Dienstag, 14. April 2015

Bài thi viết 'Cộng Sản và Tôi': Ngày 30 tháng 4 Đen


Lâm Nhật (Danlambao) - Là ngày tôi bắt đầu học được những chữ mới:

1. GIẢI PHÓNG: Từ ngày này cái thứ gì cũng có thể bán để có chút ít tiền mua cái gì đó lót lòng qua buổi. Một bài hát vang lên đi vào ký ức của tôi ngay lập tức:

"Từ ngày giải phóng vô đây mình đói dài dài...
Từ ngày giải phóng vô đây mình bán cái ti-vi,
... rồi bán cái honda... rồi bán cái quần đùi,... ".

Thật là mới lạ vô cùng, đến đôi dép cũ cũng có thể bán, chứ trước ngày giải phóng thì chỉ có quăng vào sọt rác.

Hai chữ "giải phóng” mà tôi hiểu được ý nghĩa của nó là: "Cha tôi, mẹ tôi, anh tôi, chị tôi, cái tiệm, cái nhà, bàn ghế, đồ dùng trong nhà được giải phóng khỏi tầm tay tôi, để tôi còn lại trơ trọi cái thân còi với cái áo quần cũ kỹ, lang thang vào chùa xin tá túc, quét dọn chùa, chầu chực chút ít cúng dường của Phật tử." 

2. CÁCH MẠNG: Từ ngày này, đâu đâu tôi cũng nghe cái chữ mà trước kia chưa hề nghe "Cách mạng", "Cách mạng muốn", "Cách mạng mời ra khỏi nhà, chúng tôi niêm phong căn nhà này, đi lên phường cùng chúng tôi."

Sau mấy ngày bị giam giữ trong 1 mét vuông đất, chung quanh là những tấm chắn, tôi được bảo "Cách mạng cho đi đó, muốn đi đâu thì đi". Cách mạng là cái thứ gì mà ba mẹ tôi đâu mất không còn thấy bên tôi nữa? Cách mạng là quỉ hay ma đem dấu ba mẹ tôi nơi nào rồi. Tôi và đứa em nhỏ chơ vơ tìm đường về nhà mình. Căn nhà bị khóa với tắm bản niêm phong to lớn. Không được vào bên trong; đi về đâu hỡi em... đứa em trai nhỏ ngoan và rất giỏi của tôi?

3. HỌC-TẬP CẢI-TẠO: Mấy bác trên đường đi gặp chúng tôi ngơ ngác trước nhà, bảo tôi rằng: "Họ đưa cha mẹ cháu đi học tập cải tạo rồi."

Đi học! Hay nhỉ được đi học, nhưng sao cha mẹ cũng không nói lời nào, họ cũng chẳng báo tin hay đó cho tôi. Bây giờ, tôi và em tôi đi đâu đây, đi về đâu hỡi em...?

4. NGỤY: Tôi tìm đến nhà người bác, bác ấy đang khăn gói 10 ngày học tập cải tạo vì họ nói bác là Ngụy. Thật là một cái từ lạ lẫm nữa.

Con người bằng xương bằng thịt, mà cũng có thể là ngụy tạo sao? 

5. GIÁO GIAN: Lang thang trên đường, tình cờ gặp đứa bạn, nó nói thầy dạy môn Anh ngữ của mình, họ bảo là "Giáo gian", đã bị đưa đi học tập cải tạo rồi. Người thầy yêu kính, bao ngày rèn chúng tôi nói viết hiểu một thế giới khác nơi chúng tôi đang sống: thế giới những người nói tiếng Anh, như vậy là GIAN ư? Thầy "bị" đi học cải tạo à?

6. ĐÁNH TƯ SẢN, ĐÁNH TƯ SẢN NGOẠI BẢN, ĐÁNH TIỂU TƯ SẢN, TRÍ THỨC: Trên đường phố bao người đang đi theo tấm băng-rôn: "ĐẢ ĐẢO TƯ SẢN BÁN NƯỚC", "ĐẢ ĐẢO TIỂU TƯ SẢN BÁN NƯỚC", "ĐẢ ĐẢO TIỂU TƯ SẢN TRÍ THỨC BÁN NƯỚC"

Tôi nhận ra người quen trong đoàn người, chào tôi và nói: "Họ cho nghỉ làm việc để đi theo họ." Như vậy là sao? Họ đang đả đảo ai vậy? Ai là Tư sản? Ai là Tiểu tư sản?

Ngay hôm sau là tôi được câu trả lời, khi nhìn hàng loạt các căn tiệm bán bách hóa, tiệm bán thuốc tây, quán ăn trên hai phía mặt tiền đường của các đường phố, hay trong chợ được dán cái nhãn "Niêm phong".

Chợ búa, đường phố vắng tanh. Thành phố như một thành phố chết! 

Nhưng không lâu chỉ một tháng sau, niêm phong giờ đâu mất rồi, và thấp thoáng bóng những cái nón cối, bộ đồ xanh bộ đội đi tới lui trong các tiệm, các nhà.

7. KINH TẾ MỚI: Vài nhà đang dọn đồ ra khỏi nhà, tôi hỏi các bác làm gì vậy? Các bác bảo Phường Khóm bảo các bác đi KINH TẾ MỚI, các bác dọn đồ đi Kinh tế mới. Hay nhỉ, Kinh tế mới, cái từ lạ quá đi, là gì nhỉ?

Bác đi khỏi rồi, hôm sau nhà các bác đã ở, màu trắng nón cối và màu xanh quần áo bộ đội được phơi treo đầy trên các cửa sổ nhà.

Vài tháng sau gặp lại vài bác, các bác bảo: "Ở Kinh tế mới không nước, không thức ăn, các bác trồng cây, cây chết, nuôi gà gió mái làm chúng cũng lăn quay. Bây giờ các bác đang lang thang trên đường không biết ở đâu."

8. ĐỔI TIỀN: Người chị họ hôm nay đi làm không thấy về nhà sau giờ làm, tôi tìm đến nơi chị làm, không người nào tôi có thể hỏi. Làm sao đây? Chuyện gì xảy đến chị?

Hôm sau, mọi người bảo nhau: "Đi đổi tiền, tiền cũ không còn xài được nữa!" Tôi chỉ có vài đồng bạc trong tay, muốn đổi thì lấy sổ hộ khẩu và xếp hàng dài mà chờ để được đổi.

Mấy hôm sau, chị trở về nhà bảo: "Cuối giờ làm việc họ đóng cửa không cho ai về và chở đến một nơi chẳng biết đâu, rồi bảo ngồi đó đổi tiền cho dân. Tiền đổi trong vòng hai ngày."

Mỗi hộ chỉ được đổi giới hạn. Thật là mới vô cùng cái chữ "Đổi tiền", xưa giờ tiền mới ra nó từ từ được thay bằng tiền cũ thâu vào và tiêu hủy.

Đổi tiền chớp nhoáng, ai có tiền nhiều còn giữ thì coi như đem bỏ sọt rác cái phần trên giới hạn! Rồi tới "Đổi tiền lẻ" 10 đồng chẵn, lấy 8 đồng lẻ, vì trong giao dịch không tiền lẻ thối! Rồi... lại lần nữa"Đổi tiền" chớp nhoáng.

...Bao giờ lại "Đổi tiền đây...?" khi mà 1,000 đồng chỉ mua được 1 tô phở! Tôi chắc mọi người chỉ có giữ vàng ròng hay tiền US, và đang tẩy chay cái đồng VN.

9. VƯỢT BIÊN, VƯỢT BIÊN BÁN CHÍNH THỨC: Người chị họ tôi sau những ngày được làm "thầy" dạy các gương mặt mới vào làm việc tại hãng xưởng chỉ làm việc, và những gương mặt mới được chính thức làm việc thì chị được nhận tấm giấy cho thôi việc!

Chị thủ thỉ tai tôi: "Mọi người đang tìm đường vượt biên, chị bị cho thôi việc như vầy có thể tìm việc làm nơi khác không? Nơi nào cũng là Quốc doanh, Hợp tác xã Quốc doanh Cách mạng quản lý cả. Cách mạng đã cho chị thôi việc, chị có thể có việc chỗ khác không. Chị không thể ngồi không ăn sạch tới đồng tiền cuối cùng của mình. Chỉ có một đường hoặc chết ngay, hoặc đi đến xứ khác để tìm việc làm. Chị sẽ vượt biên."

Vượt biên, hai cái từ mới quá, sao mà lắm cái từ mới được sinh ra như vầy? Nó là gì? Phải có mấy cây vàng mới có thể nghĩ đến vượt biên. Tôi thì chỉ có mấy đồng tiền trả công từ phụ việc ở một xe nước mía lề đường, làm sao có thể đi cùng chị?

Nhưng vài ngày sau khi chị đi vượt biên, một người đến nói tôi phải đem cây vàng chuộc chị ra, vì chị đã bị bắt trên đường đi. Cây vàng chị gởi lại tôi trước khi đi, đành được trao cho người chị bảo để chị được ra tù.

Ra tù, người chị phờ phạc, buồn chán, ngẩn ngơ, ngơ ngẩn. Nhưng chị lại hồi phục không lâu khi nghe những chữ "Vượt biên bán chính thức". Lại một từ mới lạ tai quá "Vượt biên thì bị bắt bỏ tù", vượt biên là làm điều sai bậy tội lỗi sao? mà bị bắt bỏ tù? Đi tìm con đường sống cho mình là tội đồ sao? Nhưng đã là tội lỗi sao lại còn có cái chữ thòng theo sau "bán chính thức"?

Cái tội đồ được công nhận phân nửa nó là không tội sao? Tôi như kẻ say sưa, choáng váng cái chính quyền đang phủ chụp lên cuộc sống của mọi người là cái thứ gì đây?

Là cái thứ quyền hành gì từ 30/4/1975, cứ mỗi một từ mới tôi được nghe là bao nhiêu sinh mạng, tài sản những người chung quanh tôi được giải phóng mất biến.

Người bạn học thương mến, sau ngày cùng uống ly nước bên quán lề đường một buổi tình cờ găp lại trên đường đi, bạn đã ra đi vĩnh viễn trong biển cả lúc vượt biên. Vượt biên, từ khi tôi nghe tới nó là những gì thây xác vùi trong biển cả, là rơi vào tay cướp biển bị trấn lột, bị hành hạ cưỡng hiếp, là đi vào nhà tù mút mùa nếu không có cây vàng chi ra. Bây giờ, "bán chính thức" là cái gì đây? Là phân nửa những cái thê lương của người vượt biên sẽ có?

Chị họ tôi bảo: "Không! Nó chỉ là, thay vì đưa tiền cho chủ tàu vượt biên, thì đưa cho cầm quyền CS đương đại!"

10. XUẤT KHẨU LAO-ĐỘNG: Cô bạn thân ngày tôi còn cắp sách đến trường đang nói lời giã từ, vài hôm nữa cô sẽ đi Đông Đức. Cơ quan cô làm việc đợt này đưa nhiều công nhân sang Đông Đức lao động. Hay nhỉ! Xứ mình dư thừa lao động không cần công nhân sao phải Xuất khẩu lao động? Từ xưa tôi chỉ biết có những từ "Xuất khẩu cá, tôm, gạo, muối, giày, dép", bây giờ được nghe cái từ hay quá "Xuất khẩu lao động".

Hàng vạn người bỏ thây biển cả, miền Nam vẫn còn lắm người sức trâu bò cần tống khứ vào mấy cái trại "lao động của dân mọi rợ" ở nước CS khác? Tôi lại mất một người bạn bên mình! Đứa bạn đang hy vọng có thể có chút tiền nhiều hơn làm công nhân trong mấy cái "lò lao động quốc doanh đất Việt" với đồng lương chết đói. 

Nhiều, nhiều quá những từ mới mẻ thật hay tôi được nghe, những từ tiếng Việt đi vào lich sử lòng tôi từ ngày 30/4/1975. Nó cấu xé tâm can tôi, linh hồn tôi. Mỗi một từ hoa mỹ mới mẻ là người chung quanh tôi, tài sản những người chung quanh tôi biến mất, nhưng những từ này thì còn thêm vào, hơn thế nữa là cả tinh hoa đất Việt tôi được chôn sống:

BÀI TRỪ VĂN HÓA ĐỒI TRỤY, ĐỊNH HƯỚNG THÔNG TIN, PHẢN ĐỘNG, THẾ LỰC THU ĐỊCH,...: họ tiêu hủy những gì dưới mắt họ là không đúng và cầm tù những ai nói khác cái "rác rến của thế giới" -Mác-Lê-Mao- của Nga Xô hay Trung Cộng vẽ ra.

30/4/1975 là ngày tôi ngỡ ngàng để nhìn vào những trang báo chỉ có một điệu nhạc không lọt vào tai: ƠN BÁC VÀ ĐẢNG... và không hề muốn ngó vào nó nữa, vì đài phát thanh hay TV ra rả cũng một nhịp điệu y chang vậy.

Là người miền Nam từ bé tôi được nằm lòng câu "NHÀ BÁO NÓI LÁO ĂN TIỀN", vì vậy khi đọc báo tôi ghi nhận chỉ 50%, 50% là để xét lại trên tin tức ở báo khác hay trong hiện thực. Bây giờ không có báo khác để xem. Chỉ còn biết nhìn vào cái hiện-thực!

Cái hiện thực là đứa em trai nhỏ của tôi, sau những từ hoa mỹ: "ƠN BÁC, ƠN ĐẢNG" xuất hiện, nhà cửa không được vào ở, lang thang nơi này nơi kia trú ngụ, nó đã trở thành ngơ ngẩn, ngẩn ngơ, và phải uống thuốc tâm thần. Cái hiện thực là sau khi uống thuốc tâm thần, mắt nó trợn ngược, tay chân co giật. Nhờ những người quen chỉ bảo, và nhờ bà chủ xe nước mía cho mượn tiền để mua quà biếu cho bác sĩ, thì bác sĩ mới ký cho nó thuốc chống phản ứng của thuốc tâm thần nó đã uống.

Những người quen đó cũng có con em bị tâm thần như vậy! Nhờ "ơn bác ơn đảng" bao nhiêu thanh thiếu niên mầm non tương lai đất Việt của thế hệ đã thành phế nhân, và lây lất cuộc đời trong vòng tay đau xót của thân nhân.

Nơi đây, trên một đất nước dân chủ Canada đã đón nhận tôi đến tị nạn, tôi được bước vào những trường Cao đẳng, Đại học, nhìn thấy quanh tôi những sinh viên Việt Nam nhỏ thó, gầy còm vì suy dinh dưỡng bao năm qua trên đất Việt và những sinh viên nam nữ đang hết sức mình chống chọi lại bệnh tâm thần vương phải trên đất Việt sau cái ngày 30/4 ĐEN ĐỦI của đất Việt tôi, tôi xót xa nhớ em tôi, nước mắt tôi luôn lăn dài trên má khi nhìn thấy hình ảnh em tôi.

Em đã bỏ thây trong biển cả vì tàu đắm trong bão lớn.

Mỗi khi ngày 30/4 đến, trong tôi cứ vang lên tiếng hát:

"Mẹ vỗ tay reo mừng xác con,
Mẹ vỗ tay hoan-hô hòa-bình,
..."

Hòa bình hay thống nhất trên những xác người? 

"Xác người nằm trôi sông, 
phơi trên những ruộng đồng, 
trên nóc nhà thành phố, 
...bên những vồng ngô khoai"
... trong biển cả mênh mông...


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen