Mittwoch, 1. Oktober 2014

Trung Quốc hăm dọa “Anh, Mỹ chớ nên nhúng tay vào Hồng Kông“

Biểu tình ở Hong Kong

Các cuộc biểu tình phản đối của giới sinh viên-học sinh dám đương đầu với cảnh sát HK trong dịp cuối tuần và kéo dài đến thứ Hai qua đã làm ngưng trệ mọi hoạt động kinh doanh ở nhiều điểm tại HK.

Cảnh sát chống bạo loạn rút lui, nhưng người phản đối vẫn ở ngoài đường, phản đối việc ban thường vụ quốc hội TQ hồi cuối tháng 8 ra nghị quyết, chỉ cho phép vài ứng cử viên (do Bắc Kinh xét chọn) cho cuộc bầu cử chức đặc khu trưởng Hồng Kông vào năm 2017. 
Trước đó vào năm 1997, khi TQ nhận lại thuộc địa Hồng Kông từ Anh, đã hứa sẽ để người dân đặc khu này có quyền bầu cử tự do.
Cảnh cáo các thế lực thù địch
HK là nơi mà Bắc Kinh muốn chứng tỏ khả năng điều hành một điểm đến tài chính tất bật nhất châu Á mà không phải can thiệp gì nhiều. Ông Tập đang muốn chứng tỏ là một lãnh đạo hiệu quả nhất từ hàng chục năm nay, và Đảng Cộng sản TQ (CPC) hoàn toàn kiểm soát được nhiều vấn nạn của TQ, gồm tham nhũng, thu nhập bất bình đẳng, bất ổn xã hội...
Nhưng nay, ông Tập đối diện những lựa chọn khó khăn: nên chỉnh sửa hệ thống bầu cử ở HK và tỏ ra yếu thế, hay là dùng vũ lực giải tán người phản đối, điều có thể làm gợi nhớ sự kiện Thiên An Môn năm 1989, quân đội đàn áp đẫm máu người biểu tình đòi dân chủ?   
Những ngày qua,ông Tập ở Bắc Kinh không có bình luận nào về cuộc phản đối. Chỉ có những phát ngôn viên nói cuộc phản đối là trái pháp luật và cảnh báo nước ngoài chớ nên can thiệp vào chuyện nội bộ của TQ.
Ngay từ trước khi HK được Anh trao trả cho TQ, Bắc Kinh đã lo ngại vùng đất theo tư bản chủ nghĩa này có thể là địa bàn để “thù địch” xâm nhập và gây rối ở TQ.
Ngày 29.9, Bộ Ngoại giao TQ dùng chủ đề này, cảnh cáo các chính phủ nước ngoài nên đứng ngoài chuyện nội bộ TQ, gồm “các thế lực bên ngoài ủng hộ những hành động phi pháp” ở HK.
Vài giờ trước đó, lãnh sự quán Mỹ ở HK nói họ “nhiệt liệt ủng hộ” các truyền thống lâu nay của HK và Luật bảo vệ cơ bản (được quốc tế công nhận về các quyền tự do cơ bản như tập kết tự do và hòa bình, tự do ngôn luận và tự do báo chí).
Chính phủ Anh thì nhấn mạnh  “các quyền cơ bản và sự tự do của HK, gồm quyền biểu tình”.
PLA không thể can thiệp 
Cuộc “bất tuân dân sự” ở  HK làm xôn xao dư luận ở Đài Loan (ĐL), nơi mà tuần trước, ông Tập nói sự bán tự trị của HK là “mô hình mẫu” để đem ĐL về với TQ, trong một cuộc gặp các đại diện ĐL.Nhưng nhiều người ĐL bày tỏ tình đoàn kết với người phản đối HK phải chịu hít hơi cay. 
Alex Huang, giáo sư khoa chính trị thuộc đại học Tamkang (ĐL) nói: “Nếu Bắc Kinh có ý định tạo ra một hình ảnh đẹp trong lòng dân ĐL, thì những gì xảy ra ở HK là hoàn toàn không giúp ích được gì”.
Các cuộc biểu tình này phơi trần những vấn đề nhạy cảm cho lãnh đạo TQ. Bắc Kinh luôn ngại xảy ra những vụ biểu tình tương tự ở một vùng nào đó tại TQ mà nếu không ngăn chặn, có thể kích động người dân ở các vùng khác nổi dậy, trở thành một “cuộc cách mạng màu” kiểu TQ.
Hoàn cầu thời báo (phụ san của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của CPC) đã bình luận: “Phong trào xuống đường có thể hóa thành cuộc cách mạng khi có thêm nhiều người biểu tình.
Nhưng HK không phải là một quốc gia, không có điều kiện để trở thành một cuộc cách mạng màu, cũng không có một thế lực nào đủ tầm ảnh hưởng để vận động toàn dân”.
Trước đó, một bài đăng trên trang web báo này đã bị rút xuống, vì tác giả đề cập chuyện Quân đội Giải phóng nhân dân TQ (PLA) có thể được đưa vào HK, nếu cảnh sát không thể kiểm soát nổi cuộc biểu tình.
Bắc Kinh rất cảnh giác để không tái diễn chuyện ở HK tại các vùng khác như Tây Tạng và Tân Cương bất ổn. Tin tức, hình ảnh từ HK được kiểm soát kỹ trên giới truyền thông TQ và trên các mạng xã hội.
alt
Cảnh sát mệt mỏi sau cuộc ngăn chặn biểu tình 
Nếu các diễn biến vượt quá tầm kiểm soát của cảnh sát Hồng Kông, thì một đơn vị PLA đóng ở HK sẽ làm gì ?
Đầu năm nay, một cựu quan chức nói đơn vị này có thể nhận lệnh ngăn chặn một cuộc nổi loạn. Một đơn vị cảnh sát quân sự chuyên dẹp loạn đã được triển khai ở tỉnh Quảng Đông, gần HK.
Nhưng Dingding Chen, giáo sư khoa chính quyền hành chính thuộc đại học Macau, nói:khả năng phản ứng kiểu Thiên An Môn 1989 rất khó xảy ra, và chính quyền HK đã rút cảnh sát chống bạo loạn vào trưa 29.9, như một hành động thiện chí để hạ nhiệt căng thẳng, sau khi bị thế giới chỉ trích vụ xịt hơi cay vào nhóm biểu tình.
Ông Chen nói: “Vấn đề lớn nhất họ muốn tránh là một cuộc xung đột đẫm máu”.
Những diễn biến ở HK xảy ra trước Lễ Quốc khánh lần thứ 65 của TQ vào thứ Tư 1.10. Đó là thời điểm mà lãnh đạo TQ dùng để đề cao tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Khi hoạt động phản đối nóng lên vào ngày 29.9, chính quyền HK buộc phải hủy cuộc bắn pháo hoa hàng năm tại HK.
alt
Cảnh sát HK trực chiến 
 Bắc Kinh sẽ nhượng bộ ?
Ông Chen nêu: “Khi theo dõi các diễn biến ở HK, lãnh đạo cấp cao TQ ngại “hiệu ứng lây lan” có thể kích động người dân bức xúc trước nhiều vấn nạn của TQ, như tham nhũng, ô nhiễm môi trường, nông dân bị mất đất…và họ cũng sẽ đứng lên đòi quyền lợi, hoặc sự toàn vẹn lãnh thổ có thể bị thách thức bởi “những thế lực thù địch nước ngoài” muốn thách đố CPC”.
Một vấn đề khác, theo ông Chen, là sự nhượng bộ của Bắc Kinh  sẽ càng khiến người HK đòi hỏi nhiều hơn, hoặc sẽ được xem là một điển hình cho các phong trào khác noi theo, chứ không phản ánh sự đoàn kết nhất trí của HK với TQ.  
Chủ đề “nổi loạn” đã là vấn đề khó xử giữa lãnh đạo Bắc Kinh với HK từ trước. Và người biểu tình HK trong quá khứ từng buộc lãnh đạo TQ phải nhượng bộ. Việc Bắc Kinh buộc HK thông qua một luật chống lật đổ đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn hồi năm 2003 và làm giảm mạnh uy tín của đặc khu trưởng HK thời ấy là ông Đổng Kiến Hoa (đại gia ngành tàu thủy).
Khi  hàng trăm ngàn người kỷ niệm 6 năm ngày HK trở về với TQ hồi năm 2003, họ cũng lên kế hoạch biểu tình phản đối chính quyền HK đưa ra luật chống lật đổ, và chính quyền đã phải hủy luật này. 
18 tháng sau, đặc khu trưởng đầu tiên, ông Đổng phải từ chức với lý do sức khỏe, dù ông vẫn liên quan mối quan hệ HK-TQ, như tuần trước dẫn một đoàn doanh nghiệp HK qua Bắc Kinh gặp ông Tập.
Ở các cuộc biểu tình mới đây, người phản đối đòi đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức, và họ muốn lãnh đạo TQ cho phép bầu cử tự do, hủy kế hoạch bầu cử vốn dành quyền chọn ứng viên chức đặc khu trưởng cho một ủy ban “trung thành với Bắc Kinh”.

alt
Sinh viên trưng ảnh đặc khu trưởng Lương  
 Lãnh đạo TQ đã phát các tín hiệu có thể nhượng bộ HK, bằng cách rút tuyên bố ủng hộ đặc khu trưởng Lương, và tỏ ý sẽ có chính sách mới cho HK.
Khi báo Wall Street Journal  hôm 29.9 hỏi về ông Lương, bà Hoa Xuân Ánh, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao TQ không nhắc đến ông: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ chính quyền đặc khu HK”.
Nữ luật sư Carole J. Petersen kiêm giáo sư đại học Hawaii, nói: “Điều đó cho thấy Bắc Kinh có khả năng thay đổi suy nghĩ về vài việc nào đó”.
Nhưng bà nói thêm: vấn đề lần này khác hẳn, so với việc chặn luật chống lật đổ, người phản đối muốn có sự thay đổi luật bầu cử: “Thế mới căng hơn”.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen