Donnerstag, 9. Oktober 2014

Quốc khánh Trung quốc tại Bình Nhưỡng và Hà Nội


 
Ngô Quảng -- DienDanCTM
Phó Thủ tướng CSVN Vũ Văn Ninh

Suốt từ sau biến cố đẫm máu Thiên An Môn, mỗi năm đến ngày Quốc Khánh 1 tháng 10, nhà cầm quyền  Trung quốc lại tăng cường an ninh tràn ngập thủ đô Bắc Kinh vì sợ người dân nhân dịp lễ nổi lên chống đối chế độ. 

Năm nay cũng không khác, bộ Công an Trung quốc được lệnh tăng cường mức kiểm soát an ninh lên đến cấp II tại Bắc Kinh. Họ tung ra một lực lượng ngoài sức tưởng tượng của các chính phủ trên thế giới, đó là hơn 400.000 công an đủ loại và huy động thêm khoảng 850.000 các loại an ninh dân phòng và  thanh niên xung phong cho riêng vùng Bắc Kinh. Lực lượng này bắt đầu cắm chốt khắp thủ đô cả tuần lễ trước ngày 1 tháng 10, đặc biệt là trấn giữ khoảng 300 cây cầu khắp thủ đô. Lực lượng này cũng kiểm soát  vành đai thủ đô và đi tuần tra khắp đường phố đến tận các ngỏ hẽm.
Bất kỳ ai bị lực lượng an ninh này tình nghi đều bị bắt đem về sở công an trước, rồi điều tra sau. Nhiều người quá ngỡ ngàng khi bị bắt chỉ vì trong túi xách có các dụng cụ hành nghề của họ như dao, kéo. Năm nay còn có thêm biến cố người dân Hồng Kông xuống đường biểu tình đòi bầu cử trực tiếp nên không khí ngày Quốc Khánh Trung quốc càng ngột ngạt, căng thẳng hơn mọi năm. Ít còn ai có thể "mừng" Quốc Khánh.

Trong bối cảnh đó, số quốc gia gởi điện văn chúc mừng nhà nước Bắc Kinh nhân ngày Quốc Khánh Trung quốc cũng giảm đi nhiều so với những năm trước đây. Tại các nước đàn em như Bắc Hàn và Việt Nam, việc mừng Quốc Khánh Trung Quốc cũng có khác nhau.

Trước hết, có thể nói Bắc Kinh, trong mấy thập niên qua, đối xử với 2 nước Việt Nam và Bắc Hàn khá giống nhau. Trong lúc Hà Nội được ban cho 16 chữ vàng là:

Sơn Thủy Tương Liền
Lý tưởng tương thông
Văn hóa tương đồng
Vận mậnh tương quan

thì Bình Nhưỡng cũng nhận được 16 chữ vàng khác:

Truyền thống kế thừa
Vị lai chí hướng
Thiện lân hữu hảo
Hiệp điều cường hóa.

Thế nhưng thái độ của Bình Nhưỡng năm nay khá lạnh lùng với ngày Quốc Khánh Trung quốc so với các năm trước. Cụ thể như lãnh tụ Kim Chính Ân của Bắc Triều Tiên khi gởi điện chúc mừng cho Bắc Kinh đã không nhắc gì đến 16 chữ Vàng nữa. Đây là hiện tượng chưa hề có trong các năm trước. Điện văn cũng không ca ngợi tình hữu nghị giữa hai nước như trước nữa và toàn điện văn năm nay dài không bằng một nửa năm ngoái. Bình Nhưỡng còn cố tình cho báo đài loan tải nội dung điện văn ngắn ngủi này để cho người dân biết thái độ mới của lãnh đạo đối với Bắc Kinh. Sứ quán Trung Quốc tại Bình Nhưỡng tổ chức tiệc mừng Quốc Khánh, nhưng Bắc Triều Tiên chỉ gởi Bộ trưởng Ngoại giao đến tham dự mà thôi. Không  một Ủy viên Bộ Chính trị nào của đảng Lao Động Triều Tiên được phép đến chúc mừng.

Trong khi đó, tại Việt Nam, tuy không dám nói thẳng ra là treo cờ để mừng ngày Quốc Khánh Trung Quốc nhưng thật quái lạ, từ ngày 30 tháng 9, các tổ dân phố ở Hà Nội đã được lệnh đi bắt dân treo cờ, với lý do  kỷ niệm ngày Giải phóng thủ đô 10 tháng 10. Từ trước đến nay chẳng có ngày đại lễ nào của chế độ lại có màn treo cờ toàn thủ đô lạ như thế.

Phó Thủ tướng CSVN Vũ Văn Ninh dự chiêu đãi 65 năm Quốc khánh Trung Quốc do Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội tổ chức. (ảnh: VGP/Thành Chung).

Và cũng khác với Bắc Triều Tiên, tại Việt Nam, khi sứ quán Bắc Kinh tại Hà Nội tổ chức mừng lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 56 của họ vào ngày 29/09/2914, trên 400 cán bộ Việt Nam cấp cao thuộc nhiều bộ, ban ngành đã lũ lượt kéo tới, kể cả Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Trong bối cảnh Việt Nam đang bị Trung quốc xâm chiếm biển đảo, ông Ninh vẫn đại diện đảng, nhà nước, và nhân dân Việt Nam ca ngợi tình hữu nghị, hợp tác giữa hai nước qua chính sách xây dựng quan hệ theo nền tảng 4 Tốt và 16 chữ Vàng. Còn tại buổi dạ tiệc ở Sài Gòn do tòa Tổng lãnh sự Trung Quốc chiêu đãi, cán bộ đảng trong vai trò Chủ tịch hội hữu nghị Việt –Trung xem đó là cơ hội để “bày tỏ sự hiểu biết và tin cậy trong quan hệ Việt Trung nhiều năm qua”.

Bắc Triều Tiên là một đất nước đói nghèo triền miên phải dựa vào Bắc Kinh để sống qua ngày và không bị Bắc Kinh chiếm lãnh thổ, thế mà họ vẫn coi thường 16 chữ Vàng khi bị Trung Quốc o ép. Trong khi đó, Việt Nam đang bị mất dần lãnh thổ, lãnh hải về tay bá quyền phương Bắc nhưng lại vẫn cứ nhất định ôm chặt lấy 4 Tốt và 16 chữ Vàng. Rõ ràng lãnh đạo Hà Nội thua Kim Chính Ân quá xa và làm gì có chuyện họ thực tâm dám bảo vệ chủ quyền của đất nước trước chính sách xâm lấn ngày một trắng trợn của Bắc Kinh./.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen