18/05/2015
Nguyễn Hưng Quốc
Ở Việt Nam, từ mấy năm nay, dư luận thường xôn
xao trước hiện tượng công an bắt người trái phép, mang vào đồn và đánh đập đến
chết. Thi thể được mang vào bệnh viện xét nghiệm, người ta thấy người thì giập
phổi, người thì toàn bộ nội tạng đều bị nát nhừ. Có trường hợp công an thừa nhận
dùng nhục hình để tra tấn; có trường hợp chúng chối phăng, cho là nạn nhân hoặc
tự tử hoặc bị bệnh từ trước hoặc lén lút dùng ma tuý quá liều.
Tổ chức Human Rights Watch ghi nhận được 31 trường
hợp bị đánh chết trong các trại tạm giam của công an trong bốn năm (2011-2014).
Con số này chắc chắn không đầy đủ. Theo một báo cáo của Bộ Công an mới đây,
trong khoảng bốn năm, từ ngày 1/10/2011 đến 30/9/2014, tổng cộng có 226 người bị
chết trong các nhà tạm giam vì nhiều lý do khác nhau, trong đó, có lý do là nhục
hình. Điều cần lưu ý là công an chỉ thừa nhận việc dùng nhục hình khi không thể
chối cãi được nữa nên những lý do vớ vẩn họ đưa ra như tự tử hay bị bệnh đều có
thể không đúng sự thật.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý không phải chỉ việc
công an tra tấn nhiều người đến chết mà còn một khía cạnh khác không kém quan
trọng: khi việc tra tấn bị phanh phui, không thể giấu nhẹm được nữa, phải mang
ra toà xét xử, các bản án dành cho công an phạm tội tra tấn dẫn đến cái chết của
những người dân vô tội đều rất nhẹ, người thì được tha bổng, người thì bị tù
treo, chỉ hoạ hoằn mới có một số công an bị tù giam, nhưng ngay trong trường hợp
ấy, án tù cũng chỉ vài ba năm, nói theo luật sư Võ An Đôn, hoàn
toàn không có tác dụng răn đe để công an đừng tái
phạm.
Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao công an lại
càng ngày lại càng tra tấn người dân một cách dã man như vậy? và tại sao các bản
án dành cho các công an tra tấn dân chúng đến chết lại nhẹ nhàng đến như vậy?
Trả lời câu hỏi trên, chúng ta tiếp cận một sự thật: chính phủ không hề đưa ra
chủ trương và hình thức kỷ luật nào để hạn chế các hành động tra tấn đến chết.
Trả lời câu hỏi dưới, chúng ta tiếp cận một sự thật: chính phủ cũng không hề
muốn trừng phạt những công an phạm tội dùng nhục hình để bức cung. Hai câu trả
lời ấy lại dẫn đến một sự thật khác: Chính phủ muốn dùng sự khủng bố để đe doạ
mọi người.
Khủng bố là hành vi bạo động nhằm gây hoang
mang, lo lắng và sợ hãi trong dân chúng. Về phạm vi, có hai hình thức khủng bố
chính: Khủng bố thuộc tổ chức (organization terrorism) và khủng bố thuộc nhà
nước (state terrorism).
Tiêu biểu nhất cho loại khủng bố thuộc tổ chức
gần đây là sự khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan: Họ sống rải rác trên
nhiều quốc gia khác nhau nhưng có chung một nỗi hận thù đối với văn hoá và văn
minh Tây phương, chung một tham vọng muốn phát triển nhà nước Hồi giáo khắp nơi
trên thế giới và chung một biện pháp: sử dụng bạo lực để giết càng nhiều người
càng tốt, gây tiếng vang càng lớn càng tốt và càng làm cho càng nhiều người
khiếp hãi càng tốt.
Khủng bố thuộc nhà nước thì có hai mức độ: Một,
ủng hộ và tài trợ cho các tổ chức khủng bố để chúng gieo rắc tội ác ở những nơi
khác và hai, bản thân nhà nước đóng vai trò khủng bố đối với dân chúng trong
chính nước của họ. Thuộc loại trên, Tổng thống Mỹ George W. Bush, vào năm 2002,
cho có ba quốc gia chính được gọi là “trục ma quỷ” (Axis of evil), bao gồm Iraq,
Iran và Bắc Triều Tiên. Thuộc loại dưới, tất cả các quốc gia độc tài, với những
mức độ khác nhau, đều là những nhà nước khủng bố: Họ sử dụng bạo lực để làm dân
chúng sợ hãi, từ đó, triệt tiêu mọi ý định phản kháng, hoặc thậm chí, phản
biện.
Trong ý nghĩa đó, không còn hoài nghi gì nữa,
nhà nước Việt Nam hiện nay là một nhà nước khủng bố.
Thật ra, tính chất khủng bố ấy đã xuất hiện ngay
từ khi nhà nước Việt Nam (cộng sản) vừa mới ra đời. Ngay sau Cách mạng tháng
Tám, họ đã có chính sách tiêu diệt những người đối lập và đối kháng, qua đó, gây
khiếp hãi trong quần chúng để không ai dám chống lại họ nữa. Chính sách này càng
trở thành phổ biến trong cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam
trong giai đoạn 1954-75. Chính sách gọi là “trừ gian diệt bạo” thực chất là một
sự khủng bố. Theo Anthony James Joes, trong cuốn “The War for South Vietnam
1954-75” (New York: Fraeger, 1989, tr. 46), trong cuộc chiến tranh Nam Bắc, Việt
Cộng đã giết khoảng 20% các cán bộ làng xã ở miền Nam. Chỉ trong năm 1960, họ
giết khoảng 1.400 công chức và thường dân; năm 1965, con số bị họ giết lên đến
25.000 người. Theo Walter Laqueur, trong cuốn “Guerrilla, a Historical and
Critical Study” (London: Weidenfeld and Nicolson, 1977, tr, 262-271), những sự
khủng bố của chính quyền miền Bắc có quy mô và mức độ tàn độc hơn cả Trung cộng
trong cuộc chiến chống lại Tưởng Giới Thạch trong thập niên 1940.
Đó là thời chiến tranh. Tại sao bây giờ, thời
bình, chính quyền lại tiếp tục sử dụng các biện pháp khủng bố như vậy đối với
dân chúng?
Câu trả lời, theo tôi, là vì họ sợ.
Chính quyền Việt Nam hiện nay thừa biết dân
chúng không còn tin họ, không còn phục họ, và sẵn sàng đứng dậy chống lại họ khi
quyền lợi của người dân bị xâm phạm. Bởi vậy, chính quyền quay mặt làm ngơ, nếu
không muốn nói là âm thầm khuyến khích, việc công an dùng nhục hình đối với dân
chúng. Chính quyền không hề có ý định răn đe công an. Chính quyền chỉ muốn răn
đe dân chúng: Chống lại chính quyền thì chỉ có chết!
Bất cứ chế độc tài nào cũng xây dựng quyền lực
trên hai nền tảng: tuyên truyền và khủng bố. Công việc tuyên truyền của chính
quyền Việt Nam gần đây rõ ràng là đã thất bại: Họ không còn thuyết phục được dân
chúng về tính chính nghĩa của họ, đặc biệt trước hai vấn nạn: dân chủ và chủ
quyền (đặc biệt ở Biển Đông). Thất bại về tuyên truyền, họ chỉ còn cách duy nhất
là gia tăng mức độ khủng bố.
Mục tiêu của khủng bố là làm cho dân chúng sợ.
Nhưng động cơ thực sự của sự khủng bố là sợ dân chúng nổi dậy chống lại chính
quyền.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen