Nguồn: Huffington Post (5/2/2015)
Tác giả: IRV Chapman
Người dịch: Trần Văn Minh
10-2-2015
Tôi đang xem một số hình ảnh cũ do tôi chụp – là loại hình từ
phim nhựa màu Kodachrome rất xưa – khi tôi được chỉ định làm phóng sự ảnh về
một chuyến thăm của Phó Tổng thống Hubert Humphrey đến Việt Nam. Ông được Tổng
thống Lyndon Johnson cử đi để gặp các nhà lãnh đạo Nam Việt Nam do Mỹ hỗ trợ,
Tướng Thiệu và Kỳ, và tiếp tục tới các thủ đô châu Á khác để kêu gọi hỗ trợ cho
chiến tranh Việt Nam. Tại buổi lễ tiễn chân tại phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài
Gòn, một biểu ngữ thể hiện: “Hẹn gặp lại ông trong chiến thắng”.
Biểu ngữ “Sứ mạng hoàn tất” trên boong tàu của hàng không mẫu
hạm USS Abraham Lincoln, được thiết kế chuyên nghiệp hơn, khi Tổng thống George
W. Bush chào đón đoàn người từ vùng Vịnh Ba Tư trở về hồi năm 2003 và cho biết
các hoạt động chiến đấu chủ yếu ở Iraq đã kết thúc.
Tổng thống Johnson đã tự thân đến Sài Gòn vào tháng 12 năm 1967,
và tôi đã nhìn thấy ông nói với các binh sĩ, ông chắc chắn rằng họ sẽ “treo da
con chồn lên tường”, cứu Nam Việt Nam khỏi tay Cộng sản, và từ đó cứu các nước
láng giềng khỏi bị sụp đổ như bàn cờ domino. Ông đã dừng lại ở Thái Lan, sau đó
bay qua Rome để gặp Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, người đã miễn cưỡng tiếp ông.
Sau khi Tổng thống Richard Nixon tuyên bố rằng quân đội Mỹ sẽ
chấm dứt các hoạt động chiến đấu và hạn chế sứ mệnh của họ vào việc huấn luyện
quân đội Việt Nam [Cộng hòa], Bắc Việt kềm lại và chờ tới khi người lính Mỹ
cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Họ và cánh tay nối dài của họ tại miền Nam, là
Việt Cộng, đã rất năng động, đáng chú ý với mong muốn đánh đuổi người ngoại
quốc ra khỏi Việt Nam, là lực lượng quân sự Mỹ như trường hợp người Pháp.
Tôi đã ở trụ sở đài truyền hình ABC ở Sài Gòn ba tháng vào năm
1971, tôi đến không phải từ Hoa Kỳ nhưng từ Moscow. Một cuộc bầu cử đang diễn
ra. Việt Nam có khoảng 30 tờ báo, có tới 29 tờ báo than phiền rằng cuộc bầu
phiếu có gian lận, khá tương phản với báo chí ở Liên Xô. Học sinh tại các
trường đại học tranh luận như thể họ đang ở Berkeley. Tại sao người Mỹ có mặt
tại đất nước của họ? Chắc phải có trữ lượng dầu khí ngoài khơi.
Đầu năm 1975, khi đang làm việc tại Tokyo, tôi được phân công
mang một đội thu hình để có một hình ảnh mới về Việt Nam. Những gì chúng tôi
thấy là một đất nước đang mơ ngủ mà viện trợ Mỹ đã tạo ra một tầng lớp trung
lưu giáo viên và công chức, và nhân viên văn phòng cho một số ít các công ty
ngoại quốc. Bạn có thể nhìn thấy họ vào ngày Chủ nhật chở gia đình trên xe gắn
máy đi chơi sở thú. Một rạp hát địa phương trình diễn vở hài kịch Molière.
Chúng tôi quay phim để diễn tả một câu chuyện về cuộc sống hàng ngày ở đó, và
sau khi được phát hình, xướng ngôn viên chính ở New York, ông Harry Reasoner
hỏi, bao nhiêu năm nữa ban thông tin sẽ gửi đi một đội thu hình để cập nhật câu
chuyện.
Câu trả lời hóa ra là chưa đầy nửa năm, khi Bắc Việt sửa soạn cho
một cuộc tấn công chớp nhoáng cuối cùng và xe tăng do Nga sản xuất của họ chẳng
bao lâu nữa sẽ lăn bánh trên bãi cỏ Dinh Độc Lập ở Sài Gòn. Như là trường hợp
những năm trước đây khi cộng sản chiếm miền Bắc Việt Nam, những người tị nạn đổ
về phía Nam trước các đoàn xe tăng [của Bắc Việt]. Các hình ảnh tin tức về máy
bay trực thăng đưa người di tản từ mái nhà của tòa Đại sứ Mỹ được phát đi khắp
thế giới.
Trong thực tế, việc di tản người Mỹ, các nhân viên ngoại giao
khác và nhân viên Việt Nam đã diễn ra trong vài ngày trước, hàng ngàn người đã
được chuyên chở ra khỏi đất nước. Ba hệ thống truyền hình Mỹ đã thuê máy bay để
mang phóng viên, thông dịch viên, nhân viên văn phòng của họ cùng với gia đình
đến nơi an toàn. Đại sứ quán Mỹ đã hành động chậm hơn – vì chưa thể thừa nhận
rằng đã thua cuộc chiến và phải mang mọi người ra [khỏi Việt Nam]. Vì vậy, một
số lượng lớn nhân viên người Việt đã kết thúc trong trại “cải tạo” của cộng
sản. Tôi đã viết sau đó rằng người Việt Nam làm việc cho Bank of America tốt
hơn làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ.
Những người di tản được đưa đến căn cứ không quân Clark ở
Philippines, sau đó đến Guam. Các công ty Mỹ thiết lập các trạm chỉ dẫn, với sự
cộng tác của các tổ chức từ thiện bảo trợ cho người định cư đến Hoa Kỳ. Các
hãng thông tấn đã xếp đặt nhân viên quay phim của họ tại các văn phòng tại Los
Angeles và Washington, và cho họ công việc bán thời gian tại các đài truyền
hình trực thuộc.
Và trong những ngày, tháng, năm tiếp theo, người Việt Nam đã leo
lên những chiếc thuyền ọp ẹp ra khơi xa khỏi đất nước đen tối của họ để tới bất
cứ nơi nào mà họ có thể bắt đầu cuộc sống mới.
Bây giờ, lại một lần nữa, sĩ quan quân đội Mỹ tại Iraq và
Afghanistan – cũng như các tổ chức tư nhân – đang hối hả tìm kiếm visa Mỹ cho
các thông dịch viên địa phương và nhân viên của họ, là những người phải đối mặt
với sự trả thù của những kẻ thù cuồng tín còn tồi tệ hơn “trại cải tạo”.
Bây giờ, một lần nữa, một chính phủ Hoa Kỳ cần có đồng minh để
ngăn chặn sự lây lan của một hệ tư tưởng với các lực lượng vũ trang dai dẳng
đang đe dọa các nước láng giềng, hết nước này đến nước khác, những kẻ xấu một
lần nữa hăm hở đánh đuổi người ngoại quốc ra khỏi nước. Và rất nhiều người trên
thế giới đang chuẩn bị để tin rằng bất cứ cơn gió gây bệnh nào thổi qua nước
của họ, đó là vì những người Mỹ đầy quyền lực đang gây ra.
Đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam (Lào, và thậm chí tệ hơn,
Campuchia), họ đã đánh thắng Mỹ và bị bại về kinh tế. Trong khi hầu hết các nước
Đông Á thịnh vượng một cách kinh ngạc, các nước Đông Dương đi theo châm ngôn
chủ nghĩa cộng sản trong vòng một phần tư thế kỷ và bước chậm chạp về kinh tế.
Chỉ mới gần đây họ bắt đầu khuyến khích kinh doanh và đầu tư giới hạn, và những
người Việt lưu vong – bao gồm cả thuyền nhân – là những người thành đạt ở Mỹ và
Âu châu nằm trong số những nhà đầu tư.
Việt Nam cũng đã có một cuộc chiến tranh biên giới với Trung
Quốc, và bây giờ đang cùng với các nước láng giềng yêu cầu Mỹ hỗ trợ để đối phó
với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Và người Nga một lần nữa lại đưa xe tăng vào
các nước láng giềng, thách thức Mỹ và Âu châu có dám làm gì.
Rủi thay, cái gì đã đi qua lại trở về.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen