BSN
Hiếm
thấy một thời đại nào mà y giới bị khinh như ngày hôm nay. Những gì xảy
ra ở bệnh viện Năm Căn có lẽ là một sự tức nước vỡ bờ. Có đồng nghiệp
nói đó là một nền “y khoa đổ vỡ”, nhưng tôi cho rằng đó một nền y học bị
chính trị hóa. Vâng, chính vì
y học bị chính trị hóa nên mới thảm hại như hiện nay.
Cái
quá trình chính trị hóa y học ở ta xảy ra một cách toàn diện. Nó bắt
đầu ngay từ khâu tuyển sinh, đến khâu học tập và kéo dài đến khi ra
trường và hành nghề. BS Đỗ Hồng Ngọc trong một bài nói chuyện ở Long Hải
gần đây kêu gọi (ai?) phải quan tâm đến “đầu vào”, “hộp đen” và “đầu
ra”. Nhưng tôi e rằng ông không nói hết hay tránh né không nói đến sự
chính trị hóa trong 3 khâu ông nói đến. Tôi nghĩ rằng những hiện tượng
tiêu
cực trong ngành y chúng ta đang chứng kiến ngày nay chính là hậu quả
của quá trình chính trị hóa y học. Nói như nhà thơ Đỗ Trung Quân:
Chúng ta đang gặt một mùa bội thu sự vô cảm
Vì chúng ta gieo nó
Chúng ta phó mặc cho định mệnh vì chúng ta không tin gì cả.
Chúng ta quen nói dối
Chính
trị hóa được gieo mầm ngay từ khi tuyển sinh. Chúng ta chưa quên chính
sách hồng hơn chuyên sau 1975. Hồng là đỏ, là cách mạnh. Chuyên là
chuyên môn. Hồng hơn chuyên là có nhân thân cách mạng tốt hơn có tài
chuyên môn. Chính sách hồng hơn chuyên thực chất là một sản phẩm của chủ
nghĩa lý lịch. Chủ nghĩa lý lịch hoàn toàn nhất quán với chính sách
chính trị thống lãnh giáo dục. Chúng ta còn nhớ sau 1975, lý lịch sinh
viên học sinh được chia thành 14 bậc. Con cái của “ngụy” ở bậc thứ 13
hay 14. Ở bậc này cũng đồng nghĩa với không được vào học y khoa dù có
điểm cao. Bao nhiêu nhân tài chỉ vì cái tội con cháu của ngụy bị đẩy ra
ngoài. Thay vào đó, con cháu cách mạng dù điểm thấp vẫn được vào học y
khoa. Điểm 2, 3 cũng được vào trường y. Đã có
người sửa điểm thành 25, 30. Một xã hội xem thường tài năng thì làm sao
khá được. Hậu quả là chúng ta có vài thế hệ bác sĩ tồi và giáo sư “dỏm”
như ngày nay.
Sẽ
là rất sai lầm nếu nghĩ rằng chủ nghĩa lý lịch đã chấm dứt. Cái “đầu
vào” mà BS Đỗ Hồng Ngọc không muốn hay không dám nói đến là gì? Tôi xin
nói thay ông, đó là những “cử tuyển”, “chuyên tu”, “bồi dưỡng”. Đó là
những mã ngữ mà nhiều người khó có thể hiểu nổi. Nói thẳng ra, mỗi năm
người ta đưa ra một danh sách “sinh
viên”được cử đi học y khoa, trường đại học không thể từ chối. Không thể
từ chối vì đó là lệnh. Chưa nói đến chuyên tu. Dân gian có câu nhạo
báng “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”, nhưng trớ trêu thay, chuyên
tu và tại chức có quyền hơn chính quy. Có quyền là vì họ là người của
Đảng. Đảng tin họ. Có mấy ai biết rằng chính những bác sĩ chuyên tu là
những người đang nắm quyền sinh sát ngành y. Hãy nhìn quanh xem, giám
đốc các sở y tế là ai, nếu không là chuyên tu. Họ nắm quyền từ cấp trung
ương đến địa phương.
Quá
trình chính trị hóa tiếp tục trong trường y. Sinh viên y ngày nay phải
học những môn học xa lạ với y khoa. Chủ nghĩa Mác Lê. Tư tưởng Hồ Chí
Minh, dù ông chưa bao giờ tự nhận rằng mình có tư tưởng. Lịch sử Đảng
CSVN. Tôi không rõ có trường y nào trên thế giới dành một thời lượng 20%
để dạy những môn học như trên. Dĩ nhiên là ngoại trừ Trung Quốc, cái
nước mà giới lãnh đạo chúng ta răm rắp làm theo cứ như là một học trò bé
nhỏ trung thành. Dù ai cũng có thể thấy những môn học đó chẳng liên
quan gì đến nghề y, nhưng nó vẫn được giảng dạy như là những môn học bắt
buộc. Biết được chủ nghĩa Mác Lê, hay tư tưởng Hồ Chí Minh, hay lịch sử
Đảng có làm cho người bác sĩ có tay nghề cao trong việc điều
trị bệnh? Chắc chắn không. Vậy thì đừng hỏi tại sao kiến thức chuyên
môn của bác sĩ ngày nay quá thấp.
Chủ
nghĩa Mác Lê dựa vào đấu tranh giai cấp. Do đó, cái giá của sự ưu tiên
cho học chính trị là sự suy đồi đạo đức y khoa. Một sinh viên mới vào
trường y đã được nhồi nhét những thông tin vế đấu tranh giai cấp, về kẻ
thù, về phản động … thì đừng trách sao đầu óc của họ được uốn nắn để trở
thành những kẻ chỉ biết đến Đảng và đấu tranh, chứ chẳng quan tâm đến
bệnh nhân. Vậy
thì đừng hỏi tại sao bác sĩ mới ra trường non choẹt nhưng đã bắt đầu
hoạnh họe bệnh nhân và tự xem mình là ông quan, ăn trên ngồi chốc. Thử
hỏi có bác sĩ chân chính nào vô tâm đến nỗi để cho thân nhân quỳ lạy mà
vẫn vô tư bỏ đi ngủ và để cho bệnh nhân phải chết? Đó là kẻ sát nhân,
chứ đâu phải “bác sĩ”. Cũng đừng trách tại sao sinh viên mới học 1,2 năm
trong trường y đã bi bô khoe khám chỗ kín của phụ nữ. Khoe ngay trên
mặt báo. Họ còn dùng chữ “chị em”. Thật chưa bao giờ đất nước này có
những sinh viên y khoa mất dạy như thế. Tôi khẳng định dùng chữ mất dạy
hoàn toàn chính xác trong tình huống vừa nói trên. Nhớ ngày xưa khi theo
thầy vào phòng mổ, một đứa bạn nay là một nhà phẫu thuật tài ba ở Mỹ lỡ
lời thốt lên một
câu khiếm nhã về cái chân của bệnh nhân, sau đó bị thầy tán cho một bạt
tay nhớ đời và cả đám lãnh đủ một bài giảng moral. Vậy mà bây giờ có
những sinh viên y khoa không ý thức được thiên chức của nghề y và sự tin
tưởng của xã hội để lên báo chí thốt lên những câu chữ chỉ có thể mô tả
là mất dạy. Những sinh viên này không nên hành nghề thầy thuốc vì bộ
não của họ đã bị đầu độc bởi những vi khuẩn hạ tiện.
Thật
khó nói có nơi nào trên thế giới mà người ta lẫn lộn giữa cán bộ y
tế và bác sĩ. BS Đỗ Hồng Ngọc nói đến Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
khẳng định mục tiêu đào tạo “Bác sĩ tổng quát hướng về cộng đồng”. Nếu
mục tiêu là hướng về sức khỏe cộng đồng thì tại sao trường có tên là
“Đại học Y khoa”? Tại sao không gọi là Trường cao đẳng y tế cộng đồng
cho phù hợp hơn? Thật ra, tiền thân của trường là Trung tâm đào tạo và
bồi dưỡng cán bộ y tế thành phố, một cái tên rất thích hợp. Khó định
nghĩa khái niệm bác sĩ tổng quát hướng về cộng đồng vì chẳng ai định
nghĩa đó là bác sĩ loại gì. Đối tượng của nghề y là người bệnh — con
người và bệnh. Đối tượng của cán bộ y tế là cộng đồng, sức khỏe cộng
đồng. Bác sĩ có thể là cán bộ y tế, nhưng cán bộ y tế không thể là bác
sĩ. Lầm lẫn giữa y khoa và y tế dẫn đến sai lầm trong triết lý đào tạo.
Trong thực tế, ai cũng biết trung tâm từng là cái nôi dành cho con em
của quan chức, cán bộ. Mang tiếng là phục vụ cộng đồng, nhưng trong thực
tế họ đều quanh quẩn trong các bệnh viện. Hậu quả là chúng ta có 15 thế
hệ nửa thầy (bác sĩ) nửa thợ (cán bộ y tế). Khó tưởng tượng có nơi nào
có hệ thống đào tạo quái gở như thế.
Quá
trình chính trị hóa nghề y còn diễn ra sau khi sinh viên tốt nghiệp
trường y. Cũng như bất cứ cơ quan
công nào, bệnh viện cũng có chi bộ của Đảng. Chi bộ đảng dĩ nhiên chỉ
dành cho Đảng viên. Chi bộ có bác sĩ nhưng cũng có những người ngoài y
giới, như tài xế lái xe. Những người ngoài y giới cũng có tiếng nói như
bác sĩ khi họ ngồi trong chi bộ. Người có quyền nhất trong bệnh viện
không hẳn là giám đốc mà là bí thư chi bộ. Bí thư chi bộ trên danh nghĩa
là chính trị viên, nhưng lại can thiệp vào những vấn đề chuyên môn liên
quan đến y khoa! Tiếng nói chuyên môn không có giá trị bằng tiếng nói
của Đảng. Thật trớ trêu. Thật quái đản. Một nền y khoa bị chính trị hóa.
Y
khoa không phân biệt thù hay bạn. Người thầy thuốc chân chính không
phân biệt bệnh nhân mình là phía bên kia hay bên này, không phân biệt
người đó theo đạo gì, hay theo chủ nghĩa gì, không phân biệt thành phần
xã hội. Tất cả đều được đối xử như nhau. Nhưng rất tiếc cái lý tưởng cao
cả và phổ quát đó đã bị chính trị vứt bỏ một cách không thương tiếc.
Chính vì thế mà ngày nay chúng ta có những khu đặc trị dành cho cán bộ
cao cấp, biệt lập với khu dành cho thường dân. Đó không phải là ăn trên
ngồi chốc thì là gì? Đó có phải là lý tưởng cách mạng? Nhưng sự phân
biệt này đâu chỉ xảy ra mới đây. Nó còn tàn nhẫn hơn ngay từ ngày
30/4/1975. Hãy nhớ rằng ngày 30 tháng
Tư năm 1975 bệnh nhân trong Quân y viện Cộng Hoà bị đuổi ra khỏi viện.
Anh mù cõng anh què. Anh đổ ruột vịn vai anh cụt tay. Đó là thời điểm
người Sài Gòn biết được y đức của nền y học mới. Đó là loại y đức bị
chính trị hóa.
Hậu
quả của quá trình chính trị hóa từ khâu tuyển sinh, giảng dạy và tốt
nghiệp là nhiều thế hệ bác sĩ có trình độ chuyên môn thấp. Mấy năm trước
tôi đọc thấy ở Mỹ mỗi năm có hàng trăm ngàn bệnh nhân chết do sai sót
trong y khoa. Một nền y học tuyệt vời và nhân bản
như Mỹ mà còn như thế thì ở nước ta câu hỏi là đã có bao nhiêu người
chết vì sự phân biệt trong điều trị? Những gì xảy ra ở bệnh viện Năm Căn
và hàng ngày trên khắp nước chỉ là những “thành quả” đã được gieo giống
từ rất lâu. Hậu quả cũng là hàng ngàn giáo sư dỏm, tiến sĩ dỏm, dỏm đến
độ người dân khinh.
Chính
trị hóa y khoa đã xảy ra rất lâu chứ không phải mới đây. Nó còn được
luật hóa. Điều 41 trong Hiến pháp ghi: “Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí
Minh, gia đình và xã hội cùng
với nhà trường có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi
đồng”. Điều 37 ghi: “Chủ nghĩa Mác-Lênin là hệ tư tưởng chỉ đạo sự phát
triển của xã hội Việt Nam. Nhà nước tuyên truyền, giáo dục sâu rộng chủ
nghĩa Mác-Lênin, đường lối chính sách của đảng Cộng Sản Việt Nam […]
chống các tư tưởng phong kiến, tư sản và ảnh hưởng của văn hóa đế quốc,
thực dân; phê phán tư tưởng tiểu tư sản; xây dựng nếp sống xã hội chủ
nghĩa, xóa bỏ nếp sống lạc hậu, bài trừ mê tín, dị đoan”. Như thế, việc
chính trị hóa y khoa không có gì đáng ngạc nhiên vì nó nằm trong chính
sách của Đảng được hiến pháp quy định. Do đó, nếu muốn làm cho nền y
khoa của chúng ta tốt hơn thì hãy thay đổi từ cái gốc, chứ không nên kêu
gọi
chung chung về y đức. Y đức chỉ là một sản phẩm của cái triết lý giáo
dục bị chính trị hóa. Nguyên nhân chính dẫn đến nền y khoa nước ta bị
suy thoái nằm ngay trên những dòng chữ tôi trích trên đây.
BSN
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen