11.02.2015
Một câu hỏi mà tôi thường nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần, là: Bao giờ chế độ độc tài tại Việt Nam sụp đổ?
Nếu
câu hỏi ấy trực tiếp đặt ra với tôi, câu trả lời của tôi bao giờ cũng
là: Không biết. Không thể biết. Hơn nữa, không ai có thể biết.
Trong
câu trả lời trên, hai yếu tố đầu, không biết và không thể biết, tương
đối dễ hiểu. Đó là câu trả lời rất chủ quan, dựa trên kinh nghiệm và
hiểu biết cá nhân. Tôi, cũng giống bao nhiêu người Việt Nam khác, chỉ có
tấm lòng chứ không có bất cứ điều kiện nào để theo dõi và đánh giá tình
hình cho chính xác. Bởi vậy, câu trả lời, dù tích cực hay tiêu cực, dù
để khẳng định hay để phủ định, đều là những cách đoán mò. Nó vừa không
có cơ sở vừa không đáng tin.
Tôi chỉ muốn giải thích thêm mệnh đề thứ ba trong câu trả lời trên: Không ai có thể biết.
Ngày
25 tháng 1 năm 2011, hai tuần trước khi chế độ Hosni Mubarak ở Ai Cập
sụp đổ, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc ấy là bà Hillary Clinton khẳng định
một cách chắc chắn: “Chính quyền Ai Cập vẫn vững mạnh”. Mà không phải
chỉ có bà Clinton, lúc ấy, tất cả các nhà lãnh đạo tại châu Âu, kể cả
Pháp và Đức, đều tiên đoán như vậy. Mười mấy ngày sau, lịch sử chứng
minh là họ hoàn toàn sai.
Mấy
tháng sau, người kế nhiệm bà Clinton ở cương vị Bộ trưởng Ngoại giao
Mỹ, ông John F. Kerry tuyên bố chế độ độc tài của Bashar al-Assad ở
Syria sẽ sụp đổ sớm. Lời tiên đoán ấy cũng sai nốt. Cho đến nay, mấy năm
trôi qua, cuộc nội chiến tại Syria vẫn khốc liệt, càng ngày càng khốc
liệt, nhưng chiếc ghế của al-Assad vẫn vững vàng.
Cần
nhớ là đằng sau bà Clinton và ông Kerry cũng như các nhà lãnh đạo ở
châu Âu là những bộ máy tình báo khổng lồ, đầy phương tiện, kinh nghiệm
và năng lực. Vậy mà tất cả các bộ máy ấy đều bất lực.
Những
sự bất lực ấy rất phổ biến. Trước năm 1989, ở khắp thế giới, không có
ai tiên đoán là chế độ cộng sản tại Nga và Đông Âu sẽ sụp đổ. Vậy mà,
một năm sau, tất cả các chế độ ấy đều lần lượt sụp đổ một cách ào ạt và
vô cùng nhanh chóng. Một sự sụp đổ ngoài tưởng tượng của mọi nhà chính
trị hay tình báo ở Tây phương. Sau sự sụp đổ ấy, hầu hết các nhà bình
luận chính trị cũng lại sai nữa khi tiên đoán chủ nghĩa cộng sản ở các
nước còn lại, từ Trung Quốc đến Việt Nam cũng sẽ bị sụp đổ theo. Cho đến
bây giờ, 25 năm trôi qua, chế độ cộng sản ở các quốc gia ấy vẫn còn
vững vàng.
Những
kinh nghiệm ở trên cho thấy, dù có nhiều thông tin đến mấy, những sự
tiên đoán về chính trị rất dễ sai lầm. Tuy nhiên, không nên vì thế mà
tuyệt vọng. Trên thực tế vẫn có một số người tiên đoán đúng. Trong một
bài báo đăng trên The Washington Post mới đây, Natan Sharansky và David
Keyes cho, liên quan đến các cuộc cách mạng dân chủ, “hãy tin vào những
người bất đồng chính kiến thay vì các nhà ngoại giao” (Trust the dissidents, not the diplomats).
Hai
tác giả của bài báo, một người là cựu tù nhân dưới chế độ Xô Viết và
một người là giám đốc điều hành một tổ chức nhân quyền, nhận định: Trong
lúc tất cả các nhà ngoại giao Tây phương đều mù tịt trước những đợt
sóng ngầm dữ dội bên dưới các chế độ độc tài, nhiều người bất đồng chính
kiến, trong đó, có nhiều người bị nhốt trong nhà tù, tin tưởng một cách
mãnh liệt là các chế độ độc tài tại Tunisia, Libya, Syria và Ai Cập
nhất định sẽ sụp đổ. Họ không biết thời điểm chính xác nhưng họ biết
điều đó nhất định sẽ xảy ra. Với chế độ cộng sản tại Nga trước đây cũng
vậy. Cho đến đầu năm 1989, mọi nhà chính trị và ngoại giao đều cho chế
độ Xô Viết vẫn vững mạnh. Tuy nhiên, trước đó khá lâu, ngay từ năm 1967,
một người bất đồng chính kiến tại Liên Xô, Amalrik, đã đặt vấn đề “Liệu
chế độ Xô Viết sẽ tồn tại đến năm 1984?” Cuối cùng, Sharansky và Keyes
kết luận: “Nếu lịch sử là một quan toà, thế giới nên đánh cá vào những
người bất đồng chính kiến hơn là các nhà ngoại giao”.
Sharansky
và Keyes muốn áp dụng các bài học ấy vào tình hình của Saudi Arabia.
Theo hai ông, nhân ngày vua Abdullah qua đời, rất nhiều nhà lãnh đạo từ
khắp nơi trên thế giới đến dự đám tang đồng thời dự lễ đăng quang của
tân vương Salman. Mọi người đều chúc mừng và tin tưởng chế độ quân chủ
tại Saudi Arabia sẽ vững mạnh. Trong khi đó các nhà bất đồng chính kiến
lại nghĩ khác: “Saudi Arabia không ổn định. Sâu phía dưới, dân chúng
không thấy hạnh phúc. Sớm hay muộn ngọn gió thay đổi sẽ tràn qua Saudi
Arabia. Và chế độ sẽ sụp đổ.”
Ứng
dụng vào trường hợp của Việt Nam, tôi cũng tin, một mặt, không có ai có
thể tiên đoán chính xác những gì sắp xảy ra cho Việt Nam ở tương lai
gần, hay nói một cách đơn giản hơn, không ai có thể biết được khi nào
chế độ độc tài tại Việt Nam sụp đổ cả; mặt khác, một chế độ độc tài tham
nhũng và bất lực như thế nhất định sẽ sụp đổ: dấu hiệu của sự sụp đổ ấy
nằm trong sự bất mãn của dân chúng và sự can đảm của những người bất
đồng chính kiến.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen