Thanh Phương, Trọng Thành
Chiến tranh biên giới Việt-Trung diễn ra từ ngày 17 tháng Hai đến 16 tháng Ba năm 1979 - @wikipédia
Hôm
nay, 17/02/2015, một số tờ báo mạng chính thức của Việt Nam đăng nhiều
bài kỷ niệm chiến tranh biên giới Việt – Trung bắt đầu từ ngày
17/02/1979. Đây là một hành động hiếm hoi, bởi vì cho tới nay, chiến
tranh biên giới 1979 vẫn là đề tài cấm kỵ và Hà Nội vẫn không tổ chức kỷ
niệm cuộc chiến tranh này.
Trung
Quốc xua quân xâm chiếm các tỉnh miền Bắc Việt Nam từ ngày 17/02/1979
sau khi quân đội Việt Nam đánh đuổi chế độ Khơme Đỏ ở Cam Bốt. Cuộc
chiến tuy ngắn, nhưng rất đẫm máu, với hàng chục ngàn người bỏ mạng ở cả
hai bên và kết thúc với việc quân Trung Quốc phải rút đi, cả Hà Nội và
Bắc Kinh đều tuyên bố chiến thắng.
Cho
tới nay, đề tài chiến tranh biên giới 1979 vẫn bị kiểm duyệt trên các
mặt báo chính thức ở Việt Nam. Nhưng hôm nay, trang mạng của tờ Lao
Động, cơ quan ngôn luận của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, bắt đầu
đăng một loạt bài của Đào Tuấn, sau khi tác giả gặp lại những nhân chứng
đã từng trải qua những thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến tranh biên
giới. Họ mô tả những hành động tàn phá, giết chóc của quân xâm lược
Trung Quốc vào năm ấy.
Trang
mạng Infonet của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam hôm nay cũng bắt
đầu đăng loạt bài về chiến tranh biên giới 1979, với bài đầu tiên nói
về tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc vào lúc ấy.
Tờ
Dân Trí thì có bài nói về kỹ sư-liệt sĩ Nguyễn Bá Lại, người đã lấy
thân mình che lựu đạn, về Bùi Nguyên Khiết, nhà báo chiến trường duy
nhất ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới, cũng như về những nữ tự
vệ tuổi còn thanh xuân, từ nơi khác đến, đã hy sinh ở Lào Cai vào năm
ấy, mà cho tới nay, một số vẫn chưa được biết tên tuổi.
Trả
lời RFI Việt ngữ hôm nay, nhà văn – blogger Phạm Viết Đào cho biết
chính áp lực của công luận đã buộc báo chí chính thức phải nói nhiều hơn
về chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979 :
Nhà văn Phạm Viết Đào : Theo
dõi thì tôi thấy năm nay rất nhiều báo đưa. Những tờ có ảnh hưởng lớn
đến độc giả, như Tuổi trẻ, Thanh Niên, Vnexpress, rồi VTC. Rõ ràng là áp
lực của người dân khiến các cơ quan tuyên huấn cũng đã chuyển.
Bây
giờ họ thấy cũng không thể ngăn cản. Những điều trong Kiến nghị của
chúng tôi năm 2012 (do tướng Lê Duy Mật – nguyên chỉ huy trưởng Mặt trận
Hà Giang – chủ trì) bây giờ đã được thực thi một cách tương đối. Việc
để báo chí nói chúng tôi rất mừng. Việc này coi như đã trở thành chuyện
bình thường của báo chí. Báo chí được quyền nói mà không bị cản trở,
hoặc nói mà vẫn sợ một cái gì đấy, như giai đoạn trước.
RFI :Những
bài viết về cuộc chiến biên giới 1979 với Trung Quốc được đăng trong
dịp nào, trước hay trong dịp Tết này ? Có vẻ như bài được đăng vào đúng
dịp Tết này tương đối ít ?
Nhà văn Phạm Viết Đào :
Hôm qua với hôm nay tôi thấy rộ lên một loạt báo đăng và trên những
trang có nhiều người xem. Đấy là một dịp, chứ còn bình thường cũng ít có
cơ hội. Như trong thời gian vừa rồi, một số báo cũng theo dõi diễn biến
Mặt trận Hà Giang. Vấn đề này được xới lên, một số báo cũng đã nhảy vào
ngay lập tức tìm hiểu, đưa tin về sư đoàn 356. Một trong những sư đoàn
bị thiệt hại nặng ở Mặt trận Hà Giang.
Dịp
giỗ trận 12/07 (ngày mở màn chiến dịch chiếm lại các cao điểm ở Vị
Xuyên, Hà Tuyên), năm 2014 là đúng 30 năm. Lúc ấy tôi đang ở trong tù,
nhưng khi ra cập nhật lại thông tin tôi thấy nhiều báo đưa. Bây giờ được
sổ lồng rồi, bây giờ người ta nói rất sâu, rất kỹ. Người đọc cũng theo
dõi rất nhiều. Dù sao các liệt sĩ cũng một phần được an ủi, nhất là
những người đã hy sinh trong Mặt trận ấy. Trước đây, khi tôi lên Hà
Giang người ta còn theo dõi cả tôi. Tôi thấy bây giờ tình thế cũng đã
khác đi rồi.
RFI : Xin ông cho biết thêm về Kiến nghị 5 điểm nói trên ?
Nhà văn Phạm Viết Đào: Kiến
nghị của chúng tôi, do tướng Lê Duy Mật, nguyên phó Tham mưu trưởng
Quân khu 2 và chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Giang khởi xướng, có đặt 5 vấn
đề. Thứ nhất là phải tổng kết lại cuộc chiến tranh ấy. Hai là phải giải
quyết hậu quả của chiến tranh. Tức là phải quy tập hài cốt của liệt sĩ,
của anh em thời ấy hy sinh còn nằm rải rác trên tất cả các điểm cao, mà
nhất là có một số nằm trên đất Trung Quốc. Điều thứ ba là phải đưa vào
các văn kiện chính thức của Đảng (Cộng sản Việt Nam) và Nhà nước về cuộc
chiến tranh này. Và thứ tư là phải tổ chức kỷ niệm những ngày chẵn, năm
chẵn, sự kiện lớn thành những cuộc kỷ niệm lớn.
Đấy là bốn vấn đề chính. Thứ năm, chúng tôi kiến nghị là được trao đổi trực tiếp với các « cơ quan chức năng ».
(…) Bây giờ chúng tôi muốn tìm lại hồ sơ về các trận đánh, thì hiện nay
các cơ quan chức năng chưa đáp ứng được các yêu cầu của các nhà văn.
Trung Quốc đã cho các nhà văn làm việc này từ lâu rồi.
RFI:Xin cảm ơn nhà văn Phạm Viết Đào.
Về
phần Nhà nước Việt Nam thì hôm nay vẫn không tổ chức một lễ kỷ niệm
chính thức nào về chiến tranh Việt – Trung. Hãng tin Đức DPA hôm nay
trích lời tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, viết trên trang
Facebook của ông, cho biết là khi hai nước bình thường hóa bang giao năm
1991, Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam đừng nhắc đến ngày 17/02/1979 nữa,
vì vậy cho tới nay chính quyền Hà Nội vẫn chưa có những hoạt động chính
thức nào để kỷ niệm cuộc chiến tranh này.
Tuy
vậy, một số người đã tự động tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh tại
biên giới miền Bắc năm 1979, như tại Sài Gòn, khoảng 50 người, trong đó
có một số nhân sĩ trí thức tên tuổi như giáo sư Tương Lai, hôm nay đã
đến tượng đài Đức Trần Hưng Đạo để dâng hoa và thắp nhang tưởng niệm các
chiến sĩ đã ngã xuống khi bảo vệ tổ quốc chống quân xâm lược Trung
Quốc. Tại Hà Nội, một số người, trong đó có một số nhân sĩ trí thức,
cũng đã đến Nghĩa trang Từ Liêm Hà Nội dâng hoa và thắp nhang cho các
liệt sĩ chiến tranh biên giới 1979.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen