Sơn Tùng
Tới một
tuổi nào đó, khi thực sự bước chân vào đời, một người trẻ thường nhìn lên những
thế hệ đi trước để trông đợi nhận được một vài di sản. Của cải vật chất hay
những di sản mang giá trị tinh thần giúp họ làm hành trang trên đường
đời.
Ngược lại, vào một lúc nào đó, thế hệ đi trước cũng nghĩ đến
việc để lại một vài cái gì đó cho con cái và những thế hệ đi sau.
Với
một người giàu có và coi của cải vật chất là sự nghiệp, công việc ấy có vẻ dễ
dàng và đơn giản. Người ta sẽ tính sổ xem của cải thu nhặt trong
cả một đời người có được bao nhiêu và sẽ chia ra như thế nào, để lại cho những
ai, mỗi người bao nhiêu, trước khi rời khỏi thế giới này với hai bàn tay không
như lúc đến.
Với người không có của cải vật chất và không cho
nó một giá trị tuyệt đối, công việc không đơn giản. Người ta cũng sẽ phải tính
toán – nhưng không phải bằng những con số - xem sự nghiệp mình có được những gì,
và sẽ để lại ra sao.
Việc “tính sổ” này thường được nhìn như một sự bàn
giao giữa thế hệ đi trước và thế hệ đi sau để đời sống được tiếp tục. Những thế
hệ tới sau sẽ nhận lấy cái thế giới mà những thế hệ đi trước giao lại – với
những cái đẹp và cả những cái xấu.
Nhưng, cũng có một quan niệm khác cho rằng “thế
giới này không phải do bố mẹ tặng cho ta mà là do con cái cho ta mượn tạm” như
câu thơ của một thi sĩ người Nga.
Tôi thích cái quan niệm thứ hai hơn, vì tính chất
lãng mạn và yếm thế của nó cũng có, nhưng vì nó buộc con người phải suy nghĩ
nhiều hơn về ý nghĩa sự hiện hữu của mình trên hành tinh này. Chúng ta là những
con nợ của các thế hệ đi sau.
Với quan niệm này, tôi cho rằng thế hệ trẻ Việt
Nam đã không nhận được những gì họ mong đợi khi được “thanh toán nợ
nần”.
Vào đầu thập niên 1990, sau khi Liên-Sô sụp đổ, tôi đã có dịp thăm viếng
nước Nga vài lần, và đã trải qua một cơn chấn động tâm não khi nhìn thấy nhiều
thanh niên Việt Nam ngồi co ro trên mặt cỏ phủ băng tuyết, bán những chiếc quần
áo rẻ tiền tại một khu chợ trời ở Mạc-tư-khoa. Đôi mắt họ chứa đựng tất cả nỗi
bơ vơ và bóng đen của ngày mai vô định.
Tôi cũng đã nhìn thấy những đôi mắt như vậy của
những người trẻ Việt Nam tại ngay quê nhà trước khi tôi bỏ nước đi tị nạn hơn ba
mươi năm về trước. Họ không bị lưu đày sang một đất nước xa xôi, nhưng cũng đang
sống vất vưởng tại các khu chợ trời hay tụ họp nơi những hàng quán trên hè phố,
tự đốt cuộc đời bằng những ly rượu mạnh, tách cà-phê đắng, điếu thuốc nặng cháy
phổi. Tôi đã không trở lại Việt Nam từ ngày bước chân xuống chiếc tàu gỗ nhỏ ra
khơi trong đêm tối, nhưng ngày nay tôi vẫn nhìn thấy những hình ảnh này trên
Internet.
Ở trong nước hay ngoài nước, những thanh niên Việt
Nam ấy cũng đã không có được một chỗ đứng trên mặt đất này, và đã bị tước mất cơ
hội để được sống xứng đáng với nhân phẩm của mình.
Những người trẻ Việt Nam tại các nước Tây Âu và
tại Hoa Kỳ có đời sống vật chất khá hơn, và có cơ hội để chọn một nghề nghiệp
theo ý muốn, nhưng không ít người cũng đã cảm
thấy bơ vơ khi muốn định hướng cuộc đời, hay muốn “trở về nguồn”, muốn sống như
một người Việt Nam chứ không phải một người Mỹ da vàng, Pháp da
vàng…
Những người trẻ Việt Nam ở trong hay ngoài nước
quả thật đã không nhận được những gì mà họ mong đợi khi “được trả nợ”, từ các
thế hệ đi trước.
Tuổi trẻ Việt Nam đã không được tiếp nhận từ tay
các thế hệ đi trước một đất nước tươi đẹp, tự do, giàu mạnh như tuổi trẻ Nhật
Bản, Nam Hàn, và ngay cả Singapore hay Malaysia ở gần Việt Nam.
Hẳn nhiên nhiều người trẻ Việt Nam đã oán trách
những thế hệ đi trước. Đất nước ta không thiếu tài nguyên thiên nhiên, và dân ta
không thiếu nhân tài. Người “chủ nợ” có quyền bày tỏ nỗi bất bình khi không được
thanh toán thỏa đáng.
Nhưng, thế giới đang thay đổi rất nhanh, ý niệm
tương đối về mỗi thế hệ cũng đang bị thu ngắn lại. Bánh xe tiến hóa của loài
người cũng quay với tốc độ nhanh hơn.
Tuổi trẻ Việt Nam hãy đứng dậy hành động hơn là
buông trôi ngày tháng và chê trách những thế hệ đi trước, hay lên án các thế hệ
đi trước như “những con nợ” đã không làm tròn nghĩa vụ. Hãy làm cái
gì để thay đổi vận mệnh của chính mình và của đất nước. Và không có đổi thay nào
mà thiếu vai trò nòng cốt của tuổi trẻ.
Thời gian gần đây có những dấu hiệu cho thấy đã có
sự thay đổi, từ trong giới trẻ, thế hệ sinh ra và lớn lên trong chế độ hiện tại.
Có những người trẻ, rất trẻ, đã bất khuất đứng lên, dõng dạc nói ra những đòi
hỏi về nhân quyền, về tự do, về nhân phẩm và về những bất bình mà con người có
lương tâm không thể bị đè nén mãi dưới bạo lực và lừa dối.
Số người này lúc đầu không có nhiều nhưng đang tăng lên dần. Và, như một
tín hiệu gửi ra cho thế giới bên ngoài nhân vụ đứng lên của tuổi trẻ Hồng Kông,
22 tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam đã cùng đứng chung trong bản “Tuyên cáo về
tập hợp vì nền dân chủ tại Hồng Kông và Việt Nam”, trong đó có đoạn nguyên văn:
“...Toàn dân trong nước hãy noi gương tranh đấu của người dân, đặc biệt của giới trẻ tại các quốc gia Đông Âu cuối thế kỷ trước, của các quốc gia Bắc Phi và Ả Rập vùng Trung Đông gần đây, hiện thời là của người dân Ukraina, Tân Cương, Tây Tạng và lúc này là giới trẻ Hồng Kông trong tinh thần và khí phách của sinh viên Thiên An Môn. Các dân tộc ấy đã mạnh mẽ cho thế giới thấy họ nghĩ gì, muốn gì. Với truyền thống hào hùng và dòng máu bất khuất của nòi Lạc Việt, chúng ta hãy đồng lòng và can đảm quyết định thay đổi đường đi, thay đổi vận mệnh của quốc gia dân tộc. Bởi lẽ ngày càng hiển hiện nguy cơ mất nước do sự xâm lấn của ngoại thù Cộng sản Tàu và sự bạc nhược, đồng lõa của một bộ phận trọng yếu trong giới cầm quyền Cộng sản Việt.
Cuối
cùng, chúng tôi cầu chúc cho cuộc biểu tình bất tuân dân sự của nhân dân, giới
trẻ Hồng Kông đạt được các mục tiêu cao cả, đồng thời khơi dậy được tinh thần
đấu tranh cho người dân ở Đại lục, để từ đó thêm sức mạnh cho phong trào tranh
đấu tại Việt Nam... (hết
trích)
Trước sự kinh ngạc và ngưỡng mộ của thế giới trong
mấy năm cuối cùng của Thế kỷ 20 và đầu Thế kỷ 21, tuổi trẻ đã đem mùa xuân đến
cho một nửa Âu Châu sau mấy chục năm chìm sâu trong đêm dài.
Với tín hiệu trên đây từ Việt Nam, chúng ta có
lý do để ước mơ một ngày không xa trong năm mới, tuổi trẻ
Việt Nam sẽ đồng loạt đứng lên đem Mùa Xuân Dân Tộc về trên đất nước để người
Việt trong và ngoài nắm tay cùng nhau xây dựng một quốc gia tự do, phú cường,
trở thành một di sản mà các thế hệ mai sau, những người “chủ nợ” tương lai, mong
được tiếp nhận khi chúng ta giã từ thế giới
này.
Virginia, Mùa Xuân 2015
Sơn Tùng
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen