Donnerstag, 10. Dezember 2015

Chuyện hoa hậu nước nhà

Hoàng Giang
Ở Việt Nam mỗi năm tự dưng mọc thêm độ chục cô hoa hậu mới ở đủ mọi thể loại các cuộc thi sắc đẹp khác nhau, từ ao làng ra đến quốc tế. Cứ đến đợt, ra đường là phải hỏi nhau mấy chuyện kiểu “có biết em hoa hậu này em á hậu kia hay không?” Trong khi báo chí cộng thêm một loạt trang tin nước nhà đăng đầy ảnh “các ẻm” trên trang nhất, thi nhau tung hê phong trào vote để thể hiện “niềm tự hào Việt Nam”, thì tôi cho rằng mấy cái sự kiện như vậy tào lao hết sức.
Cuối tuần tôi xem một bộ phim hài của Mỹ tên là “Spy”, nói về một nhân viên CIA vốn chỉ ngồi phòng hậu cần hỗ trợ các điệp viên khác trực tiếp vật lộn ngoài chiến trường bắt tội phạm, nay cũng xung phong xông pha trận mạc luôn. Trong phim có anh điệp viên người Ý, hễ cứ gặp gái đẹp là tung hê hết lời, từ những em hoàn hảo đến từng mili cho đến em tròn trịa quá khổ (như nhân vật chính). Đàn ông Ý miệng lưỡi lả lơi tôi biết, cái đáng nói là thái độ của những cô nàng kia, khi được khen là cười nhếch mép, liếc mắt đưa tình một cái rồi ngoảnh mặt bước đi thong dong. Ấy là cái thần thái của phái đẹp được khen ngợi và tôn trọng hàng ngày, hàng giờ. Nếu không phải nước Ý, nói đến quốc gia đa chủng tộc như Mỹ đi, tuy rằng đàn ông Mỹ không nói những lời có cánh được như các đấng mày râu châu Âu, nhưng cử chỉ dành cho phái đẹp thì cũng khỏi bàn, từ nho nhỏ như giữ cửa, kéo ghế, đến to to như bao bọc che chở cho người mình yêu bất kể nàng là ai, đến từ đâu, xuất thân như thế nào (như bộ phim nổi tiếng Pretty Woman).

Ngày còn đi học, tôi đi làm cho đài phát thanh của trường. Ngày ngày chuyên đi đọc tin tức địa phương, quốc gia quốc tế đủ cả mà tìm mỏi mắt không “bói” đâu ra một thông tin về cuộc thi sắc đẹp nào. Chuyện trò với bạn bè thì để ý thấy hầu hết không ai để ý đến hoa hậu gì hết. Hỏi tên hoa hậu quốc gia thì 9/10 người ú ớ trả lời là không biết, 1 người còn lại thì nói 1 cái tên lạ hoắc đâu đâu rồi biểu “thấy bà ngoại tui kể vậy”, biết chắc là đang kể nàng hoa hậu những năm 60s gì đấy rồi. Nói đi phải nói lại, chứ kết luận ngay là người Mỹ không quan tâm đến sắc đẹp thì bất công quá. Tụi con trai đại học bên này có một câu đùa rằng “đàn ông mà không biết hết tên các nàng thiên thần Victoria’s Secret là tụi bây chưa dậy thì”. Đó, đến ngày show diễn của hãng thời trang đồ lót này là cả trường lại cứ sôi sục rần rần lên, chẳng khác chi mấy dịp bầu cử tổng thống hay ngày hội bóng bầu dục “Super Bowl”.
Lan man như vậy, điều tôi muốn nói ở đây là gì? Các bạn có thể hỏi rằng show trình diễn đồ lót kia thì có khác quái gì mấy ẻm đi thi hoa hậu mặc đồ lót đi qua đi lại? Khác chứ, và đó là điều quan trọng nhất, không có giám khảo ngồi soi xét, đánh giá, ngắm chán chê để chấm điểm, và khán giả cũng chính là “giám khảo” khi tham gia phong trào bình chọn. Ở những nước văn minh, dân tình không cổ xúy, ca ngợi những cuộc thi như vậy và hiển nhiên không cho rằng hoa hậu đại diện cho bộ mặt quốc gia. Truyền thông lại càng thờ ơ. Bởi một đất nước bình đẳng thì không quan tâm đi chấm điểm sắc đẹp của phụ nữ. Nữ quyền được khẳng định qua tài năng và khả năng cống hiến cho xã hội. Những cô gái đẹp nghiêng nước nghiêng thành sẽ không ngần ngại đi thi tuyển làm người mẫu, tập luyện ăn uống chuẩn mực để tích cực đóng góp những show diễn hoành tráng. Chính vì vậy không ít người mẫu tên tuổi được cả xã hội trân trọng và ngưỡng mộ như Cindy Crawford, Gisele Bundchen, Kate Moss… Phụ nữ tài, hiển nhiên sẽ làm các công việc xã hội, kinh tế, chính trị khác. Chính thế mà ở bất cứ một lĩnh vực nào, phụ nữ cũng đều có vị thế đáng nể. Việc của họ là làm những gì họ giỏi, họ thích vì năng lực mới luôn là điều mà bản thân mỗi người cần phải thể hiện ra, còn nhan sắc ư? Họ đẹp bởi chính sự tôn trọng và nâng niu từ những người đàn ông xung quanh mình.
Cái tâm lý tung hê, coi trọng cái đẹp ở nhan sắc ăn sâu vào đời sống người Việt. Chính những người phụ nữ dù tân tiến và độc lập, cũng cứ đi theo lối mòn đó, cho rằng nhan sắc sẽ giữ gìn hạnh phúc. Hàng trăm bài viết tôi đọc trên các trang tin dành cho phụ nữ luôn luôn khuyên nhủ các “mẹ” cần phải dành thời gian làm đẹp, chăm chút sắc đẹp cho bản thân để… kiếm chồng và giữ chồng. Từ đó nảy sinh ra một trào lưu “không cần làm gì, chỉ cần đẹp.” Hiển nhiên là cần được lăng xê trên mặt trận truyền thông nữa. Tôi rõ ràng không phê phán những cô gái đi thi hoa hậu, các cô có quyền làm những gì mình mong muốn. Điều bản thân tôi băn khoăn là bên cạnh việc đưa một cô gái lên sàn sắc đẹp như Miss Universe, chúng ta còn có gì để “khoe” với quốc tế hay chăng? Liệu sẽ có một công trình nào của Việt Nam được nhắc đến với tầm vóc lớn lao hơn, trường tồn hơn?
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen