Mittwoch, 7. Mai 2014

Tự Do Báo Chí Tại Việt Nam: Người Mỹ Có Thể Làm Gì?




Sơn Tùng

Trong dịp “Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới” (World Press Freedom Day) 3 tháng 5 năm nay, tại thủ đô Washington người Mỹ có vẻ quan tâm đến vấn đề không có tự do báo chí tại Việt Nam ở bên kia nửa vòng trái đất, một việc không có gì mới lạ với mọi người.

Trước hết là buổi điều trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ ngày 29.4 của một nhóm sáu người từ Việt Nam sang, hình như với sự bảo trợ của Dân biểu Loretta Sanchez (Dân chủ- CA) và cũng là người điều hợp cuộc họp. Sáu người từ Việt Nam sang là các ông Nguyễn Tường Thụy, Tô Oanh, Lê Thanh Tùng, Ngô Nhật Đăng, Nguyễn Đình Hà, và bà Nguyễn Thị Kim Chi. Ba người khác cũng được mời nhưng không được phép xuất cảnh sang Mỹ và những lời phát biểu của họ đã được phát lên qua video clip thu trước (gồm các ông Nguyễn Lân Thắng, Phạm Chí Dũng, và cô Anna Huyền Trang). Trừ bà Kim Chi là một diễn viên, những người khác đều là các bloggers, những người viết báo ngoài sự kiểm soát của chính quyền Hà-nội.


Ngoài những người từ Việt Nam sang, buổi điều trần còn có ba người ở Mỹ là ông Đỗ Hoàng Điềm (Đảng Việt Tân), ông Bob Dietz (CPJ,  Committee to Protect Journalists), và bà Libby Liu (RFA, Đài Á Châu Tự Do).
Hai ngày sau, 1 tháng 5, một cuộc hội thảo khác lại được tổ chức tại Đài Á Châu Tự Do ở Washington, DC. , cũng với thành phần tham dự như trên, nhưng có thêm ông Jox Fox (thuộc tổ chức ACCESS) và bà Meredith Whittaker (thuộc công ty Google).
Qua hai cuộc họp này, thực trạng “độc quyền thông tin” của Nhà nước CSVN được các tham dự viên từ Việt Nam tới tường trình như sau:
-          Báo chí do nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Viết blog bị coi như là viết báo bất hợp pháp. Việt Nam hiện có khoảng 1,000 tờ báo kể cả báo ảnh, báo nói, tv, radio, v.v...
-          Mấy trăm tờ báo chỉ có 1 tổng biên tập vì gửi bài thì có biên tập báo xét, rồi tổng biên tập của báo xét lại, rồi có Ban Tuyên Giáo triệu tập các tổng biên tập để dặn dò kiểm duyệt. Vì sự tự kiểm duyệt, và định hướng từ trên xuống cho nên mọi nội dung các báo chí đều giống nhau, và không dám đụng đến các đề tài nhạy cảm...
-          Nhờ  internet nên có báo mạng, tuy chưa nhiều nhưng những người bất đồng chính kiến đã dùng nó để lên tiếng, và là tiếng nói đáng kể. Đa số tập trung vào các việc: phản ảnh sự thật ở VN, phanh phui những điều gì báo nhà nước giấu kín. Báo mạng truyền bá tư tưởng tự do dân chủ và những tư tưởng tiến bộ. Vì vậy báo mạng là một lực lượng thúc đẩy xã hội đáng kể. Các bloggers phải trả cái giá cho những nỗ lực đó. Những người bị tù vì viết blog là Điếu Cày, Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất và nhiều người khác bị xách nhiễu, đe dọa, vv.
-          Nghị quyết 72 kiểm soát Internet, bao gồm 2 điểm nổi bật. 1) chia sẻ thông tin, đường dẫn bị cấm nếu không đúng ý nhà nước; 2) trói buộc các công ty internet tại VN hay từ ngoại quốc muốn đầu tư vào VN. Họ phải cung cấp thông tin về khách hàng nếu có yêu cầu của chính phủ. Phải đặt máy chủ tại VN. Phải thực hiện các quy định kiểm duyệt, kiểm soát thông tin.... Về mặt kỹ thuật, nhà nước dùng các phương thức: lập lực lượng dư luận viên, làm chậm đường truyền, tấn công trang mạng. Thêm vào đó bắt bớ, xử tù những ai lên tiếng trên mạng..
-          Một số bloggers bị tù và gia đình bị xách nhiễu như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Paulus Lê Sơn, Lê Quốc Quân... Trong khi họ bị án tù thì gia đình bị xách nhiễu. Như trường hợp mẹ của Tạ Phong Tần tự thiêu. Paulus Lê Sơn, mẹ buồn sinh bệnh qua đời mà Lê Sơn không được thông báo gì cả. Nhà cầm quyền ngăn trở không cho gia đình đi thăm viếng tù nhân. Thay vì giam ở miền Nam, họ cố tình đem ra miền Bắc để gia đình khó đi gặp. Các tù nhân bloggers cũng bị đối xử bất công trong tù. Như trong lúc các tù nhân khác được tắm trong nhà thì chị Tạ Phong Tần bị bắt phải tắm ngoài trời rất lạnh. Anh Điếu cày phải tuyệt thực nhiều ngày để phản đối sự đối xử bất công. Còn lại là những bloggers, ký giả khác cũng bị xách nhiễu nặng nề. Như trường hợp blogger Nguyễn Tường Thụy, công an nhào vô nhà đánh đập và bắt nhiều người bạn của ông đi. Trong số đó có mẹ con Phương Uyên...
Những điều trên đây không có gì mới lạ, hầu như ai quan tâm đến vn đề nhân quyền tại Việt Nam đều đã biết rõ. Những người chủ trương và tổ chức các cuộc họp nói trên lại càng biết rõ hơn ai.
Vậy thì mục đích của các cuộc điều trần và hội thảo này là gì? Vận động sự quan tâm của dư luận nước Mỹ? Hay muốn “kiến nghị” Quốc Hội Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp chế tài Hà-nội như liên kết quyền tự do báo chí với quyền lợi kinh tế dành cho Việt Nam (hay có thể nói là chính sách củ cà-rốt và cây gậy) như các hội thảo viên đã cho biết?
Qua lịch sử và kinh nghiệm của những người đã sống dưới các chế độ cộng sản, không ai nên mong đợi một chế độ cộng sản sẽ nhượng bộ dưới áp lực này nọ để nới tay ban phát cho người dân bất cứ một quyền tự do nào, dù là tôn giáo, chính trị, hay báo chí. Để có thể tồn tại, cộng sản phải tiêu diệt mọi quyền tự do của người dân. Một khi nó bắt buộc phải nới lỏng sự đàn áp để chấp nhận cho người dân có một phần tự do nào đó, nó đã tự mở cánh cửa của tử thần.
Nếu một chế độ cộng sản có thể sửa đổi để mang một bộ mặt nhân bản thì các chế độ cộng sản ở Đông Âu và Liên-Sô đã không sụp đổ 25 năm trước.
Cộng sản Việt Nam đã học được bài học ấy, nên càng biết rõ phải làm gì để kéo dài sự sống. Thật ra, từ khi mở ra con đường “đổi mới” (về kinh tế) vào giữa thập niên 1980 để tránh sụp đổ, chế độ độc tài ở Việt Nam không còn phải là cộng sản nữa nhưng vẫn phải bám lấy cái bảng hiệu “Mác-Lênin” để khỏi tan rã, trong lúc vẫn phải duy trì “bạo lực cách mạng của chuyên chính vô sản” để dập tắt tất cả mầm mống đối lập sẽ đưa tới sụp đổ không thể tránh.
Nhưng ngày nay, với thời đại truyền thông điện tử, màn sắt màn tre đã trở thành vô hiệu. Chế độ độc tài cổ lỗ “tự gọi là cộng sản” tại Việt Nam đang lúng túng đối phó với “mặt trận internet” ngày một lan rộng nhưng không một dấu hiệu nào cho thấy có sự nới lỏng đàn áp những người muốn tự do.
Thấy những người đối kháng tại Việt Nam được cho đi Mỹ, ta không nên lầm lẫn mà nghĩ rằng vấn đề nhân quyền của người dân Việt Nam đã có “tiến bộ”, hay “cải thiện”. Hãy nhìn những người dám đứng lên để đòi hỏi tự do tại Việt Nam đã và đang bị đàn áp thô bạo ra sao.
Bạo quyền Hà-nội cho phép vài người đối kháng ra khỏi nước có hai cái lợi: một là tạo ra ảo tưởng tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đã được cải thiện, hai là tống xuất được một phần những “cái gai” ra khỏi nước để họ tự đốt cháy, vì một “chiến sĩ dân chủ” mà ra khỏi nước không khác nào một người lính rời bỏ chiến trường trước kia, khi còn chiến tranh súng đạn. Đào ngũ.
Con đường đi tới tự do tại Việt Nam còn nhiều gian nan, khổ đau, mất mát không thể tránh. Tự do không phải là món quà xin-cho mà cũng không thể đòi hỏi từ xa. Đó là kết quả vinh quang của sự kiên trì tranh đấu và chấp nhận hy sinh của một dân tộc xứng đáng được hưởng.
Người Mỹ sẽ không làm được gì nhiều cho tự do báo chí tại Việt Nam, ngoài những cuộc điều trần, hội thảo... như đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Sơn Tùng                                                                                                                   Virginia, 06.5.2014

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen