© Trần Hồng Tâm
Sáng
qua tại Sài Gòn, thành phố mà đến cái tên của nó cũng bị mang ra hành
quyết, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày mà Đảng
gọi là giải phóng miền Nam, vô cùng hoàng tráng. Khoảng 10 ngàn người đã
được huy động tham dự duyệt binh và diễu hành. Đó là nghi thức thường
thấy tại những quốc gia độc tài cộng sản như Bắc Triều Tiên, Trung Quốc,
Việt Nam và Nga.
Để
có vài chục phút duyện binh trên quảng trường hào nhoáng, người ta phải
tuyển chọn những người có đủ chiều cao, cân nặng, gương mặt dễ nhìn, lý
lịch bản thân và cả lý lịch gia đình “trong sạch” rất kỹ lưỡng. Sau đó,
là một quá trình luyện tập công phu, thân mình thẳng, gối thẳng, cổ
chân thẳng, bàn chân thẳng đá ngược cao ngang hông, gót nện mạnh xuống
mặt đường, tay vung cao ngang ngực, hoặc mang vũ khí, mặt đằng đằng sát
khí. Tư thế này khởi nguồn từ Hồng quân Liên Xô, nó trái ngược với cấu
trúc giải phẫu và sinh lý con người. Hơn nữa, duyệt binh rất tốn kém về
cả thời gian, tiền bạc, và công sức, nhưng không có một giá trị thực tế
nào. Bởi vì, duyệt binh không thể làm quân đội mạnh lên. Chẳng ai lạ gì,
đó chỉ là những màn khoa trương hù dọa những người yếu bóng vía, phù
phiếm tuyên truyền cho những người cả tin. Sự thực, duyệt binh là triệu
chứng “phô trương cộng sản” nằm trong hội chứng kiêu ngạo cộng sản.
Tại
buổi lễ này, thiên hạ khá chưng hửng, ngạc nhiên nếu không nói là thất
vọng về bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trước đây, mỗi khi
đăng đàn, ông thường có những phát biểu khá sòng phẳng với Trung Quốc
như “không thể đánh đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông” hay
“không có chuyện nhà tôi cũng là nhà anh”. Nay, hình như gió đã đổi
chiều. Ông khá nhũ nhặn “một lần nữa chúng ta chân thành cảm ơn các nước
xã hội chủ nghĩa nhất là Liên Xô, Trung Quốc”. Liên Xô giờ đã lên đường
theo Bác, chỉ còn lại Trung Quốc thụ hưởng vai trò ân nhân. Chúng ta
không ngạc nhiên mối quan hệ Trung – Việt là mối quan hệ của kẻ ban ơn
và người chịu ơn.
Ngược
hẳn với ngôn từ hàm ơn trên, ông Dũng có dọng điệu của thời chiến
tranh, công kích nặng lời, sặc mùi bảo thủ, giáo điều và thù hận nhằm
vào Mỹ:“Đế quốc Mỹ đã ngang nhiên áp đặt chế độ thực dân kiểu mới, biến
miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, đàn áp tàn bạo Cách mạng
miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại khốc liệt ở miền Bắc. Chúng
đã gây ra biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với
đồng bào ta, đất nước ta.”
Dư
luận đánh giá ông là một người ôn hòa gần Mỹ. Các con ông phần lớn học
tại Mỹ, hoặc các nước phương Tây, đồng minh của Mỹ. Con rể ông người Mỹ
gốc Việt, lớn lên trên đất Mỹ, tốt nghiệp Harvard. Thông gia của ông là
công chức cao cấp của Việt Nam Cộng hoà. Thế nhưng ông chẳng nể nang.
Ông không có thứ ngôn ngữ khôn khéo của nhà ngoại giao. Ông không mang
một bóng dáng khôn ngoan của chính khách hiểu biết thời cuộc. Bài diễn
văn đã bộc lộ ông đã thuợc về đám giáo điều bảo thủ. Ông Dũng vẫn rất
nặng lời sỉ vả, trịch thượng, hống hách, ngạo mạn “đánh cho Mỹ cút, đánh
cho Ngụy nhào”. Không hiểu ông còn định đánh Đế quốc Mỹ, và ngụy đến
khi nào. Đây nhất định không phải là ngôn ngữ của hòa giải, hòa hợp, hay
hòa bình, mà là ngôn ngữ của hận thù, chia rẽ, và bạo lực.
Ông
Dũng kêu gọi “kép lại quá khứ,” nhưng ông lại tỏ ra nhất bên trọng nhất
bên khinh. Tại sao ông chỉ “kép lại” với Trung Quốc, mà không làm như
vậy với Mỹ và người anh em miền Nam. Ông đả kích tội ác của Mỹ, nhưng
ông lờ đi tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ do Trung Quốc chỉ đạo, và viện
trợ. Ông lờ đi tội ác của Trung Quốc gây ra ở biên giới phía Bắc. Đặc
biệt và đau đớn nhất, diễn văn không có một lời nào nói đến sự kiện nóng
bỏng là Trung Quốc đã chiếm xong toàn bộ biển Đông, đang củng cố sức
mạnh bằng việc xây cất những căn cứ quân sự trên đảo. Phải nhấn mạnh ở
đây rằng Trung Quốc đã chiếm xong biển Đông, vấn đề còn lại là họ giữ
thế nào.
Thiết
tưởng cũng nên có đôi lời về cụm từ “kép lại quá khứ” mà ông Dũng đã
dùng. “Kép lại quá khứ” không có nghĩa là xóa bỏ lịch sử. Tội ác của
Khmer Đỏ tại biên giới Tây Nam, do Trung Quốc chỉ đạo, tội ác của quân
bành trướng đại Hán ở biên giớ phía Bắc 1979, và ở biên Đông hôm nay là
sự thực, là bằng chứng lịch sử. Đảng Cộng sản đang tìm mọi cách để xóa
bỏ lịch sử, bao che tội ác cho đế quốc đại Hán. Ông Dũng cùng với Đảng
của ông đã nhầm. Đảng không thể xóa bỏ ký ức của mỗi người Việt. Qua đây
người ta thấy rõ hơn Đảng ở phía nào: Quân xâm lược đại Hán hay nhân
dân Việt Nam.
Bài
diễn văn khoảng trên 3000 từ, nhưng ông Dũng nhắc tới Hồ Chí Minh mười
lăm lần. Bác kính yêu của ông Dũng đã có mặt gần như hầu hết trong mọi
đoạn văn, lộng ngôn, tâng bốc, bịa đặt một cách sượng sùng “Chủ tịch Hồ
Chí Minh vĩ đại – Lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh
nhân văn hóa thế giới – Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất
nước ta.”
Người
nghe diễn văn này có cảm giác nó đã được xào xáo lại từ những bài viết ở
thời Lê Duẩn cả về tâm thức và ngôn từ. Nó là sự pha trộn giữa sự ngạo
nạn của những kẻ chiến thắng “muôn năm”, “vĩ đại”, “bất diệt”, “vinh
quang”, “hào hùng”, và sự hãnh tiến của những người nắm quyền lực: “tự
hào”, “vẻ vang”, “sáng suốt”, “thiên tài”, “thiêng liêng”. Nó là món lẩu
tạp nham của sự hợm hĩnh, trịch thượng, và ngộ nhận coi đó là “chiến
công vĩ đại của thế kỷ XX”, “của dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế
giới.”
Nói
cho thật chính xác, đó là chiến công vĩ đại của Đảng, chỉ của riêng
Đảng, nhất định không phải là chiến công của dân lao động Việt Nam, càng
không phải là chiến công của loài người trên thế giới như lời ông nói.
Người
ta không tìm thấy một bóng dáng nhân văn của lòng kiêm tốn, của tình
thương yêu, và sự hòa giải. Người nghe không tìm thấy một chút sự thực
Việt Nam đang ở đâu sau 40 năm trên bậc thang giữa đói nghèo và thịnh
vượng, giữa lạc hậu và tiến bộ, giữa tham nhũng và trong sạch, giữa tự
do và kìm kẹp, giữa nhân ái, nhân quyền và bạo lực.
Diễn
văn của ông, mang đầy bóng dáng của nhà tuyên giáo hạng xoàng, mà giờ
đây những người tư duy độc lập gọi đó là “Hội chứng kiêu ngạo cộng sản”.
May 1, 2015
© Trần Hồng Tâm
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen