Nguyễn An Dân
Mấy ngày nay dư luận và nhất là giới luật sư xôn xao về việc Luật
Sư (sau đây viết tắt là LS) Nguyễn Đăng Trừng, chủ nhiệm đoàn luật sư
TpHCM, đã bị khai trừ khỏi đảng. Lý do theo như quyết định công bố là
“xem nhẹ vai trò của đảng đoàn trong hoạt động của đoàn LS TpHCM, có
biểu hiện tha hóa về lý tưởng chính trị, đạo đức và lối sống”
Từ chuyện LS Nguyễn Đăng Trừng
Việc
LS Trừng bị Đảng Cộng Sản VN khai trừ hôm nay chính là kết cục tất yếu
của một quá trình lâu dài mà bắt nguồn là việc hình thành và ra đời của
Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam, được trù bị từ năm 2006 và chính thức thành
lập năm 2009. Khi đó, tiếng nói khách quan của LS Nguyễn Đăng Trừng khi
phản đối sự áp đặt của đảng vào hội nghề
nghiệp của các LS trên toàn quốc rất mạnh mẽ đã làm “phật lòng trung
ương đảng”
Vào 3 năm trước khi Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam
thành lập, năm 2006, giới LS đã xôn xao khi “biết trước” một ông cựu
chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, ông Lê Thúc Anh, sẽ làm chủ tịch liên
đoàn, dù ông này chưa hề có 1 ngày hành nghề luật sư.
Với bề
dày kinh nghiệm là một LS “tiền bối” thuộc thế hệ trước 1975, LS Nguyễn
Đăng Trừng quá hiểu một ông chủ tịch liên đoàn “không có kinh nghiệm
luật sư” sẽ chẳng thể làm được gì có ích cho liên đoàn lẫn đóng góp gì
vào sự tiến bộ của tư pháp Việt Nam hiện đã và đang phải hội nhập quốc
tế, nên đã cực lực phản đối và “bất hợp tác”. Đỉnh điểm của việc này là
bác bỏ đơn gia
nhập vào đoàn LS TpHCM của ông Lê Thúc Anh vì ông này “chưa trải qua
học và hành nghề luật”, một quyết định đúng theo Luật Luật Sư.
Việc
phản ứng hợp tình hợp lý của LS Trừng đã phá vỡ “truyền thống” của
trung ương đảng. Đó là truyền thống bổ nhiệm các quan chức về hưu hay
“không biết sắp xếp ghế nào cho ngồi” vào nắm ban chủ tịch các hội đoàn
“cánh tay nối dài của đảng” để làm tai mắt cho đảng. Hội Nông Dân, Hội
Phụ Nữ, Tổng Liên Đoàn Lao Động, Hội Liên Hiệp Thanh Niên…đều có thành
phần chủ tịch đoàn là các quan chức đảng viên này kia ở trung ương
chuyển ngành qua làm lãnh đạo chứ không phải xuất thân từ nghề nghiệp.
Đang
ở vị trí thay mặt vài ngàn luật sư ở TpHCM, LS Trừng quá hiểu nếu các
hội đoàn nghề nghiệp dưới sự dẫn dắt của lãnh đạo do đảng chỉ định sẽ
chẳng mang lại hay làm được gì cho quyền lợi các hội viên và sự lớn mạnh
của hiệp hội. Chuyện nông dân Việt Nam ngày càng bần cùng hóa, phụ nữ
Việt Nam phải xuất ngoại lấy chồng và bán dâm vì nghèo khó ngày càng
nhiều và lan rộng ra nhiều tầng lớp. Rồi công nhân, thanh niên phạm pháp
vì sinh kế càng ngày càng gia tăng dù có các hội tương ứng như
trên…chính là một bằng chứng ai cũng thấy rõ. LS Trừng vì quan ngại cho
tương lai các luật sư hội viên nên vì quyền lợi tập thể mà đứng ra chỉ
trích và phản ứng với sự áp đặt của đảng vào nhân sự của liên đoàn chứ
không phải vì ông là người “chuyên quyền, độc đoán” nhưng quy kết trong
văn bản kỷ luật.
Trong quyết định kỷ luật cũng nói rõ là “LS Trừng đã nhiều
lần chống lại, ngăn trở, phản ứng lại các quyết định của đảng đoàn LS và
Ủy Ban Nhân Dân TpHCM”. Rõ ràng đây là biểu hiện của sự can thiệp của
đảng và chính quyền vào hoạt động của Đoàn LS. Đoàn LS là một tổ chức xã
hội nghề nghiệp, không phải 1 ban của đảng, hay 1 cơ quan hành chính
cấp dưới của chính quyền TpHCM. Đoàn LS TpHCM ra đời theo nhu cầu của
các luật sư thành viên, sao lại có việc đảng đoàn và Ủy Ban Nhân Dân
TpHCM “chỉ đạo” ông chủ nhiệm phải làm thế này thế nọ nếu các việc đó
không phải từ nhu cầu tập thể của các hội viên??? Nếu Ông Trừng làm sai
luật thì xử lý theo luật, không sai luật thì đó là việc của đoàn LS
TpHCM, các luật sư thành
viên không phản ứng, mắc gì đến đảng mà đảng dùng nó làm lý do kỷ luật
đảng viên ???.
Luật sư là một giới trí thức hơn ai hết có nhu
cầu tìm hiểu và tôn trọng sự thật. Thêm nữa, cái khác biệt của hội nghề
nghiệp luật sư so với các hội nghề nghiệp khác là yếu tố thượng tôn pháp
lý và đạo lý. Nếu ông Trừng phạm vào việc “tha hóa về đạo đức, lối
sống” thì tôi tin là các luật sư khác trong đoàn sẽ tự động bài xích ông
Trừng trước khi đảng lên tiếng vì các LS là người có kiến thức, có óc
quan sát và nhận định sắc sảo (yêu cầu nghề nghiệp phải có). Đằng này
sau khi trao đổi với nhiều luật sư có uy tín và thâm niên trong đoàn
luật sư, đều thấy sự buồn đau, chua xót và “tức tối” thay cho LS Trừng,
như vậy sự
thật có nằm ở kết luận của văn bản kỷ luật của đảng về tư cách cá nhân
của LS Trừng không ???
Điều đáng lo ngại cho chính các luật sư
ở đây là sau việc LS Trừng công khai phản đối việc áp đặt sai nguyên
tắc pháp luật của đảng vào hoạt động của của đoàn LS rồi bị đảng khai
trừ nhằm hất ông ra khỏi ghế chủ nhiệm, sắp tới sẽ còn có LS nào “dám”
hành động như ông Trừng để tự mình bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình
và các đồng nghiệp ??? Có bao nhiêu luật sư đã từng lắng nghe và thấy
chua xót vì các nhận định của quần chúng “nói cho cùng, luật sư ở Việt
Nam chỉ là vật trang sức cho tòa mà thôi”, “ mấy ông ấy làm cò chạy án
là chính chứ cãi cọ gì, án do đảng quyết chứ có phải căn cứ vào luật
đâu”,
“tòa xử sao chả được, kiến cãi khoai thôi”.
Một người phụ nữ ở
nông thôn Việt Nam phải làm mãi dâm vì sinh kế, chịu đủ tủi nhục và
hiểm họa dù bản thân người đó là đối tượng quan tâm và là thành viên của
Hội Nông Dân ( vì là gia đình nông dân) , của Hội Phụ Nữ ( vì là phụ
nữ), của Hội Liên Hiệp Thanh Niên ( vì là thanh niên) cho thấy điều gì
khi đảng đóng vai trò cầm nắm các hội đoàn này ???. Là trí thức, dĩ
nhiên các luật sư không cần bán thân như thế, nhưng đã có và sẽ trong
tương lai, liệu rằng các luật sư vì hoạt động trong 1 nền tư pháp mà
đảng quyền cao hơn pháp quyền, sẽ bán lương tâm đạo đức nghề nghiệp,
“bán” luật pháp và pháp lý để tồn tại và đi lên không ?? Hay là lựa chọn
lối đi như LS Nguyễn
Đăng Trừng đã chọn, đó là bỏ qua danh vọng và quyền chức do đảng ban
tặng, để tranh đấu cho việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình
nhằm phát triển nghề nghiệp, đóng góp vào sự hoàn thiện của pháp luật
Việt Nam
Nghĩ đến chuyện Việt Nam gia nhập TPP
LS
Nguyễn Đăng Trừng là thành viên-hội viên của nhiều tổ chức LS danh tiếng
ở Asean, Châu Á và quốc tế, việc đảng khai trừ ông ta sẽ gây một tiếng
vang không mấy tốt đẹp cho thanh danh của đảng trong đối ngoại và trong
chính sách “trí thức vận” là điều sẽ phải xảy đến. Và hơn nữa còn là
nhiều hệ lụy kéo theo không chỉ đảng thiệt hại mà dân tộc và đất nước
cũng phải gánh chịu, nhất là trong thời điểm Việt Nam đang “rất muốn và
phải là thành viên của
TPP”
Trong các tiêu chí mà các nước thành viên TPP xét kết
nạp thành viên mới như Việt Nam, yếu tố tự do- tự quyết của các hội đoàn
nghề nghiệp là yếu tố bắt buộc phải có theo 8 công ước của liên đoàn
lao động quốc tế quy định (cụ thể là công ước 87 về quyền lập hội). Việc
LS Trừng chủ động ngăn chặn và phản ứng việc can thiệp sâu của đảng vào
liên đoàn luật sư đúng theo pháp luật là điều cần thiết phải được chính
phủ và ngành tư pháp Việt Nam ủng hộ để dùng điều này chứng minh cho
các nước thành viên TPP khác như Mỹ thấy rằng tại Việt Nam, đảng và nhà
nước luôn tôn trọng và quyết tâm thực thi cải cách để họ nhanh chóng
thông qua cho Việt Nam gia nhập khối
Trong tư thế kinh tế Việt
Nam đã phụ thuộc sâu
vào Trung Quốc, một kẻ thù xâm lược cả dân tộc đều công nhận thì việc
gia nhập sân chơi TPP sẽ là 1 ưu thế quan trọng trong việc “thoát Trung”
về kinh tế để mang lại sự phát triển bền vững hơn về sau. Nếu cứ để xảy
ra các việc như đảng khai trừ những đảng viên có xu hướng cải cách như
LS Trừng sẽ dẫn đến làm chậm (hoặc có thể hủy bỏ) lại TPP lần này thì
rất tai hại. Thiệt hại của nó là vô cùng lớn trong bối cảnh nền kinh tế
đang bí lối ra như lúc này. Thành ra chuyện LS Trừng bị khai trừ đảng
không còn là chuyện của riêng hai bên này nữa, mà nó sẽ là hệ lụy kéo
dài về sau cho sự hội nhập quốc tế của Việt Nam., nếu các lãnh đạo nhà
nước không quyết tâm bảo vệ những “hạt nhân” như LS Nguyễn Đăng Trừng.
Và sau cùng,
ai sẽ chịu trách nhiệm về “bước lùi” này của đất nước trong lúc “ngặt
nghèo” này ???
Vừa mới đây ngày 29/07/2014, Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang có nói các luật sư và các hội đoàn luật sư cần phải “tự
chủ và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa” thì ngay sau đó LS Nguyễn Đăng Trừng bị
khai trừ đảng vì “phát huy tự chủ và đổi mới mạnh mẽ”. Tôi nghĩ ông
Trương Tấn Sang cần đề nghị đảng xét lại việc này nếu ông thực sự coi
trọng giới luật sư như ông phát biểu khi thăm liên đoàn LS vào ngày
01/08/2014. Song song đó, nên chăng các luật sư thuộc đoàn LS TpHCM,
những người mà 20 năm qua luôn bỏ phiếu ủng hộ LS Nguyễn Đăng Trừng làm
chủ nhiệm, cùng kiến nghị Chủ Tịch Nước, người đứng đầu tư pháp, xem xét
lại quyết định
này.
Đa số dư luận đều nghĩ rằng việc khai trừ LS Nguyễn Đăng
Trừng là do thành ủy TpHCM quyết định nhưng tôi e rằng không phải. Mâu
thuẫn của LS Trừng và trung ương đảng đã có từ năm 2007 đến nay kéo dài
qua nhiều sự việc. Đến nay ông mới bị kỷ luật cho thấy trong thời gian
mấy năm qua một bộ phận của Thành Ủy có ủng hộ ông nhưng hôm nay họ phải
chấp hành chỉ đạo của Trung Ương thì đúng hơn. Việc các đại biểu quốc
hội TpHCM lúc gần đây phát ngôn đều kêu gọi cải cách thể chế mạnh mẽ cho
thấy xu hướng đó (cao trào là việc ông nghị viên “bảo hoàng hơn vua”
Hoàng Hữu Phước ủng hộ làm ngay Luật Biểu Tình và Luật Lập Hội vừa qua
là 1 ví dụ rõ nét).
Theo tình hình phía Mỹ cho thấy, hiện nay
đã có nhiều hạ
nghị sĩ và một số thượng nghị sĩ đang chú ý và phản đối tình trạng đảng
cộng sản đang cầm quyền luôn có những can thiệp quá sâu vào các hội
đoàn nghề nghiệp tại Việt Nam. Nên chăng chính phủ cần xem xét lại việc
LS Trừng bị kỷ luật, vì rõ ràng điều này cũng sẽ ảnh hưởng vào nhận xét
của chính giới Mỹ trong việc kết nạp Việt Nam vào TPP, cũng như để các
trí thức khác (như GS Ngô Bảo Châu) đang và sẽ yên tâm khi cộng tác cùng
chính phủ để cống hiến tài năng cho đất nước và dân tộc.
Trong
tương lai với đà nâng cao dân trí cùng việc hội nhập quốc tế, việc xây
dựng một nền dân chủ pháp trị là điều tiên quyết phải có để đất nước và
dân tộc lớn mạnh. Trong đó, vai trò của các luật sư là không nhỏ, việc
cùng bảo
vệ nhau để bảo vệ tính minh bạch, thượng tôn pháp luật của cộng đồng
luật sư là điều mà quần chúng mong mỏi trước khi quần chúng “nhờ cậy”
luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Tôi hi vọng rằng dù Luật Sư
Trừng đã bị đảng khai trừ nhưng cộng đồng các luật sư có tâm, có tầm và
có lương tri nghề nghiệp sẽ tiếp tục con đường của ông đã đi trong việc
góp phần cải cách chính trị ở Việt Nam.
Nguyễn An Dân
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen