Từ năm 2015, một tu viện ở Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh, phải đối mặt với sức ép di dời để nhường đất cho một phần của khu đô thị mới thuộc Quận 2.
Soeur Đặng Thị Mỹ Hạnh, thư ký Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, hôm 17/1 cho VOA biết chính quyền địa phương muốn gắn việc “giải phóng mặt bằng” một ngôi trường từng thuộc tu viện Dòng Mến Thánh Giá với việc di dời cả tu viện, nhưng phía tu viện không chấp nhận.
Giải thích về sự lắt léo trong ý định của chính quyền nhằm di dời tu viện, Soeur Mỹ Hạnh cho biết hồi năm 1975, tu viện đã cho chính quyền của những người cộng sản “mượn” trường học của tu viện. Đến năm 2015, khi có dự án xây đô thị mới ở Thủ Thiêm, ngôi trường trong diện bị phá dỡ để làm đường. Tu viện đã đề nghị chính quyền bồi thường nhưng họ từ chối. Chính quyền nói nếu “tính chung” cả tu viện và ngôi trường, thì họ sẽ bồi thường.
Theo Soeur Mỹ Hạnh, cho đến nay chính quyền chưa gửi văn bản chính thức đặt ra hạn chót di dời song họ có những hình thức gây sức ép khác:
“Họ cứ làm cách này cách kia. Họ nói là mình muốn được bồi thường trường học thì phải tính cả cơ sở nhà dòng thì họ sẽ bồi thường. Nhưng nhà dòng không bao giờ bằng lòng chuyện đó hết”.
Soeur Mỹ Hạnh cho hay chính quyền đã nhiều lần “hiệp thương” với tu viện. Phía chính quyền nói sẽ cấp đất ở nơi mới cũng như bồi thường chi phí di dời và xây dựng. Tuy nhiên, phía tu viện kiên quyết không ra đi, dù giá trị vật chất của khoản bồi thường có là bao nhiêu. Soeur thư ký của tu viện đưa ra quan điểm:
“Cơ sở này nhà dòng đã lập trên 177 năm rồi. Đây là tên gọi Thủ Thiêm, Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm thì phải gắn vào đất Thủ Thiêm này. Nhà dòng có bao giờ dự định di dời một cơ sở lớn như vầy. Mà chị em tu hành an cư lạc nghiệp. Mình ở một vị trí quá lâu nay rồi, không có muốn đi đâu hết”.
VOA đã cố liên lạc với Ban Bồi thường và Giải phóng Mặt bằng Quận 2 để nghe ý kiến từ phía họ, nhưng không có người trả lời điện thoại.
Lịch sử ghi chép lại rằng giáo đoàn Thủ Thiêm, nơi có Tu viện Dòng Mến Thánh giá, được thành lập năm 1840. Một nhà thờ gỗ được dựng lần đầu ở đó năm 1865.
Các tài liệu khác nhau cho thấy ở khu vực thuộc quy hoạch làm khu đô thị mới Thủ Thiêm, có gần 30 công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, bao gồm các đình, chùa, đền, miếu, tịnh xá, tu viện, nhà thờ và nhà nguyện.
Tuy nhiên, tới giữa 2016, nhiều công trình trong số đó đã bị phá dỡ, di dời. Trong đó, sự kiện gây chú ý là hồi đầu tháng 9 năm ngoái, chính quyền đã cưỡng chế việc di dời chùa Liên Trì dù các vị sư đã tọa kháng.
Một kiến trúc sư đề nghị không nêu tên sinh sống ở miền nam Việt Nam nói với VOA rằng cả chính quyền lẫn hai công ty thiết kế đều đã mắc một lỗi lớn trong quy hoạch khu Thủ Thiêm.
Ông nói sau khi nghiên cứu hồ sơ quy hoạch khu Thủ Thiêm, ông thấy chính quyền đã không nêu ra yêu cầu phải bảo tồn và tích hợp các di sản văn hoá, tôn giáo, kiến trúc vào khu đô thị mới. Trong khi đó, hai công ty thiết kế lần lượt là Sasaki của Mỹ và Norman Foster của Anh đều không có tư vấn, góp ý gì về vấn đề này. Các văn bản liên quan thể hiện điều đó. Vị kiến trúc sư cho rằng “đạo đức của hai công ty có vấn đề.”
Trên mạng xã hội, khi biết tin tu viện của Dòng Mến Thánh giá đang chịu sức ép di dời, nhiều người bày tỏ sự bất bình và đưa ra bình luận rằng chính quyền hoặc “có tầm nhìn ngắn về văn hóa” hoặc “quá tham lam” trong việc phát triển đô thị. Về phần mình vị kiến trúc sư muốn giấu tên đưa ra nhận xét:
“Cách làm quy hoạch của Việt Nam khá là lỗi thời với lạc hậu. Các cách quy hoạch tiên phong với tiến bộ nhất thì người ta tìm cách cố gắng giữ lại tối đa tất cả những gì có giá trị lịch sử ở trong cái hiện trạng. Còn cái cách quy hoạch cũ là họ xóa bỏ toàn bộ, giải tỏa trắng. Đó là một cách quy hoạch sai lầm, với lại nó đã lạc hậu rồi”.
Một số người có kiến thức về quy hoạch đô thị viết trên mạng xã hội rằng Tp. HCM có thể dễ dàng điều chỉnh cục bộ bản quy hoạch Thủ Thiêm là có thể giữ lại gần như nguyên trạng quần thể tu viện Mến Thánh giá và nhà thờ Thủ Thiêm. Có người cho rằng việc đập bỏ cơ sở vật chất của một dòng tu có gần 177 năm lịch sử chuyên chú phụng sự xã hội có thể xem như một tội lỗi.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen