Trọng
Nghĩa
Hai tàu hải giám Trung Quốc xen vào chiến
hạm của Philippines để ngăn không cho bắt ngư dân trên 8 tàu cá Trung Quốc tại
bãi Scarborough.REUTERS/Philippine
Army/Handout/Files
Trong một bản thông cáo công bố vào hôm nay, 05/02/2015, Bộ Ngoại giao
Philippines đã tố cáo một loạt hành vi quá đáng của tàu Trung Quốc tại khu vực
bãi Scarborough Shoal ở Biển Đông. Trong hai vụ việc riêng rẽ, Bắc Kinh đã cho
tàu cá đến vét hải sản quý hiếm và cho tàu Hải cảnh cố tình đâm vào tàu cá
Philippines. Bộ Ngoại giao Philippines xác nhận đã chính thức gởi công hàm phản
đối vào hôm qua, 04/02/2015.
Về sự cố thứ nhất, Manila cho biết là hôm 29/01/2015, một chiếc tàu Hải cảnh
Trung Quốc mang ký hiệu 3412 đã cố ý đâm vào ba chiếc tàu cá mang cờ Philippines
(F/V OG Barbie, F/V Ocean Glory 2, và F/V Ana Marie), tại vùng biển gần bãi
Scarborough Shoal mà Philippines gọi là Bajo de Masinloc hay Panatag.
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, hành vi của tàu Trung Quốc đã gây thiệt hại
vật chất và đe dọa sinh mạng của ngư dân trên tàu cá Philippines. Đối với
Manila, bãi Scaborough nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và
tàu đánh cá Philippines luôn hoạt động ở vùng này một cách thường xuyên, liên
tục, hòa bình, trên cơ sở bảo đảm tính chất bền vững về mặt môi trường. Do vậy,
Philippines « cực lực phản đối các hành động liên tiếp của Trung Quốc nhằm sách
nhiễu và ngăn cản không cho ngư dân sinh nhai một cách hợp pháp trong khu vực đó
».
Bắc Kinh dung túng và hỗ trợ các hành vi hủy diệt
môi trường
Về sự cố thứ hai, Bộ Ngoại giao Philippines nêu bật báo cáo của Lực lượng
Tuần duyên, cho biết là vào ngày 22/01/2015, đã thấy ít nhất 24 chiếc tàu thuyền
tiện ích của Trung Quốc đang thu vét loại trai khổng lồ bên trong đầm phá của
bãi Scarborough. Các chiếc tàu này đã vận chuyển số trai vét được lên các chiếc
tàu đánh cá khác của Trung Quốc trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Philippines « cực lực phản đối các hành vi hủy diệt và và
bất hợp pháp đó » vì việc đánh bắt loài trai khổng lồ, thuộc diện sinh vật
biển bị đe dọa nhiều nhất, sẽ phá hủy các rạn san hô và dẫn đến sự phá hủy vĩnh
viễn của chính bãi cạn Scarborough.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines tố cáo : « Thái độ dung túng,
thâm chí hỗ trợ tích cực của Trung Quốc đối với các hoạt động đánh bắt gây hại
cho môi trường của các công dân Trung Quốc tại khu vực bãi Scarborough đã vi
phạm nghĩa vụ (mà Trung Quốc phải thực hiện) chiếu theo Công ước năm 1982 của
Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Công ước về Đa dạng sinh học và Công ước Quốc tế về
việc buôn bán động và thực vật hoang dã ».
Philippines đã gởi công hàm phản đối Trung Quốc về hai vụ việc cụ thể nói
trên ít lâu sau khi Manila, ngày 28/01 vừa qua, đã chính thức kêu gọi Ngoại
trưởng các nước ASEAN bày tỏ thái độ quan ngại về các hoạt động bồi đắp và cải
tạo địa hình mà Bắc Kinh đang tiến hành tại những khu vực mà họ đang chiếm đóng
ở Biển Đông.
Bãi cạn Scaborough mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham là một rạn san hô và
đá ngầm, cách bờ biển hơn 220 km, và cách lãnh thổ Trung Quốc hơn 800 km.
Philippines khẳng định bãi cạn nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải
lý của mình, trong lúc Trung Quốc lại khẳng định chủ quyền của họ nhân danh lịch
sử.
Vào tháng 04/2012, Trung Quốc đã dùng sức mạnh chiếm cứ bãi Scarborough trong
thực tế, bất chấp phản đối của Philippines.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen