Hình ảnh ở Đồng Tâm, Mỹ Đức (ảnh trên) đêm 15/4/2017
và biểu tình ở Lộc Hà ngày 3/4/2017(ảnh dưới)
Liên tiếp những ngày gần đây, hiện tượng xung đột giữa dân chúng với nhà cầm quyền địa phương đang bộc lộ những nấc thang mới. Mức độ đấu tranh của quần chúng đã có mức nhảy vọt cả về quy mô lẫn chiều sâu nhận thức. Nhà cầm quyền cộng sản tại Hà Nội có vẻ như đang lúng túng giữa một cách hành xử phát xít và một lựa chọn trí tuệ không hổ thẹn với một chính quyền của thế giới dân chủ văn minh.
– Ngày 9/04, Công an thị xã Kỳ Anh đã khởi tố vụ án 150 người tội gây rối trật tự công cộng.
– Ngày 12/04, Công an Hà Tĩnh khởi tố vụ án 2000 người gây rối cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước.
– Ngày 16/04, công an Hà Nội khởi tố vụ án 4 người và đang có khả năng khởi tố vụ án 6000 dân xã Đông Hà, huyện Mỹ Đức gây rối trật tự công cộng, theo điều 245 bộ luật Hình sự.
Sự hoảng sợ thái quá, tư duy cai trị, sự hằn học sĩ diện cùng với sự thèm khát trả đũa đã đẩy các quan chức cấp thấp tới những quyết định có thể bị goị là ngu xuẩn, khiến Hà Nội không biết làm gì.
Khởi tố 150 người, khởi tố 2000 người, rồi đang muốn khởi tố cả 6000 người, không biết ở đâu trên trái đất, có thể có một phiên toà có số phạm nhân nhiều như vậy không và người ta sẽ phải xét xử như thế nào. tại sao có một loại luật pháp mà cùng một lúc có nhiều người vi phạm như vậy?
Hơn thế, một chính phủ có thể kết tội cả dân tộc của nó không?
Trong vụ án bắn chết 3 người tại Đắk Nông, tháng12/2016, ông Phạm Công Út từ Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhận định vụ án “giống như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng trước đây, ông Vươn cũng phải chọn con đường nguy hiểm cho mình khi chấp nhận mang án giết người cũng chỉ nhằm để bảo vệ đất đai của mình. Ở đây là các hộ dân bị “cướp đất” theo cách hiểu của họ, nên họ là những người bảo vệ từng tấc đất của mình, trong đó có nghi can Đặng Văn Hiến.”
Tạị Đồng Tâm, chiều tối hôm 15/04, “dân gọi, báo là đã đổ xăng vào 20 lính cơ động và sẽ đốt nếu làng bị bao vây và tấn công”! Hiện côn đồ bao vây làng, doạ giết và đốt nhà dân!
Khi nhà báo hỏi bà con “có nản chí và sợ hãi không?” Thì họ trả lời rằng: “Dân ở đây thì cho lên máy chém cũng không hết người chị ạ, chúng tôi sẵn sàng giữ đất đến chết. Hiện nay hơn 6.000 dân vẫn đang cố thủ giữa làng.”
Diễn biến tiếp, sẽ như thế nào?
Các vụ vụ khởi tố tập thể, khởi tố số đông dân chúng cho thấy quan hệ giữa người dân và chính quyền đang chính thức trở nên đối kháng. Bên kết án và bên bị kết án. Luật pháp đứng về phía chính quyền diễn giải tội thuộc về dân. Loại luật pháp không bảo vệ người yếu, người thua thiệt trong xã hội là luật pháp phi nghĩa, nó tự huỷ tính cách công lý của nó và nó tự trở nên vô giá trị.
Nó phản ánh tư duy cầm quyền và cai trị, không phù hợp với chế độ của dân, do dân và vì dân. Trấn áp nhằm tiêu diệt ý chí chống đối chính quyền. Lô gíc của nhà cầm quyền là nếu nhượng bộ, người dân sẽ được đằng chân lân đằng đầu, nếu chính quyền không trấn áp, đè bẹp hoàn toàn, thì sẽ buộc phải lùi dần cho đến khi mất hết quyền lực và không còn kiểm soát được ổn định và tồn tại của chế độ.
Chính theo sự dẫn dắt của lối tư duy này, chính quyền chỉ vắt óc tìm mọi thủ đọan, đặt bẫy, lưà bịp, lèo lá lươn lẹo với người dân, nhằm thắng từng chi tiết nhỏ, những cái đầu cai trị này không hiểu được rằng, họ có thể lừa bịp được một vài người mà không thể lừa bịp được số đông, và chỉ có thể che đậy sự thật, có thể bịa đặt đảo lộn thật giả trong một thời hạn nhất định. Với thời gian, thật giả sẽ như cái kim trong bị. Vì vậy, bằng tiểu xảo, nhà cầm quyền chỉ càng làm sự phẫn nộ tăng lên, và chính quyền càng ngày càng không còn chính danh để thực hành pháp luật.
Đó là quy trình tự vô hiệu hoá quyền lực, vô hiệu lực hoá pháp luật.
Chính quyềṇ sẽ không thể dừng ở khởi tố và kết án 2000 người của huyện Lộc Hà, 6000 người của xã Đồng Tâm. Nếu cái cần sửa là chính sách ruộng đất, là luật sở hữu đất đai mà không được sửa, cứ giữ mãi cái “đất đai là sở hữu nhà nước”, để những tên cầm quyền, cầm chức tước đoạt từng miếng cơm của dân, thì nhà cầm quyền sẽ còn phải khởi tố và kết án nhiều dân nữa. Sau Đồng Tâm Mỹ Đức sẽ có hàng trăm, hàng ngàn Đồng Tâm khác.
Cuộc cách mạng ruộng đất, khẩu hiệu “ruộng đất về tay dân cày” đã thúc đẩy người nông dân cả nước vùng lên làm cách mạng giúp đảng cộng sản giành được chính quyền. Nhưng khi có chính quyền trong tay, những người cộng sản đã phản bội dân. Họ đã một lần nữa tước đoạt ruộng đất khỏi tay người cày bằng chính sách “Đất đai thuộc sở hữu nhà nước”. Trên thực tế, nhà nước chính là các cấp chính quyền, bắt đầu và trực tiếp là chính quyền cấp xã, huyện. Sự tàn bạo của chế độ chính là thể hiện qua sự tham lam, vô đạo và vô văn hoá của cấp thấp nhất này.
Hiện tượng ban đầu, người đi biểu tình mang theo cờ đỏ sao vàng, sau đó cờ đỏ sao vàng được thay bằng cờ tôn giáo, bằng linh kỳ truyền thống, rồi gần đây, xuất hiện cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ Cộng hoà Việt Nam, phản ánh sự phát triển nhận thức của quần chúng.
Mang theo cờ đỏ sao vàng, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, chống tệ nạn tham nhũng trong tinh thần bảo vệ chế độ, nhưng bị chính cảnh sát chìm nổi, giả dạng côn đồ, thẳng tay đàn áp. Chính quyền không bảo vệ dân, người dân buộc phải tìm tới sự che chở của thần linh, của chúa trời và hồn thiêng đất nước. Và cuối cùng là một ước nguyện dân chủ, một thể chế dân chủ phổ biến của văn minh nhân loại.
Sự biến mất của cờ đỏ là tín hiệu cờ cộng sản đang không còn mang ý nghĩa tượng trưng hay đại diện nữa. Cùng với nó nghĩa là người ta đang đi đến phủ nhận tính hợp pháp của chính phủ, quyền cai trị của đảng cộng sản.
Các cuộc đối chất trực tiếp phản đối chính quyền địa phương cho thấy người dân đang bắt đầu giai đọan chất vấn tính chính danh của chính quyền và bắt đầu không tìm đến chính quyền như tìm kiếm người bảo vệ các quyền lợi của mình.Luật pháp đang mất dần hiệu lực.
Lý thuyết đấu tranh bất bạo động nhấn mạnh khía cạnh giai đoạn cuối cùng của phong trào quần chúng là tự lập ra uỷ ban tự quản, bất tín nhiệm và vô hiệu hoá quyền lực của chế độ. Không thưà nhận hiệu lực của pháp luật, chính là không thưà nhận chính quyền.
Khi toàn bộ một quốc gia, người dân không tuân thủ chính quyền trực tiếp, thì thực chất, chế độ đã không còn tồn tại, vì không kiểm sóat và không điều hành được các hoạt động xã hội.
Hiện tượng bất tín nhiệm chính quyền địa phương, tự bầu ra người đại diện điều hành tự quản của mình, bất tín nhiệm người của chính quyền, tự hoạt động độc lập với chính quyền của chế độ đã xuất hiện trong làng xã Viết Nam, như một nhu cầu tư nhiên, khi chính quyền chỉ định một cách áp đặt không xứng đáng.
Theo Việt Nam Thời Báo, “bà Trần Thị Hiền kể lại vụ việc bắt đầu vào những ngày đầu tháng 7/2016, xóm Ngọc Thượng có tổ chức một cuộc họp với 39 gia đình tham dự:
“Khoảng 10 năm nay, xóm Ngọc Thượng chưa một lần tổ chức họp xóm đông đủ bà con. Lần họp ấy thì có cả thẩy 39 người. Trong lúc bỏ phiếu và công bố thì tôi được 21/39 phiếu rồi ông Hoàng thì được 18/39 phiếu. Tôi thắng cử và được vỗ tay công nhận, đích thân ông Chủ tịch, Bí thư cũng công nhận trước xóm. Bầu cử xong khoảng 2 ngày thì có ông Phó chủ tịch điện chúc mừng.”
Đây chính là một hình thức dân chủ trực tiếp. Người dân tự bầu ra người đại diện và cơ chế tự quản của mình. Chính quyền chỉ là người chứng kiến.
Phong trào Tổng biểu tình trên cả nước hiện nay cũng mang những hình thức tương tự. Những người biểu tình tự tổ chức, tự tín nhiệm tạo ra đại diện tự quản.
Mặc dù đó mới chỉ là những gì đang xảy ra một cách tự phát, bản năng, chưa phải là những chuyển động có tổ chức và được dẫn dắt theo một chương trình hay một kế hoạch được tính toán mang tính chất kỹ thuật. Nhưng khi hình thành đầy đủ các yếu tố cần thiết cho một chuyển động có ý thức, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, việc ra đời một cơ chế tự quản tách khỏi sự lệ thuộc với chính quyền hiện hữu sẽ là chuyện tự thân và tất yếu.
Đó là sự hình thành nên phong trào xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, mà chính đảng cộng sản đã biết tận dụng và khai thác triệt để sức mạnh của nó, như những khuôn mẫu để làm ra cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc, làm nên cuộc cách mạng giành chính quyền tháng Tám năm 1945.
Nếu nhà cầm quyền không nhận ra tín hiệu có tính quy luật tất yếu đó, thì sự cáo chung của chế độ chỉ còn là chuyện sớm hay muộn.
Không có khó khăn để hình dung những gì sẽ diễn ra:
Hà Nội sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương thương lượng và làm một vài động tác xoa dịu yên dân, mục đích để cứu những CSCĐ đang bị nhốt giam tại nhà văn hoá xã.
Người dân xã Đồng Tâm cũng sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận thả các CSCĐ. Họ không thể và không có điều kiện để giữ mãi, mặc dù chính quyền sẽ không chịu thả những người dân bị lừa bắt đi.
Nhưng vẫn như những lần khác, bài của chính quyền là giả làm như xuống thang, thương lượng để dập tắt lửa, sau đó sẽ áp dụng các thủ đoạn nham hiểm, chia tách từng nhóm, từng cá nhân rồi tạo dựng hồ sơ, chứng cứ giả để luận tội, kết án, khởi tố. Song song việc bắt và truy tố điểm, chính quyền sẽ tạo một áp lực thường trực lên cuộc sống sinh hoạt của cả xã, tạo một không khí khủng bố và một cảm giác thua thiệt. Tất cả con số 6000 người tham dự sự kiện, sẽ lần lượt bị xử lý bằng các thủ đọan khác nhau, âm thầm, nhưng không bỏ só một ai. Các vụ án sẽ bị xử cực nặng. Những cái chính quyền goị là đầu rắn sẽ bị nhà cầm quyền đập dập không thương tiếc.
Tóm lại là cách hành xử của một chính quyền chống lại dân chúng, thù địch với dân chúng.
Có nghĩa là, trước mắt, trong một thời hạn có thể không dài nào đấy, người dân xã Đồng Tâm sẽ thua. Cùng với người dân xã Đồng Tâm, dân chúng cả nước sẽ thua.
Nhưng chế độ đang biến mất. Nó thực sự đã biến mất khỏi ý thức của người dân trong tư cách một chính quyền. Nó đang hiện ra như một tập đoàn của một lực lượng chiếm đóng, đối lập thù địch với dân.
Một thứ chuyển động, ban đầu có thể âm thầm, nhưng sẽ đến lúc nó biến thành một làn sóng không gì ngăn cản được. Đó là làn sóng tẩy chay chính quyền trên quy mô toàn quốc. Dân chúng sẽ tự lập ra các uỷ ban tự quản, không chấp hành luật pháp và chính sách của chính phủ. Không nộp thuế và bất cứ một nghĩa vụ đóng góp nào cho chế độ. Một chính quyền thật sự của dân, vì dân sẽ tự hình thành như vậy.
Phong trào Tổng biểu tình hiện nay đang có thêm động lực và phải gánh lấy trách nhiệm hỗ trợ và hậu thuẫn cho đồng bào xã Đồng Tâm.
Đồng Tâm đang rất cần sự hỗ trợ về Pháp lý, về Tinh thần và về Vật chất của toàn thể đồng bào, cả trong nước lẫn ngoài nước.
Hãy kêu gọi cả nước đứng dậy vì Đồng Tâm. Hãy bảo vệ bà con Đồng Tâm. Phản đối âm mưu khởi tố tập thể.
Hãy kêu gọi sự xuất hiện của nhân cách xuất chúng trong hàng ngũ những lãnh đạo cộng sản hiện tại vì một giải pháp ôn hoà tới nền dân chủ đích thực cho dân tộc Việt.
Giải pháp cho Đồng Tâm chứa đựng giải pháp cuối cùng, vĩnh viễn cho tương lai Việt Nam.
Ngược lại, dẫm đạp lên quyền sống của người dân, luật Magnitsky Toàn cầu sẽ không bỏ sót bất cứ kẻ nào.
Đàn áp, giết dân, thì không thể còn tư cách tồn tại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khi nói tới vụ dùng bom hoá học để giết chính dân Syria của Bachar al Assad, đã tuyên bố, “chính phủ giết chính dân của mình thì không còn tư cách cầm quyền”. “Nó đáng bị dội bom tiêu diệt”.
Chính quyền cộng sản Hà Nội, nếu cũng lựa chọn giết dân, hoặc bỏ tù cả 6000 dân xã Đồng Tâm, cũng sẽ là một chính quyền đáng bị bỏ bom tiêu diệt.
Bùi Quang Vơm 17-4-2017
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen