Hoàng
Minh Thúy
(Tạp Chí Xây Dựng – Năm Thứ 34 – Số 862 – phát hành ngày 29-4-2017
tại Houston – Texas )
Thấm thoát lại đến tháng Tư, cái mốc thời gian gợi bao nỗi đau
thương, tủi nhục của người Việt lưu vong mỗi khi nhớ đến tháng Tư
năm 1975, nên có người gọi là “Tháng Tư đen”. Một nhà văn nổi tiếng
và cũng là nhà thơ, đã hạ bút để diễn tả nỗi ưu hoài của ông trong
tháng Tư quốc nạn:
Một năm người có mười hai tháng.
Ta chỉ riêng mình một tháng tư
(Thanh Nam)
Tháng 4 đến, chắc chắn sẽ gợi nhiều kỷ niệm, nhất là với các người
lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã tức tủi tan hàng. Kẻ mất người yêu trong cơn hỗn loạn. Người thì tan nát gia
đình sau tháng năm dài tù tội. Biển cả hóa nương dâu..
Với tôi, mỗi khi gần đến ngày Quốc Hận khiến cho tôi nhớ lại tháng
3, 1975, khi làn sóng dân, quân di tản từ miền Trung tất tả đổ dồn
vào thành phố Nha Trang. Những trại tạm cư, nhà thờ, trường học,
chùa chiền, đầy những khuôn mặt ngơ ngác, kèm theo tiếng khóc ai oán. Người mất cha, kẻ mất chồng, người băn
khoăn về thân phận thân nhân còn kẹt lại ở các tỉnh địa đầu giới
tuyến...
Tôi không có bà con, bè bạn trong rừng người di tản đó trong các
trại tạm cư, chỉ có tấc lòng quặn thắt của tình người, khi nghĩ đến
những phụ nữ cùng lứa với mình, đang lao đao khốn khổ vì thảm họa
chiến tranh. Họ phải bỏ nhà cửa, xe cộ, ruộng vườn, để đứng, ngồi la liệt trên các tấm chiếu
nylon ở một nơi đông đúc, hỗn độn như thế này! Tội nghiệp nhất là
các thiếu phụ trẻ tuổi, bụng to vượt mặt, hay con đang tuổi bồng ẳm
trên tay. Một tay dắt con, tay kia dắt mẹ, chồng thì đang còn ở đơn vị, biệt vô
âm tín, cuộc đời cô rồi sẽ trôi dạt về đâu?
Tôi rời Nha Trang vào tuần lễ thứ 3 của tháng Ba, về Saigon trên
một chiếc trực thăng của tướng Nguyễn Cao Kỳ, do Ðại Úy Nguyễn
Quang Vĩnh lái. Khi đó, tôi vừa tròn 29 tuổi. Phi cơ đáp. Ngơ ngơ ngác ngác giữa rừng người ở trạm Hàng Không Quân Sự
trong phi trường Tân Sơn Nhất. Vai đeo túi xách, tay dắt con trai
tám tuổi, con gái hai tuổi còn ôm chai sữa, cố tìm trong đám đông
một khuôn mặt thân quen để quá giang ra cổng trại Phi Long, từ đó
đón xe taxi, về nhà cha mẹ trên Trương Minh Giảng gần nhà thờ Ba
Chuông.
Khoảng cách từ cổng trại Phi Long đến nhà không đầy 3 cây số, tấp nập người di
chuyển. Họ bươn bả, hấp tấp, chộn rộn, bàng hoàng, mệt mỏi, kinh sợ.
Rồi tháng 4 đến, nhằm ngày 19 tháng 3, Ất Ngọ, thành phố Saigon
tràn ngập cờ đỏ sao vàng, dân ngơ ngác, quân hỗn loạn, quần áo lính
vất đầy hai bên đường.
Tháng 5 tới, Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa bị goi lên
phường, khóm trình diện. Ở trong xóm, một sĩ quan Hải Quân treo cổ, nhất quyết không nộp
mình. Một sĩ quan Bộ Binh, cho gia đình ăncháo pha thuốc độc để tìm về bên kia thế giới, nơi không có bóng cờ
máu, mà cả đại gia đình ông đã từ bỏ năm 1954, trên con đường
hải hành gian khổ từ Bắc vào Nam.
Cứ như thế, cả con đường Trương Minh Giảng như lên cơn sốt. Ði về đâu, khi xe tăng của CS đã nằm ở cổng trại Phi Long (Không Quân) của phi
trường Tân Sơn Nhứt?
Một số khác đưa gia quyến về vùng ven biển, kiếm thuyền bỏ nước, vì
nghe tin Ðệ Thất Hạm Ðội của Hoa Kỳ vẫn còn ở ngoài khơi. Tin tức loan truyền khắp nơi về một sự tắm máu sẽ xảy ra. Nhà nhà kín cửa, nói năng thì thào, ăn uống dè sẻn, điện nước không dám xài hoang phí.
Ngày tháng chậm chạp trôi qua, các phụ nữ nhuộm quần áo thành màu
đen, móng tay cắt ngắn, không còn sơn bạc, sơn hồng. Sự căng thẳng ngày một kéo dài, mỗi khi nghe tiếng Loa vang hè phố. Sáng sớm nghe Loa, chiều tối cũng nghe Loa, kêu tên từng người đến
trình diện chánh quyền. Trời ơi, có ai ngờ Saigon sẽ bị đau thương, tủi nhục như thế này?
Tôi quay quắt chạy ra, chạy vào, tự hỏi mình làm sao “trốn”, để
khỏi ra trình diện, khi Loa gọi tên những ai làm việc cho các cơ
quan Dân Sự cũng như Quân Sự của Hoa Kỳ phải ra Phường trình báo.
Những người ở chung quanh khu phố của con đường Trương Minh Giảng này, ai cũng
biết tôi một thời là nhân viên của cơ quan Viện Trợ Hoa Kỳ (USAID).
***
Rồi từ đó, chánh quyền mới luân phiên đổi tiền, để biến người có
nhà thành kẻ không nhà. Người giàu hóa điên, vì bị tịch thâu tài sản. Công an Khu vực tự do vô ra gia cư của mỗi người, kiểm soát kín đáo
các diễn biến trong gia đình. Dân chúng Saigon bắt đầu biết Cộng
Sản là gì, họ không tịch thu của người giàu, phân phối cho người
nghèo qua lời đồn đại, mà họ kiếm lý do để lấy hết, lấy sạch, qua
các lần đổi tiền, hạn chế theo qui định mỗi đầu người. Ngày
ngày dân Saigon xếp hàng mua nhu yếu phẩm theo Tờ khai Gia
đình. Mọi thứ đều thành hàng lậu kể cả đậu, mè, trừ rau
trái, hoa quả, vì chở đi xa không được. Một thành phần mới, không có trình độ văn hóa, nổi lên
trở thành Phường Trưởng, Khóm Trưởng, Công An Khu Vực, nắm quyền
sinh sát, hống hách, dọa nạt. Ðó là thân nhân trực hệ, có
người theoCS ở trên rừng về. Dân Saìgon cảm thấy tủi, nhục, cúi đầu vâng, dạ, nhất là phải tụ tập hàng đêm
nghe họ thuyết giảng trong các buổi học tập của xóm, nói những điều
nghe không lọt tai. Khoai lang, khoai mì thay gạo. Đường, sửa, thịt…bán theo tờ khai Gia Đình! Gạo trở thành xa xí phẩm…Tất cả biến thành
hàng lậu! Họ dùng thực phẩm để kiểm soát dân chúng…
Những sự việc này, ai đã từng kẹt lại sau tháng 4, 1975, đều không
lạ!
Từ ngày đó, những người yêu, người vợ của lính, trạc tuổi 30, má
hồng phai nhạt, trong đó có tôi. Các chị bới tóc cao, đội nón lá, tất tả ngược xuôi chợ
trời, lăn lóc trên các tuyến đường xe đò, buôn chui, bán nhủi (bán xong nhủi vào khu hẻm liền, để khỏi bị công an bắt) để kiếm tiền nuôi con, thăm nuôi cho chồng, thăm nuôi anh em cật
ruột trong lao tù khốn khổ.
Các nhân viên chính quyền, quân nhân VNCH bây giờ thành tù “cải tạo”.
Họ bị chuyển đưa tù trại này sang trại khác, vất thư nhắn tin dọc theo đường di chuyển. Mấy bà nhận được tin, thì thào, loan báo cho nhau, để biết chỗ mà
bới xách, thăm nuôi.
Quay đi, ngoảnh lại, cực khổ gian truân thắm thoắt cả chục năm,
người chồng thân yêu mới được thả về. Các con không nhìn ra cha, gia đình tan nát vì miếng cơm,
manh áo, xé nát họ ra từng mảnh! Có anh đã nằm xuống, thân xác gửi
cho cây rừng của trại tù heo hút sau những ngày lao động, thiếu ăn,
thiếu thuốc men....Có anh tự tìm về cõi chết khi nghe vợ giao con
cho ông bà nội, lập gia đình mới. Cả một bầu trời tang thương phủ
chụp lên đời sống của dân chúng miền Nam.
Không thể sống trong chế độ cai nghiệt của CS, rồi người thì đi đường bộ, kẻ theo đường biển,
tìm phương tiện vượt thoát. Kẻ may mắn ngày nay thành Việt Kiều!
Người bất hạnh làm mồi cho cá, làm phân bón cho cây rừng trong rừng
già Thái- Miên-Việt!
Thắm thoát mà đã mấy chục năm!
***
Khi bạn đọc cầm số báo này trên tay, thành phố của chúng ta đang rộn ràng phát động tổ chức Lễ Tưởng
niệm Tháng Tư Ðen:
Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận tại Houston năm nay có 2 phần, phần 1 là Lễ
Truy Điệu cử hành lúc 5 giờ chiều tại khu Tượng Đài Chiến Sĩ Việt
Mỹ, do các Hội đoàn Quân đội đảm trách.
Phần hai, tại khu thương mại Hồng Kông 4, sẽ là buổi lễ chính thức
do Hội Đồng Đại Diện Cộng Đồng điều hợp, có văn nghệ đấu tranh với
các giọng ca cây nhà lá vườn, bắt đầu từ 6: 30 cho đến 11 giờ đêm.
&
Báo số này theo lịch trình sẽ ra ngày Thứ Bảy 29 tháng 4. Tuy nhiên, chúng
tôi đã “ép” ra sớm 1 ngày (Thứ Sáu) để mong bạn đọc bỏ thì giờ tham
dự. Vì tại vũ trường Baby’Club, BS Trung Chỉnh từ Nam Cali qua, sẽ
tổ chức Lễ Tưởng Niệm 30 tháng 4 (Chủ nhật 30/4) có văn nghệ đấu
tranh với ca sĩ Ngọc Đan Thanh, Trung Chỉnh, Anh Khoa... và nhiều
ca sĩ địa phương trong mục đích gây qũy, để xây Tượng Đài tri ân
các tướng lãnh đã tự sát và anh hùng tử sĩ, trong khu Nghĩa Trang Quân Đội tại miền Nam Cali.
Chương trình bắt đầu từ 2 PM cho đến 5 PM, giá vé vào cửa $20 đô
la. BTC hoan nghinh sự yểm trợ tài chánh của đồng hương.
***
Ðã hơn 40 năm, Houston vẫn luôn có chương trình tưởng nhớ ngày tang
của một chế độ, mặc dù mười năm gần đây, không có biểu
tình tuần hành, không tổ chức Đêm Không Ngủ như trước.
Thủơ đó, phương tiện truyền thông chỉ hai ba tờ báo, có tờ phát
hành không đúng ngày. Muốn loan tin cho cộng đồng được rõ, Ban Tổ Chức in truyền
đơn, rồi thay phiên nhau đi rãi, đi gắn trên kiếng xe, dán trên
tường của các chợ Việt Nam Plaza, khu chợ Hoà Bình, các tiệm phở,
cà phê, vũ trường quanh vùng downtown Houston..
Ngày đó (1985) mỗi tháng Tư về, Ban tổ chức Ngày Quốc Hận, Ngày
Quân Lực, chung tiền thực hiện công tác: treo cờ, thiết lập khán
đài, xin giấy phép biểu tình. Thương mại của người Việt Nam hãy còn
èo uột, Ban Tổ Chức không đi xin Sổ Vàng như bây giờ (2017), tất cả
mọi sinh hoạt đấu tranh đều bằng tiền túi của các vị trong Ban Tổ
Chức: tiền nhịn cà phê, thuốc lá của các ông và tiền phấn son của
quí bà. Tuy đồng hương hãy còn nghèo, nhưng tinh thần rất cao. Chương trình nào cũng sôi nổi, đầy hào khí, đông nhất khoảng
200 người, lúc đó, BTC mới có lời kêu gọi, người tặng vài đồng, kẻ
vài chục, góp quỹ chi trả. Chương trình không có ca sĩ, chỉ có hợp
ca các bài hát đấu tranh, chính huấn, nhất là chương trình Ðêm
Không Ngủ tổ chức trong đêm Thứ Bảy, mỗi người có cơ hội lên máy vi
âm trình bày vấn đề thời sự trong năm, hay chia xẻ sự đớn đau riêng sau tháng 4, 75.
Ðồng hương lúc đó chưa ổn định cơ ngơi, nhưng sốt sắng tham dự vì
hiểu rằng:
Bạn bè anh giờ này đang đốt lửa.
Anh ngại gì không góp chút củi khô?
(tác giả?)
Nửa đêm ban ẩm thực dọn cháo gà, bánh mì thịt. Nhiều đêm mưa rơi
tầm tã, khi tan hàng cứ lội mưa mà chạy ra xe. Rất cảm động, khi nhiều anh chị dắt theo con cái khoảng 9, 10 tuổi như con của chúng tôi, để vui buồn theo
đời sống đấu tranh của cha mẹ. Thời gian này, ai nấy đều cảm thấy
có bổn phận với thân phận người Lính còn ở trong các trại tị nạn
Ðông Nam Á (chờ cứu xét định cư), những người lính còn bị giam ở
cái gọi là trại “Cải tạo” từ Nam tới Bắc, thiết tha với các tổ chức
phục quốc của nhiều đảng phái (Lê Quốc Túy, Hòang Cơ Minh, VN Quốc
Dân Ðảng, Ðại Việt...) Bởi vì, mỗi người trong cuộc sống mới, đều
có chung cảm nghĩ như tâm sự của nhà thơ BÐQ Trạch Gầm:
30 tháng 4, ta ôm mặt khóc.
Trên cầu Saigon cạnh phố Hùng Vương.
Mười năm binh đao, mười ngày kết thúc.
Ta, còn nguyên, mà mất cả quê hương.
Hơn 40 năm đi qua.
Hôm nay một thế hệ đã trưởng thành, trở thành những doanh gia,
chuyên viên đủ mọi ngành nghề, góp phần làm phồn thịnh cho nền kinh
tế Houston. Những khu khu đất hoang vu tiêu điều của vùng Tây Nam trở nên sầm uất khang trang với hàng trăm cửa
hàng. Tình hình chính trị thay đổi rất nhiều. Cùng lúc đó, các thiếu nhi theo cha mẹ đi biểu tình, đi canh thức Ðêm Không Ngủ, bây giờ
đã có gia đình riêng. Người lính trẻ năm xưa bây giờ đã già, không
còn năng lực của một thời tóc đen, một số chuyển sang sinh hoạt với
hội Ðồng Hương, hoặc tìm vui thú cây kiểng. Thành phần tham dự công việc cộng đồng ngày càng rơi rớt, còn lại
rất ít những khuôn mặt cũ. Cũng có người trở mặt quay lưng, vì quyền lợi vật chất
quyến rũ, hợp tác làm ăn với chánh quyền CSVN.
Hôm nay, nếu tổ chức các chương trình của ngày Quốc Hận, ngày Quân
Lực để hâm nóng bầu không khí cũ, mà không có danh ca về tăng
cường, đồng hương sẽ không tham dự đông đảo, vì phim bộ Ðại Hàn,
phim bộ Hồng Kông, đèn màu của phòng trà, tiếng nhạc của vũ
trường... vẫn có khả năng lôi cuốn hơn. Người người theo nhau du
lịch VN, áo gấm về làng đông quá, nên không tìm đâu ra sự gắn bó
đậm đà của tình chiến hữu như ngày xưa.. Ngày Tưởng Niệm Quốc Hận, đi lòng vòng quan sát, bạn sẽ cảm
thấy không khí hôm nay, vui như đang xem đại nhạc hội để… giải trí!
Mấy năm gần đây, nhờ hệ thống điện toán ngày càng tân kỳ, giải
quyết phần nào sự khắc khoải của mỗi cá nhân, trong mỗi hoàn cảnh. Cùng lúc các đài phát thanh, hệ thống truyền hình, báo chí tràn
ngập thành phố, mở mang kiến thức cho khán thính giả. Các bài viết được dịp phổ biến, nhờ vậy mà hồi ký của các
nhân vật có thẩm quyền trong chế độ cũ, lần lượt phơi bày mặt trái
của mọi vấn đề, chính trị lẫn tôn giáo trong cuộc chiến, dẫn đến
biến động tháng Tư đen.
Ðọc xong, càng thêm ngậm ngùi, thương cho thế hệ tuổi trẻ
Việt Nam, sinh nhằm thời ly loạn.
****
Tháng Tư, cũng là tháng sinh nhật của tôi. Như thông lệ, tôi
không tổ chức tiệc mừng, mà tự thưởng cho mình một thời gian riêng
tư, để lanh quanh đi tìm các bài thơ, bài nhạc, với những kỷ niệm
học trò một thời gắn bó, có bạn bè, người yêu đều là Lính. Vừa để
mắt tìm trong “Net”, lòng vẩn vơ nhớ những kẻ đã hy sinh, những người bạn học chung lớp, thành
kẻ thương tật khi vừa ra khỏi quân trường.
Họ đang ở đâu, có còn tồn tại sau Tháng 4 quốc nhục?
Tôi tìm thấy nhiều bài thơ rất ý nghĩa, của những người thanh niên
trẻ, bỏ tay viết thay tay súng, để bảo vệ quê hương, vẫn luôn giữ
được tính tính đôn hậu, như thứ tình yêu mơ màng thật dễ thương,
qua một bài thơ của tác giả Trần Ngọc Nguyên Vũ..
Bài thơ mang tên “Giao Thừa Trông Ánh Hỏa Châu Rơi”, xin chép lại
để chia xẻ cùng bạn đọc:
Ai về phố núi cao nguyên ấy.
Xin chuyển giùm tôi một lá thư
Tới ngừơi con gái buồn-muôn-thuở...
Từ độ xa nhau chẳng giã từ
Em gái xa nhà, tôi lính trận
Gặp gỡ qua giây phút ngại ngần
Thị trấn về đêm heo hút lạnh
Mưa rừng, quán vắng bỗng thành thân....
Tôi còn bà mẹ bầy em nhỏ.
Em cũng mẹ già, mấy đứa em
Cũng chiều tựa cửa ngồi trông đợi
Cũng mỏi mòn trông dưới ánh đèn.
Sinh ra thời loạn nhiều gian khổ
Phận má hồng thân lắm bụi trần
Tôi trải đời trai theo khói lửa
Em giặt lòng, vò nát tâm can
Em kể chuyện mình cay đắng quá
Cả đời chẳng được một lần vui
Thôi thì vận nước còn trôi nổi
Hãy mỉm cười thay những ngậm ngùi
Tôi móc hết tiền lương vừa lãnh
Nhìn em xỏa tóc phủ vai gầy
Nghẹn ngào khoé mắt rưng rưng lệ
Em nói lời nghe mưa bóng mây
Mai tôi ra trận, không cần đến
Em giữ mà may chiếc áo dài
Sắp đến tết rồi, về thăm mẹ
Mua quà cho mấy đứa em trai
Rồi đây trên bước đường xuôi ngược
Em dạt về đâu một kiếp người?
Tôi ở tiền đồn ngoài BenHet
Giao thừa trông ánh hỏa châu rơi!
Bạn có thấy chăng, người lính trẻ của chúng ta rất đôn hậu và dễ
thương không, với lời thổ lộ: “Tôi móc hết tiền lương vừa lãnh”, tặng cho cô gái nghèo đang mở quán mưu sinh để nuôi mẹ già, em
dại, vì anh lính nghĩ rằng, ngày mai anh sẽ ra chiến trường, biết
có còn sống mà tiêu xài tháng lương vừa lãnh!
Người lính đó, bây giờ về đâu trong cõi đời nghiệt ngã? Có phải anh vẫn hiển hiện trong cuộc sống lầm than, cơ cực,
qua lời thơ kể chuyện của nhà văn Mường Giang:
Có lần từ Mỹ về Phan Thiết
Theo bạn nhậu chơi tận Phú Long
Bữa tiệc nhà giàu đầy rượu thịt
Ðời vui như cảnh lạc tiên bồng
Ðang lúc ngả nghiêng cười ngặt nghẽo
Bỗng ai vừa trổi khúc ly ca
Tiếng đàn vọng cổ hờn, than, oán
Não nuột trời ơi, nước mắt nhòa
Ra ngó, gặp anh người hát dạo
Cụt chân, mù mắt, lết xe lăn
Phong trần, nhuộm bạc đời trai trẻ
Nhưng nét nam nhân vẫn khắc hằn
Mấy chục năm sầu, bao biển lệ
Mà anh vẫn giữ áo hoa rừng
Chiến y chằng chịt trăm lần vá
Bạc phết, đoạn trường lắm thảm thương
Anh hát toàn bài chinh chiến cũ
Ðiệu ru nước mắt, nát tim người
Hò, xề, sang, xứ như òa thét
Khiến kẻ vong gia cũng tả tơi.
Tàn tiệc, mỗi người trôi một nẻo
Loạn ly đời thế, mấy ai vui
Tôi về xứ lạ, làm bồi Mỹ
Quên chuyện long đong, khóc lẫn cười
Nhân có bạn từ Phan Thiết tới
Hỏi tin người hát dạo thương binh
Mới hay anh đã ôm đàn chết
Giữa một đêm mưa trước mái đình
Buổi đó vì đời làm lính trận
Tàn cơn lửa loạn chịu thương đau
Nay trơ nắm đất mồ vô chủ
Ðịnh mệnh gì đâu quá nghẹn ngào!
* Tháng 4 trên xứ người, đọc hai câu:
- “Mới hay anh đã ôm đàn chết.
Giữa một đêm mưa trước mái đình”, lòng xót xa buồn.
(Thật sự, mỗi lần đi gửi tiền cho anh em TPB, Nhóm chúng tôi rất xót
xa, khi nghe nhân viên của công ty LẸ gọi đến, yêu cầu thay tên anh
khác, vì người nhận đã qua đời cách đây vài tháng),
Cô bán quán ngày xưa, nếu qua được cuộc chiến, nay chắc thành bà
nội, bà ngoại. Nếu may mắn có được gia đình ấm êm, sống trong hạnh phúc, cô
có còn nhớ anh lính trẻ đã gặp trong thành phố buồn, của một thời
lặn lội mưu sinh?
Tháng 4, thành phố Houston sắp bước vào mùa Hè, ngày nắng ngày mưa, khi lạnh, khi
nóng. Mỗi khi trở trời, gặp ai cũng than thân thể bời rời, đau nhức. Bước vào tuổi 70, làm sao tìm được năng lực và thể chất của tuổi
30?
Mỗi lần bệu rệu như vậy, tôi mong mọi người hãy nghĩ đến các thương
binh ở quê nhà.Vết thương sau hàng chục năm, nhưng vẫn chưa lành, vì tâm trạng của một kẻ bị quên lãng.
Trong thân thể hãy còn lưu dấu vết của chiến tranh, còn miễng đạn
chỗ nọ, chỗ kia, mỗi khi thời tiết thay đổi, gây nhiều đau nhức. Thật sự họ đã lần
hồi nằm xuống trong đơn lạnh cô đơn, sĩ số TPB còn ngoi ngóp chẳng
bao nhiêu người. Họ đang sống trong tăm tối của cảnh đời thiếu
thốn, chờ đợi tình yêu thương của đồng đội cũ, như sự an ủi sau cùng...
Tháng 4 về của ngày Quốc Hận, tháng 6 tới với lễ kỷ niệm Quân
Lực... Những ai may mắn thênh thang ở hải ngọai, hãy rộng lòng chia
xẻ, góp chút tình cho anh lính thương tật, trước khi anh về cõi
vĩnh hằng, như lời một thương phế binh nhận được 100 đô la.
Anh Thương Phế Binh đã dặn dò con, có nội dung với đại ý như
sau:
-Con hãy giữ 100 đô la này, để dành mua cho ba cái hòm, để khi chết
đi, ba được ấm áp, vì được nằm trong vòng tay của tình chiến hữu./.
Hoàng Minh Thúy
__._,_.___
Posted by: Tran Tri Hoang <trantrihoang@yahoo.com>
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen