Mittwoch, 4. Februar 2015

Chân dung Quyền lực và bước ngoặt của truyền thông

Thứ Tư, ngày 04.02.2015    
Không gì có thể che dấu dưới ánh mặt trời và những tội ác xấu xa nhất của đảng CSVN sẽ bị phơi bày trước toàn dân và lịch sử. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Kami với tựa đề: “Chân Dung Quyền Lực Và Bước Ngoặt Của Truyền Thông” sẽ được Thanh Bình trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị TW10 là Ban Chấp hành TW đã tiến hành thảo luận về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Trong đó nhấn mạnh, báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng, Nhà nước cần phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng.
Thực ra đây chẳng phải là vấn đề mới ở Việt Nam, mà ngay từ lúc Đảng CSVN giành được quyền lãnh đạo đất nước thì họ đã giữ độc quyền trong lĩnh vực thông tin, mọi hoạt động trong lĩnh vực truyền thông đều nằm dưới sự kiểm duyệt và lãnh đạo của Đảng. Đó chính là lý do vì sao người ta nói hệ thống truyền thông của Đảng với hơn 800 báo in, báo điện tử, TV, đài phát thanh... đều có chung một Tổng Biên tập, đó là Ban Tuyên giáo TW.
Tuy vậy, càng ngày báo chí và truyền thông nhà nước ngày càng mất lòng tin của người dân bởi cách làm chủ yếu mang tính định hướng, tuyên truyền có lợi cho một phía và nhiều khi bất chấp cả sự thật. Và đến nay, khi các mạng xã hội trở thành nguồn cung cấp các thông tin đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau thì truyền thông của Đảng đã tỏ ra bất lực.
Việc Hội nghị TW10 tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 20 thành viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư được truyền thông nhà nước và kể cả một số nhà bình luận coi là một bước tiến, một sự thay đổi dân chủ trong Đảng CSVN. Tuy vậy, ít người biết rằng đây là một việc làm có tính toán nằm trong âm mưu hạ uy tín Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của một bộ phận lãnh đạo cao cấp trong Đảng, đứng đầu là ông Tổng BT Nguyễn Phú Trọng. Còn nhớ trong tháng 6 năm 2014, trong lần tiếp xúc cử tri Hà Nội khi nói về việc bỏ phiếu tín nhiệm cho các lãnh đạo cao cấp trong Đảng, Tổng BT Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Đảng lãnh đạo không chỉ bó gọn trong công việc của Đảng. Đảng lãnh đạo đất nước thì mỗi việc làm của Đảng đều tác động đến đất nước, những nhân sự được Đảng phân công phải chịu trách nhiệm trước Đảng chứ không thể đổ lỗi chung chung. Việc lấy phiếu tín nhiệm các bán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng là bước tiếp theo của việc thực hiện Nghị quyết TW4, Đảng cần công khai kết quả phiếu tín nhiệm cho toàn dân biết".
Đến nay, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với 20 thành viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã kết thúc tròn một tuần. Tuy vậy, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này vẫn còn là một ẩn số cho dù dư luận hết sức quan tâm, vì đây là một đòi hỏi chính đáng và cần thiết.
Sau cùng trang CDQL cũng đã công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương 10 rất chi tiết và cụ thể và kết quả này cho thấy cũng không khác mấy với sự đồn đại trước đó. Đó là người có số phiếu tín nhiệm cao cao nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiếm vị trí số 1, với số phiếu tín nhiệm cao là 152/197. Bỏ xa Tổng BT Nguyễn Phú Trọng ở hạng thứ 8, với số phiếu tín nhiệm cao là 135/197. Được biết kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đã làm cho ông Tổng BT Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí trong phe nhóm của ông hết sức thất vọng, vì âm mưu nhằm hạ uy tín Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị phá sản, điều mà dư luận cho rằng "gậy ông lại đập lưng ông".
Điều cơ bản rút ra trong vấn đề này cho thấy, đã đến lúc không có vùng cấm trong vấn đề thông tin và Đảng không còn có khả năng bưng bịt hay dấu nhẹm thông tin như trước. Song điều quan trọng nhất là ranh giới của các nguồn tin đã bị phá vỡ, đó là điều cho thấy vì sao các thông tin thuộc loại tuyệt mật vẫn bị trang CDQL bạch hóa. Nếu không có sự tiếp tay của các cán bộ cao cấp giữ cương vị chủ chốt nhất trong Đảng.
Một lần nữa, trang CDQL lại ghi điểm.
Trong thời đại thông tin bùng nổ với mạng internet toàn cầu, thời đại của một thế giới phẳng thì dần dần người ta cũng thấy truyền thông nhà nước đã và đang đánh mất vai trò độc quyền. Đặc biệt là vai trò của các mạng xã hội như twitter, facebook... giúp người ta chia sẻ các thông tin nóng một cách nhanh chóng và tiện lợi. Với sự xuất hiện của mạng xã hội đã xóa tan làn ranh giữa truyền thông nhà nước (với những tên gọi như chính thống, lề Đảng, lề phải...) với truyền thông tự do (với những tên gọi như phi chính thống, lề trái). Trên mạng xã hội, tất cả các thông tin đó được người ta chia sẻ, phổ biến cho nhau những tin tức hay, xác thực xen kẽ lẫn nhau bất kể nguồn tin. Đây có lẽ là lý do chính khiến nhà nước đến lúc này không có khả năng kiểm soát, chi phối hay kể cả việc định hướng thông tin.
Ở Việt Nam, với số người sử dụng internet lên đến hàng chục triệu và có không dưới 30 triệu người đã và đang sử dụng các mạng xã hội để liên kết, chia sẻ và tìm kiếm thông tin. Đây là một thách thức vô cùng lớn đối với hệ thống truyền thông mang tính định hướng nhà nước và họ đã đứng trước nguy cơ đánh mất sự độc quyền về thông tin.
Có một câu thành ngữ "Mọi câu hỏi đều có câu trả lời", trong lĩnh vực thông tin cũng vậy, người dân có quyền đòi hỏi nhà nước phải cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác và kịp thời. Song một khi nhà nước cố ý độc quyền, bưng bít hoặc thông tin sai lạc vì mục đích chính trị và không có câu trả lời thì buộc dân chúng phải tìm đến các nguồn thông tin khác có đầy rẫy trên mạng xã hội và thậm chí họ sẵn sàng tin vào các tin đồn để lấp khoảng trống thông tin mà họ quan tâm còn thiếu hụt.
Trách nhiệm này thuộc về chúng ta, những người làm báo tự do.
Kami

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen