Freitag, 10. April 2015

'Nhật-Mỹ tin nhau và cùng cảnh giác TQ'

  • 8 tháng 4 2015
                                
Nhiều người Mỹ nói họ không biết đến ông Shinzo Abe

Bảy thập niên sau vụ Nhật tấn công Trân Châu Cảng và lôi Hoa Kỳ vào cuộc chiến toàn cầu, Mỹ và Nhật nay trở nên rất tin cậy nhau và cùng cảnh giác trước Trung Quốc, hãng tin AFP tường thuật, dựa trên kết quả một cuộc thăm dò dư luận.
Tương phản với những lời kêu gọi từ phía Bắc Kinh, theo đó muốn Nhật phải ăn năn hối hận nhiều hơn nữa về Đại chiến Thế giới II, khoảng hai phần ba người Mỹ cho rằng Tokyo xin lỗi đã đủ mức và do đó không cần phải nói lời hối tiếc thêm nữa.

Kết quả được công bố hôm thứ Ba của Trung tâm Nghiên cứu Pew đặt tại Mỹ, chỉ vài tuần trước khi ông Shinzo Abe theo kế hoạch sẽ tới thăm Hoa Kỳ, nơi ông sẽ là thủ tướng Nhật Bản đầu tiên phát biểu trước phiên họp chung của lưỡng viện Hoa Kỳ.
Bài phát biểu của ông sẽ được theo dõi sát sao để tìm chỉ dấu cho việc ông sẽ kỷ niệm sự kiện 70 năm kết thúc Đại chiến Thế giới II vào cuối năm nay ra sao, trong lúc Bắc Kinh thúc giục ông hãy "thể hiện sự thành thật" về các tội ác trong quá khứ của Nhật.
Thế nhưng cuộc thăm dò dư luận của Pew cho thấy người dân Nhật Bản và người dân Hoa Kỳ hầu như không có thái độ thù nghịch nào đáng kể đối với nhau, dẫu hai nước đã có bốn năm chiến tranh cho tới tận 1945 và sau đó là việc Mỹ chiếm đóng Nhật cho tới tận 1952.
"Là kẻ thù trong Đại chiến Thế giới II, là đối thủ cạnh tranh kinh tế khốc liệt trong những năm 1980 và đầu thập niên 1990, Mỹ và Nhật Bản vẫn tôn trọng lẫn nhau sâu sắc," tổ chức nghiên cứu này nói trong báo cáo hàng năm, được thực hiện dựa trên khảo sát 1.000 người từ mỗi nước.
Khoảng 68% người Mỹ tin cậy Nhật Bản và 75% người Nhật tin vào Hoa Kỳ, theo kết quả khảo sát, trong khi chỉ có 30% người Mỹ và 7% người Nhật tin tưởng Trung Quốc.
Cứ trong 10 người Mỹ thì có sáu người tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc như một sức mạnh quân sự và kinh tế làm cho mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ trở nên quan trọng hơn, bản báo cáo nói.
Đồng thời, "nhiều người Mỹ, đặc biệt là giới trẻ Mỹ, nghĩ rằng việc có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc thì quan trọng hơn là mối quan hệ kinh tế với Nhật Bản," bảo báo cáo nói.
"Đa số người Mỹ xem Nhật Bản là một cường quốc kinh tế trên thực tế, không tăng cũng không giảm."
Thương hiệu Nhật Bản được dư luận Mỹ đánh giá cao, với Sony rất được ưa chuộng, được 88% người tham gia khảo sát lựa chọn, còn hãng xe hơi Toyota được 85%.
Tuy nhiên, với "thương hiệu" Abe thì không tốt mấy: "Chỉ có 11% người Mỹ đánh giá tốt về Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm Shinzo Abe."
"Nhưng điều này phần lớn rất có thể chỉ là bởi 73% người được hỏi nói rằng họ chưa từng nghe nói về ông," bản báo cáo nói.
Về vấn đề lịch sử, các vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki khiến 140 ngàn người và 70 ngàn người thiệt mạng tại mỗi thành phố lâu nay đã làm phân rẽ người Mỹ và Nhật Bản.
Trong cuộc khảo sát mới nhất, 56% người Mỹ nói họ tin rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân là thỏa đáng nhằm kết thúc chiến tranh, còn 34% phản đối.
Tại Nhật Bản, chỉ 14% nói việc thả bom là chấp nhận được, trong lúc số phản đối là 79%.
"Mặc dù có sự bất đồng kéo dài quanh sự kiện thả bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki, không mấy người Mỹ hay Nhật tin rằng Nhật Bản vẫn còn nợ một lời xin lỗi cho hành động của mình trong Đại chiến Thế chiến II," bản báo cáo nói.
Tổng cộng có 61% người Mỹ nói là Nhật Bản đã xin lỗi đủ về cuộc chiến và nay không cần phải xin lỗi nữa, và 29% cho rằng Nhật chưa nhận lỗi đủ về những gì Nhật đã làm trong cuộc xung đột.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen