BS.Trần Văn Tích
Nhiều anh em quân y chúng tôi biết câu chuyện xảy ra cho gia đình Trung
úy Khôi do ngày 30.04.75 gây nên. Trung úy Khôi có vợ là cô Y tá Phụng, nữ nhân
viên bệnh viện Chợ Rẫy. Hai vợ chồng son có một cháu trai lên năm tuổi. Khi Miền
Nam mất, trong cơn tuyệt vọng hoàn toàn, Trung úy Khôi dùng súng bắn chết cháu
bé trước khi quay súng tự vẫn. Cô Phụng thoát chết nhưng sau đó cô mất trí. Gia
đình Trung úy Khôi đã lên đường làm một cuộc hành trình (sic) như vậy đó,
theo đạo luật Ngô Thanh Hải.
Cùng trong dịp ấy, “Ngày 6 tháng 5 năm 1975, chiếc phi cơ Air Canada đổ
xuống phi trường Dorval hơn một trăm người Việt ngơ ngác, tay ôm tay xách, co
rúm trong những chiếc áo mỏng không đủ ấm trong cái se lạnh, tuy mùa xuân đã bắt
đầu trên xứ Tuyết.“ Nhóm hơn một trăm đồng bào hết sức may mắn này đang thực
hiện một chuyến hành trình (lại sic) theo lời mô tả của tác giả Lâm Vĩnh
Bình trong sách Giá tự do, xuất bản tại Canada năm 2014, trang
115.
Dầu lên đường sang bên kia thế giới hay lên máy bay sang Canada vì Ngày
Quốc Hận 30.04 thì gia đình Trung úy Khôi cũng như nhóm hơn một trăm đồng hương
đều không có ai...đi du lịch cả. Họ cũng chẳng hề đi...chơi xa1, họ cũng chẳng
hề làm một chuyến journey, họ cũng chẳng hề làm
một chuyến voyage. Bảo rằng Trung úy Khôi lên đường
đi journey cùng với đứa con chưa đến tuổi biết suy nghĩ
để lại một người vợ một người mẹ quẩn trí đến điên dại là một cách biểu đạt vô
nhân đạo, vô nhân phẩm, vô đạo lý. Cho rằng nhóm hơn một trăm người Việt bỏ chạy
trối chết để trốn thoát cộng sản và đến được phi trường Dorval là tham gia một
chuyến voyage tập thể thì chỉ có kẻ vô ý thức, vô lương tâm, vô tri vô
giác mới suy nghĩ được như vậy.
Người Việt tỵ nạn cộng sản bỏ nước ra đi bằng thuyền, bằng chân hay ngay
cả bằng tàu thủy, máy bay cũng không hề có ai mang tâm trạng lên đường
tham dự một chuyến đi xa sẽ có ngày về gần2. Trong Việt ngữ,
danh từ hành trình mang tính trung tính. Nó vô tâm, vô
cảm, vô tình. Trong tiếng Anh, sự kiện hàng triệu triệu người liều mạng vượt
biên vượt biển, chấp nhận một tương lai bất ổn bất định không thể được ghi lại
bằng chữ journey mà phải bằng những chữ khác, fight, fleeing,
escape chẳng hạn. Thánh Kinh từng sử dụng khái niệm the
flight into Egypt.
Muốn khỏi mất job – nghề của nghị sĩ, dân biểu là
ăn rồi ngồi làm luật – thì cứ làm luật. Muốn làm luật chống Việt cộng thì cứ làm
luật chống Việt cộng. Quốc hội Liên Âu từng ban hành Résolution 1481 (2008)
ngày 25.01.2006 lên án nặng nề toàn bộ chủ nghĩa cộng sản, văn bản lập pháp
này có gây phản ứng bất lợi gì từ phía những người chống cộng đâu.
Huống chi đã từng có ít nhất hai tiền lệ là SJ 455 với chữ Recognition
Day và SJ 139 với chữ Remembrance Day. Trong cả hai trường hợp chỉ vì
không gọi Ngày Quốc Hận là Ngày Quốc Hận mà công luận đã bất bình rầm rộ lên
tiếng. Nay lại có kẽ thiếu khôn ngoan lập lại lỗi lầm quá khứ.
Thoạt tiên dự luật Ngô Thanh Hải mang tên Black April
Day. Nếu giữ nguyên tên gọi như thế, chắc chắn mọi chuyện sẽ suôn
sẻ thông suốt. Khi nhượng bộ tha nhân để cải danh dự luật thành
Journey to Freedom, chủ nhân của nó đã bán Ngày Quốc Hận
theo một cái giá rẻ mạt. Lại nữa, đạo luật Ngô Thanh Hải một mặt kể như vô hiệu
về hình thức, vì không có hiệu lực về pháp lý (nul en la forme) bởi số
người Việt tán trợ nó chỉ đếm được trên đầu ngón tay; mặt khác, đạo luật Ngô
Thanh Hải cũng vô hiệu về nội dung (nul en fond) vì chưng nó không hiệu
lực về mặt tình cảm và lý trí.
Ngày hôm nay sở dĩ người ta còn bỏ thì giờ nhắc đến nó là nhằm ngăn chặn
những tình huống tương tự có thể xảy ra trong tương lai nhưng trong tương lai
thì đạo luật Ngô Thanh Hải không hề có chút tương lai nào hết. Đã không cận nhân
tình, lại không hợp đạo lý mà còn không đúng pháp luật thì mai đây ai rỗi hơi
đâu mà lý đến luật Ngô Thanh Hải làm gì.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen