Danlambao - Chào
Ls. Lê Công Định, rất vui và cảm ơn vì anh đã nhận lời cuộc phỏng vấn
đặc biệt này, nhân kỷ niệm 4 năm ngày ra đời chính thức của Danlambao.
Đầu tiên, xin gửi đến anh lời chúc sức khỏe và thành công trong những
công việc và dự định của mình.
Có
lẽ hơn một năm sau khi rời khỏi trại giam và về với gia đình, anh đã
bắt nhịp được với cuộc sống thường nhật và cập nhật được diễn biến chính
trị xã hội gần đây. Chắc anh cũng biết thời điểm anh bị bắt, có rất
nhiều sự quan tâm được dành cho anh. Có rất nhiều trang
mạng cổ xúy tự do ngôn luận đã xuất hiện sau khi anh bị bắt, Danlambao
(DLB) là một trong số đó. Điều đặc biệt hơn nữa, DLB là trang mạng khởi
phát từ một trang mạng đòi thả tự do cho chính anh, trang
FreeLecongdinh, và sau đó phát triển thành DLB. Anh đánh giá gì về tình
hình tự do ngôn luận trước khi anh bị bắt và hiện tại?
LCĐ:
Tôi được trả tự do đã hơn 18 tháng, nên phần nào đó đã bắt nhịp lại với
cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, do bị quản chế suốt 3 năm sau khi ra
tù, với quy định khắc nghiệt chỉ được đi lại trong phạm vi phường nơi cư
trú, nên sinh kế của tôi bị trở ngại
nghiêm trọng do nhà cầm quyền cố tình sử dụng công
cụ kinh tế gây khó khăn cho cuộc sống riêng của từng nhà bất đồng chính
kiến như tôi. Về tình hình chính trị và xã hội của đất nước, tôi đã kịp
cập nhật các diễn biến chính gần đây, kể cả liên quan đến khoảng thời
gian tôi còn ở trong tù, nhưng tất nhiên khó có thể nói là đầy đủ hoàn
toàn.
Khi
vào tù, do tình cảnh bị cô lập về mọi phương diện, đặc biệt đối với
thông tin bên ngoài, tôi không biết có nhiều sự quan tâm dành cho mình,
thậm chí còn cảm thấy rất đơn độc như thể chỉ mình làm, mình chịu mà
thôi. Mãi đến lúc tự do, tôi mới
đọc lại tin tức
và vô cùng cảm kích trước sự quan tâm và tình cảm của nhiều cá nhân và
dư luận chung từng dành cho mình. Biết đến trang FreeLecongdinh, tiền
thân của Dân Làm Báo bây giờ, tôi càng tin vào sự ủng hộ của nhiều tầng
lớp xã hội đối với những việc mà nhóm chúng tôi đã làm vì một tương lai
tốt đẹp hơn của đất nước.
Tất
nhiên, cũng có nhiều người không thấu hiểu hành động của tôi thực hư ra
sao vì thông tin bị cản trở, một phần do cách đưa tin một chiều và hỏa
mù được tung ra khéo léo nhằm bôi nhọ tôi từ bộ máy tuyên truyền khổng
lồ, nên đã
chỉ trích và thất
vọng về tôi. Tuy nhiên điều đó không làm tôi buồn hoặc nao núng, bởi lẽ
dám chấp nhận dấn thân thì phải dám chấp nhận mọi rủi ro.
Điều
tôi hài lòng là nhiều bạn bè đến gặp tôi đã khẳng định rằng kể từ thời
điểm vụ án gây chấn động của chúng tôi diễn ra, xã hội Việt Nam đã thay
đổi, người dân nhận thức tốt hơn về thực trạng đáng buồn của đất nước và
mạnh dạn cất tiếng nói trung thực đòi thay đổi tận gốc thiết chế chính
trị. Nói như vậy không có nghĩa là tình hình tự do ngôn luận sau khi tôi
bị bắt tốt hơn trước kia, vì
thật ra nhà cầm quyền
không thực tâm muốn cải thiện tình trạng vi phạm quyền con người nói
chung và quyền tự do ngôn luận nói riêng. Nhiều người vẫn còn bị bắt và
sách nhiễu vì dám mở miệng.
Sau
khi anh bị được thả ra trước thời hạn, cùng với đó là sự tự do của khá
nhiều Tù nhân lương tâm khác, như Nguyễn Tiến Trung, Đỗ Thị Minh Hạnh,
Nguyễn Hữu Cầu, ... Phải chăng phía nhà cầm quyền Việt Nam đã nhận
ra vấn đề sai lầm của họ, hay là
sức ép quá lớn từ bên ngoài? Những trang mạng lề Dân đã có những đóng
góp gì? Theo đánh giá của anh, việc Việt Nam tham gia Hội đồng nhân
quyền LHQ và tiến trình đàm phán TPP có ảnh hưởng gì đến việc này không?
LCĐ:
Như đã nói ở trên, việc trả tự do cho tôi và một số tù nhân chính trị
khác không xuất phát từ ý định cải thiện tình trạng vi phạm quyền con
người của nhà cầm quyền, mà tất cả đều do sức ép về ngoại giao và kinh
tế từ các nước khác. Có lẽ một phần sức ép trong quá trình đàm phán TPP
đã tác động lớn đến việc trả
tự do gần đây và
sắp tới mà chúng ta đã và sẽ thấy, chứ không phải do chính quyền nhận
ra sai lầm như câu hỏi đã nêu. Cần phải nhớ rõ, từ trước đến nay Đảng
Cộng Sản và chính quyền này chưa bao giờ thực tâm thừa nhận và sửa chữa
sai lầm của mình. Đừng mơ mộng về điều đó!
Quả
thật, báo chí lề dân đã đóng góp nhiều vào những chuyển biến gần đầy ở
góc độ đưa tin kịp thời và đầy đủ, giúp các tổ chức vận động nhân quyền
có thông tin xác thực về từng trường hợp bị đàn áp và sách nhiễu. Báo
chí lề dân cũng đã giúp nhiều tầng lớp xã hội khác
nhau mở mắt ra
trước thực trạng đất nước tệ hại ngày nay, phá tan bức màn thông tin
một chiều và giả dối được báo chí lề đảng dựng lên bấy lâu.
Gần
đây, nhà cầm quyền đang đối mặt với rất nhiều vấn đề trong nước rất nan
giải, cụ thể như nợ công đang ở mức rất cao, tình trạng tham nhũng lan
tràn với những số tiền khổng lồ dẫn đến sự sụp đổ của các tập đoàn nhà
nước lớn
như Vinashin, Vinaline; nguy cơ sụp đổ
của hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, niềm tin của dân chúng vào Đảng cộng
sản, đảng phái đang giữ độc quyền lãnh đạo nước hiện nay, xuống thấp ở
mức thảm hại. Theo LS, họ sẽ làm gì để duy trì sự độc tôn của mình? Liệu
có khả năng diễn ra một sự sụp đổ dây chuyền hay là sự thay đổi của
đảng cầm quyền để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng này?
LCĐ:
Thể chế chính trị có thể ví như cơ thể sống của một con người dưới sự
chi phối của các quy luật sinh diệt, tồn vong. “Cơ thể” của xã hội rõ
ràng đang mắc bệnh ung thư
bất trị, nên diệt
vong là điều tất yếu và hợp lẽ trời đất. “Vật cùng tắc biến” là vậy,
không phương thuốc nào cải số được nữa. Một đế quốc hùng mạnh như Liên
Sô trước kia còn phải sụp đổ tan tành trong chớp mắt theo quy luật phát
triển tất yếu của xã hội, thì không một chế độ nào tương tự, song yếu
kém hơn, có thể trường tồn.
Chủ
nghĩa xã hội từ khi ra đời đã mang dị tật bẩm sinh, đó là thiếu tôn
trọng quyền con người và sử dụng bạo lực để cai trị, nên dù được cải sửa
theo định hướng thị trường chăng nữa, cũng chỉ giúp kéo dài
thời gian giãy chết
với bao hệ lụy mà thôi. Người dân bây giờ ai cũng nhận ra khoảng cách
giàu nghèo ngày càng gia tăng giữa tầng lớp cầm quyền cùng giới doanh
nhân bám theo nó để trục lợi với đại đa số quần chúng lao động, đó là
chưa nói đến sự phát triển lệch lạc về đầu tư giữa nông thôn và thành
thị và giữa các ngành sản xuất với nhau dưới tác động của các nhóm lợi
ích và của tầm nhìn hoạch định chính sách ngắn hạn. Điều này dẫn đến
tình hình tội phạm gia tăng ngoài vòng kiểm soát. Trong khi đó, phúc lợi
xã hội chỉ là giấc mơ hoang đường của tất cả người dân Việt Nam.
Tuy
vậy, tôi vẫn thầm mong một nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản nào đó đủ dũng
khí và đảm lược đứng lên thực hiện một cuộc chuyển hóa ngoạn mục dưới
ngọn cờ dân chủ, giúp canh tân đất nước và giải quyết mọi vấn nạn hiện
tại. Tất nhiên, nếu không ai trong Đảng Cộng Sản làm thế, thì dân tộc
này cũng sẽ chẳng diệt vong theo họ, mà bánh xe lịch sử phải mất thêm
thời gian vô ích quay nhiều vòng hơn để lăn về đích. Trong bối cảnh đó,
điều tôi e ngại là cái giá mà dân tộc chúng ta phải trả để bước vào con
đường dân chủ sẽ cao hơn so với trường hợp những người cộng sản hành
động vì dân tộc ngay lúc này.
Quay
lại sự kiện rất nóng hổi thời gian gần đây, là việc Trung cộng đưa giàn
khoan Haiyang 981 vào khu vực Biển Đông, cùng với những phát ngôn rất
hung hăng từ phía Bắc Kinh. Tuy nhiên, phía nhà cầm quyền VN không những
có thái độ và hành động để thực sự bảo vệ biển đảo, ngư dân mà còn mạnh
tay đàn áp những cuộc biểu tình phản đối Trung cộng ở Sài Gòn và Hà
Nội. Những diễn biến gần đây, có vẻ như đảng và nhà nước đang muốn “xoay
trục “ về phía Mỹ, thực hiện một cuộc thoát Trung thật sự. Anh
đánh giá về điều này như
thế nào và họ cần những điều kiện gì để làm một cuộc “xoay trục” thực
sự?
LCĐ:
Tôi tin rằng nhà cầm quyền đang chuẩn bị kế hoạch “xoay trục” về phía
phương Tây, đặc biệt Hoa Kỳ, vì nhu cầu kinh tế cấp bách và nhu cầu
phòng thủ hiệu quả. Vấn đề là nhịp độ như thế nào và trở ngại gì trong
tương lai. Các chuyến thăm gần đây của các quan chức cao cấp Hoa Kỳ cho
thấy khả năng đó rất lớn. Tôi không nghĩ nhà cầm quyền còn mơ hồ về dã
tâm của Trung cộng và tiếp tục đặt cược toàn bộ canh bạc chính trị của
Đảng Cộng Sản
vào một đồng minh
bất lương và bất trung như vậy.
Tuy
nhiên, điều đáng buồn là trong chính sách đối nội, có vẻ điều nhà cầm
quyền chú trọng giải quyết lúc này là thỏa mãn các yêu sách về nhân
quyền của phương Tây ra sao để vẫn giữ vững sự ổn định xã hội cần thiết
cho việc tiếp tục duy trì quyền lực độc tôn. Do đó, tuy thả tù chính trị
từng bước, nhưng tiếp tục mạnh tay sách nhiễu và đàn áp mọi phản kháng.
Quyền lợi của Đảng Cộng Sản suy cho cùng vẫn là trên hết. Xét các diễn
biến lịch sử trải từ năm 1945,
chúng ta có thể thấy không sai
rằng chính sách đối ngoại của họ từ ngày lập quốc đến nay luôn là “bán
trôn nuôi miệng” nhằm duy trì một chính sách đối nội độc tài cứng rắn.
Gần
đây, có vẻ tiến trình dân chủ đã có những bước phát triển tích cực từ
khi anh bị bắt và thả ra. Ngày càng có nhiều người tham gia vào công
cuộc
đấu tranh này, nhiều hội nhóm vẫn được thành lập và tồn tại dưới áp lực
từ phía nhà cầm quyền. Anh hy vọng điều gì cho tiến trình dân chủ tương
lai?
LCĐ:
Hiện nay xu thế dân chủ là không thể đảo ngược. Bánh xe lịch sử sẽ
nghiền nát mọi toán tính dẫn dắt dân tộc khỏi quỹ đạo dân chủ nhằm duy
trì một chính thể độc tài toàn trị. So với thời điểm trước khi vụ án của
chúng tôi diễn ra, phong trào dân chủ đã nở rộ và đang đâm hoa, kết
trái. Các hội
dân sự hình thành và phát triển nhanh chóng
bất chấp nhà cầm quyền muốn hay không, bởi đó là nhu cầu đương nhiên
của xã hội. Hễ có tư tưởng độc lập và đối lập, thì tất sẽ có tổ chức độc
lập và đối lập xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Chính người
cộng sản hiểu rõ điều này hơn ai hết từ cuộc đấu tranh giành chính quyền
của họ trước đây. Vì vậy, mọi cố gắng quyết liệt cấm các tổ chức đối
lập tồn tại cũng chỉ là viển vông mà thôi. Tôi luôn có niềm tin bất diệt
vào tiền đồ dân chủ tươi sáng của đất nước chúng ta, kể cả lúc tôi còn
đang trong ngục tối.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen