Người dân xuống đường phản đối Formosa ở Nghệ An, 5/3/2017. (Ảnh:
Facebook Lê Văn Sơn)
Mặc dù vấp phải không ít sự ngờ vực và thậm chí cả dèm pha, song
lời kêu gọi tổng biểu tình đòi các quyền dân sinh, dân chủ và chống
hiểm hoạ Trung Quốc vào các ngày Chủ Nhật bắt đầu từ 5/3/2017 do
linh mục Nguyễn Văn Lý phát động vẫn tạo ra được sự lan tỏa nhất
định, khiến nhà cầm quyền Việt Nam phải đối phó khá vất vả hơn một
tháng qua.
Dưới sức nặng của những sai lầm chồng chất, các chế động cộng sản ở
Liên Bang Soviet và Đông Âu trước kia đều lần lượt sụp đổ. Kết cục
đó trước hết xuất phát từ nguyên nhân nội tại; các nhân tố bên
ngoài đơn giản là chỉ giúp cho quá trình đó diễn ra nhanh hơn. Một
trong những nhân tố bên ngoài có tác dụng tích cực như thế là các
cuộc biểu tình ôn hòa của các tầng lớp nhân dân. (Điều này cũng lặp
lại trong các cuộc Cách Mạng Màu diễn ra ở Đông Âu đầu thập niên
2000).
Ở Việt Nam cũng vậy. Mặc dù sự sụp đổ của chế độ cộng sản trên dải
đất hình chữ S là điều tất yếu, song nếu người dân không tự đứng
lên qua các cuộc biểu tình ôn hòa để đòi nhà cầm quyền cộng sản
phải trả lại các quyền tự do cơ bản chính đáng cho mình thì còn rất
lâu nữa họ mới “tự giác” làm điều đó.
Các cuộc xuống đường từ ngày 5/3
Có lẽ thành công đáng kể nhất của lời kêu gọi tổng biểu tình vừa
qua là đã hâm nóng lại được bầu không khí đấu tranh vốn đã phần nào
lắng xuống trước sự đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền, đặc biệt là
thể hiện qua các cuộc xuống đường đầy khí thế của nhân dân hai tỉnh
Nghệ An và Hà Tĩnh. Đòi hỏi của người dân là hoàn toàn chính đáng:
Formosa phải đền bù thỏa đáng cho nạn nhân của đại thảm hoạ môi
trường do họ gây ra ở Miền Trung; dự án Formosa Hà Tĩnh phải chấm
dứt hoạt động vì không đảm bảo được những đòi hỏi nghiêm ngặt về
môi trường; Formosa Hà Tĩnh cũng như những kẻ đứng đằng sau nó phải
bị khởi tố; nhà cầm quyền phải trả lại cho dân các quyền tự do cơ
bản đã được ghi rõ trong Hiến pháp Việt Nam cũng như trong các công
ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Trước đòi hỏi chính đáng và khí thế của người biểu tình, nhà cầm
quyền đã không dám mạnh tay trấn áp, ngay cả khi hàng ngàn bà con
tràn vào trụ sở UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) sáng ngày 3/4 và bắt
giữ một viên công an trà trộn vào người dân ném đá kích động bạo
loạn.
Đáng tiếc là lời kêu gọi tổng biểu tình đã không nhận được sự ủng
hộ tích cực của một số người đấu tranh ở Hà Nội và Sài Gòn, hai
trung tâm mạnh nhất của phong trào dân chủ Việt Nam nhiều năm qua.
Trong đó, một bộ phận tuy không ủng hộ (với lý do là thực lực phong
trào còn yếu, nhà cầm quyền đang tăng cường đàn áp…) nhưng cũng
không phản đối; số còn lại thì viện những lý do nực cười như Cha Lý
không đủ uy tín, hay lời kêu gọi đó chỉ là trò lừa đảo của “Thủ
tướng” Đào Minh Quân… để công khai phản đối. Mặc dù số người ủng hộ
lời kêu gọi vẫn đông hơn số dèm pha, song trong bối cảnh lực lượng
đấu tranh còn mỏng, chừng đó đã đủ khiến nhân tâm bị phân tán, lực
lượng bị chia rẽ. (“Nuôi quân ba năm, dụng một giờ” – có những dấu
hiệu cho thấy bàn tay của an ninh cộng sản đằng sau sự dèm pha vô lối đó.)
Tổng biểu tình: như thế nào?
Từ trước tới nay, các cuộc biểu tình dẫn tới sự sụp đổ của một chế
độ độc tài trên thế giới thường diễn ra tại những đô thị là trung
tâm kinh tế - chính trị của quốc gia. Biểu tình ở các đô thị lớn dễ
kéo theo sự tham gia của đông đảo quần chúng; một khi sức mạnh đám
đông lan tỏa, quần chúng vượt qua được sự sợ hãi ban đầu, cuộc biểu
tình có khả năng vượt ra ngoài khả năng kiểm soát và đàn áp của nhà
cầm quyền. Do tầm quan trọng của các đô thị lớn trong đời sống
chính trị quốc gia, nguy cơ hệ thống bị tê liệt rồi dẫn tới sụp đổ
là rất cao.
Tại Việt Nam, Hà Nội và Sài Gòn là hai trung tâm chính trị và kinh
tế quan trọng nhất cả nước. Nếu đám đông ban đầu đủ lớn, các cuộc
biểu tình ở hai thành phố này rất dễ biến thành đại biểu tình,
khiến hoạt động bình thường của thành phố bị tê liệt. Trong bối
cảnh hệ thống đã bị phân hóa sâu sắc và ruỗng mục đến tận rường
cột, điều này thực sự đe doạ đến an nguy của chế độ.
Ngoài ra, đặc điểm địa lý của Việt Nam khác với hầu hết các quốc
gia đã từng diễn ra các cuộc biểu tình ôn hòa dẫn đến thay đổi chế
độ. Địa thế của Việt Nam hẹp về chiều rộng và trải dài trên 3 ngàn
km. Quốc lộ 1A kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau là tuyến đường giao
thông huyết mạch xuyên suốt quốc gia, rất nhạy cảm không chỉ về an
ninh quốc phòng mà cả an ninh kinh tế, khi được ví như mạch máu của
nền kinh tế. Nếu Quốc lộ 1A bị chia cắt, không chỉ giao thông Bắc -
Nam bị tê liệt mà hoạt động bình thường của nền kinh tế cũng bị ảnh
hưởng nghiêm trọng.
Kể từ khi vụ đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra bùng
phát ở Miền Trung, một số lần ngư dân đã đổ ra quốc lộ 1A để biểu
tình đòi Formosa bồi thường thiệt hại và chấm dứt hoạt động ở Hà
Tĩnh. Mặc dù mới chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ và mang tính chất ôn hòa
song các cuộc biểu tình đó cũng đã khiến giao thông Bắc - Nam nhiều
lần bị ách tắc.
Các cuộc xuống đường của ngư dân Miền Trung trong gần một năm qua,
đặc biệt là từ ngày 5/3 đến nay, có thể được xem như những cuộc tập
dượt hướng đến cuộc tổng biểu tình cuối cùng.
Vấn đề còn lại là hoạt động biểu tình ôn hòa ở Hà Nội, Sài Gòn và
các thành phố khác cần tiếp tục như thế nào. Trước đây, các cuộc
biểu tình chống Trung Quốc hay phản đối một chính sách không hợp
lòng dân nào đó ở Hà Nội và Sài Gòn thường do các tổ chức xã hội
dân sự (XHDS) phát động. Tuy nhiên, do bị nhà cầm quyền khủng bố và
bao vây kinh tế nên các tổ chức XHDS chậm phát triển cả về bề rộng
lẫn chiều sâu, số lượng người tham gia chưa nhiều. Những nhân vật
nổi bật trong phong trào dân chủ hoặc bị bắt rồi kết án tù, hoặc bị
giám sát chặt chẽ. Chưa hết, hầu như tổ chức XHDS nào cũng bị an
ninh cộng sản cài cắm người nhằm theo dõi, phá hoại và gây chia rẽ
từ bên trong.
Trong bối cảnh đó, để chuẩn bị lực lượng cho các cuộc biểu tình ôn
hòa trong tương lai, các nhà hoạt động cũng như những người tâm
huyết với phong trào đấu tranh dân chủ cần phát triển lực lượng
theo cách phát triển mạng lưới của hoạt động bán hàng đa cấp: mỗi
thành viên trong mỗi tổ chức XHDS xây dựng nhóm bí mật của mình
(gồm những bạn bè, người thân chưa tiện lên tiếng hay hoạt động
công khai) và giữ bí mật về nhóm với các thành viên trong tổ chức
XHDS đó; đến lượt mình, mỗi thành viên trong nhóm lại kêu gọi thêm
thành viên hoặc tự xây dựng nhóm bí mật của riêng mình. Mỗi khi
biểu tình diễn ra, các thành viên XHDS sẽ khích lệ các thành viên
trong nhóm bí mật đi theo quan sát để họ bạo dạn dần. Nếu cuộc biểu
tình bị đàn áp, họ chỉ cần đứng ngoài quan sát; nếu không bị đàn
áp, họ thậm chí có thể hoà vào cuộc biểu tình. “Đội quân tuyến hai”
này là lực lượng mà an ninh cộng sản e ngại nhất, bởi họ vừa đông
vừa khó kiểm soát.
Các cuộc “biểu tình du kích” mà nhiều người đấu tranh đang áp dụng
ở Hà Nội và Sài Gòn hiện nay cần được nhân rộng vì chúng vừa có tác
dụng khuấy động phong trào, thức tỉnh nhân dân, vừa khiến nhà cầm
quyền phải vất vả đối phó. Địa điểm biểu tình là những tuyến phố
nhiều người qua lại hay khu dân cư đông đúc.
Ngoài ra, hoạt động cướp đất núp dưới vỏ bọc là các dự án kinh tế -
xã hội đang tạo ra một đội ngũ dân oan ngày càng đông đảo, đặc biệt
là xung quanh các đô thị lớn trong cả nước. Lực lượng này cần được
tổ chức và kết nối với các tổ chức XHDS đấu tranh cho quyền lợi
người dân cũng như kết nối với nhau để tham gia hoạt động biểu tình
ôn hòa đòi dân quyền, dân chủ và để nhất tề đứng lên khi thời cơ
chín muồi.
Bài viết này không nhằm mục đích kích động bạo loạn, mà chỉ ủng hộ
các cuộc biểu tình ôn hòa, bất bạo động của người dân trong cuộc
đấu tranh để giành lại các quyền tự do cơ bản mà họ đã bị tước đoạt
hơn 2/3 thế kỷ qua. Nếu một cuộc chuyển đổi thể chế êm thấm không được lựa chọn, cuộc tổng biểu tình cuối cùng dưới chế độ
cộng sản tất yếu sẽ diễn ra. Và e rằng đến lúc ấy chính quyền cộng
sản Việt Nam không còn có thể định đoạt được tính chất ôn hòa hay
bạo động của nó.
__._,_.___
Posted by: ly vanxuan <lyvanxuan2006@yahoo.de>
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen