Dienstag, 6. März 2018

Tàu sân bay Mỹ đã neo đậu trong Vịnh Đà Nẵng

05/03/2018 10:34 GMT+7

TTO - Tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) của Mỹ cùng các tàu khu trục và tuần dương hộ tống đã vào Vịnh Đà Nẵng lúc gần 12h trưa nay, cách không xa cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 5 ngày kể từ ngày 5-3.

·         Quan chức Việt Nam thăm tàu sân bay Mỹ gần vùng biển Đà Nẵng


Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ neo đậu trong vịnh Đà Nẵng từ trưa 5-3 để chuẩn bị cho các hoạt động giao lưu trên bờ - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Thời tiết trên biển Đà Nẵng sáng nay (5-3) không đẹp khi sương mù như lớp màn trắng cuộn trên biển. Tầm nhìn chỉ chừng 10 cây số dù trời nắng đẹp. 
Đến hơn 10h, tiếng còi tàu hụ liên tục trên biển. Sau chừng 10 hồi còi, một khối to lớn xuất hiện trên mặt biển. 
Chừng vài phút sau, phần cabin màu trắng ở phía sau lộ diện cho thấy đó chỉ là một con tàu hàng. 
 Vài lượt như thế nữa, những người đứng ngóng xem tàu bắt đầu nản lòng thì một người bất chợt reo lên: "Tàu kìa". 


Người dân ngóng xem tàu sân bay Mỹ từ điểm cao trên bán đảo Sơn Trà sáng 5-3 - Ảnh: HỮU KHÁ
Lần này dù không nhìn rõ, không có còi hụ nhưng ai cũng chắc chắn nó là tàu sân bay. Bởi cái "sân bóng đá" đen trũi có trạm điều khiển ở giữa to lớn sừng sững. 
Mọi người đều choáng ngợp. Một ai đó nói rằng nếu tàu ngư dân đi trên biển mà nhìn thấy dù ở đoạn cách vài hải lý chắc cũng mệt tim.

Tàu sân bay USS Carl Vinson neo đậu trong Vịnh Đà Nẵng chuẩn bị cho các hoạt động giao lưu trên bờ. Ảnh chụp trưa 5-3 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Thông tin của PV Tuổi Trẻ Online từ hiện trường cho biết tàu sân bay USS Carl Vinson đang ở trong khu vực vịnh Đà Nẵng. 
Tàu dân sự Phú Quốc Express 7 đang neo đậu cách tàu sân bay USS Carl Vinson khoảng 1 hải lý. Giữa hai con tàu này là một sà lan lớn được 3, 4 tàu kéo khác neo giữ. 
Nguồn tin mà Tuổi Trẻ Online có được cho biết các sĩ quan và chỉ huy tàu sân bay sẽ xuống sà lan nói trên trước khi lên tàu dân sự Phú Quốc Express 7 và vào bờ. Tàu Phú Quốc Express 7, có sức chứa 300 người.


Tàu sân bay USS Carl Vinson vào vịnh Đà Nẵng trưa 5-3 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tàu đầu tiên của Việt Nam tiếp cận USS Carl Vinson
Đón ban chỉ huy và sĩ quan tàu sân bay Mỹ sẽ là trọng trách đầu tiên của tàu Phú Quốc Express 7, con tàu mới xuất xưởng từ Hải Phòng. Với chiều dài hơn 33m, rộng 9m, tàu Phú Quốc Express 7 có thủy thủ đoàn 12 người, tốc độ tối đa 28 hải lý/h.


Tàu Phú Quốc Express 7 đang neo đậu ở Cảng Tiên Sa chờ thực hiện nhiệm vụ đón ban chỉ huy tàu sân bay USS Carl Vinson vào bờ ở Đà Nẵng - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
Trước khi đến Việt Nam, tàu USS Carl Vinson - siêu tàu sân bay thứ ba chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz của Mỹ, đã có chuyến thăm Philippines và tiến hành tuần tra ở Biển Đông. 
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một đại diện của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cho biết có 5.000 thủy thủ trên tàu. Lực lượng thủy thủ đoàn hàng ngàn thành viên, cùng các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer và tuần dương hạm Lake Champlain sẽ có nhiều hoạt động ở thành phố Đà Nẵng từ ngày 5 đến 9-3 dưới sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam.


Các thành viên Hải quân Việt Nam rà soát an ninh tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) - nơi diễn ra lễ đón tàu trưa nay - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
Sự xuất hiện của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tại Việt Nam được truyền thông phương Tây bình luận là đặt trong thế đối đầu với sự trỗi dậy của Trung Quốc và các động thái gần đây của Bắc Kinh trên Biển Đông. 
Chuyến thăm cũng diễn ra đồng thời trong bối cảnh ngày càng có nhiều tín hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ an ninh với Việt Nam. 

Tàu hoa tiêu của Hải quân Việt Nam (trên, góc phải) đang dọn dẹp lại luồng đi vào cho tàu sân bay Mỹ cập cảng vào Đà Nẵng. Ảnh chụp trưa 5-3 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trao đổi với Hãng tin Reuters, ông Trương Bảo Huy (Zhang Baohui), một chuyên gia về an ninh Trung Quốc tại Đại học Lingnan Hong Kong, nhận định Bắc Kinh sẽ không hoảng loạn trước diễn biến mới. "Trung Quốc hiểu rõ cách Việt Nam cân bằng quan hệ giữa các nước như thế nào", ông Trương khẳng định.

Một phóng viên ảnh đang theo dõi hướng đi tàu USS Carl Vinson - Ảnh: NGUYỄN THÀNH
Đồng quan điểm, trả lời phỏng vấn của Reuters, TS Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore), cho rằng "tiệm tiến" mới là từ khóa khi nói về chiến lược ngoại giao của Việt Nam. "Việt Nam sẽ chỉ nghiêng về Mỹ ở mức độ sao cho nó không gây ra các phản ứng thái quá từ Trung Quốc", ông Hiệp cho biết. 
Không có sự hiện diện tiền tuyến đó cũng được, nhưng chúng ta sẽ mất đi sức nặng trong tiếng nói và có ít hơn sự ảnh hưởng. Khi nói hải quân Mỹ can dự, nó có nghĩa là hiện diện ở đó"
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen (1997 – 2001)
Từ Mỹ, ông John Kirby - chuẩn đô đốc về hưu của Hải quân Mỹ, nhận định với đài truyền hình CNN rằng chuyến thăm của tàu Carl Vinson không truyền thông điệp tới riêng Trung Quốc hay Việt Nam, mà là cả khu vực. "Sự hiện diện của tàu Carl Vinson là thông điệp tới Việt Nam, rằng nước Mỹ trân trọng và quan tâm mối quan hệ này như thế nào; là thông điệp tới Trung Quốc vì những gì họ đang làm trong khu vực; nhưng quan trọng và rộng lớn hơn, là thông điệp cho cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Nước Mỹ đang ở đây và chúng tôi sẽ hiện diện tại khu vực này", ông Kirby nhấn mạnh.

Tàu sân bay USS Carl Vinson ở cảng đảo Guam (Mỹ) vào tháng 1-2018 - Ảnh: US NAVY
Sau khi cập cảng, tối nay 5-3, 3.000 lính Mỹ sẽ rời tàu sân bay xuống Đà Nẵng tham quan, vui chơi, mua sắm. Lính Mỹ được cho phép ở lại qua đêm trên đất liền. Có 18 khách sạn được huy động để phục vụ cho việc nghỉ ngơi, các điểm vui chơi, mua sắm đã sẵn sàng để đón lính Mỹ.
Sự xuất hiện của nhóm tác chiến tàu sân bay do USS Carl Vinson làm soái hạm được xem là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam kể từ năm 1975.
Trong các ngày ở Đà Nẵng, đại diện tàu sân bay sẽ chào xã giao với lãnh đạo TP Đà Nẵng, Quân khu 5, Bộ Quốc phòng. Các buổi gặp gỡ này sẽ được tổ chức tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng và Bộ Tư lệnh quân khu 5. Các hoạt động trao quà cho trẻ em khuyết tật, trung tâm bảo trợ xã hội, nạn nhân chất độc da cam sẽ được tổ chức tại trụ sở các cơ sở này. 

Thủy thủ trên tàu USS Carl Vinson khi trở về cảng nhà ở Virginia (Mỹ) năm 2012 - Ảnh: US NAVY
USS Carl Vinson là nơi cuối cùng người ta nhìn thấy thi thể của trùm khủng bố Osama bin Laden trước khi y được thả xuống biển năm 2011. Được biên chế năm 1982, ngoài chia lửa và trực tiếp tham chiến tại các chiến dịch quân sự của Mỹ, USS Carl Vinson còn tham gia sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo trên thế giới.
Điển hình như tại trận động đất tại Haiti năm 2010. Cường độ của trận động đất đã gần như đánh gục những nỗ lực tự gượng dậy của đảo quốc trên vùng Caribe. Trước tình hình đó, USS Carl Vinson cùng đội ngũ y tế, trực thăng đã trở thành một bệnh viện nổi, cung cấp các nhu yếu phẩm cho người dân.
Những máy lọc nước biển trên tàu USS Carl Vinson đã góp phần không nhỏ giúp người dân Haiti có nước sạch trong những ngày màn trời chiếu đất vì thảm họa.
NHÓM PV TUỔI TRẺ

__._,_.___

Posted by: Hoangyen Nguyen <hoangyenfrance@hotmail.com>

1 Kommentar:

  1. Ừ muốn vào ghé thăm thì cho vào thôi, chẳng qua là mấy cái thằng dâm chủ này nó được nước thấy tàu nước nhà nó vào nên lên tiếng huênh hoang ghét cái mặt thôi.

    AntwortenLöschen