Mittwoch, 5. August 2015

Kiếm Sĩ

Phạm xuân Thái 

Trước khi về tu tại chùa Non Nước, Ân đã từng là một kiếm sĩ. Chàng đã vượt đèo, lội suối, băng rừng, đem lý tưởng của tuổi trẻ để phục vụ cho đời và cho người. Trong hơn mười năm, chàng không màng đến công danh, sự nghiệp; bỏ hết những thú vui, và những cám dỗ của cuộc đời; quên đi chính bản thân và gia đình để tham gia cách mạng, và phục vụ lý tưởng.

Ân đã đi khắp mọi nơi trên đất nước để nêu cao chính nghĩa của cuộc cách mạng chống bạo quyền; kêu gọi đồng bào tham gia đấu tranh; kêu gọi sự dấn thân của sĩ phu trong nước. Con đường cách mạng thật gian nan và cay đắng! Những chiến hữu của Ân đã xa rời vợ con, đi theo tiếng gọi của non sông; họ đã hy sinh vì đại cuộc; đã bị bỏ rơi bởi những người đồng chí hướng; đã bị ném bùn vào mặt bởi những bang hội, ngay cả từ những người đồng chiến tuyến.

Cảnh tranh dành, đánh đấm, chém giết phũ phàng của những người cùng chiến tuyến, khiến Ân thất vọng! Chàng đã từ bỏ cuộc đời kiếm sĩ, để lại sau lưng hoài bão và lý tưởng, về ở ẩn, và tu khổ hạnh tại chùa Non Nước với đạo hiệu Thiện Ân Thiền Sư.

Thiện Ân sống cuộc đời đạm bạc, ông nghiên cứu sách vở để tìm hiểu thêm về triết lý nhà Phật; ông tụng niệm suốt ngày để mong tìm sự giải thoát. Những cây Bonsai ông vun trồng, uốn nắn, nâng niu trong hai mươi năm qua đã thành những cây Bonsai sum suê với rễ và gốc vững chắc, và đã có thể đứng vững, chống trả với thời gian và bão tố. Ông đã tìm thấy cho mình sự an bình và tỉnh thức.

Cỏ cây im lặng trao lời
Bình minh trở giấc mặt trời lên cao
Chân như rực sáng trăng sao
Sưởi êm pháp giới, vẫy chào pháp thân
Mây bay trong đất bao lần
Vô ngôn gọi nắng xoay vần tan mưa
Lung linh thấp thoáng bóng dừa
Cánh hoa hướng nội như vừa mới trao
Cũng hương sắc, cũng dạt dào
Nguyên sinh ấn dấu, ngấm vào chốn không! [1]

***

Nhận được tin người đồng chí mà Thiện Ân kính trọng như một người anh, thân thiết như một người bạn, vừa tung cánh hạc về trời, Ân vội vàng xuống núi tham dự lễ an táng. Nhìn xác bạn nằm trong cỗ quan tài, Ân hồi tưởng lại những ngày hoạt động bên nhau, những đêm cùng nhau đối ẩm, ngâm vịnh thi phú, những chuyến công tác trong lòng địch, những ngày băng rừng, vươt suối, ngọt bùi chia sẻ. Ân không cầm được nước mắt, chàng cầm tay người bạn đã quá vãng, miệng thì thầm đọc lời tụng niệm, nước mắt chàng rơi lả tả.

Sau lễ an táng, một số đồng chí cũ đã trao cho chàng một ít tài liệu. Đọc những bản tin về tình hình sâu mọt trong Bắc Bộ Phủ, tình hình tranh đấu cuả những nhà cách mạng, lời ta thán bị đàn áp, bóc lột của người dân, và lời viết của một vị chân tu, làm Thiện Ân suy nghĩ nhiều: “Trước khi trở thành nhà tu, tôi đã là một người Việt Nam. Người Việt Nam phải có bổn phận đối với quê hương và dân tộc Việt Nam.”

***

Thiện Ân bước nhẹ xuống chiếc thuyền nan đậu bên giòng sông cạnh chùa. Ông đẩy nhẹ tay chèo, hướng chiếc thuyền về phía vườn Sen. Thiện Ân thường thiền tịnh mỗi buổi sáng trong vườn Sen. Chàng thích nhìn ngắm những cánh Sen nhẹ nở, toả mùi hương thơm ngát; chàng hay ngồi chiêm nghiệm, và lắng nghe tiếng nói của giòng sông; nghe tiếng thì thầm của cỏ cây, tiếng lao xao của gió, và tiếng ca hót của chim muông.

Hôm nay đầu óc Thiện Ân không được thanh thản để tiếp tục thiền tịnh nữa! Thiện Ân nhìn giòng sông và lắng nghe tiếng nước thì thầm, réo gọi. Từ ngàn xưa, nước vẫn là nguồn sống của con người và vạn vật. Nước đã từ nguồn chẩy ra sông ngòi, biển cả, trôi đến bến bờ làm tươi thắm cỏ cây; đem sự sống đến ruộng vuờn, đất đai, con người, và vạn vật. Thời gian có thể làm nước bị trôi dạt, thất thoát, nổi trôi, nhưng nước vẫn sẽ là nước. Nước sẽ trở về sông ngòi, biển cả, và tìm về nguồn.
    
Thiện Ân suy nghĩ miên man. Chàng đã nghe tiếng réo gọi của giòng sông, nghe tiếng nỉ non của núi, tiếng rên xiết của cỏ cây, và tiếng than van của gió. Là một kẻ sĩ, đã đến lúc chàng không thể nào tiếp tục bưng tai, bịt mắt, tìm quên trong câu kinh, tiếng kệ. Thiện Ân quay chiếc thuyền nan hối hả trở về chùa.

***

Thiện Ân đốt nén hương, dâng lên bàn thờ Phật. Chàng phủ phục xuống trước bàn thờ Phật khấn nguyện và tụng niệm cho tới quá nửa đêm. Ân quay bước trở về thư phòng, mở rương lôi ra thanh bảo kiếm và ống huyền tiêu mà chàng vẫn nâng niu, trân quý từ thời còn hoạt động cách mạng. Ân bước ra vườn, nhìn giòng sông và núi non trùng điệp, chàng đưa ống huyền tiêu lên tấu khúc Tống Biệt Hành. Tiếng tiêu cất lên trong đêm trường tịch mịch, rung động cả cỏ cây, vang vọng đến núi đồi, nhẹ lướt trên giòng sông, nói lên lời tiễn biệt.

Dưới ánh trăng thanh tỏa chiếu, Ân rút thanh bảo kiếm ra khỏi vỏ, đi bài Mai Hoa Kiếm với đủ 256 thế kiếm một cách nhẹ  nhàng, uyển chuyển. Đường kiếm lấp lánh dưới ánh trăng, vẽ nên những đóa hoa mai đan vào nhau, lung linh, ẩn hiện. Tra kiếm vào vỏ, dắt lên vai, Ân vào nhà trong, xếp vài bộ quần áo đã bạc mầu vào chiếc tay nải.
    
Ân nhẹ khép cánh cửa chùa, quay mình xuống núi.

Phạm Xuân Thái

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen