Giải ảo là thứ quả chín
muộn
Dương thu Hương |
Các
dịch giả Việt Nam dùng hai danh từ này tuỳ theo ngữ cảnh của nhóm từ Pháp:
désillusionné, désenchanté, désabusé, déçu.
Tôi
chọn hai từ désenchanté và désabusé để làm bệ đỡ cho sự Giải ảo và Vỡ mộng của
người Việt Nam sau cuộc chiến.
Xét
trên phương diện tâm lý, cuộc chiến tranh Việt-Mỹ có thể ví như một cơn nhập
đồng tập thể. Một cá nhân, trong trạng thái nhập đồng, có thể làm được những
điều mà bình thường họ không thể nào làm nổi. Khi trạng thái nhập đồng chấm dứt,
con người cũng đánh mất khả năng ấy.
Ngô Thị Tuyển, nữ dân quân tham gia
chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng (1965) –
Nguồn ảnh: Phạm Kỉnh
|
Đó
là sự siêu tuyệt thuần tuý (Une pure transcendance).
Khi
trạng thái hưng phấn cao độ, sự siêu tuyệt qua đi, con người trở lại với chính
bản thân họ, với các khả năng hữu hạn của họ mà yêu cầu họ “diễn lại như thật”
các hành vi lúc nhập đồng thì hoàn toàn là điều ngu ngốc, thậm chí điên rồ. Thử
hỏi các đạo diễn điện ảnh xem, nếu các diễn viên của họ phải vác một cái chuỳ
thật sự nặng ba chục cân chứ không phải chuỳ bằng nhựa, liệu họ còn sức diễn nữa
hay không? Những nhà báo này cũng thiếu kiến thức và sự từng trải để hiểu con
người: Phàm đã là người đứng đắn, không ai đủ trơ trẽn để “diễn một màn tự khoe
mình”; chỉ có những kẻ vô liêm sỉ và cơ hội mới làm điều đó. Nhìn ảnh thì biết
Ngô thị Tuyển là một thôn nữ thật thà, chất phác, chị ấy từ chối diễn cũng không
có gì là lạ. Lúc đó, để biểu diễn những màn “chiến thắng” nhằm tuyên truyền với
báo chí trong và ngoài nước đã sẵn có cô Nguyễn Thị Hằng, người nhờ nhan sắc,
nhờ ôm ấp kỹ ông Quang, chỉ huy quân khu tả ngạn, được đưa lên thủ đô. Ở thủ đô,
sau khi trở thành bồ non của ông Lê Đức Thọ, cô lại được ông Lê khả Phiêu tổng
bí thư đảng bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng bộ thương binh xã hội. Dân Thanh hoá có
câu: “Cô Tuyển vác đạn, con đĩ Hằng lên ngôi ”
Trong
cuộc chiến tranh Việt-Mỹ, có vô số Ngô thị Tuyển. Cả dân tộc sống trong trạng
thái Nhập đồng. Làm sao có thể khác được khi phải đối mặt với một địch thủ mạnh
hơn mình cả ngàn lần? Hoặc là chết một cách bị động, hoặc phải chịu đựng sự
thách thức của lịch sử bằng những nỗ lực vượt lên bản thân và phải biết chấp
nhận cái chết một cách chủ động. Có lẽ, nghịch lý này cũng có tính phổ biến nếu
ta đọc lại các cuộc chiến tranh từ thời thượng cổ đến ngày nay. Dân tộc Việt Nam
không phải dân tộc duy nhất có khả năng tiến hành những cuộc chiến tranh không
cân sức, và lòng yêu nước cũng không phải đặc tính riêng biệt của những người
cộng sản Việt Nam như ông Tố Hữu tự nhận. Thói tự khoe khoang là biểu hiện của
sự vô văn hoá hoặc tính mù quáng. Đáng tiếc thay, trong một thời gian dài, cả xã
hội Việt Nam đã tiêm nhiễm thói tự ngạo mù quáng này. Đóng góp đáng kể nhất để
tạo nên cái tâm lý ấy là những bài viết của lớp “nhà báo tinh hoa của Đảng” kiểu
như ông Thép Mới, và đặc biệt là các câu thơ đầy tính hào nhoáng của ông Tố
Hữu:
“Ta
đang đứng trên đỉnh cao thời đại”
“Lương tâm nhân loại kí thác vào ta”
“Sứ mệnh của ta là thức tỉnh lương tâm nhân loại”…
“Lương tâm nhân loại kí thác vào ta”
“Sứ mệnh của ta là thức tỉnh lương tâm nhân loại”…
Những
câu thơ kêu như cả đội kèn nhà binh thổi to hết cỡ, đầy ngập những tính từ như
hùng tráng, chói lọi, cao cả… Tôi vốn không thích thơ Tố Hữu nhưng ít nhất, tôi
cũng ngỡ những điều ông ta nói có đôi ba phần sự thật. Ai có thể ngờ được khả
năng phét lác của “nhà thơ Lớn”, một trong số các rường cột quốc gia? Cuối hè
năm 1984, tôi đến Mạc Tư Khoa, thủ đô Liên bang Xô viết, trong phái đoàn gọi là
điện ảnh trẻ nhưng trên thực tế toàn những người xấp xỉ sáu mươi, tôi được coi
như trẻ nhất cũng sắp 40 rồi. Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân đến một xứ sở
khác. Đứng trong khách sạn, nhìn xuống đường, gặp đúng lúc một đoàn Việt Nam
khoảng ba, bốn chục người đi thành hàng ba bên vỉa hè đối diện. Chắc chắn đó là
một đoàn cán bộ được đảng và nhà nước cho phép đi tham quan. Lần đầu tiên tôi
bắt gặp hình ảnh thật của đồng bào mình: đó là những con người nhếch nhác, gầy
guộc, ngơ ngác, rúm ró trong những bộ complet đen của bộ tài chính cho mượn. Vì
phải mặc những thứ quần áo không phải của chính mình, trông họ khổ sở và ngượng
nghịu. Vì bước tới một nơi xa lạ, lại không biết tiếng, họ có bộ mặt hoảng hốt,
thất thần. Người đi sau phải níu vạt áo người đi trước vì sợ lạc, những người ở
hàng trên cùng thì bám sát gót một người Nga, hẳn là người hướng dẫn và cũng là
phiên dịch.
Vừa
nhìn đám đồng bào khốn khổ của mình, tôi vừa tự nhủ:
“Đây
là những người ở rừng ra, những người bị rút kiệt máu sau một cuộc
chiến tranh lâu dài và cam khổ. Những người không biết đến sự sống mà chỉ quen
đối mặt với cái chết. Giờ đây, giữa ban ngày, giữa đô thị, ở một phương trời
khác, họ hiện hình như các bóng ma đi ra từ những miền u tối.
Họ là sự cụ thể hoá bộ mặt tàn bạo của chiến tranh. Hình ảnh của họ là hình ảnh
tượng trưng cho dân tộc chúng ta, một dân tộc chưa bao giờ được sống thực sự.
Một dân tộc sống sót. Một dân tộc kiên trì mơ ước sống, chuẩn bị sống, nhưng
cuộc sống với đúng nghĩa của nó chưa đi tới. ”
Và
tôi nhớ lại những câu thơ của ông Tố Hữu. Lúc này, những câu thơ ấy vang trong
óc tôi như tiếng rít ghê tai của bánh xe lửa nghiến trên đường ray. Lẽ ra, thay
vì khoe khoang hão, nhà nước Việt Nam phải chú ý đến đời sống các chiến binh của
họ, ít ra lo cho họ được đôi giầy vừa cỡ, được tấm áo vừa lưng, trước khi đưa họ
lên tầu. Như thế, không chỉ riêng ông Lê Duẩn mà ông Tố Hữu và rất nhiều lãnh tụ
cộng sản Việt Nam khác cũng mắc bệnh vĩ cuồng, họ ngửa mặt nhìn lên mặt
trăng, tưởng mình đang đứng trên mặt trăng trong khi công dân của họ diễu hành
trên các hè phố Mạc Tư Khoa như một đám ăn mày. Tôi ngồi chết dí trong
khách sạn, khóc. Ông Tô Hoàng, một sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường
điện ảnh VGIC đến thăm, liền bảo:
“Con
mụ này, người ta đi Liên xô thì cười tươi như hoa, mụ thì khóc như bị đi đầy ở
Nghệ Tĩnh. Đúng là rồ.”
Tôi
không trả lời. Ông Tô Hoàng cũng đã từng đi lính nhưng rất nhanh đã được quay về
hậu phương và được chọn ra nước ngoài học. So với thân phận hàng triệu thanh
niên thời ấy, ông là kẻ may mắn. Ông chưa từng chứng kiến cảnh những bầy kiền
kiền no nê xác lính đến mức không bay lên nổi. Ông cũng không chứng kiến cảnh
dân thường chết dưới bom B52 Mỹ. Ông cảm thấy sung sướng khi ở nước Nga là dễ
hiểu. Nước mắt của tôi là điều bất khả tri đối với ông.
Sau
ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi thuộc số những người vỡ mộng sớm nhất.
Nhưng chỉ vài năm sau, con số những kẻ vỡ mộng tăng lên một cách không ngừng.
Đầu những năm 80 sự đói khổ về vật chất là con quỷ hiện hình cả ngày lẫn đêm
trên toàn cõi. Đói khổ là món quà chia đều cho toàn dân, trừ một số người nắm
quyền. Sự giàu có và xa hoa của một thiểu số cộng sản giống như vòi nước
lạnh hắt vào mặt dân chúng. Hiển nhiên là trong dân chúng, có vô số kẻ
từ chiến trường cởi áo lính trở về. Như cuốn “Bên thắng cuộc” của ông Huy Đức đã
nêu, những người anh hùng lái xe tăng 390 “cắm lá cờ lên dinh độc lập” sau khi
giải ngũ, một anh đánh giậm, một anh cắt tóc, một anh lái xe lam, một anh gác
đầm cá, sống trong cảnh lam lũ. Tuy nhiên, họ còn cơ may được nhà báo và nhiếp
ảnh Pháp Françoise De Mulder trả lại lẽ công bằng vào năm 2003. Nhưng họ chỉ là
bốn người, một tuyệt đại thiểu số. Còn hàng triệu người lính khác, khi trở về
cuộc sống của dân thường, đối mặt với nỗi đói khổ và sự áp bức của hệ thống
cường hào địa phương, lúc đó họ nghĩ gì?
“Chúng
ta đổ máu để cho ai?”
Khi
ra đi, ai cũng nghĩ là chiến đấu cho độc lập dân tộc nhưng dần dà, mọi
người đều ngờ ngợ rằng mình lầm. Người Mỹ không đến chiếm đất đai, không thu hải
sản, không bắt dân mò ngọc trai, nộp đá quý. Tóm lại, hoàn toàn không
giống cái sơ đồ quen thuộc mà họ đã hình dung về quân Minh, quân Nguyên và quân
Thanh. Khi ra trận, ai cũng có ý định ngầm ẩn là thích vào trán hai từ “Sát
Thát”. Bây giờ nghĩ lại, cảm thấy có gì đó bất ổn và danh từ “quân xâm lược
Envahisseurs” có vẻ như không thích hợp trong trường hợp này.
“Vậy
ta chiến đấu để làm gì?”
Để
cho chủ nghĩa cộng sản chiến thắng và cụ thể hơn, để mấy ông lớn cộng sản cầm
quyền, đó là điều hiển nhiên ai cũng thấy.
Các
ông lớn cộng sản giờ nắm trong tay tất thảy chiến lợi phẩm mà xương máu hàng
chục triệu người đổi lấy:
Trước
hết họ nắm trong tay mười sáu tấn vàng của kho Long Thành. Họ nắm trong tay toàn
bộ số vàng, kim cương cũng như ngoại tệ của dân miền Nam kẹt trong các nhà
băng.
Nhưng
sau rốt, nguồn tài sản sau đây mới là quan trọng:
Họ
biển thủ toàn bộ số vàng mà lính áp tải về sau cuộc giải phóng
Căm-pu-chia, số lính này quá đông nên họ không thể xử lý biện pháp quen
thuộc của vua chúa xưa kia là chôn sống. Những người lính này sau khi giải ngũ
đã cất tiếng thở dài:
“Biết
thế hồi đó thủ một nắm cho vào túi thì giờ đây đỡ khổ!”
“Bây giờ mới biết mình ngu. Lẽ ra hồi ấy…”
“Bây giờ mới biết mình ngu. Lẽ ra hồi ấy…”
Biết
thế! Lẽ ra! Nếu như … Toàn những
lời than thở muộn màng.
Tiếng
Pháp có một thành ngữ khá hay: Après coup! Người ta chỉ hiểu được sự thật khi mọi
sự đã lỡ làng.
Năm
1991, những vụ hoá giá biệt thự xảy ra và khá nhiều người biết đám quan lại như
Lê Hãn (con trai trưởng Lê Duẩn), Trần Bạch Đằng, Trần Văn Giàu, Dương
Quang Đông… cùng nhiều ông lớn khác bán mỗi biệt thự trên hai ngàn cây
vàng bỏ túi. Lúc đó, bà Ngô Bá Thành, đại biểu quốc hội đã kêu lên:
“Thành
phố tham nhũng tập thể, cướp công trình của cả dân tộc, chia chác xương máu của
cả nước”.
Nhưng
bà Ngô Bá Thành cũng như đa phần dân chúng còn không biết đến những nguồn vàng
to lớn hơn, quan trọng hơn, mà kẻ cầm quyền đã chia chác trong bóng đêm.
Nỗi
đau khổ chiến tranh, toàn dân phải gánh chịu, nhưng bộ phận chịu đựng sự mất mát
lớn nhất vẫn là những người cầm súng và gia đình họ. Vào khoảng 2004, 2005, một
tờ báo công nhận con số mất tích trong chiến tranh là trên 900.000, có nghĩa là
ngót nghét một triệu. Nhà cầm quyền có thể công bố con số giả về sự tử vong
nhưng con số mất tích thì khó bôi xoá vì sau chiến tranh hai, ba chục năm, những
gia đình có con em mất tích vẫn tiếp tục khiếu kiện và đi tìm thân nhân của họ.
Trong lúc đó, khoảng cách giữa các ông lớn cầm quyền với dân chúng càng ngày
càng xa, giống như bờ đất lở.
Từ
xưa đã có câu: “Tình đời thay trắng đổi đen.”
Không
có gì cũ hơn và cũng chẳng có gì mới hơn là sự bội phản của người với
người.
Lúc
cần làm cuộc chiến tranh, ban tuyên huấn trung ương đảng tìm được cả một đội
quân tuyên truyền để ngợi ca người lính. Thêm vào đó, không kể những người ăn
lương để làm “tâm lý chiến” còn vô số người sáng tác theo chính cảm hứng và nhận
thức của mình. Ý chí chống ngoại xâm vốn là nguồn cảm hứng cỗi rễ của một dân
tộc không ngừng tranh đấu để giành quyền tự chủ như dân Việt Nam. Cố nhà văn
Nguyễn Minh Châu viết cuốn “Dấu chân người lính”, cuốn sách thuộc loại
best-seller đầu bảng lúc ra lò. Nhạc sĩ Vũ trọng Hối viết ca khúc tuyệt
đẹp:
“Ta
vượt trên triền núi cao Trường sơn.
Núi mòn mà đôi gót không mòn…”
Núi mòn mà đôi gót không mòn…”
Nguyễn
Minh Châu, Vũ Trọng Hối không phải bị cưỡng chế mà viết, họ viết với tất cả sự
chân thành và niềm cảm hứng. Cũng như những người lính khác bước vào chiến đấu,
họ sáng tác trong trạng thái Nhập đồng, hoặc nói văn vẻ hơn, trạng thái Siêu
tuyệt (Transcendance). Lúc đó, chưa ai có đủ từng trải lẫn thông tin để hiểu sự
thật.
Hơn
một thập kỷ sau, vào năm 1985, Nguyễn Minh Châu (sinh năm 1930) hẳn đã vỡ mộng
nên đã nói với tôi trên trại sáng tác Đại Lải của Hội nhà văn:
“Mình
xui con người ta đi vào chỗ chết. Biết đâu sự thể nó lại ra thế
này?…”
Rồi
anh thở dài và im lặng. Nguyễn Minh Châu vốn là người kín đáo, thường tự nhận
một cách công khai trước đồng nghiệp:
“Tôi
nhát lắm, tôi sợ chết lắm. Vua chúa châu Á vốn coi nhà văn ngang với bọn ăn mày.
Chúng ta phải biết thân biết phận.”
Tuy
sợ chết, anh vẫn không tránh được cái chết. Chừng vài năm sau ngày gặp tôi trên
trại viết văn Đại Lải, anh chết vì ung thư máu, do nhiễm chất độc màu da cam
trong chiến trường Quảng trị. Đó là một nhà văn quân đội, đã từng sống khá lâu
với lính Trường sơn. Tuy nhiên, anh chết sớm còn là may, nếu sống thêm một vài
năm nữa, anh sẽ phải chứng kiến sự phản bội tàn độc của những kẻ cầm quyền đối
với binh lính, và con tim nhút nhát của anh sẽ phải dày vò quằn quại một cách dữ
dội hơn nếu anh thấy những người anh hùng năm xưa “Xẻ dọc trường sơn đi đánh Mỹ”
đã biến thành “Những thằng tù không số, bị giết dần trong các nhà giam”.
Đó
là sự kiện xẩy ra cuối thập kỷ 80, gần như cùng lúc với vụ Thiên An Môn ở Trung
quốc.
Tôi
tạm gọi là Thiên An Môn Việt Nam.
Vì
sao lại là Thiên An Môn?
Vì
bản chất sự việc cũng là một cuộc tàn sát dân chúng để bảo vệ nền chuyên chính
và số lượng người thiệt mạng cũng ngang ngửa với vụ Thiên An Môn xẩy ra ở
Tầu.
Thời
đại của chúng ta là thời đại truyền thông.
Thiên
An Môn Trung quốc có cơ may được biết đến vì nó xảy ra giữa ban ngày, tại Bắc
kinh, nơi báo chí thế giới làm việc. Nhà cầm quyền Trung quốc vốn cứng rắn,
không thèm đếm xỉa tới dư luận nước ngoài nên họ không che giấu hoặc nguỵ trang
cuộc tàn sát dân chúng. Như thế, nhân loại biết được sự kiện này nhờ thói ngạo
mạn của ông vua Đặng tiểu Bình.
Ngược
lại trăm phần trăm, Thiên An Môn Việt Nam xẩy ra trong bóng đêm, tại các
tỉnh, trước hết là Thái Bình, nơi các phóng viên báo chí thế giới bị ngăn cấm đi
tới. Nhà cầm quyền Việt Nam không dám ngỗ ngược thách thức dư luận thế
giới như các bậc đàn anh Trung Hoa, họ chọn con đường mềm dẻo hơn, khôn ngoan
hơn và hiệu quả hơn. Số người bị chết trong cuộc tàn sát này là khoảng giữa một
ngàn với hai ngàn, có nghĩa là bằng số người bị bắn chết trên quảng trường Thiên
An Môn nhưng sự giết chóc diễn ra từ từ, lặng lẽ, trong các trại giam
khác nhau, không một tiếng kêu nào lọt được ra ngoài, không một ống kính thu
hình nào ghi lại được.
Nhà
cầm quyền Việt Nam, hành động theo truyền thống du kích, có nghĩa là ẩn mình
trong bóng tối, nói cách khác, họ thực thi các biện pháp độc ác một cách
uyển chuyển của loài rắn rết (à la façon reptilienne). Họ thành công
tuyệt đối. An toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng vì không thể giết hết gia đình của
các cựu chiến binh nên những người như chúng tôi mới có thể điều tra về cuộc tàn
sát này.
Tôi
xin kể vắn tắt:
Thời
gian ấy, tôi vẫn thường gặp gỡ các ông Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Kiến
Giang. Một bữa, ông Độ bảo:
-
Mấy hôm nay họ tăng cường số công an gác cửa nhà tôi. Họ nghi cô với tôi chỉ đạo
cuộc nổi dậy của các cựu chiến binh ở Thái Bình.
- Vì
sao? Tôi hỏi.
Ông
Trần Độ trả lời:
-
Tại vì cô là dân Duyên hà còn tôi là dân Tiền hải. Chúng ta đều có gốc ở tỉnh
Thái lọ. Thêm nữa, tôi là tướng còn cô cũng là dân từ Quảng bình khói lửa trở
về. Họ cho rằng chúng ta xúi giục cựu chiến binh.
Tôi
nói:
-
Tôi có biết gì đâu. Đã gần một tháng nay tôi ngồi viết, không tiếp xúc với ai,
không rời khỏi nhà quá một trăm mét. Hành trình của tôi chỉ bao gồm từ tầng ba
khu chung cư xuống mặt đường rồi lại leo lên. Vài ngày một lần tôi xuống đường
mua thực phẩm. Tuy nhiên, nếu họ đã ngờ vực tôi xúi giục cuộc khởi dậy này, tôi
sẽ điều tra sự thật về nó, như thế, để khỏi phụ lòng bộ nội vụ Việt Nam.
Ông
Độ bảo:
-
Nhưng cô cũng bị theo rõi mà.
Tôi
đáp:
-
Đương nhiên. Nhưng bọn công an không thể theo rõi tôi 24 trên 24, buổi tối chúng
nó phải về chăm con và ngủ với vợ. Vả chăng, trước kia Việt minh hoạt động du
kích ra sao thì bây giờ tôi cũng hoạt động du kích đúng như vậy. Thêm nữa, tôi
không phải một mình cho dù các nhà báo Pháp đặt cho tôi biệt danh “Con sói cái
đơn độc”. Không ai có thể chiến đấu một mình trừ các vị thánh. Tôi không phải là
thánh, tôi là người.
Phong
trào đấu tranh của các cựu chiến binh tỉnh Thái Bình khởi dậy ở Quỳnh Lưu, một
trong các xã nghèo nhất tỉnh. Ở đây, chính các cựu chiến binh là những người đầu
tiên phát hiện ra các vụ “thu thuế đểu” của bọn hào lý. Họ phát động dân chúng
lên thành phố biểu tình, yêu cầu tỉnh uỷ trả lại dân các món tiền thu khống.
Dường như ở tất cả các xã, cựu chiến binh đều là lực lượng đầu tầu hướng
dẫn dân chúng đấu tranh. Phong trào nhanh chóng lan sang các huyện
khác. Rồi từ tỉnh Thái Bình, cuộc biến động lan sang Hải Dương, Hưng Yên, Nam
Định và một phần Quảng Ninh. Lúc đó, có khá nhiều nhà báo nước ngoài đòi xuống
các tỉnh để xem xét tình hình. Công an Hà Nội trả lời một cách mềm mỏng:
“Xin
các vị chờ một vài ngày để chúng tôi sắp xếp phương tiện đi lại. Nếu các vị đi
bây giờ e rằng mất an toàn.”
Họ
khất lần như vậy. Ngày nọ qua ngày kia, đám nhà báo mất kiên nhẫn. Việt Nam đã
bị lãng quên, chẳng có gì đáng làm một cuộc đầu tư lớn, kể cả thời gian lẫn tiền
bạc. Các điểm nóng của hành tinh đã chuyển sang vùng đất khác. Vậy là, các phóng
viên nước ngoài, sau một hồi chờ đợi mỏi mệt, người nọ theo người kia lần lượt
leo lên thang máy bay. Một khi, không còn ống kính báo chí nào ở Hà Nội,
chính quyền lập tức tổ chức một cuộc bắt bớ rầm rộ ở khắp các địa
phương. Đương nhiên, số lượng người bị bắt nhiều nhất vẫn là ở
Thái Bình. Nửa đêm, xe hòm thép của công an ập vào từng làng, dưới sự
dẫn đường của cán bộ xã, lôi những “kẻ đầu sỏ” các cuộc biểu tình lên xe, trước
tiếng kêu la gào thét của thân nhân lẫn láng giềng. Không cần tuyên bố, cũng
chẳng có cáo trạng, các cuộc bắt bớ này diễn ra giống hệt các cuộc vây ráp,
khủng bố của thực dân Pháp trước đây nếu không muốn nói là còn tàn bạo hơn. Sau
đêm ấy, gia đình các cựu chiến binh không có cách nào liên lạc được với thân
nhân của họ. Những ông bố, bà mẹ, những người vợ hội họp nhau để đi kêu cứu. Nếu
ai sống ở Hà Nội vào thời gian đó, sẽ nhớ rằng có những ngày đột nhiên con phố
Trần Bình Trọng bị bít kín hai đầu, ngăn xe qua lại. Ấy là vì thân nhân các cựu
chiến binh biểu tình ở cổng bộ nội vụ (số 15 Trần bình Trọng), đòi trả lời về
những người bị bắt. Không ai đánh đập họ nhưng cũng không ai tiếp họ. Đám dân
khốn khổ ngồi giãi nắng qua trưa, được các quan lớn phát một chiếc bánh mì rồi
tống lên xe tải chở về Thái Bình. Nhưng đến nửa đường, lái xe dừng lại (đương
nhiên là theo lệnh bề trên), đuổi đám dân quê xuống, bắt buộc họ phải đi bộ bốn
năm chục cây số mới về đến làng. Tình trạng giao thông ở Việt Nam thời ấy vô
cùng tồi tệ và khoảng cách là một trở ngại mà con người, trước hết là các nông
dân, không đủ phương tiện, không có tiền nong, khó có thể vượt qua. Như thế, qua
vài lượt, những người dân quê cạn kiệt hơi sức, cũng chẳng còn tiền mua vé xe
lên Hà Nội tranh đấu nữa. Họ đành phải câm lặng chịu đựng. Chịu đựng, vốn là
thói quen cố hữu của dân Việt Nam.
Trong
lúc ấy, số phận những cựu chiến binh ra sao?
Vỡ mộng. Nguồn: Orangeya’s photostream
Họ bị phân bố vào các nhà tù
khác nhau nằm rải rác trên toàn quốc, người nọ không còn liên lạc được với người
kia. Sau vài tuần, họ bị chuyển đến sống trong các trại giam dành cho bọn tội
phạm đặc biệt, những kẻ mang án chung thân hoặc ít nhất hai mươi lăm năm tù,
những kẻ hung hãn, giết người không ghê tay. Ở đó, họ được thanh toán
một cách dần dà bởi chính đám tù này.
Giết một cựu chiến binh, án
được giảm hai năm.
Giết hai, án được giảm bốn
năm.
Tỷ lệ cứ theo thế mà nhân lên, càng
giết được nhiều, càng nhanh được giải phóng. Vì thế, cuộc tàn sát trở thành một
“sự nghiệp quan trọng” một cuộc “đua tranh” của bọn tội đồ. Chúng giết họ theo
nhiều kiểu khác nhau. Nhưng cách được xử dụng nhiều nhất là “cắm đũa”. Vì trong
trại giam, những vật được coi là vũ khí đều bị cấm nên đám quản giáo chỉ thị
ngầm cho bọn phạm là chỉ sử dụng các vũ khí đặc biệt “tiện lợi, nhẹ gọn”. Phương
tiện hữu hiệu nhất là đũa tre. Những chiếc đũa được vót bằng tre đực già, cứng
như sắt, một đầu được mài nhọn như kim, đầu kia để tù kiểu như đầu một que đan.
Khi đã có được thứ “kiếm tre” này, bọn tội phạm rình lúc các cựu chiến
binh ngủ say, ấn đầu đũa nhọn vào lỗ tai họ đồng thời dùng mu bàn tay hoặc một
hòn đá quả xoài thay cho chiếc búa, đóng thật mạnh vào đầu tù của chiếc đũa cho
nó xuyên từ tai nọ sang tai kia. Người bị hại chết ngay tức khắc, chết không một
tiếng kêu. Kiểu chết này là thứ sáng tạo vô cùng độc đáo của công an
Việt Nam đáng được ghi vào sử sách. Những người cựu chiến binh, đám anh hùng
Trường Sơn năm xưa, những chàng trai “vừa ca hát vừa đi vào chiến trường” đã
được Đảng thân yêu của họ xử lý theo cách đó.
Trong
nhóm đấu tranh của tôi có một người cũng là cựu chiến binh, trong chiến tranh
Việt-Mỹ đã hai lần được đề bạt là anh hùng và cả hai lần đều trượt vì mắc tội
chửi cấp trên là: “Lũ chó, chúng mày ham thành tích, chúng mày giết lính”.
Lúc
xảy ra vụ Thiên An Môn Việt Nam, anh rất lo cho số phận một người đồng đội cũ
nên đến Quảng Ninh tìm. Anh bạn Quảng Ninh nổi tiếng là một tay thiện xạ trong
chiến tranh, ngực treo đầy huân chương, may mắn không bị bắt vì suốt thời gian
xảy ra cuộc biến động phải ở trong bệnh viện nuôi đứa con bị bệnh nặng. Nhưng
hai người bạn thân nhất của anh đã chết trong tù. Người cựu chiến binh này đã để
nước mắt rơi lã chã và nghiến răng nói:
“Những
viên đạn của tôi bay lạc. Đáng lẽ chúng phải găm vào đầu những thằng
khác.”
Đáng
lẽ!…
Đây
là sự vỡ mộng của một người lính bị phản bội. Sự vỡ mộng ấy kèm theo ước muốn
trả thù, nó bạo liệt hơn hơn tất thảy các trạng thái vỡ mộng thông thường, chỉ
bộc lộ bằng những tiếng thở dài ảo não.
*****
Cuộc
chiến tranh Việt-Mỹ là cuộc chiến tranh mà truyền thống yêu nước của dân tộc
Việt Nam đã bị lạm dụng ở mức tối đa.
Xương
máu của lính và dân đổ xuống đã xây nên bức tường thành theo cả nghĩa bóng lẫn
nghĩa thực.
Bức
tường thành đồ sộ ấy có thể là khải hoàn môn cho người này và là cổng vào địa
ngục cho người kia, tuỳ theo cách nhìn của họ.
Đối
với tôi, đó là bằng chứng kinh khủng nhất cho sự nhầm lẫn của con người.
Paris
ngày 11 tháng 2 năm 2013.
Nguồn:
DCVOnline
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen