Công ty China Chengda Engineering vừa tuyển trên 2.100 người lao động Trung Quốc làm việc tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3.
Bà Sơn Thị Ánh Hồng, phó chủ tịch UBND
tỉnh Trà Vinh cho biết, quyết định này được ban hành ngày 2/7. Theo
đó, Trà Vinh đã cho phép Công ty China Chengda Engineering được tuyển
trên 2.100 người lao động Trung Quốc đến làm việc tại công trình Nhà máy
nhiệt điện Duyên Hải 3 (tỉnh Trà Vinh).
Lý do: không tuyển được lao động người Việt Nam.
Trả lời trên báo Tuổi Trẻ, bà Hồng cho
biết, đây là quyết định đã được thông qua nhiều cấp liên quan, có sự
kiểm tra của Sở Lao động – thương binh và xã hội. “Quyết định này không
dựa vào báo cáo một chiều từ phía công ty”, bà Hồng khẳng định.
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Dương
Quang Ngọc (phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội) cho rằng
phía Công ty China Chengda Engineering có chuyển thông tin tuyển dụng
lao động đến sở và các phòng lao động – thương binh và xã hội cấp huyện,
thành phố cũng như các trung tâm giới thiệu việc làm. Toàn bộ vị trí
tuyển dụng không phải lao động phổ thông mà là lao động kỹ thuật cao và
chuyên gia.
Theo ông Ngọc, sau khoảng hai tháng đăng
tuyển, số lượng lao động trong nước có rất ít người nộp hồ sơ xét tuyển
hoặc có gửi hồ sơ nhưng không đến phỏng vấn xin việc làm. Do đó phía
công ty xin các cấp lãnh đạo liên quan tuyển lao động người nước ngoài
(quốc tịch Trung Quốc) để đảm bảo tiến độ thi công.
“Tuy nhiên, số lượng hơn 2.100 lao động
được tuyển trong vòng bốn năm (2014-2018) chứ không phải tuyển đột xuất
trong khoảng thời gian ngắn” – ông Ngọc nhấn mạnh.
Trước đó, thông tin báo chí có phản ánh
về tình trạng lao động tràn lan khắp các dự án lao động trong nước nhưng
địa phương không quản lý được.
Ngay tại tỉnh Trà Vinh, sau khi Sở
LĐ-TB&XH Trà Vinh cùng phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh
kiểm tra và phát hiện có 920 lao động, hầu hết là người Trung Quốc, đang
làm việc tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà
Vinh).
Thế nhưng trong đó chỉ có 517 lao động
được cấp giấy phép lao động, đang xin cấp giấy phép 165 lao động, miễn
cấp giấy phép tám lao động và 230 lao động đang làm việc nhưng chưa được
cấp giấy phép.
Trước tình trạng này, Trà Vinh đã phải
vội vàng ra tối hậu thư cho những lao động nước ngoài chưa được cấp
phép. Theo đó, bà Phan Thị Thanh Bình, giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà
Vinh khẳng định từ ngày 15/5, sẽ không được vào công trình làm việc.
Lao động TQ tràn khắp Bắc-Trung-Nam
Không chỉ có Trà Vinh, báo cáo của nhiều
tỉnh thành khác cũng cho biết tình trạng tương tự. Tuy nhiên, tới nay
mới chỉ Trà Vinh thể hiện quan điểm quyết liệt xử lý những trường hợp
này.
Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Bình Thuận
ngày 31/3, cho biết tại công trường Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 2
(xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, Bình Thuận) còn 528 lao động (LĐ) người
Trung Quốc. Trong số đó chỉ có 283 lao động có giấy phép, còn lại là lao
động “chui”.
Tại Thanh Hóa, nhà thầu Viện Nghiên cứu
và thiết kế ximăng Hợp Phì (Trung Quốc) đưa 163 lao động Trung Quốc sang
làm việc có thời hạn từ nay đến tháng 12/2014 tại Nhà máy ximăng Công
Thanh.
Điều đáng nói là trong số 163 lao động
này chỉ có 49 lao động có trình độ chuyên môn đại học trở lên; còn tới
114 lao động kỹ thuật mà hầu hết tại VN đều sẵn có nhưng nhà thầu Trung
Quốc không tuyển dụng.
Khi dự án Formosa triển khai tại Khu
kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nhiều doanh nghiệp, nhà thầu
Trung Quốc đã trúng thầu và kéo theo hàng nghìn lao động “chân tay” đi
theo.
Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng được
tỉnh Hà Tĩnh ủy quyền cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, trong
đó có1.560 người được cấp giấy phép lao động, chủ yếu là người Trung
Quốc. Nhiều người Trung Quốc sang VN bằng đường du lịch và sau đó ở lại
làm thuê.
Lo ngại
GS- TSKH Nguyễn Mại -nguyên Thứ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Không chỉ lao động Trung Quốc mà tất
cả lao động khi vào FDI tại Việt Nam cũng đều trái luật. Vì FDI là thu
hút lao động địa phương, chuyển giao công nghệ cao… chúng ta không dại
đi tuyển lao động phổ thông từ nước ngoài”.
Ông cho biết thêm, theo nguyên tắc, bất
kể lao động nước ngoài nào khi vào Việt Nam cũng phải đăng ký, tuy nhiên
vẫn xuất hiện những trường hợp lao động Trung Quốc đăng ký kỹ sư nhưng
lại làm việc chân tay thì đó là trách nhiệm của Sở LĐ&TBXH các tỉnh.
Quản lý quá lỏng léo, không có biện pháp kiểm tra, giám sát.
“Cũng phải khẳng định việc lao động
Trung Quốc tồn tại như vậy là hoàn toàn trái ngược với mục đích chính
sách thu hút FDI của Việt Nam”, GS Nguyễn Mại nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm
Chi Lan lo ngại sự im lặng, làm ngơ, tiếp tay của cơ quan chức năng sẽ
làm mất tính độc lập, chủ động của nền kinh tế VN…
“Để lao động Trung Quốc tràn lan mà
không xử lý được thì phải xem xét lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan
này. Có chuyện bao che, làm ngơ hay không? Nếu chỉ cần nhìn vào mức độ
nhập siêu của Việt Nam cũng có thể thấy mức độ kinh tế phụ thuộc vào
Trung Quốc là rất nặng. Nhưng điều tôi lo sợ nhất là sự im lặng, làm ngơ
hoặc tiếp tay cho hiện tượng này. Điều này sẽ làm mất tính độc lập, chủ
động của nền kinh tế Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc”, bà Lan
nói.
Đất Việt
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen