10/05/2014
Thanh Thảo
Radio Chân Trời Mới (Radio CTM): Tình
hình biển Đông đã nóng trở lại khi Tổng công ty dầu khí Hải Dương của Trung Quốc
đưa dàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) vào trong thềm lục địa của Việt Nam vào
ngày 2 tháng 5 vừa qua. Việc làm này không những vi phạm chủ quyền mà còn mang
tính thách đố đối với CSVN.
Hà Nội đã lên tiếng phản đối, yêu cầu tổng công ty dầu
khí Trung Quốc ngừng lập tức các hoạt động bất hợp pháp và đưa HD 981 ra khỏi
vùng biển Việt Nam. Để phản pháo lại, Bắc Kinh đã đưa 80 tàu bao gồm 7 tàu chiến
tấn công vào các tàu kiểm ngư của CSVN khiến cho 6 thủy thủ bị thương, 8 tàu bị
hư hỏng nặng. 5 ngày sau vào ngày 7 tháng 5, Bộ ngoại giao CSVN đã tổ chức cuộc
họp báo tố cáo Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Trước tình hình này, nếu giải quyết không khéo có thể dẫn
đến một cuộc chiến giữa Hà Nội và Bắc Kinh, tạo thêm bất ổn trong vùng. Để tìm
hiểu quan điểm của đảng Việt Tân trong vấn đề này, Thanh Thảo xin mời quý thính
giả theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt
Tân trong chương trình phát thanh hôm nay.
***
Radio CTM: Trước hết ông nhận định như thế nào về
sự kiện lần đầu tiên, Trung Quốc đưa dàn khoan dầu khí HD 981 vào trong vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam? Mục tiêu sâu xa của họ là gì?
Lý Thái Hùng: Trước khi trình bày một số
những nhận định về vụ dàn khoan dầu khí HD 981 của Trung Quốc đưa đến gần quần
đảo Lý Sơn của Việt Nam, chúng ta cần lược duyệt một số những động thái xâm lược
của Trung Quốc đối với biển đảo Việt Nam trong thời gian qua:
- Tháng 1/1974: Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa trong lúc cuộc chiến tại miền Nam lên cao điểm với sự im lặng đồng lõa của CSVN.
- Tháng 3/1988: Trung Quốc xâm chiếm một phần Trường Sa trong lúc CSVN đang tìm cách gỡ rối tại chiến trường Campuchia trong sự bỏ rơi của Liên Xô.
- Tháng 5/2005: Trung Quốc chính thức áp dụng đường lưỡi bò chín khúc, chính thức tự nhận chủ quyền 70% trên biển Đông trong lúc CSVN bị mắc kẹt trong 16 chữ vàng và 4 tốt.
- Tháng 11/2013: Trung Quốc ra lệnh tất cả các tàu đánh bắt thủy sản trong vùng biển của đường lưỡi bò chín khúc phải xin phép.
- Tháng 5/2014: Trung Quốc đưa dàn khoan dầu Hải Dương 981 vào lô 143 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong lúc CSVN phải sống dựa vào Bắc Kinh nhiều mặt, trong lúc CSVN coi những người chống các hành động bá quyền của Bắc Kinh là “phản động.
Những diễn tiến nói trên cho thấy là trong vòng 40 năm qua,
Trung Quốc đã cố tình lấn chiếm từng bước chủ quyền biển đảo của Việt Nam, nhưng
chưa thật sự nắm được quyền chi phối toàn bộ trên mặt pháp lý. Vì thế, lần này
Bắc Kinh đưa dàn khoan dầu khí HD 981 vào trong khu vực cách đảo Tri Tôn
thuộc quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) chừng 17 hải lý,
nhắm vào 3 ý đồ sau đây:
Thứ nhất là dựa trên cái gọi là chủ quyền trên quần đảo Hoàng
Sa, Trung Quốc bắt đầu tiến đến việc kiểm soát vùng lãnh hải 12 hải lý quanh
Hoàng Sa và 200 hải lý bên ngoài thành vùng đặc quyền kinh tế theo Luật Biển
1982 của Liên Hiệp Quốc.
Thứ hai là dựa vào động thái nói trên, Trung Quốc biến vùng
biển của Việt Nam thành vùng biển chồng lấn và tranh chấp với Trung Quốc. Do
tình trạng chồng lấn như vậy, CSVN phải để cho Trung Quốc cùng kiểm soát và khai
thác vùng biển này chung với Việt Nam.
Thứ ba là sau khi thành công ở Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ lặp
lại điều nói trên đối với vùng biển quanh Trường Sa và tạo ra vùng biển chồng
lấn và tranh chấp ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Từng bước sau
đó Trung Quốc sẽ hợp thực hóa đường lưỡi bò chín khúc.
Nói tóm lại, ý đồ đưa dàn khoan HD 981 vào vùng biển của Việt
Nam không nhằm mục tiêu khai thác dầu khí mà chính là để đặt CSVN ở vào thế đã
rồi và từng bước hợp thức hóa đường lưỡi bò chín khúc của Bắc Kinh.
Radio CTM: Cho đến nay phía CSVN đã có những phản
ứng ra sao và liệu CSVN sẽ có những biện pháp mạnh mẽ đối với Trung Quốc nhằm
đuổi HD 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam hay không, thưa
ông?
Lý Thái Hùng: So với những phản ứng mang
tính hình thức trước đây, trong những ngày qua nhà cầm quyền CSVN đã nhiều lần
lên tiếng phản đối và trực tiếp trao đổi với phía Trung Quốc, trong đó có cuộc
tiếp xúc giữa đại diện Bộ Quốc Phòng CSVN và tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung
Quốc tại Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã gửi thư cho Chủ tịch
Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc
(CNOOC).
Riêng phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có 08 cuộc gặp mặt với
phía Trung Quốc tại Hà Nội và Bắc Kinh. Đồng thời lần đầu tiên, Bộ trưởng Ngoại
Giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì
để phản đối hoạt động bất hợp pháp của dàn khoan HD 981 trên thềm lục địa của
Việt Nam.
Mặc dù phía CSVN lên tiếng bác bỏ và nói là họ sẽ kiên quyết
không chấp nhận quan điểm sai trái của phía Trung Quốc đưa ra, nhưng phía Hà Nội
vẫn còn nói kiểu nước đôi khi tuyên bố rằng: “Việt Nam luôn thể hiện thiện chí,
kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện
pháp hòa bình khác theo đúng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai
nước.”
Qua phản ứng như vậy, rõ ràng là CSVN đang ở vào tình thế
“vừa phản đối, vừa lo âu” đối với các áp lực của Trung Quốc và của dư luận Việt
Nam.
Đối với Trung Quốc, Hà Nội đã không còn có thể chịu đựng được
sự hung hãn và thách đố của Bắc Kinh; nhưng nếu phản đối quá mạnh thì Trung Quốc
có thể tung ra những đòn trả đũa thấp kém như phá hoại kinh tế chẳng hạn, nhằm
gây ra những xáo trộn xã hội khó lường trong tình hình kinh tế đã rất bết bát
tại Việt Nam.
Đối với người dân, Hà Nội không thể tiếp tục im lặng như
những thời gian qua vì sẽ bị tố cáo là ươn hèn, bán nước và lòng dân sẽ sôi sục
bất mãn chế độ. Nhưng mối lo lớn hơn của họ là sợ dân sẽ có thói quen biểu tình,
rồi sau đó sẽ biểu tình phản đối họ luôn về những tệ nạn xã hội khác nữa như đã
thấy tại nhiều nước.
Nhìn như vậy chúng ta thấy CSVN hiện đang ở vào thế tiến
thoái lưỡng nan trong vấn đề phản đối vụ dàn khoan HD 981 của Trung Quốc. Và cho
đến giờ, chọn lựa của họ vẫn theo hướng “thà mất nước chứ không mất đảng”.
Radio CTM: Theo như mô tả của các cơ quan truyền
thông thì lực lượng kiểm ngư CSVN đã xua đuổi khi phát hiện dàn khoan HD 981
nhưng phía Trung Quốc đã dùng tàu chiến tấn công, đâm thẳng vào tàu kiểm ngư của
Việt Nam. Theo ông thì liệu có xảy ra cuộc chiến giữa hai bên hay
không?
Lý Thái Hùng: Mặc dù cuộc “đối đầu” giữa lực
lượng kiểm ngư của CSVN và các tàu chiến bảo vệ dàn khoan HD 981 của Trung Quốc
đang ở trong tình huống khá căng thẳng nhưng tôi không tin là hai bên sẽ để cho
cuộc chiến bùng nổ, vì bất lợi sẽ nằm ở cả hai phía.
Nếu chiến tranh bùng nổ, Trung Quốc có thể dùng yếu tố cuộc
chiến để kích động tinh thần dân tộc cực đoan hầu đánh lạc hướng công luận khỏi
các bong bóng kinh tế và có lý cớ trấn áp hết các loại nhóm chống đối ở trong
nước. Nhờ đó, củng cố quyền lực của đảng CSTQ nói chung và phe nhóm Tập Cận Bình
nói riêng. Nhưng ở mặt ngược lại, các bức xúc trong nhiều thành phần dân chúng
và các nhóm thù hằn Tập Cận Bình cũng dễ bùng lên hơn nhân lúc tình hình rối ren
hoặc đổ hết các thất bại kinh tế lên chính sách hiếu chiến của họ Tập. Cho đến
nay, Bắc Kinh đã cố gắng trói buộc cả nước trong cái gọi là “bình ổn” bằng mọi
giá.
Trung Quốc sẽ bị Khối ASEAN e ngại, xa lánh và thế giới coi
Bắc Kinh là kẻ hiếu chiến, phá hoại hòa bình và sự ổn định tại biển Đông. Đương
nhiên, Hoa Kỳ sẽ không ngồi yên và bị áp suất phải tiến hành nhanh hơn nữa kế
sách xoay trục, tái phối trí lực lượng tại vùng Đông Á và Đông Nam Á để đối phó
với Trung Quốc.
Về phía CSVN, chiến tranh với Trung Quốc có thể giúp xóa bớt
hình ảnh ươn hèn hiện nay, có thể tranh thủ sự đồng tình của thế giới và nhất là
có thể nắm lại lá cờ dân tộc trong mắt dân chúng. Tuy nhiên, nội bộ đảng CSVN
ngày nay không còn là một khối thuần nhất. Phe thân Trung Quốc, hay nói thẳng ra
là phe đã bị Bắc Kinh mua đứt, sẽ không ngồi yên mà sẽ bị ông chủ Bắc Kinh ép
buộc phải tạo tối đa rối loạn nội bộ. Đồng thời Bắc Kinh sẽ tung ra nhiều thủ
đoạn như phá rối kinh tế, đe dọa an ninh biên giới, rút đầu tư, khống chế đường
vận chuyển biển, v.v…, Đặc biệt là Bắc Kinh có thể xúi giục khối “công nhân Tàu”
tại những khu biệt lập trên đất nước Việt Nam đồng loạt gây hấn, tạo xung đột để
có cớ sang “bảo vệ kiều dân” như Nga đang làm ở Ukraina.
Với những bất lợi được liệt kê như vậy, rõ ràng là hai phía
sẽ tránh những xung đột dẫn đến chiến tranh. Nhưng chắc chắn một điều là Trung
Quốc sẽ không âm thầm rút lui, tức là kéo dàn khoan HD 981 ra khỏi thềm lục địa
Việt Nam, mà sẽ đòi CSVN chấp nhận một số nhượng bộ nào đó. Ví dụ, CSVN sẽ im
lặng không nói gì đến vụ dàn khoan HD 981 nữa, ngược lại Bắc Kinh sẽ viện trợ
một số tiền nào đó cho lãnh đạo Hà Nội chẳng hạn. Và như thế là 2 bên xem như
chuyện đã rồi. Người dân Việt không hề biết vì không có phương tiện ra Biển Đông
để kiểm chứng tin tức.
Radio CTM: Về phía quần chúng và phong trào dân
chủ Việt Nam hiện đang rất quan tâm đến biến sự này và đang có những kêu gọi
tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Tuy nhiên cũng có một số dư luận
cho rằng không nên tham gia biểu tình vào lúc này vì sẽ rơi vào bẫy của chế độ
Hà Nội, đang dùng phản ứng chống đối của dân để thương lượng với Bắc Kinh. Ông
nghĩ sao về điều này?
Lý Thái Hùng: Biểu tình là vũ khí của người
dân nhằm bày tỏ sự phản đối hay bất bình đối với một chính sách nào đó của nhà
cầm quyền, hay để biểu hiện một ý chí, quan điểm về một vấn đề nào đó trong đời
sống. Trong các xứ tự do và dân chủ, biểu tình được coi là quyền của người dân
và chính quyền phải tôn trọng.
Điều nghịch lý là quyền biểu tình đó không những bị cấm ở
Việt Nam mà còn bị coi là hành động phạm pháp, có âm mưu gây bất ổn và trật tự
xã hội. Trong bối cảnh xảy ra vụ Trung Quốc ngang nhiên đưa dàn khoan dầu khí HD
981 xâm phạm thềm lục địa Việt Nam, việc biểu tình mang ba ý nghĩa quan
trọng.
Thứ nhất là bày tỏ sự phản đối những hành động xâm lược của
Trung Quốc đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Thứ hai là phản đối chính sách hèn nhát của nhà cầm quyền
CSVN đối với Trung Quốc và đòi hỏi lãnh đạo Hà Nội hiện nay phải đứng thẳng
người để đối đầu với Bắc Kinh.
Thứ ba là đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do cho những
người yêu nước đang bi giam giữ một cách phi lý chỉ vì họ đã từng lên tiếng hay
tham gia vào các hoạt động chống dã tâm xâm lược của Trung Quốc.
Nếu chúng ta tham gia biểu tình với tinh thần và thông điệp
rõ ràng như vậy thì tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tận dụng mọi cơ hội để cùng
đứng lên đáp lời sông núi và đẩy nhà cầm quyền CSVN vào thế phải đặt vận mạng
đất nước lên trên hết, trên cả chỗ dựa Bắc Kinh của họ. Nếu lãnh đạo CSVN vẫn
nhất quyết theo con đường “thà mất nước chứ không mất đảng” thì họ sẽ chính thức
chống lại dân tộc, chính thức tuyên chiến với dân tộc Việt Nam.
Radio CTM: Tình hình biển Đông sở dĩ ngày một xấu
đi với sự leo thang xâm phạm của Bắc Kinh có phải là do sự quá nhu nhược của
lãnh đạo Hà Nội? Và để ngăn chận tham vọng của Bắc Kinh, Việt Nam sẽ phải có
những nỗ lực gì?
Lý Thái Hùng: Trong tình hình thế giới ở thế
kỷ 21 này, nếu không có tay sai bản xứ thì các nước lớn khó có thể xâm lăng hay
khuynh loát các nước nhỏ. Trong 40 năm qua, nếu lãnh đạo CSVN không quá nhu
nhược thì Trung Quốc đã không thể từng bước xâm chiếm biển, đảo và ngày hôm nay
ngang nhiên đưa dàn khoan HD 981 vào tận thềm lục địa của Việt Nam.
Đây có thể nói là hậu quả của Hội Nghị Thành Đô vào năm 1990,
khi lãnh đạo CSVN đã dẫn nhau sang Thành Đô khấu tấu lãnh đạo Bắc Kinh để nối
lại quan hệ khi khối Liên Xô đứng bên bờ tan rã.
Cái gọi là “biện pháp giải quyết bằng ngoại giao”, mà thực
chất là những phản đối chiếu lệ vô ích, chỉ khiến cho Bắc Kinh thấy là Hà Nội sẽ
không làm gì hết, sẽ chấp nhận từng bước lấn tới của Trung Quốc, và sẽ trấn áp
các tiếng nói phản đối của người Việt Nam.
Những biểu hiện có vẻ mạnh hiện nay của lãnh đạo Hà Nội hoàn
toàn chỉ vì áp lực quá lớn của dân chúng khi đọc được các tin tức về các bước
khiêu khích do chính Bắc Kinh tung ra mà Hà Nội không dấu được nữa.
Để đòi Trung Quốc mang dàn khoan HD 981 ra khỏi lãnh hải Việt
Nam và nhất là để ngăn chận tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong tương lai,
đây là lúc mà CSVN phải:
- Đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi của đảng và phe
nhóm, tôn trọng quyền đấu tranh chống Trung Quốc của người dân.
- Trả tự do tất cả những tù nhân lương tâm đang bị giam giữ
một cách phi lý vì thể hiện lòng yêu nước.
- Thoát ra khỏi cái vòng kim cô của thân phận đàn em XHCN
bằng cách rời bỏ chỗ dựa Trung Quốc, rời bỏ thể chế độc tài, hầu xây dựng một
quốc gia tự do, dân chủ, độc lập và tự chủ.
Đây là những bước căn bản để tạo dựng sức mạnh tổng hợp của
dân tộc và là nền tảng cần thiết nhằm xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh, đủ
khả năng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và biển, đảo.
Radio CTM: Xin cảm ơn ông Lý Thái
Hùng đã trả lời cuộc phỏng vấn hôm nay.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen