(17-4-1945 – 23-8-1945)
GS.Trần Gia Phụng
-
Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ hoạt
động từ tháng 4-1945 đến tháng 8-1945, nhưng đã đặt nền móng căn bản cho nền
hành chánh tương lai Việt Nam, chương trình giáo dục của Hoàng Xuân Hãn rất hữu
ích cho sự phát triển văn hóa Việt Nam và chính phủ Trần Trọng Kim đã góp phần
rất lớn trong việc giải quyết nạn đói ở Bắc Việt
Nam.
*
Nội các Trần Trọng Kim, từ trái sang phải:
Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Trịnh Đình Thảo, Trần Trọng Kim, Vũ Ngọc Anh, Trần
Văn Chương, Trần Đình Nam, Vũ Văn Hiền, Phan Anh, Nguyễn Hữu Thi (ảnh chụp
20/5/1945).
Thu hồi và thống nhất lãnh thô
Trong phiên họp đầu tiên của nội
các, luật sư Trần Văn Chương, bộ trưởng Ngoại giao, người cao tuổi nhất, được
bầu làm nội các phó tổng trưởng (phó thủ tướng). Chính phủ đổi Bắc Kỳ thành Bắc
Bộ, Trung Kỳ thành Trung Bộ, Nam Kỳ thành Nam Bộ, dầu lúc đó Nam Bộ chưa chính
thức được sáp nhập vào trung ương.
Trần Trọng Kim cử Trần Văn Chương
ra Hà Nội thương lượng với tướng Yuichi Tsuchihashi, tổng tư lệnh quân đội Nhật,
kiêm toàn quyền Đông Dương, về sáp nhập Bắc Bộ vào Việt Nam. Phía Nhật không trở
ngại. Ngày 2-5-1945 vua Bảo Đại cử Phan Kế Toại, xuất thân trường Hậu bổ Hà Nội
và trường Thuộc địa Paris là trường chuyên đào tạo quan chức thuộc địa Pháp,
nguyên tổng đốc Bắc Ninh, làm khâm sai Bắc Bộ. Phan Kế Toại chính thức nhận chức
tại phủ thống sứ cũ, nay được gọi là Bắc Bộ phủ, ngày 5-5-1945.
Ngày 13-7-1945, đích thân Trần
Trọng Kim ra Hà Nội thương thuyết. Toàn quyền Nhật Bản Yuichi Tsuchihashi chịu
trả ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng, vốn là nhượng địa của Việt Nam
cho Pháp từ năm 1888.
Chính phủ bổ nhiệm Trần Văn Lai
làm đốc lý (thị trưởng) Hà Nội, Vũ Trọng Khánh làm đốc lý Hải Phòng và Nguyễn
Khoa Phong làm đốc lý Đà Nẵng. (David G. Marr, Vietnam 1945, the Quest for
Power, University of California Press, 1995, tt. 132-133.)
Nam Kỳ (cũ) nay là Nam Bộ vốn là
thuộc địa của Pháp, theo quy chế riêng. Vì vậy, lúc đầu người Nhật trì hoãn việc
trả Nam Bộ, nhưng sau người Nhật chịu giao Nam Bộ lại cho Việt Nam từ ngày
8-8-1945. (David G. Marr, sđd. tr. 135.)
Nguyên nhân có thể lúc đó Hoa Kỳ
thả bom nguyên tử ngày 6-8-1945 xuống Hiroshima, Nhật sắp sửa đầu hàng Đồng minh
và rút quân về nước, nên Nhật mới chịu rời Nam Bộ. Ngày 14-8-1945, vua Bảo Đại
ký dụ bổ nhiệm Nguyễn Văn Sâm làm khâm sai Nam Bộ. (Vũ Ngự Chiêu, Phía bên
kia cuộc cách mạng 1945: Đế quốc Việt Nam (3-8/1945), Houston: Nxb. Văn Hóa,
1996, tr. 106.)
Trong khi đó, Hoa Kỳ thả bom
nguyên tử lần thứ hai xuống Nagasaki ngày 9-8-1945, thì ngày 14-8, Nhật hoàng
tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Vì vậy, quân Nhật ở Sài Gòn chưa kịp bàn giao Nam
Bộ trở về lại với Việt Nam thì chính phủ Trần Trọng Kim sụp đổ. Việt Minh nổi
lên cướp chính quyền.
Giáo dục và thanh niên
Về giáo dục, chính phủ chủ trương
dùng quốc ngữ giảng dạy thay chữ Pháp, và rất chú trọng đến ngành giáo dục kỹ
thuật. Cầm quyền chưa được hai tháng, vào ngày 8- 6-1945, chính phủ quy định
rằng từ đây, chữ quốc ngữ và tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức ở các công sở và
trường học. Trong trường học, Pháp văn được giảng dạy như một ngoại ngữ. (Phạm
Hồng Tung, Nội các Trần Trọng Kim: Bản chất, vai trò và vị trí lịch sử,
Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2009, 241.)
Kỳ thi tiểu học năm nay là kỳ thi
đầu tiên bằng quốc ngữ, và dự định sẽ dùng quốc ngữ trong các kỳ thi cao hơn.
Chương trình trung tiểu học được Việt Nam hóa, do bộ trưởng bộ Giáo dục Hoàng
Xuân Hãn đưa ra. Chương trình nầy là nền tảng căn bản cho chương trình giáo dục
của các chính phủ trong chính thể Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa sau
này.
Bộ trưởng bộ Thanh niên Phan Anh
có sáng kiến vận động thành lập trường Thanh niên tiền tuyến. Trường do Phan Tử
Lăng làm hiệu trưởng, khai giảng khóa đầu tiên ngày 2-7-1945 gồm 43 học viên,
hướng dẫn học viên hoạt động xã hội và cả quân sự. Trụ sở trường đặt tại một
trại lính hộ thành cũ, phía trước cửa Quảng Đức. Cửa nầy ở phía nam kinh thành
Huế, bên tay trái của Thượng Tứ từ ngoài nhìn vào. (Cửa Quảng Đức bị sập trong
trận lụt năm 1953 nên còn được gọi là cửa Sập.) Phong trào thanh niên tham gia
hoạt động xã hội phát triển trên toàn quốc. Ở trong Nam, phong trào thanh niên
được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đặt tên là “Thanh niên tiền phong”.
Các đoàn thanh niên nầy góp phần
đắc lực trong việc vận động cứu đói đồng bào Bắc Bộ. Từ đó ý thức xã hội và tinh
thần dân tộc quật khởi mạnh mẽ trong giới thanh niên. Phong trào thanh niên đang
hăng say hoạt động, thì chính phủ Trần Trọng Kim từ chức sau khi Nhật bại trận.
Nhiều thanh niên xuất thân từ
phong trào nầy chuyển qua hoạt động cho Việt Minh khi Việt Minh chiếm chính
quyền 19-8-1945. Việt Minh sử dụng những lực lượng thanh niên nầy cho các nhu
cầu chính trị của đảng Cộng Sản.
Những dự án cai cách
Ngày 30-6-1945, vua Bảo Đại ban
hành đạo dụ số 69 thành lập Ủy ban Dự thảo hiến pháp gồm 15 ủy viên: Phan Anh
(thuyết trình viên), Hoàng Đào, Vũ Đình Hòa, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tá Khanh,
Nguyễn Huy Lai, Đặng Thai Mai, Vương Quang Nhường, Nguyễn Tường Long, Tôn Quang
Phiệt, Nguyễn Văn Sâm, Nhượng Tống, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Thinh và Nguyễn
Trác. (Việt Nam tân báo, số ra ngày 7-7-1945. Phạm Hồng Tung trích dẫn,
sđd. tt. 236-237.)
Đạo dụ số 70 của vua Bảo Đại thành
lập Ủy ban Cải cách cai trị, tư pháp và tài chánh gồm 15 ủy viên: Vũ Văn Hiền
(thuyết trình viên), Trần Văn Ân, Trần Văn Chương, Phạm Khắc Hòe, Lê Quang Hộ,
Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Khoát, Trần Văn Lý, Trần Đình Nam, Nguyễn Khắc
Niêm, Đặng Như Nhơn, Dương Tấn Tài, Nguyễn Hữu Tảo, Trịnh Đình Thảo, Phan Kế
Toại. (Việt Nam tân báo, số ra ngày 9-7-1945. Phạm Hồng Tung trích dẫn,
sđd. tr. 237.)
Ủy ban Cải cách Giáo dục hình
thành do đạo dụ số 71 của vua Bảo Đại gồm 18 ủy viên: Hoàng Xuân Hãn (thuyết
trình viên), Nguyễn Thanh Long, Hoàng Thị Nga, Tạ Quang Bửu, Kha Vạng Cân,
Nguyễn Văn Chi, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Thanh Giang, Ngụy Như Kon-Tum, Hồ Văn
Ngà, Bùi Kỷ, Nguyễn Quang Oánh, Nguyễn Phúc Ưng Quả, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Đắc
Thắng, Nguyễn Văn Thinh, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Xiển. (Việt Nam tân báo,
số 10-7-1945. Phạm Hồng Tung trích dẫn, sđd. tr. 237.)
Cuối cùng, đạo dụ số 83 do vua Bảo
Đại ban bố ngày 1-7-1945 thành lập Hội đồng tư vấn quốc gia, gồm cả ba ủy ban
cải cách trên đây. (Các đạo dụ vua Bảo Đại được công bố trên báo L'Action
các ngày 2, 13, 17-7-1945. Phạm Hồng Tung trích dẫn, sđd. tr. 236.)
Tất cả các ủy ban nầy tập trung
nhiều nhân tài trên khắp ba miền đất nước, nhưng rất tiếc chưa hoạt động thì
thời cuộc biến đổi.
Chính phủ Trần Trọng Kim cứu đói
Một trong những chương trình hành
động khẩn cấp của chính phủ Trần Trọng Kim là giải quyết nạn đói ở Bắc bộ. Nạn
đói bắt đầu từ mùa đông năm 1944, lúc đó còn Pháp thuộc. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo
chánh, Pháp ở Đông Dương.
Khi chính phủ mới được thành lập
(17-4-1945), chính phủ Trần Trọng Kim ra lệnh bãi bỏ việc bắt buộc nông gia bán
lúa gạo cho nhà nước, và để cho dân chúng tự do buôn bán gạo. Điều nầy có nghĩa
là những quy định trước đây về số lượng lúa gạo phải bán cho nhà nước theo diện
tích canh tác cũng bị bãi bỏ. Người dân được tự do vận chuyển buôn bán gạo dưới
50 kí lô mà không cần phải có giấy phép của chính quyền.
Ở các tỉnh, những ngân hàng nông
nghiệp sẽ phụ trách mua gạo cho nhu cầu quân sự hay nhu cầu thực phẩm của chính
quyền dưới sự kiểm soát của tỉnh trưởng. Những người nghèo đói còn sống sót và
những người vô gia cư được chính phủ tập trung vào những nhà nuôi dưỡng đặc biệt
để phục hồi dần dần.
Chính phủ thành lập ty "Liêm Phóng
Kinh Tế", tức cảnh sát kinh tế, và giao cho Nguyễn Duy Quế điều khiển, kiểm soát
gắt gao giá gạo, nhằm ngăn chận những vụ đầu cơ hay buôn lậu. (Vũ Ngự Chiêu,
Phía bên kia cuộc cách mạng 1945: Đế quốc Việt Nam (3-8/1945), sđd. tt.
95-96.)
Nhờ thế, việc đầu cơ tích trữ hay
buôn lậu gạo giảm hẳn. Tình hình nông gia được cải thiện nhờ giá bán cho nhà
nước cao gấp 5 lần so với thời gian trước đó dưới thời còn Pháp.
Vua Bảo Đại ra sắc chỉ ngày
23-5-1945 hủy bỏ nợ nần do các tiểu nông vay tiền nhà nước trước đây. (Nguyễn
Thế Anh, “The Great Famine of 1945", The Vietnam Review 4, Spring-Summer
1998, Hamden, Connecticut, USA, tr. 469.) Chính phủ cho hạ thấp mức thuế nông
dân phải đóng góp. Bộ trưởng bộ Tiếp tế Nguyễn Hữu Thí đến Sài Gòn vào đầu tháng
6-1945 để thương thuyết với người Nhật nhằm thay đổi phương cách chở gạo từ Nam
ra Bắc.
Để tránh bị phi cơ Đồng minh oanh
tạc, gạo sẽ được chở bằng các đoàn thuyền buồm thuê của thường dân. Bộ trưởng
Nguyễn Hữu Thí còn đề nghị đưa 1,000,000 dân từ Bắc bộ và Trung bộ vào định cư ở
Nam bộ. (Nguyễn Thế Anh, bđd. tr. 469.) Những chuyến xe hay những chiếc
ghe chở gạo từ Nam ra Bắc, khi quay trở về, thì chở di dân vào Nam lập nghiệp.
(David G. Marr, sđd. tt. 102-103.)
Ngày 30-6-1945, chính phủ Trần
Trọng Kim cho đánh thuế du hý (vui chơi, giải trí) để lấy tiền tài trợ cho những
hoạt động cứu đói ở Bắc bộ. Chính phủ mở chiến dịch báo chí thông tin về những
bất hạnh của đồng bào Bắc bộ để kêu gọi dân chúng tiếp tay cứu trợ. Những cuộc
lạc quyên được tổ chức trên toàn quốc. Chiến dịch nầy đem đến nhiều thành quả.
Tại Hà Nội, vào tháng 5-1945, Tổng
hội Cứu tế quyên được 782,403 đồng. Với số tiền nầy, Tổng hội đã mua được từ kho
nhà nước 1,476 tấn gạo phát chẩn cứu đói. (David G. Marr, sđd. tt. 102-103.) Ủy
ban Cứu tế Trung ương giúp đỡ Bắc bộ tại Huế và Ủy ban tương trợ giúp đỡ những
nạn nhân Bắc bộ tại Sài Gòn, được thành lập. Số tiền quyên góp được dùng mua gạo
chở ra giúp đỡ đồng bào đất Bắc. (Nguyễn Thế Anh, bđd. tr. 469.)
Tại Nam Bộ, chỉ nội trong tháng
5-1945, hơn 20 hội chẩn tế ra đời, và trong vòng một tháng đã quyên được
1,677,886 đồng, kể cả 481,570 đồng mua và chuyên chở 1,592 tấn gạo ra Bắc giúp
cứu đói. (Báo L'Action [Hành Động] các số 24-5 và 22-6-1945, Vũ Ngự Chiêu
trích dẫn, sđd. tr. 96.)
Lực lượng tham gia các phong trào
cứu đói chủ chốt là thanh niên, sinh viên, học sinh và các đoàn thể đã được
thành lập trong thời toàn quyền Decoux, như Hướng đạo, Gia đình Phật tử... vì đã
có kinh nghiệm đoàn ngũ hóa. Đây là lần đầu tiên giới trẻ Việt Nam thực sự bắt
tay vào hoạt động xã hội. Những nhân vật nổi tiếng của phong trào nầy là Hoàng
Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu (Hướng đạo), Lê Đình Thám (Gia đình Phật tử) ...
Những biện pháp của chính phủ cùng
sự tiếp tay của đồng bào toàn quốc, đã làm cho tình hình Bắc Bộ nhanh chóng trở
lại bình thường. Vẫn còn một vài nơi người nghèo sắp hàng trước các điểm phân
phối thực phẩm miễn phí, nhưng nói chung tình hình khá ổn định vào tháng 6-1945.
(Nguyễn Thế Anh, bđd. tr. 470.)
Nạn đói tưởng đã qua đi. Mặc dầu
"Ủy ban Bảo vệ và Giám sát đê điều" được thành lập để lo việc giữ đê, ngăn ngừa
nước dâng lên gây lụt lội, nhưng bất ngờ những cơn mưa như thác đổ vào tháng
8-1945 đã tràn ngập tất cả các cánh đồng các tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh, Sơn Tây,
Phúc Yên, Vĩnh Yên, Hải Dương. Nạn mất mùa trở lại. Vài nơi thiếu gạo, dân chúng
đã phải ăn cả lúa giống để dành làm vụ mùa sau. (Nguyễn Thế Anh, bđd. tr.
470.)
Cộng sản phá rối
Khi nạn đói xảy ra năm 1945, đảng
Cộng Sản Đông Dương và Việt Minh (VM) lên án Pháp và Nhật là tác nhân gây ra nạn
đói, và chống việc trưng mua lúa gạo.
Ngày 17-4-1945, chính phủ Trần
Trọng Kim được thành lập và lo chuyện cứu đói, thì VM lợi dụng nạn đói để tuyên
truyền và phát triển. Việt Minh đả kích chính phủ Trần Trọng Kim, khích động dân
chúng lăng nhục những viên chức chính quyền lo việc cứu tế. Khi biết được Đức
rồi Nhật sắp đầu hàng Đồng minh, một mặt VM xúi giục dân chúng đánh phá các kho
lúa. (Vũ Ngự Chiêu, sđd. tr. 96.) Một mặt khác, VM đứng ra tổ chức cướp các kho
gạo. (Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, Paris:
Éditions Du Seuil, 1952, tr. 131.)
Việt Minh còn âm thầm chận bắt
những chuyến xe hay những chuyến ghe chở gạo từ miền Nam ra, rồi VM đem tiếp tế
cho những mật khu của họ. (David G. Marr, sđd. tt. 102-103.)
Việt Minh hợp tác và cung cấp tin
tức cho phe Đồng minh, chính là cho Hoa Kỳ, dùng máy bay bắn phá các trục giao
thông, khiến việc tiếp tế thực phẩm rất khó khăn. Ngày 23-7-1945, bác sĩ Vũ Ngọc
Anh, bộ trưởng bộ Y tế, trên đường đi công tác, từ Thái Bình trở về Hà Nội, đến
gần Bần Yên Nhân thì bị máy bay Đồng minh bắn chết. (Trần Trọng Kim, sđd.
tr. 78.) Sự đi lại khó khăn đến nỗi chính phủ Trần Trọng Kim phải dùng xe đạp để
chuyển công văn. (Vũ Ngự Chiêu, sđd. tt. 96-97.)
Từ đó, nạn đói trầm trọng trở lại.
Nạn đói càng trầm trọng thì VM càng dễ tuyên truyền, vừa phản đối chính quyền,
vừa chiêu dụ dân chúng bằng cách dùng gạo cướp được để cứu đói những ai chịu
theo VM. Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) đã tự nhận rằng ông theo VM vì bản thân và
gia đình quá đói. (Văn Cao, “Tại sao tôi viết Tiến quân ca”, viết ngày 7-7-1976,
đăng lại trong sách Thiên Thai, tuyển tập nhạc Văn Cao, TpHCM: Nxb Trẻ,
1988, tt. 14-17.)
Đây là một trong những lý do giúp
cho thế lực VM cộng sản nhanh chóng phát triển rộng rãi ở các vùng rừng núi và
nông thôn vùng đông bắc Bắc Kỳ trong thời gian nầy.
Nhìn lai chính phu Trần Trong Kim
Trong cuộc họp hội đồng chính phủ
ngày 3-8-1945 tại Huế, Trần Trọng Kim báo cáo công việc ra Bắc thương thuyết và
thu xếp với người Nhật. Lúc đó phó thủ tướng Trần Văn Chương có ý cho rằng Trần
Trọng Kim thương thuyết với người Nhật thành công là do công ông Chương ra Bắc
trước đó. (Lệ Thần Trần Trọng Kim, sđd. tr. 88.) Không biết có phải vì
cuộc tranh công nội bộ hay vì nhận thấy tình hình thế giới biến chuyển và nhất
là tình hình Bắc Kỳ xáo trộn do những hoạt động của Việt Minh, Trần Trọng Kim
xin từ chức ngày 5-8-1945.
Vua Bảo Đại chấp thuận, nhưng yêu
cầu Trần Trọng Kim duy trì chính phủ lâm thời và ủy cho Trần Trọng Kim lập nội
các mới. Trong tình hình lúc bấy giờ, Trần Trọng Kim không mời đủ người tham gia
chính phủ.
Ngày 20-8-1945, Trần Trọng Kim từ
bỏ ý định tiếp tục cầm quyền và tuyên bố đã hoàn thành hai sứ mệnh lịch sử là
thống nhất lãnh thổ và đặt định nền tảng hành chánh căn bản cho đất nước. (David
G. Marr, sđd. tr. 438.). Chính phủ của ông họp phiên chót ngày 23-8-1945
rồi tự giải tán. Về phía vua Bảo Đại, hai ngày sau, 25-8-1945, nhà vua tuyên
chiếu thoái vị.
Nói chung, cả vua Bảo Đại
và giáo sư Trần Trọng Kim đều muốn nhân cơ hội Nhật đảo chánh Pháp để thoát ra
khỏi nền bảo hộ của Pháp, tuyên bố độc lập. Tuy chỉ cầm quyền chưa đầy 6 tháng,
chính phủ Trần Trọng Kim đã thực hiện được nhiều công trình đáng
kể:
Chính phủ Trần Trọng Kim hợp nhất
hai nền hành chánh Pháp và hành chánh Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, thành nền
hành chánh duy nhất Việt Nam. Chính phủ cũng đã hợp nhất nhất Bắc Kỳ và Nam Kỳ
vào chính phủ trung ương Việt Nam.
Tháng 5-1945, Nhật giao Bắc Kỳ cho
Việt Nam và được đổi thành Bắc Bộ. Nhật cũng đồng ý giao Nam Kỳ cho Việt Nam vào
tháng 8-1945, nhưng chưa kịp thi hành thì VM cướp chính quyền. Nhật cũng trả ba
nhượng địa là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng cho chính phủ Trần Trọng Kim ngày
13-7-1945.
Trong hành chánh và trong giáo
dục, thi cử, chính phủ Trần Trọng Kim hoàn toàn dùng chữ quốc ngữ làm chuyển ngữ
chính thức, không còn dùng chữ Nho hay chữ Pháp. Chính phủ mở trường huấn luyên
thanh niên, phát triển phong trào thanh niên trên toàn quốc. Chính phủ cũng đã
thành lập ủy ban soạn thảo hiến pháp, ủy ban cải cách văn hóa, giáo dục, xã hội,
nhưng rất tiếc chưa hoạt động được thì chính phủ sụp đổ.
Chính phủ Trần Trọng Kim không
thành lập quân đội để tự bảo vệ, nên khi quân đội Nhật bại trận thì chính phủ
Trần Trọng Kim sụp đổ. Điểm đặc biệt là chính phủ Trần Trọng Kim được Nhật hậu
thuẫn, nhưng từ khi thành lập cho đến khi giải tán, chính phủ nầy hoạt động độc
lập và không lệ thuộc người Nhật.
Chính phủ Trần Trọng Kim
chỉ hoạt động từ tháng 4-1945 đến tháng 8-1945, nhưng đã đặt nền móng căn bản
cho nền hành chánh tương lai Việt Nam, chương trình giáo dục của Hoàng Xuân Hãn
rất hữu ích cho sự phát triển văn hóa Việt Nam và chính phủ Trần Trọng Kim đã
góp phần rất lớn trong việc giải quyết nạn đói ở Bắc Việt Nam. (Trích: Bảo
Đại (1913-1997), Toronto: Nxb. Non Nước 2014).
(Toronto,
Canada)
Trần Gia
Phụng
__._,_.___
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen