Trong bản phúc trình thường niên của mình, tổ chức chuyên về
nhân quyền nói phản ứng toàn cầu đối với một loạt các vụ thảm hoạ trong năm 2014
là rất đáng hổ thẹn.
Các nước giàu có tội trong việc giữ quan điểm "đáng ghê tởm"
với việc không đón nhận thêm những người tị nạn, Amnesty nói.
Viễn cảnh trong năm 2015 là rất ảm đạm, nhóm này nói
thêm.
Đánh giá rằng 2014 là năm thảm hoạ cho những nạn nhân của các
cuộc xung đột và tình trạng bạo lực, Amnesty nói các lãnh đạo thế giới cần phải
hành động ngay lập tức để đối phó với tình trạng bản chất các cuộc xung đột có
vũ trang bị thay đổi.
'Thất bại thảm hại'
Salil Shetty, tổng thư ký của tổ chức này, nói trong một
tuyên bố rằng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an đã 'thất bại thảm hại' trong việc
bảo vệ thường dân.
Thay vào đó, năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an,
gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Hoa Kỳ, đã dùng quyền phủ quyết của mình để
"thúc đẩy lợi ích chính trị riêng hoặc lợi ích địa chính trị của mình, đặt chúng
lên trên việc bảo vệ dân thường," ông Shetty nói.
Một phần giải pháp nên có là các nước này hãy từ bỏ quyền phủ
quyết của mình trong Hội đồng Bảo an trong các vấn đề liên quan tới việc giết
người hàng loạt hay diệt chủng, Amnesty nói thêm.
Boko Haram gây tình trạng bất ổn trầm trọng tại
Tây Phi
Tổ chức này nói rằng nếu như việc sử dụng quyền phủ quyết tại
Hội đồng Bảo an đã được hạn chế như vậy thì thế giới rất có thể đã ngăn chặn
được việc Nga dùng quyền này để chặn việc Liên hợp quốc có hành động đối với
tình trạng bạo lực tại Syria.
Điều đó có thể đã khiến cho Tổng thống Bashar al-Assad bị đưa
ra Toà án Tội phạm Quốc tế, đã giúp cho các viện trợ nhân đạo cấp thiết được
chuyển đi xa hơn, tới giúp đỡ được thường dân nhiều hơn, theo phóng viên chuyên
về các quan hệ quốc tế của BBC, Mike Wooldridge.
Chính phủ Anh vẫn chưa có bình luận cụ thể gì về việc Anh
quốc có ủng hộ cho việc tự nguyện từ bỏ quyền phủ quyết hay không.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Anh đã có phản ứng về bản phúc trình
của Amnesty: "Anh Quốc toàn tâm ủng hộ cho nguyên tắc theo đó đòi Hội đồng Bảo
an phải hành động nhằm chấm dứt các cuộc tàn bạo diện rộng và các tội ác chống
lại nhân loại."
"Chúng tôi không thể dự đoán trước được là khi nào thì chúng
tôi sẽ dùng quyền phủ quyết để chặn hành động đó."
Bản phúc trình hàng năm của Amnesty được soạn ra để người ta
phải đọc, nghiên cứu một cách tỉnh táo, bình tĩnh, phóng viên BBC nói.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, nếu ta nhìn vào những
gì đã xảy ra tại Syria, Iraq, Nigeria, Cộng hoà Trung Phi và nhiều nước khác
nữa.
Bản phúc trình của Amnesty nói rằng những gì xảy ra trong năm
2014 đã dẫn tới một trong những cuộc khủng hoảng về người tỵ nạn tồi tệ nhất
trong lịch sử, với bốn triệu người Syria bị li tán nhà cửa do chiến tranh, và
hàng ngàn người di cư đã phải bỏ mạng trên Địa Trung Hải.
Thoả thuận về vũ khí
Amnesty chỉ trích phản ứng của các lãnh đạo châu Âu đối với
cuộc khủng hoảng.
Tổ chức này nói các nỗ lực của các nước giàu trong việc không
cho người tỵ nạn vào nước mình "được ưu tiên hơn là các nỗ lực của họ nhằm giữ
lấy mạng sống con người".
Amnesty cũng dùng bản phúc trình của mình để thúc giục chính
phủ các nước hãy tuân thủ thoả thuận toàn cầu về vũ khí.
Hiệp ước toàn cầu về lĩnh vực này đã có hiệu lực hồi năm
ngoái, nhằm mục đích quản lý ngành công nghiệp vũ khí, kiểm soát tình trạng cung
ứng vũ khí cho các nhóm tội phạm.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen