- Anh không nghĩ đến mẹ anh và con anh sao.? Chúng nó chả tốt gì với anh đâu, việc gì anh phải giữ cho chúng nó.Tên
tù im lặng, dường như hắn ta đang nhớ về gia đình. Các ngón tay hắn đan
vào nhau xiết chặt nổi gân trên bàn tay gầy mảnh. Cán bộ điều tra mái
tóc hoa râm nhiều kinh nghiệm liếc ánh mắt sắc lạnh nhìn đối tượng. Ông
nói chậm rãi.
- Khi chúng tôi khám nhà anh, con trai anh hỏi chúng tôi – các bác
bắt bố cháu à, thế bao giờ bố cháu về? – Thằng bé xinh trai và nghịch
nhỉ, nó còn lấy đũa chọc vào máy tính.
Người cán bộ điều tra thở dài nói tiếp khi đã ngừng lại vài giây quan
sát đối tượng. Hai bàn tay của đối tượng đã đưa lên bịt hai hốc mắt ôm
vòng lên trán.
- Cuộc đời còn nhiều gánh nợ lắm, nợ mẹ sinh ra, nợ trách nhiệm
nuôi con mình lớn khôn , sao cho nó bằng đứa trẻ khác. Nghĩ kỹ đi, không
thương mình thì cũng phải thương con mình.
Bờ vai của đối tượng rung rung. Đã 5 ngày thẩm vấn, đối tượng luôn ma
mãnh trước mối câu hỏi đặt ra, thậm chí còn nở nụ cười khi phản bác
được lập luận của cán bộ điều tra. Hắn tỉnh táo và phản xạ nhanh nhẹn
trước những câu hỏi tưởng là đơn giản nhưng là một cái bẫy. Cảm giác của
hắn khá tốt hơn người khác. Hồ sơ cho thấy hắn là kẻ từng phạm pháp
nhiều, nên hắn có sức chịu đựng và khôn ngoan hơn đối tương khác là
thường.
Mày nghĩ cứng lắm ư, ông thầm nghĩ rồi ngưng lại không nói gì, cứ để
đối tượng trong trạng thái vậy, ông chỉ việc chờ đợi với cây bút trên
tay. Thời gian với ông không gấp, công việc của ông không vội, nó cứ đều
đặn như thế này. Có kẻ vào đây còn quát tháo , còn doạ chết…nhưng sau
cùng những điểm yếu của chúng sẽ bị chọc thủng dần, đến khi chúng suy
sụp nhìn ông bằng con mắt van lơn. Ông nhìn đồng hồ, còn tiếng nữa là
hết giờ làm việc. Những kẻ bị bắt thường khủng hoảng tâm lý nhất từ ngày
thứ ba trở đi. Sau đó nửa tháng chúng lại trở nên lì lợm. Rồi đến tháng
thứ ba đổ ra chúng lại suy sụp. Rồi chúng lại trở nên bất cần…Tuỳ theo
mỗi đứa có hoàn cảnh và tư duy thế nào. Người cán bộ điều tra kinh
nghiệm là phải nắm bắt được những khoảnh khắc mà chúng suy sụp, biết
khai thác đúng điểm yếu vào thời điểm nào mà đối tượng đang hoang mang.
Cùng với bờ vai rung rung, đối tượng nấc hai tiếng nhỏ, bàn tay hắn
vẫn bịt chặt mắt của mình. Đầu hắn cúi xuống bàn thấp hơn như không gánh
nổi suy nghĩ trong đầu mình. Ông rót nước và ân cần đặt bàn tay lên vai
hắn thân thiện như một người cha, ngừoi anh.
- Uống nước đi.
Tên tù ngẩng đầu lên, hắn nhìn ông bằng khuôn mặt nhoe nhoét vì nước mắt.
- Nghĩ xong chưa.?
Ông hỏi giọng thân tình, ông ngồi xuống bàn đặt bút lên trang giấy và nhìn đối tượng chờ.
Tên tù lau nước mắt, hắn hỏi ông.
- Anh có thấy tôi khóc rồi chứ, khi anh nhắc đến con tôi.?
Ông sững sờ gật đầu, đó là câu mà ông không nghĩ hắn sẽ nói sau trạng thái như vậy.
- Anh bảo tôi nghĩ, anh biết tôi đã nghĩ xong cái gì không.?
Ông nhìn hắn, trong đôi mắt hắn không lộ vẻ ranh ma mà hắn nhìn ông như một người bạn chí cốt, sắp sửa nói câu tâm tình.
Hắn nói như giãi bày.
- Tôi thương con tôi lắm. Vì thế tôi chợt nhận ra trong một khoảnh
khắc mà mình nhớ thương con nhất một điều. Đó là nếu mình thương con
như vậy, thì những người bố khác cũng thương con họ như vậy.
Hắn ngừng lại, nhấp nước uống, nhìn thẳng vào mắt ông và nói tiếp.
- Vì vậy không nên đẩy những người bố khác phải chịu cảnh thương
nhớ con như mình. Không nên đẩy họ phải chịu cái mình đang khổ tâm chịu.
Việc hôm nay có mình tôi làm, nếu cần thì thực nghiệm điều tra. Câu trả
lời cuối cùng của tôi là chỉ có mình tôi làm.
Cán bộ điều tra bỏ cái bút, khuôn mặt thoáng những nét mỉa mai.
- Được, khỏi cần thực nghiệm, tao biết không phải mày làm, nhưng
thưc nghiệm mày làm được vì mày có nghề. Mày muốn tù thì được thôi. Cơ
hội mà chúng tao giúp đỡ mày không nhận thì không có gì để nói.
Tên tù nói giọng nhẹ nhàng bình thản.
- Ông có muốn nghe tôi kể nốt mình nghĩ gì không.?
Nghĩ gì- cán bộ điều tra gằn giọng.
Tên tù nhìn ông như thương hại sự nóng giận mà ông không kiềm chế được. Ông lấy lại sự bình tĩnh và xuê xoa nói.
- Nghĩ gì cứ nói cho nhau biết đi.
Tên tù kể.
- Tôi đã từng đi tù, không phải một lần, mà mấy lần. Ông cũng biết
đấy, chúng tôi ngày ấy đi tù lãng nhách lắm. Chỉ một câu nói, cái nhìn
hoặc số tiền không lớn , chúng tôi sẵn sàng vác dao đến chém nhau. Rồi
đi tù, lúc 3 năm, lúc 7 năm. Lũ chúng tôi đi tù như vậy triền miên.
Chẳng người tử tế nào coi trọng chúng tôi ở những lần tù như thế. Hôm
nay tôi ngồi đây với ông còn là may. Đáng ra tôi đang ngồi tù vì tội nào
đó như chém, bắn người rồi. Trong cái thời gian tôi ở tù, nhìn thấy
những bạn tù đi ra đi vào đến 3 lần. Chả ai goi đấy là anh hùng cả.
Chúng tôi có đi tù ra tù vào cả đời như thế, cũng không ai nhớ đến. Thậm
chí là hàng xóm của mình. Chỉ có các ông là nhớ những lần chúng tôi đi
tù, vì công việc các ông cần nhớ để cộng lại tính mức án tù sau lớn hơn
án tù trước. Tình tiết tái phạm phải không.?
Ông nhíu mày nhìn tên tù, có thể đây là một dạng của khủng hoảng suy
sụp mà giờ ông mới gặp không. Ông gật đầu trước câu hắn hỏi.
Tên tù nhấp nước, xoa cái chén trong lòng hai bàn tay. Hắn nhìn xa
qua cửa sổ, hắn nói như cho hắn nghe, như không có ông ở đấy. Như một
thằng ngẩn ngơ đang làm thơ, y như vậy.
- Nếu lần này tôi bị tù, tôi biết chỉ từ 2 đến 5 năm. Mức án tuỳ
thái độ ở toà. Nếu tôi nhận sai xin khoan hồng thì chỉ 2 năm. Nếu tôi
cãi phản bác mạnh sẽ 5 năm. Nếu tôi cứ ngẩn ngơ không nhận sai, không
phản bác tôi sẽ bị 3 năm. Hai hay năm năm không quan trọng với tôi, vì
ông cũng biết tôi đã đi tù dài như thế, trong những nhà tù khắc nghiệt
nhất đất nước này. Nhưng tôi sẽ không xin khoan hồng, nếu xin thì tôi đã
làm việc ấy với ông ở đây, không ai thấy, không ai chứng kiến.
Người cán bộ điều tra nở nụ cười mỉa mai.
- Tưởng gì, chứ muốn đi tù thì dễ lắm, cứ thế này là sẽ được đi.
Tên tù cười lắc đầu nhìn ông vẻ bất mãn, ông dường như chả hiểu hắn
muốn nói điều gì. Hắn thấy không cần phải vòng vo nữa, hắn nói dứt
khoát.
- Nếu có một án tù vì tội danh này, tội lợi dụng tự do ngôn luận
xâm hại lợi ích nhà nước mà ông đang hỏi đây. Đó là điều tôi muốn. Vì
thế người ta sẽ nhớ đến tôi là một con người khác. Không phải là một
thằng lưu manh, cờ bạc buôn lậu, trấn lột. Sẽ chẳng ai nghĩ đến những
chuyện trước kia của tôi. Các ông đã giúp tôi xoá sạch trong đầu mọi
người về những việc tôi làm hồi trẻ. Đất nước này không mãi như hôm nay,
chẳng ai nắm tay đến sáng. Người ta sẽ nhớ đến tôi là người đã dám phản
bác hành động sai trái của chế độ. Năm năm tù thì có gì mà đắt với cái
việc xoá sạch quá khứ ấy. Chả phải nhiều thằng trong chúng tôi đã đi ra
đi vào nhà tù 3 năm rồi 5 năm, rồi 10 năm. Có ai nhớ đến chúng đâu.
Tên tù ngừng nói, hắn đã nói xong. Cán bộ điều tra nhìn đồng hồ còn hơn nửa tiếng, ông xếp giấy tờ cho vào cặp , đứng dậy nói.
- Hôm nay đến đây tạm nghỉ. Anh nên nhớ cơ quan an ninh có hàng
trăm nghìn biện pháp, chưa chắc chúng tôi đã đưa anh ra toà để anh làm
anh hùng đâu.
Tên tù đứng dậy, hắn nói.
- Tôi chỉ là thằng lưu manh, bởi tính lưu manh toan tính, nên nếu
bị thời điểm bị buộc làm anh hùng. Tôi sẽ diễn tốt khoảnh khắc ấy như
một anh hùng. Một khoảnh khắc hiếm có mà chả thằng lưu manh nào có được
trong đời. Để cho con tôi được tự hào.
……..
Trên đây là một câu chuyện không chắc là có thật. Nhân vật cũng không
có tên tuổi hay dấu vết nào của sự thật. Sở dĩ nó được viết ra ngày hôm
nay. Để minh hoạ cho phiên toà Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh,
Nguyễn Thuý Quỳnh mà toà án Đồng Tháp đã xử ngày 26 tháng 8 vừa qua. Là
câu chuyện đi tìm một khoảnh khắc mong ước trong cuôc đời để gột rửa
mình không hề dễ chút nào. Kể cả có toan tính như tên tù lưu manh kia.
Bởi nó còn là sự lựa chọn của hồn thiêng sông núi, không phải kẻ nào
toan tính mà có được.
Từ hai người nông dân hiền lành, vô danh như Nguyễn Văn Minh, Nguyễn
Thuý Quỳnh, họ đã để lại tên mình trong tâm khảm của hàng triệu người
dân Việt Nam về sự oan ức , bất công, sự dối trá của hệ thống pháp luật
hiện nay, cũng như mưu toan thủ đoạn bất nhân của nhà cầm quyền.
Cái khoảnh khắc họ đứng nhận phán quyến của toà án, cũng là khoảnh
khắc họ đã ghi tên mình vào lịch sử như những chứng nhân của sự bất công
, tha hoá, phi đạo đức tràn lan trong chế độ.
Một người phụ nữ bình thường với tính cách dân dã, chợ búa như Bùi
Thị Minh Hằng, học thức không cao, gần cả cuộc đời chỉ toan tính thiệt
lợi trong kinh doanh bỗng nhiên đã tìm được khoảnh khắc để làm chói sáng
cuộc đời mình. Để được những khoảnh khắc như thế, người ta phải vượt
qua những toan tính tầm thường, phải có một nội tâm sâu sắc và niềm tin
mãnh liệt. Để đi đến khoảnh khắc ấy là bao nhiêu thử thách , bao nhiêu
cám dỗ, bao nhiêu lời đường mật đưa ra để ngăn cản.
Những con cá hồi làm cuộc hành trình hàng chục ngàn cây số, đối đầu
với những sự chết chóc bởi những con cá to lớn hung ác. Để làm gì, để
chúng đến một nơi chúng sẽ chết. Và cái khoảnh khắc được chuyển sang màu
đỏ hồng phơi người chết trên mặt nước, đúng cái nơi mà chúng muốn, đúng
cái thời điểm chúng muốn. Đó là khoảnh khắc vĩ đại nhất trong đời con
cá hồi nào có được. Hàng triệu con khác đã chết trên đường đi. Chỉ những
con cá hồi về được nơi chúng muốn chết là cái chết có ý nghĩa, vì nó sẽ
sản sinh ra những sức sống mới cho thế hệ sau.
Nào, giờ thì ai nghĩ Bùi Hằng là chủ quán Bar, là kẻ vô học gào toáng
trên đường. Cái giờ phút khuôn mặt gầy rộc nhưng đầy quả cảm, kiên nghị
trước phiên toà của bạo quyền. Hình ảnh đấy đã xoá đi tất cả những gì
mà người khó tính đôi khi nghĩ không tốt về chị.
Nếu không có khoảnh khắc bị đóng mình trên thánh giá.chịu chết. Chúa Jesu mãi mãi chỉ là một ngươi thợ mộc.
Nếu câu chuyện trên cùng là có thật. Tên tù trong câu chuyện hẳn sẽ
nể phục cái khoảnh khắc người đàn bà này đã làm nên. Điều mà nhiều kẻ
nam nhi như hắn đã không làm được hoặc không dám làm.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen