Donnerstag, 4. September 2014

Bi Kịch Của Các Bà Mẹ VN: Chồng Đánh Vợ

Mẹ Việt Nam không son, không phấn
Mẹ Việt Nam chân lấm, tay bùn
(Trường ca Mẹ VN-Phạm Duy)
 
Khi nhìn vào biểu đồ thể hiện những biến động của một xã hội trong một khoảng thời gian lựa chọn, người ta có thể thấy được vào thời điểm nào đã có những hoạt động đặc biệt nổi bật. Khi một cột xếp hay đường biểu diễn lên cao nhất, đó có thể là lúc những mâu thuẫn xã hội đạt cực điểm, sự tương phản giàu và nghèo đang ở giữa hai thái cực. Cũng là lúc, thói hư, tật xấu, tham những, hối lộ hay mức độ tội phạm gia tăng. Người ta có thể hiểu ở thời kỳ này, xã hội đó, đang phải đối diện với một tình trạng nhiễu nhương, phong hoá, đạo đức suy đồi, giáo dục tệ hại, lương tâm và nhân bản con người đang sụp đổ một cách trầm trọng.
Sau ngày Trung Cộng rút giàn khoan khỏi vùng biển quê nhà, tôi ít lên mạng đọc tin tức Việt Nam. Hôm nay, khi đọc lại, tôi bỗng sửng sốt ngạc nhiên với nhiều bản tin liên quan đến việc chồng say rượu đánh vợ, giết vợ. Từ ngày có cơ hội được trở về thăm VN, tôi thấy được một điều, người dân nước tôi đang sa đà trong việc sử dụng rượu, bia một cách trầm trọng. Mỗi một lần về, sinh hoạt, kỹ thuật, đời sống, kiến trúc, quê hương tôi, tiến sâu và xa hơn nhiều bước, để bắt cho kịp văn minh, văn hoá toàn cầu. Hơn bao giờ hết, quán nhậu cũng chạy theo đà tiến hoá mà mọc lên khắp nơi như một nhu cầu đòi hỏi khẩn thiết. Đầu đường, góc phố, hẻm nhỏ, đại lộ, trong chợ, ngoài sân, lề đường, cuối xóm. Nghĩa là bất cứ ở đâu, miễn là một nơi đủ để bày cái bàn và vài chục ghế nhựa con con, chủ quán đã có thể bắt tay vào việc mở quán mà lại phát đạt ra gì. Khi màn đêm buông xuống, thế giới của rượu bia sống dậy như một thứ “văn hoá nhậu” đặc thù của người Việt.

Trong một bài viết trên VN Express tháng 8, năm 2012, một thương gia người Úc thường xuyên qua VN công tác đã nhận xét như sau:

"Tôi đến TP HCM bất kể giờ tan sở hay trước khi tan sở cũng thấy trong những quán cafe, quán nhậu, quán cóc, nhà hàng đều đầy ắp đàn ông ngồi túm 5 tụm 3 uống bia", Alex (người Australia) phản ánh và nhận xét "đàn ông Việt Nam lười quá".

Là một doanh nhân và thường xuyên sang Việt Nam công tác, Alex cho biết đây không phải lần đầu mà hầu như lần nào đến TP HCM, ông cũng thấy cảnh những người đàn ông bù khú nhậu nhẹt với nhau, bất kể là giờ nào. Ông kể: "Có hôm nhìn đồng hồ đã 6h chiều, lúc này là lúc cần ở nhà để xem có phụ giúp được gì cho vợ con không. Nếu vợ có con nhỏ thì mình nên giúp nhiều hơn, tại sao họ lại rảnh rỗi ngồi nhậu với nhau như vậy?. Tôi thắc mắc thì nhiều người bảo ở Việt Nam đó là chuyện bình thường. Trong khi phụ nữ có nhiệm vụ lo cho gia đình, con cái thì người chồng chỉ lo kiếm tiền. Nhiều ông còn viện cớ đi nhậu để xã giao làm ăn đến đêm mới về, vợ mà hỏi thì bị chửi, thậm chí còn bị đánh."

Theo một nghiên cứu đánh giá tình hình sử dụng và lạm dụng bia rượu tại Việt Nam do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành, 63% người sử dụng rượu bia là nam giới, trong đó trí thức lại là nhóm có tỷ lệ sử dụng cao nhất.

Người Việt tiêu thụ 1,3 tỷ lít bia và hơn 300 triệu lít rượu hằng năm, tức là bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể phí tổn điều trị các bệnh và tai nạn giao thông do lạm dụng rượu bia gây ra.

Để giải thích việc người Việt tiêu thụ rượu bia ở nhà và các quán nhậu quá nhiều như vậy, người ta có thể đổ thừa cho nhiều lý do. Vì quan niệm truyền thống xã hội “Nam như tửu, như kỳ vô phong”. Vì để giải toả áp lực đè nặng lên cuộc sống hàng ngày, một cách tiêu cực. Vì đãi đằng, giao tế xã hội, hối lộ, chiêu đãi, bôi trơn trong công việc làm ăn. Vì sở thích la cà, đàn đúm, trốn lao động việc nhà, ra ngồi quán. Và sâu xa hơn nữa, lý do của sự rong chơi, ăn uống, nhậu nhẹt, hút sách, còn là một phản ứng của thái độ bất lực trước chính sách lãnh đạo của nhà cầm quyền. Đảng ta làm chủ, nhà nước quản lý hết mọi việc, nên người dân vô công rỗi nghề, chỉ có nước ra “ngồi đồng” ở quán nhậu mà thôi. Vả lại dân càng ngu, càng sa đoạ, càng mất hào khí đấu tranh, nhụt chí phản kháng, có bất mãn, chỉ biết mượn rượu chửi đổng, nhà nước càng khoẻ.

Tuy nhiên những hậu quả buồn bã xảy ra đằng sau việc say rượu, say bia đã ảnh hưởng xấu đến con cái, làm gia đình đổ vỡ, ly tán. Điều đau đớn nhất chính là các cảnh bạo lực đang được diễn ra hàng ngày ở khắp nơi trên đất nước từ tỉnh thành cho đến thôn quê. Các bản tin đăng nhan nhản trên báo giấy và các trang mạng đã cho chúng ta các thí dụ điển hình.

- Từ Đức Toàn thường xuyên đánh đập, khiến vợ bế con bỏ nhà đi. Đi theo khuyên vợ về không được, Toàn đã dùng búa đánh chết vợ trong cơn say.(Nghệ An)

- Trong cơn say rượu, người chồng đã nhẫn tâm lôi vợ vào phòng khoá trái cửa, rồi dùng ống nước, ghế, đánh vợ dã man, khiến chị vợ phải nhập viện điều trị trong tình trạng chấn thương nặng. (Quảng Trị)

-Siu Phơr dùng thanh sắt đánh vào đâ`u vợ là Nay H Blơn bị tử vong.(Gia Rai)

- Nguyễn Huy Vũ đánh chết vợ chỉ vì đang nhậu, bị gọi về ăn cơm (Đắk Nông).

- Sau khi đi ăn Rằm tại nhà một người quen, trên đường về, Lù Văn Xương đã đánh vợ là chị Lò Thị Liên đến tử vong.(Lai Châu)

- Cha nghiện bài bạc, bia rượu, thường xuyên đánh đập vợ con, trong cơn say, đã dùng xăng đốt con, bé trai 8t bị bỏng 80%, cơ thể biến dạng, khuôn mặt hoàn toàn bị hủy hoại.(Quảng Ninh)

- Chồng đánh đập vợ dã man, mặt bị biến dạng còn bắt vợ con ăn phân lợn.(Nam Định)

- Say rượu đánh vợ tới chết, lấy lý do vợ làm mất đứa con trong bụng (TP HCM).

Sự ngược đãi và bạo hành nếu kéo dài năm này qua năm khác, sẽ khiến nạn nhân bị tổn thương không những ở mặt thể chất, còn ở tinh thần. Người phụ nữ bị đe doạ, đánh đập, hành hạ trong một thời gian dài sẽ trở nên sợ sệt, lo lắng, hồi hộp, trầm cảm và hàng loạt những bệnh tâm thần khác. Trong một xã hội chưa được phát triển nhiều như VN, cái ăn, cái mặc còn lo không nổi, nói gì đến việc điều trị, lại là bệnh tâm thần. Khi bị ức chế lâu ngày, người phụ nữ bị dồn đến chân tường, không thể không phản kháng, nạn nhân bỗng dưng trở thành hung thủ phạm tội.

- Sau 10 năm liên tục phải chịu cảnh chồng nát rượu, vũ phu, đánh đập. Trương Thị Bài đã giết chồng(Nghệ An).

- Bị cáo Trần Thanh Lan mang tội giết chồng. Bị chồng đánh đập, hành hạ, Trần Thanh Lan đã tưới xăng, châm lửa đốt chồng.(Tây Ninh)

- Bà Nguyễn Thị Mỹ Năng 48t can tội giết chồng vì chồng thường xuyên uống rượu say và tìm cách gây gỗ, đánh đập vợ.(TP HCM)

- Cũng chỉ vì không làm chủ được mình, Nguyễn Thị Hấn (41t) đã dùng dao đâm chết chồng mình. Chồng Hấn sa vào cờ bạc. Mỗi lần vợ khuyên can thì Cỏn đánh đập vợ. (Hải Phòng)

- Bà Nguyễn Thị Minh, giết chồng vì bị chồng là ông Nguyễn Trung Hoà bạo hành(Hà Nội)

- Biết bà chủ nhiều lần bị chồng say xỉn đánh đập, người ở, Nguyễn Thị Thoan, giúp bà chủ chém chết ông chủ bằng dao(Đắk Nông)

Đây chỉ là những vụ án được mọi người biết đến trên mặt báo và được đem ra xét xử trong vòng 1,2 năm gần đây. Còn bao nhiêu những vụ bạo hành không thể đếm, không thể biết, do việc đánh đập vợ con trong và ngoài cơn say của người nghiện bia rượu đã và đang xảy ra trong xã hội VN? Một xã hội mà tiếng nói người phụ nữ không được tôn trọng, không được lắng nghe. Nếu bạn tò mò có thể lên you tube sẽ tìm thấy nhiều video clip quay cảnh phụ nữ bên VN bị bạo hành giữa đường phố bởi công an, gia đình, người phối ngẫu..v..v… mà không ai thèm nhúng tay vào can thiệp. Tôi có một người bạn, có cô em bên VN chạy xe gắn máy trên đường, bị xe khác tông phải, té xuống đường, người một nơi, xe một nẻo. Kẻ đụng cô ta chạy luôn. Điều bất ngờ là khi cô té, kẻ bàng quang không ai đến giúp, đỡ cô dậy, mà họ còn a lại giựt đồ. Ví tay, cell phone và vật dụng cá nhân bị “hôi” mất. Sợ chiếc xe “bay” luôn, cô phải gắng đứng dậy, ngồi lên xe chạy đến bệnh viện. Vừa đến nơi, cô xỉu luôn, tỉnh dậy thấy mình đang trong bệnh viên.

Xã hội VN giờ đã thành một xã hội trộm cướp, bất nhân tính và vô cảm.

Mấy mươi năm nay, thân phận của người phụ nữ VN đã là những bi kịch đầy nước mắt. Chưa bao giờ họ phải trôi nổi khắp nơi trên thế giới như bây giờ. Lấy chồng ngoại quốc vì muốn đổi đời. Bị hy sinh, bị lừa, bị bán, bị đưa đi làm nô lệ tình dục vì nghèo đói. Bị tình nguyện ra ngoại quốc làm thuê, làm mướn, làm con sen để kiếm miếng cơm và cải thiện cuộc sống cho chồng con, gia đình. Lấy chồng an phận trong nước thì bị những người chồng nghiện ngập, rượu bia, cờ bạc, ngược đãi, bạo hành. Không biết bao giờ những bà mẹ VN mới hết khổ.

Cùng thân phận làm người phụ nữ VN, tôi xin cầu chúc cho tất cả các bà mẹ VN trong nước cũng như ngoài nước luôn được an hưởng những ngày bình yên và hạnh phúc bên gia đình và người thân.

Trịnh Thanh Thủy

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen