Tiến Sỹ LÊ HIỂN DƯƠNG, Nguyên Hiệu Trưởng Đại Học Đồng Tháp
Tiến Sỹ Lê Hiển Dương |
Ngày
nay hầu như nhân loại trên khắp hoàn cầu đều lấy năm Chúa Kitô giáng
sinh làm mốc định thời gian, chúng ta đang ở vào năm 2010, tức là 2010
năm kể từ ngày Chúa giáng thế. Nhiều sự kiện khoa học hay lịch sử cũng
được xác định dựa trên mốc thời gian này cho dù những dữ kiện đó hoàn
toàn không liên quan gì đến niềm tin tôn giáo hay tín ngưỡng. Chẵng
hạn nhà toán học Pythagore sinh năm 580 và mất năm 500 trước Công
Nguyên, Tề Hoàn Công trị vì từ năm 685 đến năm 643 trước Công Nguyên…
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng xảy ra năm 42 sau Công Nguyên… Các văn bản
bằng tiếng Anh thì dùng BC (before Christ) hoặc AD (Anno domini) để chỉ
những sự kiện xảy ra trước hoặc sau Thiên Chúa giáng thế. Riêng người
Việt nam chúng ta từ trong Nam ngoài chí Bắc từ sau 30 tháng tư năm 1975
lại có một mốc định thời gian mới: “hồi trước giải phóng” hay “hồi sau
giải phóng”, tất nhiên người Việt mình nghe mãi rồi quen tai và không
thấy gì phản cảm khi dùng hoặc nghe cụm từ này… Nhưng khi tôi vô tình
dùng nó lúc nói chuyện với một đồng nghiệp người nước ngoài rằng “…after
the liberation of the south…” thì ông ta sững sốt hỏi ngay rằng “…
liberation from what?…” – Giải phóng khỏi cái gì? Thì tôi mới hốt hoảng
với cách dùng cụm từ này để định mốc thời gian của người Việt… bởi đối
với hầu hết người Việt, nhất là người miền Nam hoặc đối với cả đồng bào
miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 nữa, thì “giải phóng” là một nỗi ám ảnh
trong cả đời người…
Video: GIẢI PHÓNG NỖI KINH HOÀNG CỦA NGƯỜI DÂN VIỆT NAM
Còn
nhớ ngày 30 Tư năm 1975, lúc đó chúng tôi còn là sinh viên của đại học
sư phạm Vinh đã hồ hởi, phấn khởi hò reo meeting nhiều đêm ngày để mừng
Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, bởi chúng tôi tin rằng từ đây đồng
bào Miền Nam ruột thịt của chúng tôi sẽ không còn đói rách lầm than và
không còn sống trong cảnh “ngụy kềm, Mỹ hãm” nữa… Họ đã được đảng và Bác
cùng nhân dân Miền Bắc chúng tôi giải phóng. Và những tháng tiếp theo
đó chúng tôi được tận mắt nhìn thấy hàng đàn hàng lủ bọn ngụy quyền ác
ôn bị sự trừng phạt của chính quyền cách mạng, của nhân dân miền Bắc và
của chính chúng tôi… Số là mỗi tuần một lần. chúng tôi được chính quyền
và ban giám hiệu nhà trường thông báo vào những ngày giờ có những ô tô
của cục quân pháp chuyển tù cải tạo là những sỹ quan, ngụy quyền ác ôn
của chính quyền Mỹ Thiệu đi ngang qua địa phương để đến các trại cải tạo
ở mạn ngược. Cùng với đồng bào địa phương, mỗi sinh viên chúng tôi phải
chuẩn bị đầy đủ cơ số đá trứng nhặt từ đường ray xe lửa để khi đoàn xe
tù đi ngang qua là hô hào toàn dân trút những trận mưa đá lên đầu những
tên ngụy quyền ác ôn này, bởi chúng có quá nhiều nợ máu với nhân dân,
với đất nước… Và sau mỗi lần trừng trị bọn ngụy quyền ác ôn đó, chúng
tôi đều có hội họp, báo công và được tuyên dương khen thửơng, được kết
nạp vào đoàn, được vinh dự đứng vào hang ngũ của đảng vì đã đả thương
được bao nhiêu sỹ quan ngụy quyền đó. Tất nhiên là cũng có nhiều buổi
họp báo công, chúng tôi cũng bị phê bình kiểm điểm vì đã không có trường
hợp thương vong nào được ghi nhận trong những vụ “tập kích” đó…
Kết
thúc 4 năm đại học với vô số những cuộc tập kích để ném đá vào những xe
chuyển tù, rồi chúng tôi cũng tốt nghiệp đại học, rồi được đảng và nhà
nước chi viện vào miền Nam để mang ánh sáng văn hóa vào cho đồng bào
miền Nam ruột thịt bao năm qua sống trong u tối lầm than vì cứ liên miên
bị ngụy kềm, Mỹ hãm chứ đâu có được học hành gì…
Chúng
tôi thực sự choáng ngợp khi xe qua khỏi vùng chiến sự Quảng Trị, đến
Huế, đến Đà Nẵng.. rồi Nha Trang, Sài Gòn rồi về Miền Tây, đến thị trấn
Cao Lãnh, đâu đâu cũng lầu đài phố xá chứ có tường đất mái tranh như ở
thành phố Vinh chúng tôi đâu!
Nhận
xong nhiệm sở từ ty giáo dục Đồng Tháp, chúng tôi được đưa về công tác
tại trường trung học sư phạm Đồng Tháp ngay tại trung tâm của thị trấn
Cao Lãnh, và tại đây, trong suốt nhiều năm liền chúng tôi được bố trí ở
tại khách sạn Thiên Lợi mà chính quyền cách mạng đã tịch biên từ tên tư
sản Thiên Lợi… Chúng tôi đi từ choáng ngợp này đến choáng ngợp khác, bởi
đây là lần đầu tiên chúng tôi biết được thế nào là “Khách Sạn”, biết
được thế nào là lavabo là hố xí tự hoại, bởi cả thành phố Vinh, cả tỉnh
Nghệ An chúng tôi hay thậm chí cả miền Bắc XHCN lúc bấy giờ chỉ sử dụng
hố xí lộ thiên, để còn dùng nguồn “phân Bắc” này để canh tác, để tăng
gia sản xuất theo sáng kiến kinh nghiệm cấp nhà nước của đại tướng
Nguyễn Chí Thanh mà được bác Hồ khen thưởng và có thơ ca ngợi rằng:
“Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
Anh về phân Bắc, phân xanh đầy nhà”…
Thậm
chí ở xã Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên quê tôi lúc bấy giờ còn có cả những vụ
án các tập đoàn viên, các hợp tác xã viên can tội trộm cắp phân bắc từ
các hố xí của láng giềng để nộp cho hợp tác xã… Tôi thấm thía hơn với
những câu thơ ca ngợi miền Bắc đi lên XHCN của Tố Hữu mà ngoài sinh viên
học sinh chúng tôi ra thì hầu như cả nhân dân miền Bắc lúc bấy giờ ai
cũng thuộc nằm lòng:
“Dọn tí phân rơi nhặt từng ngọn lá
Mỗi hòn than mẩu thóc cân ngô
Hai tay ta gom góp dựng cơ đồ…”
Tôi
bắt đầu nghi ngờ với cụm từ “giải phóng miền nam” … Rồi những trận đổi
tiền để đánh tư sản, rồi nhiều nhà cửa của đồng bào bị tịch biên, rồi
hàng triệu đồng bào bắt đầu bỏ nước ra đi, nhiều giáo sinh của trường
chúng tôi cũng vắng dần theo làn sóng đi tìm tự do đó… tôi bắt đầu hiểu
đích thực ý nghĩa của cụm từ “giải phóng niền nam” và bắt đầu cảm thấy
xấu hổ cho bao nhiêu năm sống trong niềm ảo vọng mù quáng của bản thân…
mà dù ở chừng mực nào cũng được xem là thành phần trí thức trong xã hội…
Dần
dần tôi hiểu sâu hơn cái sự mỉa mai chua chát của hai từ “GIẢI PHÓNG”
đang được dùng trong kho tàng Tiếng Việt của nước nhà… “Giải phóng miền
nam” thực sự có mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc vô biên và cả sự thịnh
vượng nữa với gia sản có thể đột ngột tăng lên cả 16 tấn vàng ròng…
những tất nhiên chỉ cho một thiểu số trong xã hội, chỉ chừng 16 người
trong tổng số non 50 triệu dân lúc bấy giờ thôi… Còn lại thì “giải
phóng” đồng nghĩa với cảnh côi cút vì “sinh bắc tử nam” mất con, mất
chồng, mất cha, mất anh mất em bởi họ đã vào chiến trường và không bao
giờ trở về nữa… Giải phóng cũng có nghĩa là tù đày, là cải tạo nơi rừng
thiêng nước độc, là mất vợ.. mất con, mất nhà cửa ruộng vườn, mất bao
nhiêu người thân trên biển cả và mất hết tự do dân chủ nhân quyền và mất
luôn cả tổ quốc! Rồi “giải phóng mặt bằng” cũng chỉ mang nguồn lợi lớn
lao cho một nhóm quan phương, nhưng lại là nỗi ám ảnh nỗi hãi hùng của
muôn dân, bởi sau “giải phóng mặt bằng” là hàng trăm đồng bào lại phải
vô tù ra khám bởi tội “chống người thi hành công vụ”, bởi sau giải phóng
mặt bằng là cái chết của thiếu niên Lê Xuân Dũng và Lê Hữu Nam, là
thương tật của nông dân Lê Thị Thanh …
Chẳng
biết người dân Việt nam từ nay còn dùng cụm từ “trước ngày giải phóng”
hay “ sau ngày giải phóng” để định mốc thời gian nữa không… Riêng tôi,
tôi cảm thấy quá căm thù nhân loại bởi đã bịa ra từ ngữ “giải phóng” và
“giải phóng mặt bằng” mà chi để dân Việt chúng tôi vì nó mà phải khổ lụy
đến dường này.
Tiến Sỹ Lê Hiển Dương
Hiệu Trưởng-Đại Học Đồng Tháp
Đồng Tháp ngày 29 tháng 5 năm 2010
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen