốc tỵ nạn chúng ta cần cảm thông cho số phận người  tỵ nạn vì chính chúng ta đã trải qua thảm trạng này. 
     Tuy nhiên, sự e ngại dân tỵ nạn Hồi Giáo cũng có căn bản. Đó là tính cách cực đoan của một thiểu số tín hữu của tôn giáo này. Những gì đang xẩy ra tại Trung Đông và Phi Châu với sự trỗi dậy và phát triển của lực lượng ISIS là bằng chứng rất cụ thể để biện minh cho sự e ngại này.
     Theo tôi, như đã nói, thảm trạng tỵ nạn sẽ còn tiếp diễn cho đến khi cộng đồng thế giới giải quyết tận gốc rễ của vấn đề -- đó là san bằng tối đa sự chênh lệch về giầu nghèo, về trình độ dân trí, giữa các vùng trên thế giới.
     Đây là một tiến trình lâu dài và đòi hỏi sự đóng góp không phải chỉ từ phía các chính phủ mà từ cả những đoàn thể phi chính phủ NGO, cũng như của những cá nhân có ý thức ở khắp nơi.

8.  NN:  Thưa Ông, nhân cơ hội này, chúng tôi xin được bầy tỏ lòng ngưỡng mộ Lực Lượng Cứu Quốc đã có một cơ quan truyền thông thật xuất sắc, một mũi giáo bén nhọn trên tuyến đầu hải ngoại chống kẻ thù chung của dân tộc là CSVN.
Xin Ông vui lòng chia sẻ đôi điều về tổ chức, chủ trương, đường lối của đài “Đáp Lời Sông Núi”, để giúp cho những ai muốn học hỏi làm truyền thông rút ngắn được thời gian.

8. TQB:  Cám ơn ký giả Hồng Phúc đã có lời khen ngợi nỗ lực thực hiện Đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi của chúng tôi.
     Đài ĐLSN là một phần của chiến dịch Sự Thật mà Lực Lượng Cứu Quốc phát động  dựa trên nhận định chiến lược là CSVN sợ nhất là “sự thật” vì bản chất của Đảng và chế độ CS là dối trá, bịp bợm.
     Chúng tôi phát động chiến dịch này vào cuối tháng 2 năm 2011 thì 3 tháng sau, tức là vào ngày 15 tháng 5 năm 2011, Đài phát thanh ĐLSN ra đời khi chúng tôi thuê lại làn sóng phát thanh mà trước đó chương trình Việt ngữ của đài BBC Luân Đôn thuê phát thanh về VN. Đó là làn sóng trung bình AM 1503 ký lô chu kỳ, phát từ 9 giờ 30 đến 10 giờ tối, giờ VN. Kể từ ngày đó đến hôm nay, ngày 3 tháng 11, 2015, Đài ĐLSN đã phát được gần 4 năm rưỡi, chính xác là 1634 buổi!
     Mục tiêu của Đài, ngoài việc trình bày các sự thật “ác với dân và hèn với giặc” của đảng CS và thực trạng đen tối của đất nước, Đài còn chú trọng khơi dậy tinh thần trách nhiệm của người dân đối với quốc gia dân tộc. Phải có ý thức này thì người dân mới mạnh dạn tham gia vào công cuộc chung.
     Với các mục tiêu đó, Đài ĐLSN có nhiều chuyên mục đặc biệt như “Nói Với Người CS”, “Đây Là Sự Thật”, “Danh Nhân Nước Việt”, “Việt Nam Nhìn Về Tương Lai”, .. và mỗi buổi phát thanh đều vinh danh một tù nhân chính trị đang bị CSVN giam giữ. Đây là đặc điểm của Đài ĐLSN so với các đài phát thanh khác như VOA, RFA, RFI.
     Về tổ chức, đài được sự cộng tác của nhiều thân hữu khắp nơi, đặc biệt là những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền VN, một số khá đông đang sống trong nước.
     Về thành quả, sau 4 năm rưỡi phát sóng, đài ĐLSN đã có một ví trí đặc biệt đối với thính giả trong và ngoài nước. Người dân trong nước đã gọi Đài ĐLSN là “tiếng nói của dân oan”!
     Tôi cũng xin nói rõ là mặc dù đối tương thính giả chính của Đài ĐLSN là dân chúng trong nước nhưng khá đông đồng hương hải ngoại ở khắp nơi đã đón nghe các buổi phát thanh hàng ngày qua internet như từ trang mạng của Đài hoặc qua youtube, hoặc gọi vào số điện thoại 1-832-999-1124 là có thể nghe trực tiếp bất cứ lúc nào.  Một số đài phát thanh tiếng Việt cũng đã tiếp vận Đài ĐLSN hàng ngày.
9.  NN:  Ông vừa nói là Lực Lượng Cứu Quốc đã thuê lại làn sóng phát thanh trước đây của đài BBC để phát các buổi phát thanh của Đài ĐLSN, vậy thì tiền thuê là bao nhiêu và LLCQ lấy tiền đâu để trang trải tiền thuê này?
9. TQB:  Hiện nay mỗi buổi phát thanh 30 phút, tiền thuê làn sóng là 300 mỹ kim. Một tháng tiền thuê làn sóng đã là 9000 mỹ kim. Nếu cộng tất cả chi phí, hàng tháng tốn khoảng 15 nghìn mỹ kim. Như vậy ngân sách hàng năm khoảng 170 nghìn mỹ kim. Nghe thì nhiều, nhưng nếu so với các Đài do các chính phủ tài trợ thì Đài ĐLSN tổn phí không bằng 1 phần 10! Sở dĩ chi phí ít là vì đa số các anh chị em phụ trách làm Đài và các cộng tác viên đều làm việc tự nguyện, không có thù lao, kể cả những người trong nước. Chỉ một số nhỏ cần phụ cấp để đi đây đó lấy tin hoặc làm phóng sự.
     Còn về nguồn tài trợ thì khởi đầu ngân khoản này do các đoàn thể tham gia thành lập Lực Lượng là Tổ chức Phục Hưng Việt Nam, Tập Hợp Đồng Tâm, Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả tên Sài Gòn, và các đoàn viên đóng góp. Sau đó, khi biết về Đài, đồng hương khắp nơi đã tích cực ủng hộ. 
     Chính nhờ vậy mà Đài đã tồn tại được hơn 4 năm rưỡi nay.
     Nhân đây, tôi cũng xin mạn phép ký giả Hồng phúc để xin thưa với quý thính giả là mặc dù Đài ĐLSN do Lực Lượng Cứu Quốc thực hiện, nhưng nó không phải là tiếng nói của riêng Lực Lượng mà là tiếng nói chung của tất cả con dân nước Việt, của tất cả những con tim Việt Nam còn nghĩ đến quê hương, đất nước, như trong lời mở đầu mỗi buổi phát thanh của Đài đã minh định “Đây là đài phát thanh ĐLSN, tiếng nói của những người tha thiết với tiền đồ dân tộc và hạnh phúc của toàn dân”.
     Vâng, đây là tiếng nói chung nên xin quý vị thính giả, quý đồng hương tích cực giúp đỡ, ủng hộ để tiếng nói chung này được tồn tại, hầu góp phần giải thể chế độ độc tài CS trên quê hương!
     Muốn biết thêm chi tiết về Đài xin gọi số (408)663-9860 hoặc liên lạc qua địa chỉ eMail lienlac.dlsn@gmail.com.
10. NN:  Đây là câu hỏi sau cùng để chấm dứt cho cuộc phỏng vấn của chúng tôi ngày hôm nay.
Thưa Ông, người ta cho rằng chủ nghĩa cộng sản không thể sửa đổi, mà phải thay thế, nghĩa là phải loại trừ. Thế nhưng, với tương quan lực lượng Quốc/Cộng như ngày hôm nay, làm thế nào có thể giải trừ được chế độ độc tài cộng sản, để xây dựng một xã hội Tự Do - Dân Chủ - Nhân Quyền mà không tốn xương máu của đồng bào Việt Nam?
10. TQB:  Tôi nghĩ chúng ta cần lượng định tương quan lực lượng không phải dựa trên căn bản “Quốc/Cộng” như trước năm 1975, mà phải dựa trên căn bản một bên là Đảng CS và một bên là đại khối dân tộc Việt.
     Hơn thế nữa, ngay trong đảng CSVN thì cũng không phải là tất cả đảng viên đều tuân phục, ủng hộ thành phần chóp bu lãnh đạo. Các diễn biến trong thời gian qua, như hiện tượng một số đảng viên bỏ đảng, hoặc nhiều đảng viên cao cấp, gồm cả hàng tướng lãnh, đã công khai chỉ trích đảng là quá hèn kém trước lấn át của Trung Cộng, đã cho thấy rõ tình trạng phân hóa trong Đảng.    
     Vì vậy, với tương quan lực lượng như vậy, thì hiện nay đảng CSVN đang bị đẩy lùi, dù lùi rất chậm, và chỉ lùi từ từ từng bước nhỏ. Nhưng rõ ràng là chúng đang lùi dần!
     Sở dĩ chúng lùi chậm, lùi từng bước nhỏ là vì lực lượng đối kháng chưa đủ mạnh, chưa có được số đông tham gia. Để có số đông tham gia thì trước hết dân chúng phải nhìn rõ được bản chất “phản dân hại nước” của đảng CS, và kế tiếp là phải ý thức được trách nhiệm của con dân trước hiểm họa đất nước bị diệt vong. Đó chính là nhiệm vụ và chức năng của Đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi.
     Còn nói về vấn đề “không tốn xương máu” thì nó tùy thuộc nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất là sự thức tỉnh của chính các đảng viên CS. Nếu thành phần này đông đảo và dứt khoát thì sự chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ sẽ nhanh chóng và nhẹ nhàng, không gây nhiều tổn thất.
     Tuy nhiên, dân tộc nào cũng phải trả giá cho sự tự do, cho nhân phẩm của mình. Nếu ai cũng sợ hao tổn xương máu thì có lẽ dân tộc Việt Nam đã không thể nào quật khởi để thoát khỏi sự đô hộ của giặc Tàu sau gần 1000 năm bị đô hộ!
     Cuối cùng, tôi thấy cũng cần khẳng định thêm rằng công cuộc đấu tranh này không phải là để “phục thù, rửa hận” như đảng CSVN vẫn rêu rao, tuyên truyền, mà đây là công cuộc đấu tranh hướng về tương lai, để xây dựng một đất nước Việt Nam trong đó người dân thật sự có hạnh phúc và hãnh diện ngng cao đầu với năm châu thiên hạ.
NN:  Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Ông Trần Quốc Bảo đã dành thì giờ qúi báu trả lời cho cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
TQB:  Tôi cũng xin chân thành cảm ơn ký giả Hồng Phúc đã tạo điều kiện cho tôi được trình bày chi tiết các nhận định, quan điểm của Lực Lượng Cứu Quốc với quý thính giả và đồng hương khắp nơi. Tôi hy vọng sẽ có dịp trong tương lại được trở lại thưa chuyện cùng ông Hồng Phú và quý thính giả, quý đồng hương./.  
  HỒNG PHÚC
Chương trình Thế giới Ngày Nay
Ngày 3 tháng 11, 2015

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen