NHỮNG MÓN NỢ PHẢI TRẢ
* ĐINH LÂM THANH *
Đời người, ai cũng phải một lần mang nợ. Không nợ tình, nợ tiền, nợ vợ
chồng, nợ cha mẹ, nợ con cái… thì cũng phải nợ với Bạn Bè, Quê Hương và Tổ Quốc.
Riêng đối với những Vị một thời mặc áo lính, chắc chắn còn thêm một món nợ nữa :
đó là nợ Đồng Đội.
Có thể nói rằng, trong các cấp chỉ huy quân đội cũ, một số
nhỏ không còn bận tâm đến những món nợ nầy vì họ đã quên thuộc cấp, là những người
lính dưới quyền hy sinh mạng sống, trong mỗi lần giao tranh, để cho họ may mắn
sống sót đến ngày hôm nay. Đây là một món nợ phải trả đối với những người biết
suy nghĩ, nhất là một số sĩ quan đang định cư nước ngoài. Tôi thấy trong số những
người nầy, đôi lúc họ nhẫn tâm quên hẳn quá khứ đau thương của mình với đồng đội
trước kia, nhưng lại thích xuất hiện trong nhiều cơ hội để đánh bóng cấp bậc cũng
như huy chương.
Trong một lần họp mặt thân mật, có hai Vị không đồng ý với
tôi về quan niệm trên. Người thứ nhất là một cựu sĩ quan làm việc ở thủ đô Sàigòn
cho rằng, những sĩ quan suốt đời làm việc trong văn phòng Bộ-Nha-Sở hay biệt phái
qua các cơ quan dân sự thì sự hy sinh của người lính ngoài chiến trường không
liên quan trực tiếp đối với việc thăng quan tiến chức và khen thưởng của họ. Đó
là kết quả của công việc, chức vụ đảm nhiệm cũng như thâm niên cộng vụ trong suốt
quãng thời gian mặc áo nhà binh. Người thứ hai là một dân sự, chạy trốn cộng sản lúc 20 tuổi, Vị nầy
phản đối rằng, ông ta không liên hệ nợ nần gì với những người lính đã
chết ! Xin cám ơn việc góp ý nầy,
nhưng theo thiển ý của tôi, đây là những quan niệm hẹp hòi và thiếu hiểu biết.
Nếu không có những người lính nằm xuống ngoài mặt trận thì lấy ai để bảo vệ cho
anh em quân nhân an thân làm việc trong bóng mát hậu phương, cũng như cho gia đình
ông dân sự sống sung túc tại thành phố và an toàn thoát ra nước ngoài khi
cộng quân vào chiếm Miền Nam ! Như vậy, nếu còn một chút tình và biết suy nghĩ thì
Quý Vị nào có cấp bậc càng cao và huy chương đầy ngực thì càng mang nhiều món nợ
trực tiếp với những người thương tật suốt đời hoặc đã nằm xuống vĩnh viễn ngoài
chiến trận. Ngoài ra, bất cứ gia đình nào, dù là dân sự, chệt hay chợ trời, đem được
cả gia tài và bà con dòng họ thoát ra nước ngoài một cách an toàn thì đều mang
nợ, trực tiếp hoặc gián tiếp, với những người lính đã bỏ mình để bảo vệ quê hương
đồng bào.
Tôi thích đọc hồi ký viết về các trận đánh của những sĩ
quan cấp nhỏ, chỉ huy trực tiếp trung đội, đại đội đến tiểu đoàn trong các đơn
vị từ nghĩa quân, địa phương quân đến chủ lực quân cũng như các lực lượng tổng trừ
bị của QLVNCH. Qua các bài viết đó, tôi đã tìm thấy những hình ảnh đáng ghi nhớ
giữa người sĩ quan chỉ huy hành quân và binh sĩ dưới quyền. Họ cùng băng rừng lội
suối, vào ra sinh tử và chấp nhận sống chết với nhau. Tôi cũng hình dung được những
đắng cay, ngọt bùi, gian khổ mà họ đã chia sẻ cho nhau qua từng viên đạn, vắt cơm,
ca nước đến những hành động dũng cảm mà không bao giờ phai nhạt trong tim tôi, là
các cấp chỉ huy trực tiếp không ra lệnh một cách vô trách nhiệm, xô quân lính của
mình tiến lên để đạt được thắng lợi mà chính những sĩ quan chỉ huy cấp nhỏ nầy đã
ôm súng nhảy vào tử địa với các khinh binh, đi hàng đầu nhằm mở đường, phá chốt
cũng như tiến chiếm từng mục tiêu một… Ngoài ra tôi cũng nghi nhận tình ‘huynh đệ
chi binh’ thắm thiết giữa những người lính chiến : họ đối xử với nhau còn còn
nặng hơn cả tình gia đình. Những hình ảnh thân thương nầy, sau gần bốn mươi năm,
vẫn còn đậm nét trong tôi qua những lần hành quân gian khổ cũng như những lúc chờ
địch dưới giao thông hào, chịu pháo trong hố cá nhân hoặc ôm súng trắng đêm chờ
giặc. Chúng ta phải vinh danh các cấp chỉ nhỏ vì họ không ham sống sợ chết, khi
ra trận, không bao giờ dùng binh sĩ dưới quyền làm bia đở đạn để giành lấy sự sống
và hưởng vinh quang. Cấp chỉ huy nhỏ bé nào cũng hăng hái xung phong lên tuyến đầu,
chấp nhận hy sinh bản thân để cùng đồng đội tiến lên một lượt. Hơn nữa, qua những
bài viết của những trung đội trưởng, đại đội trưởng cũng như tiểu đoàn trưởng
trực tiếp cầm quân, tôi đã tìm thấy tình người một cách trung thực, anh dũng và
cảm động. Đây
là những sử liệu cần thiết cho hậu thế hơn là những hồi ký dày cộm của các ông
tướng thuê mướn người viết nhằm đánh bóng hoặc chạy tội, càng đọc càng bực mình
và đôi lúc phải văng tục… Thật vậy, tôi đã thật sự tìm thấy trong các bài hồi ký
ngắn của các vị chỉ huy nhỏ những hình ảnh tình người thật lớn chân thật qua những
liên hệ đồng đội ‘huynh đệ chi binh’, là một sự ràng buộc vô hình giữa những người
cầm súng với nhau mà bất cứ ai chưa phải là lính trận thì không thể nào hiểu và
cảm thông được.
Xin mượn bài viết nầy để nhắc những người đã một thời cầm
súng về hai món nợ ‘tình nghĩa’ :
Trong nhiều hồi ký của các cấp chỉ huy nhỏ, từ những nhóm
Biệt Kích, trung đội nghĩa quân, địa phương quân, trung đội, đại đội, tiểu đoàn
tác chiến (Sư Đoàn Bộ Binh) đến các đơn vị đặc biệt Trinh Sát, Công Binh, Pháo
Binh thuộc đơn vị Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân cũng như những bài
viết về những phi vụ thả dù, tiếp tế, đổ quân, tải thương và cứu đồng đội của
các anh em Không Quân…tôi đã thấy những cảnh quan và lính chia nhau từng
ca nước bùn, từng vắt cơm nguội, từng miếng khô cháy, từng ngụm đế trắng, từng nửa
điếu thuốc đến từng viên đạn một…để chia sẻ đùm bọc và bảo vệ cho nhau. Trong các lần hành quân bên cạnh
các đơn vị tác chiến tôi đã tận mắt chứng kiến các anh Không Quân quên mình lao
xuống đầu giặc để dội bom, đổ quân, tiếp tế, tải thương và cứu bạn, cứu đồng đội
tại các mặt trận trong mùa Hè đỏ lửa ở Pleiku-KonTum. Một lời tri ân gởi đến các
anh Không Quân, tuy bay bướm ở hậu phương nhưng khi đối điện với súng đạn, họ trở
thành những con đại bàng, những anh hùng
cứu tinh của những nguời lính bộ binh dưới đất đang cần đến sự yểm trợ của họ.
1. Nợ ‘huynh đệ chi binh’
Có đi tác chiến rồi mới thấy cái tình sâu đậm và tha thiết
giữa những người lính với nhau. Họ bỏ gia đình, vợ con, làng xóm để kết tình kết nghĩa, ăn chung lon
(guigot), uống cùng ca (nước), chia nhau điếu thuốc, ngũ chung cùng hố, và nhất
là, chấp nhận sống chết cùng một lượt. Đời
lính chiến không ai sợ sệt nghĩ đến cái chết cũng như mơ ước được khen thưởng
như những Vị chỉ huy cấp cao đang an toàn trong các hầm trú ẩn của Bộ Tư Lệnh
! Cuộc đời người lính trận, trước mặt là kẻ thù, hai bên là đồng đội và sau lưng
là xương máu chết chóc đang rình rập từng giây từng phút. Đối với họ, cha mẹ
anh em vợ con đều trở thành những cái bóng mờ khi họ trực diện với khói súng,
tiếng đạn và kẻ thù. Họ cũng không có
thời giờ để nhớ người yêu, thương gia đình, mà niềm mơ ước của họ thật tầm thường
và bé nhỏ là mỗi năm được vài ngày phép…
Đọc những tâp thơ của Đại Đội Trưởng Trinh Sát Trạch Gầm,
Hồi ký Đại Đội 5 Biệt Cách Nhảy Dù của Mũ Đỏ Út Bạch Lan, Hồi Ký Sĩ Quan Tiền Sát
Pháo Binh của Nguyễn Văn Khôi, hồi ký ngày ba mươi tháng tư của Phân Chi Khu Trưỏng
Đỗ Văn Thọ (Dương Thượng Trúc viết lại theo lời kể) cũng như những chuyện thật
trong đời binh nghiệp của Đại Đội Trưởng Bộ Binh Phạm Tín An Ninh…tôi sống lại
với những kỷ niệm chiến trường và đồng đội. Viết đến đây tôi xin phép ngưng lại
một phút để tưởng niệm anh Binh Nhì Xí, rất đẹp trai nhưng phải đặt tên Xí (xấu)
cho dễ nuôi, là người đã theo sát tôi trong các cuộc hành quân trên các vùng rừng
núi Quảng Đức, Buôn Mê Thuột. Nhưng đau đớn thay Anh đã đền nợ nuớc sau khi tôi
chuyển qua đơn vị Tiếp Vận. Một đêm hành quân theo lối ‘mèo chuột vờn nhau’ với một đơn vị cộng sản
trong vùng núi tỉnh Quảng Đức. Đến tối, đơn vị tôi âm thầm lên đỉnh đồi và dò dẫm
từng bước tìm thế ngủ ngồi qua đêm. Lệnh phải hoàn toàn bất động, cấm hút thuốc,
cấm nấu nướng, cấm căn võng và cấm luôn cả việc đào hố cá nhân vì đơn vị tôi đang
ở thế cài răng lược với địch. Một trong bốn người lính gác ca đầu của trung đội
nghe một tên việt cộng nào đó, cách chỗ anh ta chừng vài thước, lên tiếng hỏi mượn
ống thuốc lào với một tên dép râu khác. Anh ta bò đến chỗ tôi để báo động ! Thập phần nguy hiểm vì mưa quá
nặng hạt, trời tối đen như mực, ngữa bàn tay không thấy, nếu xảy ra đụng độ cận
chiến thì anh em trong trung đội chắc chắn sẽ vật lộn, đâm chém và bắn nhầm
nhau…Vậy mà anh Xí vẫn bình tĩnh nói nhỏ vào tai người lính gác, để cho ông thầy uống xong ca soupe. Tôi
thật sự mất bình tĩnh, cầm ống liên hợp báo nhỏ qua Đại Đội đang đóng đồi bên
kia. Xong tôi hỏi vào tai Xí, ‘gì vậy’ ?
Anh ta trả lời như không có chuyện gì xảy ra…’ thì Đ.M. ông thầy ! Nước lạnh pha với gói bột nêm mì gói chứ có gì
nữa ! Uống đi cho đở đói, ông thầy ! Đóng quân chung với quân lính
cộng sản Bắc Việt trên một ngọn đồi nhỏ thì cái chết đang sẵng sàng trước mặt, nhưng
ca nước soupe đối với tôi, tự nhiên nó ấm và ngon ngọt một cách lạ lùng đồng thời
giúp tôi can đảm. Bây giờ mỗi khi nhớ lại chuyện cũ, tôi vẫn hình dung rõ ràng
cái tình cảm quá sâu đậm giữa thầy với trò, giữa huynh với đệ. Không biết cái
ca nước soupe bột ngọt hay hai chữ Đ.M. của người bạn chiến sĩ miền Nam mà, cho
đến giờ nầy, mỗi đêm trăn trở tôi vẫn nhớ đến Anh Xí đẹp trai và dễ thương của
tôi ngày nào.
2. Nợ ‘xanh cỏ đỏ ngực’
Sau mỗi trận chiến, những vị sĩ quan chỉ huy hành quân ngồi
ở Bộ Tư Lệnh, tùy theo kết quả thu được, không ít thì nhiều cũng được khen thưởng. Nhưng họ quên ngay những người
vừa nằm xuống để tổ chức mừng chiến thắng và chờ hoa nở, chờ sao mọc hay đợi những
Anh Dũng Bội Tinh… Có thể xem đây là nhờ xương máu binh sĩ và công trạng của các
sĩ quan cấp nhỏ ngoài trận địa để mai nở thêm trên vai và sao mọc thêm ở cổ.
Trước kia, các vị nầy thường quên những
người vừa nằm xuống sau cơn men chiến thắng, và ngày nay, nơi vùng trời tự do không
biết có ai dành vài ba phút tính sổ cuộc đời ra thành những con số để thấy nợ của
mình. Cứ một mai nở thêm trên vai, một
sao nở thêm trên cổ áo là có bao
nhiêu người đã bị thương tật suốt đời, bao nhiêu con côi quả phụ mất cha mất chồng
cũng như bao nhiêu người lính nằm xuống cho cuộc đời binh nghiệp của mình ? Trường
hợp nầy tôi gọi là ‘nợ xanh cỏ đỏ ngực’. Đây là những món nợ của những quan còn sống sót sau chuộc chiến, theo
lẽ công bằng thì họ phải trả món nợ nầy dưới một hình thức nào đó đối với lính của họ !
3. Nợ đã không trả mà còn gây
thêm tủi nhục cho những người đã nằm xuống :
Tổ chức giúp anh em Thương Phế Binh tại Việt Nam, gây quỹ
trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa hay các hình thức khác nhằm giúp đở vật lẫn
chất tinh thần cho những người lính bất
hạnh còn sống hay vong linh những người nằm xuống là những việc làm phải được
vinh danh và yểm trợ. Nhưng buồn thay, một vài người đã lợi dụng sự đau khổ, xương máu và
vong linh của những người đã bỏ mình vì tổ quốc để trục lợi vật chất hay mưu đồ
chính trị cá nhân, là một điều cần phải lên
án. Tổ chức thu lem nhem, gia tăng chi phí ma thì tiền cứu trợ còn lại chẳng bao
nhiêu. Có khi cả vợ chồng đều nhập
nhằng dùng tiền gây quỹ để mua vé may bay đi Việt Nam. Tiền còn lại nếu chia ra cho một ít thương phế binh, mỗi người cũng
được hơn chục dollars, nhưng lại yêu cầu chụp hình để quảng cáo là nmột việc làm
thất đức, ăn trên đầu người sống. Trường hợp gây quỹ trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội
Biên Hoà, số tiền lớn thu được từ trước đến nay đã chạy vào đâu ? Và bây giờ họ lại bán cái Nghĩa Trang Quân Đội
Biên Hòa cho việt cộng để chúng nó xóa hẳn di tích lịch sử VNCH và nơi đây biến
thành ‘nghĩa trang nhân dân’. Nghĩa
trang nhân dân là cái gì ? Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa không thể biến dạng
thành ‘nghĩ trang nhân dân’ để các TỬ SĨ ANH HÙNG MIỀN NAM bị nằm chung và đồng
hóa với bọn nằm vùng, các bà già trầu nuôi việt cộng cũng như những thành phần
du đảng, thành phần theo cộng đánh phá Việt Nam Cộng Hòa trước kia !
4. Cách nào để trả nợ ?
Thực ra món nợ vật chất mà Quý Vị đã đóng góp chưa xứng đáng
với xương máu đối đồng đội và thuộc cấp đã nằm xuống. Chỉ còn món nợ tinh thần mới
có thể an ủi những người đã hy sinh xương máu, mà theo tôi, là phải tiếp tục
con đường tranh đấu chống cộng sản mà đồng đội thuộc cấp đã chết cho cho Quý Vị,
cho chính nghĩa quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như hai chữ tự do…Vậy cứ
suy nghĩ và hãy dừng tay ngay những hành động có phương hại đến công cuộc chống
cộng sản của toàn dân. Đừng vì tiền bạc và cái danh hão để đòi bắt tay hòa giải
hòa hợp với cộng sản, đánh phá cộng đồng và nhất là làm tủi nhục những vong hồn
những người đã nằm xuống để cho Quý Vị được sống sót đến ngày hôm nay.
Một điều quan trọng hơn nữa là hạn chế mặc quân phục, mang cấp bậc và huy
chương cao quý của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đến những nơi không xứng đáng như
những buổi tiệc có tính cách tư nhân hoặc dân sự mà mục đích là tổ chức ăn uống
và nhảy đầm. Điều nầy chắc chắn làm
đau lòng những vong linh tử sĩ đã chết, vì chính cấp bậc và huy chương mà Quý
Vị đang mang trên người đều do xương máu của họ đem đến cho Quý Vị !
Để chấm dứt bài viết, xin phép lặp lại một lần nữa để hỏi
các cấp Chỉ Huy lớn. Có bao giờ Quý Vị thử làm bài tính cộng về những người
lính cầm súng đã ‘xanh cỏ’ để Qúy Vị ‘đỏ ngực’ không ? Mỗi lần ‘sao’ mọc thêm
trên cổ áo, ‘hoa mai’ nở thêm trên vai hay các Anh Dũng Bội Tinh đồng, bạc,
vàng, nhành dương liễu đỏ thêm trên ngực…thì đã có thêm bao nhiêu người lính
dưới quyền đã chết vì mình, bao nhiêu gia đình Tử Sĩ mẹ góa con côi mất cha mất
chồng ? Nếu tính ra được con số thì xin Quý
Vị hãy làm một cái gì để gọi là trả món Nợ Đồng Đội nầy ?
Đinh Lâm Thanh
Paris, Tháng Tư Buồn 2013
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen