Freitag, 22. Januar 2016

Trong lòng Hà Nội

Hoàng Giang

                                               Cụ rùa Hồ Gươm đã chết - Ảnh 1.
Người ta thường nghĩ đến gì khi nhắc đến trong lòng Hà Nội? Hẳn là mặt Hồ Gươm màu xanh ngọc với Tháp Rùa nhỏ nhắn giữa lòng hồ, và bên dưới mặt hồ là linh vật trăm năm nằm lặng yên, chứng kiến biết bao sự kiện đổi thay của đất kinh kỳ. “Cụ” rùa – linh vật của đất Hà thành ngày 19/1/2016 đã mất. Tuy nhiên, thông tin “cụ” mất vừa được các báo đưa lên chưa đầy một giờ đồng hồ đã phải đồng loạt gỡ xuống vì nghe đâu đó việc dư luận xôn xao sẽ gây ảnh hưởng đến kỳ Đại hội XII vào ngày 20/1. Nghe quả thật ấu trĩ, nhưng ở Việt Nam thì những việc như thế kể ra vẫn thấy hợp lý vô cùng.
Mà khoan nhắc đến việc trọng đại kia, ta quay trở lại với “cụ” rùa. Dân tình thủ đô không ngớt nhắc về “cụ”, về những sự kiện lớn lao của đất nước nhiều năm gần đây khi mà “cụ” vô tình nổi lên bơi lòng vòng quanh hồ và cảm thấy buồn bã nuối tiếc khôn cùng cho sự ra đi của “cụ”. Có hẳn một bài phân tích về những lần “cụ” nổi lên và kết luận sâu sắc về khả năng giao cảm linh thiêng kỳ lạ của “cụ”. Năm 2000, vào thời khắc bắn pháo hoa đón chào năm mới cũng như đón chào một thiên niên kỷ mới, “cụ” liên tục nổi lên mặt hồ khiến nhiều người dân thủ đô phải rơi lệ. Tháng 11/2006, vào dịp Thủ đô Hà Nội đang tổ chức nhiều hoạt động đón mừng hội nghị APEC và sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, “cụ” cũng xuất hiện trước sự chứng kiến của đông đảo người dân thủ đô và du khách quốc tế. “Cụ” càng trở nên linh thiêng hơn khi nổi lên đúng dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, và gần đây nhất là trong lễ đại tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 13/10/2013 khi linh cữu của ông được đưa về đất mẹ Quảng Bình.

Cụ Rùa Hồ Gươm bao nhiêu tuổi?
Có lẽ không ai đặt ra nghi vấn rằng phải chăng “cụ” nổi lên đơn giản vì dân tình đang làm náo loạn mặt hồ lặng yên? Đại lễ, năm mới, phố xá trưng đèn khắp lối, pháo hoa bắn không ngớt, “cụ” nổi lên coi “tụi bây” đang làm gì mà không cho mình nghỉ, có khi lấy làm phiền lòng lắm lắm. Dù sao đó cũng chỉ là một cách nghĩ hài hước vậy thôi. Điều tôi thực sự băn khoăn, đó là chúng ta có đang thực sự coi “cụ” rùa như linh hồn của đất Hà Thành hay không? Việc “cụ” mất đang được quan tâm hết mực rồi liệu sẽ chìm nghỉm như một tin lá cải cũ kĩ ngày hôm qua? Sẽ phũ phàng như một gáo nước lạnh tạt vào mặt bất cứ người dân nào đang sống tại thủ đô rằng thực chất chẳng có một “cụ” rùa nào, đó chỉ là một loài động vật sống lâu năm chậm chạp không hơn không kém. Đảm bảo có cả ngàn người sẵn sàng miệt thị dè bỉu kẻ to gan ấy. Mới chỉ năm trước có tin đồn thất thiệt về việc “cụ” rùa mất, mà đã bị dọa khởi tố lên tòa chứ chẳng đùa. Nhưng thực sự, nếu coi rùa là một linh vật, thì tại sao việc “cụ” bao nhiêu tuổi cũng không có sách vở nghiên cứu chính thức nào kiểm chứng? Và ngay cả việc bảo đảm một môi trường sống xanh sạch đẹp cho “cụ”, chính quyền không có kế sách bảo vệ, cá nhân người dân cũng không bận tâm?
Cuối năm 2010 đầu năm 2011, “cụ” rùa đã 2 lần nổi lên, thậm chí tiến đến gần bờ, đưa chân trước bị lở loét cào cào lên thành hồ. Người dân xung quanh cũng từng thấy “cụ” nổi lên cõng trên lưng giống rùa tai đỏ - một loại động vật ăn tạp, được xếp vào 1 trong 100 loại sinh vật xâm hoại nguy hiểm nhất thế giới. Có vô số người đã ngang nhiên (hay quá hồn nhiên) thả loại rùa này xuống hồ với mục đích phóng sinh, hoặc có lẽ như một cách an ủi “cụ” rùa nhà có thêm con đàn cháu đống quay quần xung quanh cho đỡ đơn độc. Quả thật, “cháu chắt” cứ thế mà bám víu lên mai mềm mà gặm nhấm “cụ”. Ba tháng sau ngày nổi lên “kêu cứu”, “cụ” mới được đưa lên hồ chữa trị. Không rõ sau đó môi trường nước có được cải tạo hơn chăng hay “cháu chắt” nhà tai đỏ vẫn còn tự do giữa lòng hồ tiếp tục sinh đẻ thêm giống nòi để ngự trị “vùng giang sơn” của “cụ” rùa già yếu kia.
Nếu đứng từ xa mà nhìn xuống lòng Hà Nội, Hồ Gươm xanh biếc như hòn ngọc, trong vắt và đẹp đẽ. Nhưng tiến gần lại thì thật khó tin vào mắt mình. Hàng trăm thứ rác trôi nổi dọc bờ tường như hộp sữa, hộp bánh, que kem, túi nhựa… Thi thoảng có vài người lao công đi quanh hồ vớt rác. Vớt xong thì ngay lập tức đâu lại vào đấy. Mấy năm gần đây, khu vực nội thành rộ lên phong trào “countdown” đếm ngược vào dịp Tết tây. Đếm ngược xong là bờ hồ đón chào năm mới bằng cả ngàn mớ rác và hoa lá cây cỏ bị dẫm nát bươm. Không rõ mùng 1 tháng Giêng năm nay “cụ” rùa có nổi lên mà ngắm nhìn Hà Nội những ngày cuối cùng trước khi nhắm mắt hay chăng?
Cái hồn của thủ đô, không phải chỉ riêng “cụ” rùa đang bơi lội tung tăng dưới mặt hồ giữa lòng Hà Nội. Mà đó còn là “Gánh hành phở nóng trước chợ Đông Xuân… Rồi hàng xôi, hàng bánh cuốn nóng, hàng bánh tây chả…”, là “Hàng Mứt, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh”, là “những phố cũ, hẹp và khuất khúc, với những nhà thò ra thụt vào, những mái tường đi xuống từng bậc như cầu thang, những cửa sổ gác nhỏ bé và kín đáo…” và, còn là cái hồn nằm bên trong mỗi người dân đang ngày ngày đi qua bờ hồ liễu rủ rêu xanh, cái hồn nhẹ nhàng thanh thoát không xô bồ sân si, mang tình yêu vùng đất cổ như yêu chính bản thân mình, là biết nghĩ và biết giữ cho sạch cho đẹp như gìn giữ cho chính tâm hồn mình, giản dị và thanh khiết. “Cụ” rùa mất đi, Hà Nội mất đi một phần những gì tốt đẹp cuối cùng còn ở lại giữa đất kinh kỳ ngàn năm, mà ngay ngày sau đó, người ta cũng nhanh chóng bỏ mặc và lãng quên.
__._,_.___

Posted by: Bich Huyen <bichhuyen36@hotmail.com>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen