Phạm Trần (Danlambao) -
Nếu câu nói “Bỏ Điều 4 (Hiến pháp) là tự sát” của nguyên Chủ tịch Nước
Nguyễn Minh Triết đã đi vào lịch sử sợ chết của đảng Cộng sản Việt Nam
thì việc nhiều nhóm công dân Việt Nam đang tự ý lập hội không cần xin
phép để thực thi quyền con người đương nhiên của Xã hội Dân sự đã khiến
giới cầm quyền bối rối.
Tình
hình “tự phát” này của dân tuy chưa đủ sức mạnh làm cho đảng phải từ bỏ
độc quyền “lãnh đạo nhà nước và xã hội”, nhưng phát biểu của nguyên Bộ
trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2014
(Hạ Long, Qủang Ninh) hôm 29/04/2014 đã chạm đến não tủy của Lãnh đạo.
Ông Tuyển nói: “Tôi
nghĩ, đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự. Bản chất của nhà nước mang
tính quan liêu, và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy
vai trò của xã hội dân sự”. (TBKT, Thời báo Kinh tế, 29/04/2014)
Ông Tuyển là người đầu tiên có “máu mặt trong đảng” đã
lên tiếng công khai khuyến cáo nhà nước phải nhìn nhận Xã hội Dân sự
(XHDS) trong khi đảng không muốn bàn đến vấn đề này. Khi còn tại chức
ông Tuyển từng đóng vai chủ chốt trong thương thuyết để Việt Nam trở
thành hội viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO, The World Trade
Organization) từ năm 2007.
Ông được báo chí trích lời nói
rằng: “Thể chế kinh
tế thị trường hiện đại phải bao gồm thị trường, nhà nước và xã hội dân
sự… Hiện nay ta đang cấm kỵ dùng cụm từ xã hội dân sự, tôi đồ rằng chúng
ta kỵ cụm từ này cũng như từng kỵ thể chế kinh tế thị trường vì coi đó
là cấu trúc kinh tế của kinh tế tư bản. Và bây giờ mình đang coi xã hội
dân sự là sản phẩm của nền chính trị tư sản. Đã đến lúc phải thấy xã hội
dân sự là sản phẩm của sự phát triển dân chủ, mà sự phát triển dân chủ
có tính quy luật”.
Phát biểu của ông Tuyên, theo TBKT, đã được nhiều chuyên gia có mặt vỗ tay tán
thưởng.
TBKT viết: “Chuyên
gia Phạm Chi Lan đề nghị Quốc hội cần có cơ chế để lắng nghe tiếng nói
thực sự của dân”, trong khi Tiến sỹ Lê Đăng Doanh “cho rằng xã hội dân
sự Việt Nam đã phát triển và cần phải chấp nhận nó. Các tổ chức xã hội
cần được trao quyền tham gia xây dựng, phản biện, giám sát thực thi
chính sách và cho họ cả cái quyền được tham gia tố tụng tại tòa án.”
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá đi xa
hơn với“đề nghị
nhanh chóng ban hành luật về biểu tình và ban hành luật về xã hội dân
sự, bởi theo ông, đó là quyền của dân, không có gì phải e ngại.”
Nguyên nhân gần và xa
Nhưng
trước khi bàn rộng thêm, cũng nên biết tại sao ông Nguyễn Minh Triết đã
chống bỏ Điều 4 Hiến pháp? Bởi vì Điều 4 được viết lần đầu vào Hiến
pháp 1980 đã cho phép đảng
CSVN là “lực lượng
duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội” mà không cần hỏi ý dân. Sau
đó, trong Hiến pháp sửa đổi năm 1992 tuy hai chữ “duy nhất” đã bị bỏ
nhưng vẫn ghi đảng “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Đến
năm 2013 khi nhà nước tổ chức thảo luận sửa đổi Hiến pháp 1992, hàng
triệu người trong và ngoài nước, trong đó có khoảng hơn 20 triệu tín đồ
Công giáo, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Hòa Hão Thuần Túy đã lên
tiếng đòi dân chủ hóa chế độ với yêu cầu bỏ Điều 4. Nhưng nếu không còn
công nhận đảng có quyền đương nhiên “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” thì bắt buộc phải có bầu cử tự do để dân quyết định lấy vận mệnh chính trị của mình.
Nhưng
đảng CSVN là tổ chức rất sợ dân chủ và sợ mất độc quyền cai trị nên Ban
Tuyên giáo Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh đứng đầu
đã dốc toàn lực phản bác ý kiến đòi bỏ Điều 4. Các báo Nhân dân, Quân
đội Nhân dân, Sài Gòn Giải Phóng và Công an Nhân dân đi tiên phong trong
“trận chiến” bảo vệ quyền cai trị bất di dịch cho đảng.
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cũng đã lên án những ai đòi sửa điều này là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì gọi những ý kiến chống Điều 4 là “ngược chiều, phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn.”
Nhưng ý dân đòi “đổi mới chính trị”, đòi được quyền tham gia việc nước, chấm dứt tình trạng “khoán
trắng” cho nhà nước lo mọi việc của dân đã bất ngờ bung ra từ sau ngày Hiến pháp 2013 có hiệu lực (01/01/2014).
Làn
sóng đòi dân chủ, tự do, chống bất công, đàn áp trong dân và đòi được
quyền “giám sát việc làm của cán bộ, đảng viên và nhà nước” như Hiến
pháp đã quy định cũng đã diễn ra ở nhiều vùng trên lãnh thổ.
Các
Tổ chức tự phát của dân như “Hiệp hội Dân Oan (HHDO)”, “Hội Bầu Bí
Tương Thân (BBTT)”, Tập hợp Blogger VN Vì Tự Do (BVNTD), Hội Phụ nữ Nhân
quyền Việt Nam(PNNQVN), Hội Cựu
Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam (TNLTVN) và Văn đoàn Độc lập Việt Nam
(VĐĐLVN) đã lần lượt ra đời.
Ngay
lập tức, các “dư luận viên” của đảng được động viên viết bài chống các
Tổ chức này song song với các kế hoạch “khủng bố, dọa nạt” của công an.
Các bài viết thuộc phe đảng cầm quyền đã bêu rếu, đả kích và chụp ngay
lên đầu những người khởi xướng phong trào các loại mũ “thế lực thù
địch”, “chống lại đất nước”, “chống đối lại đảng, Nhà nước” hay “diễn
biến hòa bình”.
Tiêu biểu như một người ký tên Quốc Anh đã viết trên trang báo mạng “nhandanvietnam.wordpress.com” ngày 08/03/2014 với thái độ kém văn hóa, khi chỉ trích các Nhà Văn, Nhà Thơ và những người đấu tranh cho quyền con người, nguyên văn: “Chúng
đã câu kết với nhau thành lập nên các tổ chức nhằm công khai chống đối
lại đảng, Nhà nước. Về điều lệ, mục tiêu, chương trình hoạt động của mỗi
tổ chức khác nhau, song điểm chung giữa chúng đều là muốn xóa bỏ vai
trò lãnh đạo của đảng, sự quản lý của Nhà nước.Và cuối cùng, chúng cũng
nhận “Văn đoàn Độc Lập Việt Nam” là một
tổ chức dân sự,… hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và
thiết chế trong và ngoài nước”. Tổ chức của chúng là kẻ thù đối nghịch
với Hội Nhà văn Việt Nam, tức là một khối u ác tính, cần sớm phải cắt
bỏ.”
Nhưng tại sao Quốc Anh đã gay gắt chống Văn đoàn Độc lập như thế?
Bởi
vì nhóm 62 Nhà văn, Nhà Thơ, Nhà sáng tác của Văn đoàn này, do Nhà văn
Nguyên Ngọc đại diện mở cuộc vận động, đã viết những lời khiến ai còn
quan tâm đến văn hóa dân tộc cũng phải lo âu: “Sau
năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước
cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn
hóa. Tiếc thay công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra
như mong đợi. Trái lại văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm
trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy
hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc.”
“…một
xã hội như chúng ta đang có, trong đó các quyền tự do cơ bản của con
người thực tế bị vi phạm trầm trọng, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng
tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng. Quyền tự do
sáng tác và tự do công bố tác phẩm đang là đòi hỏi sống còn của từng
nhà văn và của cả nền văn học. Không có những quyền tự do tối thiểu đó
thì không thể có một nền văn học đàng hoàng.”
Sau cùng, bản Tuyên bố kết luận: “Trước
tình cảnh kéo dài và nay đã trở nên cấp bách đó, chúng tôi, những người
cầm bút ký tên dưới đây, quyết định vận động thành lập một tổ chức độc
lập của các nhà văn viết bằng tiếng Việt ở trong nước và ngoài nước, lấy
tên là Văn đoàn độc lập Việt Nam, với
mong muốn góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt
Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có
thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục
hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi.”
Đúng
như nhóm 62 Nhà Văn nghệ lo âu. Cái gì hỏng còn chữa được chứ nếu Văn
hóa của một dân tộc mà suy thoái thì con người thuộc nhiều thế hệ của
dân tộc ấy sẽ lâm nguy. Bởi vì nếu văn hóa dân tộc không được nuôi
dưỡng, vun đắp cho bền vững thì đe dọa bị “mất gốc” hay bị “ngoại thuộc”
sẽ đền gần.
Trước
hiểm họa này, nhiều quan chức đảng và nhà nước vì đã quen thói “đội
đảng lên đầu”, không cần biết đúng hay sai, nên thường lý luận cối chầy
rằng Việt nam không cần có thêm các Tổ chức XHDS vì đã có Mặt trận Tổ
quốc (MTTQ) lo hết rồi. Những cái đầu “đất sét” này quên rằng MTTQ là do
đảng dựng lên để cho các Tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo chui đầu
vào cho đảng lãnh đạo để được hưởng bổng lộc đảng ban cho. Dù mang tiếng
là các tổ chức của quần chúng nhưng MTTQ lại không có thực quyền khi
giám sát và phản biện những việc làm sai trái của đảng, nhà nước và của
Quốc hội. Các khuyết nghị hay “kiến nghị” của công dân
được tổ chức xã hội này trao cho Quốc hội tại mỗi lần có họp cũng chỉ
để “làm cho xong thủ tục” mà thôi.
Kết
qủa đem lại cho dân trong thực tế “rất bôi bác” hay “chẳng làm gì cả”.
Tiêu biểu như chuyện phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong đảng vẫn
được người dân yều cầu Mặt trận nhắc nhở với Quốc hội từ năm 2005, khi
có Luật Phòng, chống Tham nhũng mà tham nhũng vẫn còn “nghiêm trọng” thì
hỏi Mặt trận này đã làm được những gì để trả nợ cho dân?
Nhưng
Bộ Chính trị, Ban Tuyên Giáo
Trung ương, Bộ Công an và Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng lại có
định kiến các tổ chức XHDS lập ra chỉ để chống đảng, làm mất quyền lãnh
đạo của đảng nên phải kiên quyết chống lại.
Vì vậy, từ năm 2006, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đặng Ngọc Dinh, Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển đã nói với báo Tuổi Trẻ: “Ở
VN có một số người sợ rằng nếu thúc đẩy xã hội dân sự (XHDS) sẽ có sự
đối lập với chính quyền. Sợ như thế là hơi quá, là không tin vào người
dân. Chính vì vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu về XHDS” (Tuổi Trẻ, 21/05/2006)
Ông nói tiếp: “Đúng
là có cách suy nghĩ đó nhưng là vì hiểu nhầm, hiểu phiến diện thôi. Họ
cho rằng hoạt động của XHDS là “rách việc”, là chống đối. Họ sợ rằng khi
có XHDS thì chính quyền sẽ bị phản đối khi muốn quyết định một vấn đề
nào đó. Tức là họ nghĩ XHDS sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng giảm đi, XHDS
không muốn chấp hành luật lệ. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ thiểu số. Tất
nhiên, những kẻ tham nhũng rất sợ XHDS. Thực chất vai trò cuối cùng của
XHDS, cũng như của bất cứ chính quyền vì dân vì nước nào, là phát triển
đất nước bền vững. Tiếng nói của một người dân có thể
sai nhưng số đông người dân lên tiếng thì chính quyền cần lắng nghe và
hiệu chỉnh.”
Bằng
chứng các luận điệu chống đối gay gắt của các “dự luận viên” ăn cơm
đảng nhắm vào việc ra đời của một số tổ chức XHDS trong thời gian 2 năm
qua (2013-2014) cho thấy đảng và nhà nước CSVN đang ngày một xa dân vì
đảng không còn thi hành các khẩu hiệu như đã tuyên truyền: “nhà nước ta
là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân”, hay “dân biết, dân
làm, dân bàn, dân kiểm tra”.
Rối lên xuyên tạc để đối phó
Vì
vậy, mỗi ngày qua đi là thêm một ngày đảng xa dân hay dân xa đảng nên
sự ra đời của các tổ chức XHDS được mọi người, nhất là hai giới trí thức
và giới trẻ quan tâm. Nhưng dưới con mắt đảng CSVN thì hình ảnh tốt đẹp
và trong sáng của XHDS đã bị “đổi mầu” cho phù hợp với chủ trương phủ
nhận như “không cần thiết” vì có “mục đích xấu”!
Tỷ dụ như một người ký tên
Đức Thành đã viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày Thứ hai, 17/03/2014: “Việc
hình thành một số hội nhóm dân sự là bước đi đầu tiên. Đáng chú ý họ
còn tìm cách chia rẽ lãnh đạo đảng và Nhà nước. Họ công khai công kích
sự lãnh đạo của đảng, coi đảng lãnh đạo là chế độ “độc tài toàn trị”,
tình trạng tham nhũng là do sự độc quyền lãnh đạo của đảng… “chỉ có đa
nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có thể chống được tham nhũng”...
Thậm chí họ còn nói chỉ có thể chế đa nguyên mới có thể bảo vệ được sự
toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc! Cũng có khi họ trắng trợn tuyên bố, mục tiêu
của họ là “chuyển hóa hòa bình chế độ toàn trị sang chế độ dân chủ”.
Đức Thành viết tiếp: “Phương
thức hoạt động trước hết họ là lợi dụng quy định của Hiến pháp, các
công ước quốc tế về quyền con người thu hút người tham gia, đăng tải bài
viết, cổ vũ, thành lập nhóm sáng lập hội, đoàn, đồng thời cổ vũ cho các
hoạt động mạng tính “ôn hòa, bất bạo động”. Hiện nay, trên các diễn đàn
mạng, họ tập trung đòi quyền tự do ngôn luận, báo chí, đặc biệt là tự
do internet, nhằm phát triển tổ chức và phổ cập quan điểm dân chủ, nhân
quyền phương Tây. Họ đã cường điệu những sai lầm, khuyết điểm của đảng,
Nhà nước; bôi nhọ, vu cáo nhiều cán bộ
lãnh đạo cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật, hòng
làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với đảng Cộng sản Việt Nam và chế
độ xã hội XHCN…
…Bởi
vậy, chúng ta không chấp nhận bất cứ ai-cá nhân hay nhóm xã hội nào,
giai tầng nào mưu toan lợi dụng quyền được thành lập và hoạt động của
cái gọi là XHDS để nhằm mục đích giành quyền lực hay vì quyền lực nhà
nước, xóa bỏ chế độ chính trị, tước đoạt thành quả cơ bản của cách mạng
Việt Nam gần một thế kỷ qua.”
Lạ
chưa, trong tất cả các nhóm công khai thành lập các Tổ chức XHDS, chưa
thấy nhóm nào có khả năng, hay có mục đích “giành quyền lực” hoặc “xóa
bỏ chế độ chính trị” như Đức Thành đã la lên.
Chẳng
nhẽ những người như Cụ Bà Lê Hiền Đức, 84 tuổi, người được Tổ chức Minh
bạch Quốc tế (Transparency International) trao giải thưởng Liêm chính
năm 2007, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Dân oan hay Nhà văn Nguyên Ngọc,
nay đã 82 tuổi, đứng đầu Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập vẫn
còn khả năng thể xác để “tham quyền cố vị” như nhiều
quan chức trong đảng cầm quyền sao?
Tưởng đâu chỉ có vậy, nhưng nhìn về quá khứ năm 2012, dưới tiêu đề “Xã hội dân sự" - một thủ đoạn của diễn biến hòa bình” người
viết Dương Văn Cừ đã vẽ ra “nhiều loại mũ lạ lẫm” trên Báo Nhân Dân
ngày 31/08/2012: “Hiện nay, các nước, các tổ chức quốc tế, các NGO nước
ngoài đang tìm mọi cách để hình thành, phát triển XHDS theo tiêu chí
phương Tây ở Việt Nam, qua đó thực hiện mục tiêu lật đổ chế độ XHCN bằng
biện pháp "bất bạo động", "phi
vũ trang". Hoạt động này nằm trong ý đồ thực hiện "tiến trình dân chủ ở
Việt Nam" với mục đích lợi dụng XHDS để gây mất ổn định chính trị, tiến
tới thay đổi chế độ như xảy ra tại các nước Đông Âu, SNG và Trung Đông -
Bắc Phi thời gian qua…
“….Thời
gian qua, việc tác động để hình thành một "xã hội dân sự" (XHDS) ở Việt
Nam theo tiêu chí phương Tây đang được một số người cổ vũ và thực hiện.
Vậy thực chất "xã hội dân sự" là gì, đây có phải là một trong các
phương thức hoạt động nhằm chuyển hóa chế độ mà những thế lực chủ mưu
diễn biến hòa bình (DBHB) đã áp dụng
thành công ở Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, và hy vọng sẽ thành công ở
Việt Nam?”
Tiếp theo là một Tài liệu viết về “Một
số vấn đề cần lưu ý về xã hội dân sự” của Bộ Nội vụ Việt Nam cũng vẽ
râu ria để hù họa một cách “nhẹ nhàng” như thế này: “Là các tổ chức
‘ngoài’ Nhà nước, phi chính phủ, bao gồm các quan hệ và tổ chức không
mang dấu hiệu quyền lực công, tính thống nhất không cao nên dễ xảy ra
tình trạng các tổ chức dân sự chỉ chăm lo đến lợi ích cục bộ mà không
quan tâm đến lợi ích toàn xã hội, tạo ra các ‘lệ’ riêng, không phù hợp
với chính sách và
pháp luật của nhà nước, thậm chí có trường hợp bị biến tướng phục vụ
lợi ích của các cá nhân có điều kiện chi phối. Ví dụ: Hiệp hội của các
nhà nhập khẩu hàng hóa luôn có mong muốn và đề nghị nhà nước xem xét
giảm thuế nhập khẩu để hạ giá bán, nhưng điều đó lại mâu thuẫn với lợi
ích với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước. Rõ ràng là trong
một số trường hợp, tính tự chủ, tự nguyện và tự quản của các hội, tổ
chức phi chính phủ có nguy cơ tạo ra sự xung đột về lợi ích giữa các
cộng đồng xã hội, cũng như tạo ra các ‘lệ’ riêng cản trở việc thực thi
chính sách và pháp luật của nhà nước, hạn chế sự phát triển kinh tế - xã
hội.”
Tuy hai mà một?
Đáng
chú ý và cũng nực cười là nội dung trên đây lại “tái xuất hiện” trong
bài viết “Xã hội dân sự là gì?”, ngày 21/10/2013 trên trang báo mạng có
tên “Giải Độc Thông Tin” của nhóm được gọi là “chuyên gia”, nhưng đã
đứng hẳn vào sân chơi của đảng để tấn công XHDS.
Một đoạn trong Tuyên bố ra mắt viết: “Chúng
tôi - những chuyên gia trên liều lĩnh vực đã tự nguyện liên kết lại để
mở ra trang "GIẢI ĐỘC THÔNG TIN" nhằm đấu tranh vạch trần những mưu đồ
xấu của các thế lực thù địch; đưa ra những thông tin chính xác nhất với
những chứng cứ thuyết phục nhất để bạn đọc có cái nhìn trong sáng hơn,
thiện cảm hơn về đất nước.
Kính mong mọi người cùng đồng hành với chúng tôi trong cuộc chiến trên mặt trận thông tin này.”
Thế rồi nhóm “chuyên gia” này viết rằng: “Không
thể không thừa nhận rằng sự phát triển của Internet đã và đang mang lại
những lợi ích to lớn cho cả nhân loại, trong đó có Việt Nam.
Tuy
nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít kẻ có mưu đồ xấu để lợi dụng
Internet xuyên tạc lịch sử; bịa đặt, vu khống, xuyên tạc những nỗ lực
của nhân dân Việt Nam đang hằng ngày xây dựng đất nước "đàng hoàng hơn,
to đẹp hơn" như ước nguyện của Hồ Chủ tịch lúc sinh
thời.”
Họ đã ra tay ném đá vào dịp tháng 10 năm 2013 khi nhà nước lấy ý kiến toàn dân cho Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Website
này viết: “Lấy danh nghĩa là kêu gọi thành lập Diễn đàn xã hội dân sự
mà không dám/né tránh đưa ra được khái niệm, đặc trưng cơ bản nhất của
XHDS, song nội dung bao trùm là lên án chính quyền đàn áp và đề cao các
“tổ chức xã hội dân sự” kiểu “Hội đồng Giám mục, nhóm các chức sắc tôn
giáo, nhóm công dân tự do, nhóm Tuyên bố 258, câu lạc bộ NoU, v.v., hoặc
của
nhiều cá nhân ở trong và ngoài nước mang tinh thần yêu nước và khát
vọng dân chủ”; “đối xử không công bằng, không minh bạch và không đường
hoàng như đã và đang áp dụng đối với những kiến nghị sửa đổi Hiến pháp
và những tiếng nói đòi dân chủ khác với quan điểm của nhà cầm quyền”.
Mục đích chính của Diễn đàn này nhằm “chuyển đổi thể chế chính trị” mà
họ cho là “chế độ toàn trị” cũng như dừng việc thông qua bản sửa đổi
Hiến pháp để thảo luận thêm.
Như
vậy, nội hàm của Diễn đàn này là nơi bày tỏ chính kiến của các nhóm, tổ
chức phản đối bản dự thảo Hiến pháp cũng như ngăn cản việc
thông qua bản dự thảo Hiến pháp đã trải qua quá trình vận động/lấy ý
kiến đóng góp của nhân dân, các tổ chức, cơ quan…từ đầu năm 2013 đến
nay. Vậy việc lấy tên gọi là “Diễn đàn xã hội dân sự” phải chăng là lại
một sự MẠO DANH/TIẾM DANH kiểu mới nữa chăng? Bản chất là một sự đánh
lận/lợi dụng một danh nghĩa tốt đẹp, đáng được ủng hộ/phát triển là “xã
hội dân sự” cho hình thành một nhóm/diễn đàn tập hợp lực lượng, quy tụ ý
kiến phá hoại việc thông qua bản dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, phá
hoại thể chế chính trị hiện nay.”
Như
thế có phải thay vì “giải độc”, nhóm này đã “tiêm thêm
chất độc” vào cơ thể đảng để đảng phủ quyết không nương tay các ý kiến
đóng góp của nhân dân với ý mong đất nước có được một Hiến pháp mới dân
chủ để tạo đoàn kết dân tộc cho công cuộc xây dựng đất nước?
Cũng
vì chỉ nhìn phiến diện như thế nên Hiến pháp 2013 ra đời không được
nhân dân phấn khởi chào đón như Hiến pháp tiên khởi 1946. Đơn giản vì
quyền “phúc quyết” của dân (trưng cầu ý dân) về Hiến pháp mới phải do
“Quốc hội quyết định” (Điều 120).
Khi
viết như thế vào thời
điểm của 14 năm đầu Thế kỷ 21 là đảng và nhà nước CSVN đã “đi giật lùi
đến 68 năm” so với điểm quan trọng cuối cùng của Điều thứ 70 trong Hiến
pháp 1946. Điểm này dứt khoát viết rằng: “Những điều thay đổi khi đã
được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.”
Như
vậy, khi Quốc hội dành quyền cướp đi “quyền đương nhiên” làm chủ đất
nước của dân như đã biểu quyết chấp thuận Hiến pháp 2013 ngày 28/11/2013
thì có phải đảng đã “sợ dân như sợ chết” không?
Nhưng nếu
để “tránh chết” mà đảng phải đàn áp XHDS bằng mọi giá thì đất nước Việt Nam sẽ lạc hậu và nhân dân sẽ chậm tiến muôn đời. -/-
(04/014)
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen