Sonntag, 19. Juli 2015

Tác giả Duy Việt .......



Hôm nay chúng ta cùng đến với nhau để hướng nhìn về quê nhà mà chúng ta
vì lý do này hay lý do khác đã phải tử bỏ ra đi trước đây đã 40 năm và mãi
cho đến hôm nay vẫn còn có người dân phải bỏ nước ra đi tìm sự sống mới.
Nguyên nhân sâu xa của cuộc cuộc di tàn vĩ đại trong thế kỷ vừa qua là ở
Hiệp-định Geneve chia đôi đất nước ta mà đảng CSVN dưới sự  chỉ đạo của
đảng CS Trung Quốc đã ký kết với chính quyền Pháp vào tối ngày 20.07.1954.

Những câu hỏi mà mọi người Việt chúng ta sẽ phải đặt ra là :
            -  nguyên nhân nào đã đưa các bên tham chiến ngồi vào bàn hội-nghị
            -  chủ-trương của các phe phái trong khi đàm phán
            -  nội-dung chính của bản Hiệp-định đình chiến
            -  sự thi-hành bản Hiêp-định ra sao
            -  hậu quả của Hiệp-định Geneve đối với dân tộc Việt-Nam.

Hội nghị này thoạt đầu không phải là để giải-quyết vấn-đề Đông-Dương (Việt-Nam,
Lào và Cam-pu-Chia) mà là để giải quyết vấn-đề chiến-tranh Triều Tiên (Hàn Quốc).
Nhằm giảm bớt sự căng thẳng của cuộc chiến Triều Tiên , vào ngày 28.11.1953
Nga-Sô đề nghị với Hoa-Kỳ , Pháp và Anh-Quốc cùng với Trung-Quốc ngồi vào bàn
hội-nghị để tìm một giải-pháp hòa-bình.  Đây cũng là ước nguyện của Trung Quốc
vì từ sau khi Mao Trạch Đông dành lấy được chính-quyền vào tháng 10.1949, đây
là cơ-hội đầu tiên mà Trung Quốc được ngồi thương thảo với các cường quốc của
đệ nhị thế-chiến, Hoa-Kỳ, Nga-Sô, Anh và Pháp.  Sau khi trận chiến Điện-Biên-Phủ kết-thúc vào tháng 03.1954 thì vấn-đề Đông-Dương mới được đưa thêm vào chương-trình nghị-sự và Hội-Nghị chính thức bắt đầu vào ngày 26.04.1954 với sự tham-dự của Hoa-Kỳ ( ông Bedell Smith làm trưởng đoàn), Anh-Quốc (ông Anthony Eden), Pháp ( ông Georges Bidault) ,Nga-Sô (ông Vlacheslav Molotov), Trung-Quốc (ông Chu-Ân-Lai), Việt-Minh (ông Phạm văn Đồng), Quốc-Gia Việt-Nam (ông Nguyễn Quốc Định, sau được thay bởi ông Nguyễn Trung Vinh và sau cùng là ông Trần văn Đỗ), Lào (ông Phumi Sananikone), Campuchia (ông Tep Than).

Mặc dù ông Hồ-chí-Minh  đã tuyên bố thành lập nước VNDCCH sau cuộc đảo chính vào tháng 08.1945 (mà sau này đảng CS gọi là cách-mạng tháng 08) lật đổ chính-phủ độc lập đầu tiên của nước Việt-Nam  do ông Trần Trọng Kim làm Thủ-Tướng từ ngày 09.03.1945, ngày mà Nhật - đồng minh của Đức Quốc xã -  trả lại độc lập  cho Việt Nam sau khi sang nước ta  giải giới quân đội Pháp ,  VNDCCH chỉ là một tổ-chức võ trang có chiếm đóng được một vài vùng đất nhưng không có lãnh-thổ và biên giới rõ rệt nên chưa thể gọi là một quốc gia.

Sau này dưới sự áp lực của Hoa-Kỳ, các quốc-gia như Anh Quốc và Pháp đã dần
dần phải từ bỏ chế độ thuộc địa và trả độc lập lại cho các quốc gia trước đây là
thuộc địa của mình (Anh Quốc đã phải trả độc lập cho Ấn Độ vào năm 1948 và cũng vào năm ấy Pháp đã phải trả độc lập cho Việt Nam ) và thành lập các khối đồng minh về kinh-tế : nước Anh có British Commonwealth và nước Pháp có Union Francaise (tức Liên Hiệp Pháp).
Hoa-Kỳ không hề ủng hộ chế độ thuộc-địa bởi vì chính quốc gia Hoa Kỳ là một hiệp-chủng quốc gồm nhiều sắc tộc khác nhau nên Hiến Pháp của Hoa-Kỳ  không chấp nhận sắc tộc này ngự trị trên sắc tộc khác. Như thế, lập luận cho rằng Hoa-Kỳ muốn tiếp nối Pháp để duy trì chế-độ thuộc địa tại Việt-Nam là không đúng sự thật.

Vào ngày 05.06.1948 cao ủy Pháp là ông Emile Bollaert đã ký với cựu
Hoàng Bảo-Đại một thông cáo chung tại vịnh Hạ-Long công nhận nền độc lập của
Việt-Nam và từ đó Quốc Gia Việt-Nam ra đời với cựu Hoàng Bảo Đại một lần nữa làm Quốc Trưởng và lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam gồm cả Nam, Trung và Bắc kỳ thống nhất với lá cờ vàng và ba sọc đỏ đã có từ thời của hai vị vua yêu nước là vua Thành-Thái và con của ông là vua Duy Tân (1890) làm biểu tượng cho Tổ-Quốc Việt Nam.
Vì có tư tưởng chống thực-dân Pháp nên hai vị vua này đã bị Phạp bắt đài sang đảo
La Reunion tận miền Nam Châu Phi và lá cờ vàng không được sử-dụng mà người
dân chỉ được treo cờ tam sắc của Pháp trong những dịp lễ lọc. 
Vậy thì, khi đảng CSVN tuyên truyền rằng họ đánh Pháp để dành độc lập là không
đúng sự thật vì nước ta một lần nữa đã được  trả lại chủ quyền  từ năm 1948. Đúng hơn phải nói là đảng CSVN đã xin cầu viện từ Nga Sô và Trung Quốc và không ngần ngại hy sinh máu xương của nhân dân Việt Nam để đánh phá nền độc lập còn non trẻ của nước nhà với mục đích áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên cả nước.

(Ở đây tôi cũng xin được mở ngoặc nói qua về lá cờ biểu tượng cho Tồ-Quốc, vì
  dây cúng là một vấn đề làm mất tình đoàn kết trong lòng dân tộc)
 Một đất nước  thống nhất chỉ có thể có  một lá cờ để biểu tượng cho Tổ-Quốc.
Hịên nay mặc dù lãnh thổ đã thống nhất nhưng nhân dân Việt-Nam vẫn chưa thống nhất và vẫn bị phân chia giữa hai màu cờ: cờ đỏ sao vàng và cờ vàng với ba sọc đỏ.
Cờ vàng có từ thời vua Thành Thái nhà Nguyễn và được đệ nhất và đệ nhị cộng hòa của miền Nam Việt Nam dùng làm biểu tưởng cho Tổ-Quộc còn cờ đỏ chỉ mới có từ năm 1945 do đảng CSVN du nhập từ lá cờ của tỉnh Phúc-Kiến bên Trung Hoa được dùng từ năm 1930 đến 1933. Tình Phúc Kiến nằm phía Đông Nam của Trung Quốc.
 Ngoài ra lá cờ đỏ sao vàng cũng còn được Trung Quốc  sử dụng làm biểu tượng cho hướng-đạo Trung Quốc. Và ngay cả lá cờ nửa xanh nửa đỏ, chính giữa là ngôi sao vàng mà đảng CSVN sử dụng làm cờ hiệu cho MTGPMN cũng là cờ chính thức của tỉnh Phúc-Kiến kể từ năm 1933 cho đến nay. Cả hai lá cờ mà đảng CSVN sử dụng làm cờ Tổ-Quốc cho Việt-Nam và cờ  hiệu cho MTGPMN đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Như vậy chúng ta có thể nào chấp nhận một màu cờ của Trung Quốc làm
cờ cho Tổ Quốc của chúng ta hay không ?
Nước Nga sau khi giải thể chế độ CS cũng đã từ bỏ lá cờ đỏ với cây búa lưỡi liềm
và lấy lại lá cờ trắng xanh đỏ của thời Nga Hoàng làm cờ Tổ-Quốc.
Thiết nghĩ chúng ta là người Việt có một dòng lịch sử từ thời vua Hùng Vương đến
các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần và cuối cùng là nhà Nguyễn đã có công dựng nước,
giữ nước và đã bao lần chống sự xăm lăng từ phương Bắc để người dân Việt còn có một mảnh đất để sống và một tiếng Việt để nói , thì chúng ta  cũng nên chọn lá cờ
của tiền nhân chớ không lý do gì lấy cờ của Trung Quốc  làm cờ Tổ-Quốc.

Trở lại vấn đề của Hiệp-định đình chiến Geneve, tính đến đầu năm 1950 Quốc Gia Việt-Nam đã được 35 quốc-gia công nhận trong lúc VNDCCH do ông Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập vào ngày 02.09.1945 sau khi cướp chính quyền chưa được một quốc-gia nào thừa nhận, ngoại trừ Trung Quốc và Nga-Sô.

 Tháng 10 năm 1949 ,  Mao Trạch Đông cướp được chính quyền tại Trung Quốc
 thì 3 tháng sau, đầu năm 1950 ông Hồ Chí Minh đã sang Bắc Kinh gặp Mao Trạch Đông để xin cầu viện quận sự nhằm đánh phá nền độc lập còn non trẻ của  Quốc Gia Việt Nam với mục-đích biến Việt Nam thành tiền đồn của CS Quốc Tế tại Đông Dương.
Hành-động này của Hồ chí Minh chẳng khác nào hành vi của Lê chiêu Thống
sang cầu viên nhà Thanh với mục-đích cổng rắn cắn gà nhà. Đáp ứng lời xin cầu viện này, họ Mao cử cố-vấn quân sự là Lã quý Ba sang Việt-Nam để điều nghiên
tình hình chiến sự . Vào tháng 07 năm 1950 , Mao Trạch Đông đồng ý tiếp viện
cho Việt Nam và  gửi Đại tướng Trần Canh cùng 14 tướng tá Trung Quốc sang Việt Nam để huấn luyện quân sự cho quân đội của đảng CSVN. Đến khi trận chiến Điện Biên Phủ bùng nổ vào tháng 03 năm 1954 thì số lượng tướng lãnh Trung Cộng tại Việt-Nam đã lên đến hơn 50 người. Vậy thì trận chiến Điện Biên Phủ không phải
chỉ do Tướng Võ Nguyên Giáp  mà do các tướng lãnh Trung Quốc chỉ huy.

Kề từ khi được viện trợ quân sự từ Trung Quốc, chiến tranh lại bùng nổ khốc liệt trên quê hương nhất là tại miền Bắc. Quốc Gia Việt Nam lúc ấy mới được thành lập nên chưa có quân đội tác chiến và vì thế quân đội Pháp đã phải đứng ra để chống lại những đánh phá của quân đội CSVN.
Theo tài-liệu của phiá Trung Quốc, trong vòng bốn năm từ 1950 đến 1954, họ đã viện trợ cho quân đội CSVN 116.000 súng cá nhân và 4.630 đại bác, trang bị đầy đủ cho năm sư-đoàn bộ binh, một sư-đoàn pháo binh và công binh, một trung đoàn phòng không và một trung đoàn phòng vệ.

Để không quên ơn mưa móc này của Trung Cộng nên trong buổi thuyết trình về tình hình biển Đông vào tháng 12 năm 2012 tại Hà-Nội trước cử tọa là các giáo sư đại học với mục đích răn đe những vị giáo sư này không được phép cho các sinh viên biểu tình chống Trung Quốc xăm phạm biển đảo của Việt-Nam, đại tá Trần Đăng Thanh, giảng-nghiệm viên thuộc Bộ Quốc Phòng Việt-Nam đã dõng dạt tuyên bố, nguyên văn như sau : " chúng ta không được vong ơn bội nghĩa đối với Trung Quốc vì họ đã nhường cơm xẻ áo cho chúng ta, chia cho chúng ta từng hạt gạo, từng đôi dẹp và từng khẩu súng". Cụm từ "vọng ơn bội nghĩa" thường chỉ được sử dụng cho mẹ cha và tổ tiên nhưng đảng CSVN đã sử dụng đối với Trung Quốc thì thử hỏi sự nô lệ trong tư-duy đã ăn sâu vào trong tâm não của họ đến mức nào ?
Việt Nam dưới chính quyền CS đã trở thành một đứa con ngoan của Trung Quốc.

Cũng vì ơn mưa móc này mà đảng CSVN đã phải tuân thủ theo những yêu cầu của
Trung Quốc và nhất là trong quyết-định chia đôi đất nước Việt Nam tại Hội nghị Geneve theo mô hình của Đức Quốc và Hàn Quốc.  Sự lệ thuộc vào Trung Quốc của chính quyền CSVN  có thể nói là đã bắt đầu từ đây và kéo dài mãi cho đến ngày hôm nay.
Vì thế , chúng ta cũng không lấy gì làm ngạc nhiên trước sự việc chính quyền CSVN đã nhượng biển đảo và những phần đất vùng biên giới Hoa-Việt cho Trung Quốc
trong thời-gian gần đây.


Ngược lại, trong suốt hội nghị Geneve này, Quốc Gia Việt Nam dưới sự lãnh đạo của thủ-tướng Ngô Đình Diệm - ông nhậm chức từ ngày 16.06.1954 - đã kịch liệt phản đối không ký vào Hiệp-định này vì không chấp nhận giải pháp chia đôi đất nước.
Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, đại diện cho Quốc Gia Việt Nam tại Hội-Nghị, đã ra một
tuyên bố nguyên văn như sau :
"Việc ký hiệp định giữa Pháp và Việt Minh có những điều khoản gây nguy hại nặng nề
cho tương lai chính trị của Quốc Gia Việt Nam. Hiệp định đã nhường cho Việt Minh
những vùng mà quân đội Quốc Gia còn đóng quân vả tước mất của Việt Nam
quyền tổ-chức phòng thủ. Bộ Tư lệnh Pháp đã tự ấn định ngày tổ chức tuyển cử
mà không có sự thỏa thuận với phái đoàn Quốc Gia Việt Nam...
chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội Nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam
long trọng phản đối cách ký hiệp định cùng những điều khoản không tôn trọng
nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội Nghị ghi nhận
rẳng Chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ
quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống Nhất,
Độc Lập và Tự Do cho xứ sở." (hết trích).

 Và ngay sau khi Hiệp-định được Pháp và đảng CSVN ký kết vào tối  ngày 20.07.1954, Thủ-Tướng Ngô Đình Diệm ra lệnh toàn quốc phiá Nam vĩ tuyến 17 treo cờ rủ ba ngày nhằm để tang cho ngày đau buồn của Tổ-Quốc.

Lập luận của CSVN cho rằng miền Nam Việt-Nam, tức Quốc-Gia Việt-Nam và sau này là Việt-Nam Cộng-Hòa đã xé hiệp-định Geneve  vì không chịu tổ-chức tổng tuyển cử
để thống nhất đất nước  là hoàn toàn không căn cứ vì hai lý do :
 Thứ nhất về mặt pháp lý ,VNCH không hề ký kết bất kỳ một  điều  khoản nào trong hiệp-định Geneve này nên không bị ràng buộc.
 Thứ hai trong  Hiệp-định  này không có một điều khoản nào quy-định chi tiết về
 thời-điểm và cách thức về  việc tổ-chức tổng-tuyển cử thống nhất hai miền Nam Bắc Việt-Nam, duy chỉ có vỏn  vẹn ở điều 7 trong một bản tuyên bố cuối cùng được soạn thảo gấp rút vào ngày hôm sau, tức ngày 21.07.1954 và không được phê chuẩn
nên không có giá trị về mặt pháp lý, có  nguyên văn như sau :
 " hội nghị tuyên bố giải pháp cho   những vấn đề chính trị ở  Việt-Nam dựa trên cơ-sở tôn trọng độc lập, thống-nhất và  toàn vẹn lãnh thổ sẽ cho  phép người dân Việt-Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông  qua kết quả tổng  tuyển cử tự do sẽ được tổ-chức tháng 07/1956.".

Mặc dù vậy,  chính phủ  VNCH, lúc đó dưới sự lãnh đạo của TT Ngô Đình Diệm, vẫn chủ-trương thống nhất đất nước trên cơ-sở đàm phán và hòa bình chớ không dùng võ lực, với điều kiện tiên quyết là chính-quyền CS miền Bắc phải tôn trọng quyền Tự Do Dân Chủ của người dân, trước hết phải chấm dứt những biện pháp đấu tố giết hại gần nửa triệu nhân  dân miền Bắc trong cuộc cải cách ruộng đất. Ông đã chính thức tuyên bố :" chúng tôi không từ chối nguyên tắc tuyển cử
tự do để thống nhất đất nước một cách hòa bình và dân chủ nhưng chúng tôi
nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc".
 (hết trích)

Còn  về phía  CSVN,  Hiệp-định Genève đã được thi hành này ra sao ?

          1) Chương I quy định  quyền tự-do định cư của người dân cả hai miền Nam
               Bắc, không bên nào được quyền ngăn cản. Mặc dù miền Bắc đã dùng nhiều
               biện pháp đe dọa không cho người dân di cư vào Nam nhưng số lượng
               người di cư vào trong Nam ban đầu ước lượng chỉ vài trăm nghìn người
               nhưng cuối cùng đã lên đến hơn một triệu người.

         2) Chương II của hiệp-định quy định việc rút quân của mỗi bên : quân đội Pháp
              rút quân về dưới vĩ tuyến 17 và quân đội CSVN phải rút toàn bộ lực-lượng vũ
              trang của họ về phía Bắc của vĩ tuyến này. Nhưng trên thực tế CSVN đã để lại
               miền Nam Việt-Nam ít nhất là 10.000 quân và chôn giấu lại vũ khí tại những
               nơi dưới quyền kiểm soát của họ trước đây.
               (điều này cũng được đại tá CS và nhà báo Bùi Tín xác nhận và ông cũng là
                một trong những người đầu tiên được đưa vào miền Nam bằng đường rừng
                với nhiệm vụ thiết lập thêm và chỉnh đốn những cơ sở quân sự đã có tại
                miền Nam Việt Nam trước khi Hiệp-định Geneve ra đời).

       3)   Chương III của hiệp-định quy định cấm việc đưa thêm vào vùng kiểm sóat
              của mình những toán quân, nhân viên quân đội , vũ khí, đạn dược, thiết lập
              căn cứ quân sự mới.
               Nhưng CSVN vẫn tăng cường nhận viện trợ quân sự từ Nga-Sô và Trung-
               Cộng nhằm phục hồi lại quân đội đã bị thất thoát nặng nề trong trận Điện
                Biên Phủ và chuẫn bị cho cuộc chiến tranh thôn tính miền Nam Việt Nam
               sau này.

Trước sự chính thức thành lập MTGPMN vào tháng 12.1960 tại Hà Nội nhằm tăng cường những hoạt động đánh phá trong miền Nam, chính phủ của TT Ngô Đình Diệm đành phải nhờ vào sự viện trợ quân sự của Hoa-Kỳ để bảo vệ miền Nam Việt-Nam.
Và mãi 5 năm sau, vào năm 1965, Hoa Kỳ mới chính thức tham chiến tại Việt Nam
với mục đích ngăn chặn làn sóng CS tại Đông Dương chớ không phải để thay thế
Pháp biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới như chúng ta thường được nghe
tuyên truyền hoặc giảng dạy tại nhà trường.
Quyết-định chia đôi dất nước của đảng CSVN và Trung Quốc ở hội-nghị
Geneve năm 1954 đã đưa đến cuộc chiến tranh tàn khóc và ô nhục nhất trong
lịch sử hiện đại của nước nhà mà người Việt đã tàn sát người Việt bằng súng đạn của Quốc Tế CS và đã gây một hố sâu hận thù mãi đến ngày hôm nay vẫn không lấp lại được.

Hố sâu hận thù lại được đảng CSVN đào sâu thêm trong dịp tổ chức diền hành
quân đội vào ngày 30.04.2015 tại SàiGòn, khi Thủ Tướng Nguyển Tấn Dũng
long trong tuyên bố ăn mừng ngày "giải phóng miền Nam"  chống "ngụy quân
ngụy quyền". Thế thì làm thế nào thực hiện được hòa giải hòa hợp dân tộc?


 Nếu thực tâm muốn tạo sự đoàn kết  xóa bỏ hận thù thì trước hết trong tư duy phải không còn kẻ thắng người thua , ngày 30.04 không được ăn mừng như một  ngày chiến thắng, cụm từ "giải phóng miền Nam" hay "ngụy quân ngụy quyền" không còn được phép sử dụng vì nó không thể hiện đúng sự thật. Trước khi chiến tranh bùng nổ, nhân dân miền Nam đang được sống trong thanh bình và  chẳng bao giờ cần được " giải phóng"  để cuối cùng phải bỏ nước chạy ra biển khơi.
Trên cơ sở đó,  đất nước sẽ phải cần có một thể-chế dân chủ đa nguyên mà mọi người  dân đều có quyền góp phần trong một hiến-pháp do chính những người thực sự đại diện  cho mình soạn thảo,  chớ không phải là sản phẩm của một đảng độc tôn độc quyền.
Chiến tranh ô nhục vừa qua, chỉ vì mục đích áp đặt một chủ nghĩa CS không tưởng
mà cả thế giới đều đã chối bỏ, đã sát hại hàng triệu người mang dòng máu Việt.
Với tội ác có một không hai trong lịch-sử của dân tộc, đảng CSVN có còn đủ tư cách để đại diện cho dân tộc ta nữa hay không ?

Đã đến lúc tuổi trẻ Việt-Nam cần phải dũng cảm ngước mặt nhìn thẳng vào sự thật để phân định rõ ai là kẻ đã gây ra tội ác đối với  dân tộc Việt-Nam và nhất quyết
không ủng hộ tội ác và gian trá , phải biết đặt quyền lợi của dân tộc trên mọi thứ chủ nghĩa.  Chúng ta không được phép có  thái-độ  vô cảm,  sợ hãi  trước mọi thủ đoạn răn đe, bất bớ, tù đày để rồi phải đồng lõa  dưa đân tộc vào gông nô lệ của tập đoàn bành trướng phương Bắc.

Hy vọng rằng sự trình bày và những lời tâm huyết trên đây sẽ mang lại cho mỗi người Việt chúng ta sự suy tư nhằm trút bỏ mọi mặc cảm , mọi thành kiến mà can đảm cùng nhau đứng về phía sự thật của lịch-sử. Có như thế, chúng ta mới có thể đoàn kết thành một dân tộc vững mạnh và mọi người trong cũng như ngoài nước sẽ hết lòng góp sức đưa đất nước  Việt vươn lên không thua các quốc-gia tiên tiến trên thế giới. 

Xin chân thành cảm ơn quý vị và các bạn.

Duy Việt (Cộng Hòa Liên Bang Đức Quốc)

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen